Sách thiêng liêng: Cái nhìn của Lòng Thương Xót

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1266 | Cật nhập lần cuối: 4/24/2020 9:55:25 AM | RSS

Dẫn nhập

Sách thiêng liêng: Cái nhìn của Lòng Thương XótTôi đã đọc ở đâu đó (tôi không còn nhớ ở đâu) quả quyết này: “Quá nhiều lời về tình yêu xoay quanh mầu nhiệm, thay vì đi vào trong đó”. Tôi cho rằng chúng ta cũng phải nghĩ như vậy về lòng thương xót, một tâm tình không gì khác hơn là một sắc thái đặc biệt của tình yêu. Lời tôi sắp sửa nói đây sẽ chỉ có thể thuộc về phạm trù trước, tức là lời xoay quanh mầu nhiệm. Để đi vào trong, cần phải cảm thấy được lôi cuốn. Chúng ta có thể gõ cửa, nhưng cửa chỉ mở ở bên trong. Quả thực, trong Kinh Thánh, mầu nhiệm của lòng thương xót đồng hóa với mầu nhiệm tinh tuyền và thuần túy của Thiên Chúa. Ngài là bụi gai cháy, chúng ta không thể đến gần nếu không cởi giày ra và nếu không từ bỏ tham vọng một mình đi tới, theo suy luận riêng của mình.

Tại sao lại viết về lòng thương xót? Sự hoài nghi của tôi là có thực. Tôi đã có thể vượt qua nhờ ký ức về một đoạn Phúc Âm, đoạn nói về người bất toại đã ba mươi tám năm bên hồ nước Bêtdatha, được Gioan kể lại (1). Người ta xác tín rằng nước của hồ có quyền năng thuyên chữa người nào xuống đó trước, khi có thiên thần khuấy động nó. Con người đáng thương phàn nàn với Đức Giêsu là không có ai đưa anh ta xuống hồ lúc nước được khuấy động.

Hồ nước làm phép lạ, nhưng phải có ai giúp người bất toại, đẩy anh ta xuống nước. Đó là mục đích và hy vọng khiến tôi viết những trang này: khao khát và tự mình thúc đẩy mình viết và, nếu có thể, người đọc tôi đẩy tôi nhào vào trong hồ nước tái sinh lớn lao của lòng Chúa thương xót. Nước hồ này lại được “khuấy động” cho cả một năm, nhờ vào Năm Thánh Lòng Thương Xót của Chúa, do Đức Giáo hoàng Phanxicô đề ra nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm bế mạc Công Đồng Vaticanô II.

Mối liên hệ giữa đề tài về lòng thương xót và Công Đồng Vaticanô II không có gì là võ đoán hay thứ yếu. Trong diễn văn khai mạc Công Đồng, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã chỉ ra rằng sự mới mẻ và kiểu cách của Công Đồng nằm ở lòng thương xót. Ngài nói:

“Giáo hội đã luôn chống lại những sai lầm, thậm chí còn nghiêm khắc lên án. Tuy vậy ngày nay, Giáo hội của Chúa Kitô thích dùng phương dược của lòng thương xót hơn là sự nghiêm khắc.”

Một cách nào đó, với khoảng cách nửa thế kỷ, Năm Thánh Lòng Thương Xót biểu dương sự trung thành của Giáo hội với lời hứa này. Đôi điều về nội dung cuốn sách. Thuật ngữ thương xót (tiếng Do Thái là hesed, tiếng Hy Lạp là eleos) được sử dụng trong Cựu Ước và Tân Ước theo hai ngữ cảnh và hai nghĩa khác nhau, cho dù chúng có liên hệ với nhau. Theo nghĩa đầu tiên và nguyên thủy, nó nói lên tình cảm của Thiên Chúa đối với các thụ tạo; theo nghĩa thứ hai, nó cho thấy tình cảm mà thụ tạo phải có đối với nhau, Một sự thương xót là ân huệ và một sự thương xót là bổn phận, hoặcđúng hơn là món nợ, như chúng ta sẽ thấy.

Do đó, trong phần đầu cuốn sách, chúng ta sẽ suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, về những cách bày tỏ nó trong lịch sử cứu độ và nơi Đức Kitô, và những phương thế nhờ đó chúng ta bắt gặp nó trong các bí tích của Giáo hội; trong phần thứ hai, chúng ta sẽ suy niệm về bổn phận phải thương xót và về những “công việc” của lòng thương xót, đặc biệt về bổn phận của Giáo hội và của các thừa tác viên phải tỏ lòng thương xót đối với các tội nhân, như xưa Đức Giêsu đã thương xót họ.

Mục lục

DẪN NHẬP

1. LÚC KHỞI ĐẦU ĐÃ CÓ TÌNH YÊU (KHÔNG PHẢI LÒNG THƯƠNG XÓT!)

2. “NGƯỜI ĐÃ NHỚ LẠI LÒNG THƯƠNG XÓT”

3. “NGƯỜI ĐÃ ĂN UỐNG TẠI NHÀ MỘT NGƯỜI TỘI LỖI!”

4. “TÔI CŨNG VẬY, TÔI KHÔNG KẾT ÁN CHỊ”

5. “TA MUỐN LÒNG NHÂN TỪ CHỨ KHÔNG MUỐN CỦA LỄ”

6. “MỘT PHỤ NỮ TIẾN LẠI GẦN ĐEM THEO MỘT BÌNH BẠCH NGỌC ĐỰNG DẦU THƠM”

7. LÒNG THƯƠNG XÓT ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI “BẤT HỢP LUẬT”

8. TIN VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA

9. “TRÊN TRỜI AI NẤY SẼ VUI MỪNG VÌ MỘT NGƯỜI TỘI LỖI ĂN NĂN SÁM HỐI”

10. “THIÊN CHÚA ĐÃ BIẾN NGƯỜI THÀNH HIỆN THÂN CỦA TỘI LỖI, VÌ CHÚNG TA”

11. NGƯỜI ĐÃ SỐNG LẠI ĐỂ CHÚNG TA ĐƯỢC NÊN CÔNG CHÍNH

12. “SỰ CÔNG CHÍNH CỦA THIÊN CHÚA ĐÃ ĐƯỢC TỎ HIỆN”

13. “NÀY CON, CON ĐÃ ĐƯỢC THA TỘI RỒI”

14. “CÁC NGƯƠI SẼ HÂN HOAN MÚC NƯỚC NƠI SUỐI ƠN CỨU ĐỘ”

15. “PHÚC CHO NHỮNG AI CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT, VÌ HỌ SẼ ĐƯỢC XÓT THƯƠNG”

16. “HÃY MẶC LẤY LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT”

17. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA NGƯỜI NGOÀI

18. “CHÚA CHA SẼ BAN CHO ANH EM MỘT ĐẤNG BẢO TRỢ KHÁC”

KẾT LUẬN

Raniero Cantalamessa (Tác giả)
Lm. Trần Đình Quảng (Chuyển ngữ)
Nguồn: ducbahoabinhbooks-osp.com