Đại Đạo Văn Uyển tập Trinh (số 19): Giao cảm

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2129 | Cật nhập lần cuối: 12/15/2016 2:37:39 PM | RSS

1. ĐẠI ĐẠO VĂN UYỂN tập TRINH (số 20), quý Bốn 2016, kết thúc năm Bính Thân, vừa đóng thêm một cột mốc trên dặm dài phổ thông giáo lý của anh chị em áo trắng chúng ta với phương tiện là Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.Đại Đạo Văn Uyển tập Trinh (số 19): Giao cảm

Quý Bốn nhắc chúng ta nhớ tới tiết Đông Chí, quẻ Phục, một hào dương lẻ loi so với năm hào âm. Nếu nhìn âm theo góc cạnh tiêu cực, dương là tích cực, thì hình tượng quẻ Phục gợi ý cho chúng ta liên tưởng về một ánh lửa lẻ loi giữa màn đêm tăm tối, nhưng lại hứa hẹn sẽ đem đến một tương lai bừng sáng. Đó là lý do chúng tôi chọn ảnh bìa cho tập Trinh năm 2016 này là một ánh đèn cô đơn, mượn của nước ngoài (http://www.dore-kau.com). Mà xưa nay, các bậc hướng đạo chân tu há chẳng phải thường mang mặc thân phận ánh đèn đơn côi giữa cõi ta bà phiền trược đấy sao?

Nhân nói về sự đối đãi giữa ánh sáng và bóng tối, xin dẫn lại một đoạn trong Dưới Mái Đạo Viện (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2013, tr. 12), để chúng ta cùng suy niệm:

“Cũng cùng một ngọn nến, vậy mà trong bóng tối thì sáng nhưng ra ánh sáng thì lu mờ hẳn đi. Tức là nó chỉ có tác dụng trong bóng tối. […] Khi giảng đạo trên núi, Đức Giêsu dạy các Thánh tông đồ thế này: Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.’ (Matthêu 5:14). […] Ngọn đuốc thiêng chánh pháp chỉ cần thiết khi cần dắt lối dẫn đường cho những người còn lần mò trong đêm đen tăm tối.”

2. Nói về ánh sáng, lại nhớ lời Đức Cao Tiếp Văn Pháp Quân dạy ngày 30-01 Đinh Dậu (01-3-1957) trong đàn cơ tại Trung Hưng Bửu Tòa (Hội Thánh Truyền Giáo):

“Truyền đạo là gieo giống lành vào lòng chúng sanh, và gieo sự sáng vào cõi tăm tối. Giống lành sự sáng chính là Thượng Đế hay là đạo đức. Có giống lành sự sáng nơi mình mới có mà gieo, chớ không lẽ hai tay không vãi vào thiên hạ bằng thứ chi để cứu.

Giống lành sự sáng ta có sẵn là nhờ ta tiếp liên với Thượng Đế, do nhiều công phu tu tập lâu ngày. Cái thân làm chỗ chứa giống lành sự sáng, chớ không phải tự nhiên không mệt nhọc mà có. Có là nhờ thân ta đã dọn sạch giống dữ, sự tối ra khỏi, để cho giống lành sự sáng được tụ. [1]

Từ thánh huấn ấy hãy cùng nhau lắng lòng suy gẫm. Người hướng đạo Cao Đài tự thân phải là một nguồn sáng được liên kết với Đức Chí Tôn nhờ lòng thanh tịnh, vô dục, vô ngã. Mối Đạo Thầy ngót một trăm năm nếu chưa được tỏa sáng phải chăng vì người hướng đạo Cao Đài chưa đủ là nguồn sáng tự thân? Hướng đạo chưa tự sáng phải chăng vì chưa liên kết được với Thầy? Chưa liên kết được với Thầy phải chăng vì lòng riêng hãy còn mang mể niềm kia nỗi nọ?

3. Văn Uyển tập Trinh ấn hành vào dịp cộng đồng áo trắng cùng trân trọng kỷ niệm ngày Khai Minh Đại Đạo. Khai Minh 開明 tức là làm cho sáng tỏ, soi sáng (enlightening). Vậy, phải chăng mỗi một mùa Khai Minh Đại Đạo hãy nên là một dịp phản tỉnh nội quán để người hướng đạo tự nhìn lại ngọn đèn ở chính mình? Nếu tự mình chưa sáng thì còn biết “khai minh” như thế nào để cho Đạo Thầy được sáng?

Cũng nhớ lại, đàn cơ tại thánh thất Nam Thành, Tuất thời, mùng một Tết Ất Tỵ (02-02-1965), Đức Chí Tôn dạy:

Thủy triều vận tải Đông Tây

Danh con được rạng, Đạo Thầy hoằng dương.

Rạng rạng rỡ, sáng rực. Vậy, nếu con Thầy chưa được rạng danh phải chăng là bởi còn thiếu một điều kiện về sự tỏa sáng từ ngọn đèn ở người hướng đạo Kỳ Ba?

4. Nói tới ngọn đèn tỏa sáng ở người hướng đạo (có trọng trách dẫn dắt đạo hữu) thì không có nghĩa là loại trừ người tín đồ, không phải là bỏ qua cộng đồng tín chúng.

Đồ là học trò, môn đồ; tín là tin tưởng. Ta đến với tôn giáo Cao Đài, tự nguyện làm môn đồ của Đức Cao Đài Giáo Chủ (Ngọc Hoàng Thượng Đế), là bởi ta tin tưởng vào con đường giải thoát mà Thầy mở ra cho sanh chúng vào Kỳ Ba. Nhưng trong đạo hữu chúng ta, có người đức tin ngày càng thêm kiên cố, thêm sâu dày, thì cũng không tránh khỏi có người chao đảo đức tin, mất đức tin để rồi nhạt đạo, hoặc thậm chí là … bỏ đạo! Lý do vì sao lại xảy ra trường hợp thứ hai đáng tiếc như thế?

Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy dạy rồi:

Đức tin như cái đèn dầu

Đèn mà không cháy tại dầu khô khan.[2]

Vậy thì hình ảnh cây đèn dầu trên bìa Văn Uyển tập 20 này cũng gợi ý chúng ta soát xét lại xem “dầu” của mình có còn đầy đủ không? Ta có thường châm thêm “dầu” vào đèn và chùi lau “bóng đèn” cho luôn tỏ sáng không?

Thường xuyên học hỏi giáo lý để kiên định chánh tín, chuyên cần thực hành công phu để thanh tịnh nội tâm, đó chính là cách tín hữu chúng ta biết châm dầu và lau chùi bóng đèn cho mình. Đồng thời, người hướng đạo chẳng những săn sóc cây đèn của bản thân mà còn không quên truyền dầu cho những ngọn đèn của đạo hữu, tín chúng.

5. Chúng ta khép lại đây năm Bính Thân để chuẩn bị đón năm Đinh Dậu. Xin nguyện cầu giúp nhau bảo trọng ngọn đèn của mỗi anh chị em, để cùng thắp sáng cho nhau, dìu dắt nhau đi tiếp vững vàng trong niên trình 2017 cận kề.

BAN ẤN TỐNG

------------------------------------------

Chú thích:

[1] Phạm Văn Liêm, Hồng Ân Tận Độ. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2016, tr. 111. (Quyển 92-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)

[2] Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội : Nxb Tôn Giáo 2016, tr. 118. (Quyển 36-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.)