Bài giảng của Ngài Minh Thiện (2): Sự tích Khai Đạo Minh Lý

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3395 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

2. Sự Tích Khai Đạo Minh Lý


Bài giảng của NGÀI MINH THIỆN nhân lễ kỷ niệm lần thứ 40 Minh Lý Đạo khai

Đêm 26-11 Quý Mão (10-11-1964)


Thưa chư quý ông, chư quý bà,

Thưa chư đạo hữu nam nữ,


Hôm nay, chúng tôi Minh Lý môn sanh tề tựu tại chùa để thiết lễ cúng kỷ niệm Minh Lý Đạo khai, nghĩa là nhắc nhở, ghi nhớ ngày đầu tiên mà Tiên Phật ban hiệu Đạo Minh Lý và tặng bài Tặng Ngọc Đế.


Đạo Minh Lý khai từ năm Giáp Tý (dương lịch là năm 1924). Từ năm Giáp Tý (1924) cho tới năm nay là năm Quý Mão (1963), đạo Minh Lý đã trải qua một thời gian là 39 năm. Vậy lễ kỷ niệm nầy là lễ kỷ niệm năm thứ 40.


Chúng tôi rất hân hạnh đặng thấy chư quý ông, chư quý bà nhân lễ kỷ niệm có lòng đến hộ niệm cho chúng tôi ngày hôm nay. Lại tôi rất cảm động đặng thấy các đạo hữu nam nữ tề tựu đông đủ tại chùa để:


1. Cầu nguyện Thượng Đế ban ơn lành cho tất cả chúng sanh.

2. Tỏ lòng biết ơn cùng các đấng Giáo Chủ và chư Phật chư Tiên đã dày công khai sáng mối đạo Minh Lý.

3. Hội diện đông đủ các đạo hữu Minh Lý để gặp biết nhau, ngõ hầu kết chặt tình thân ái như con chung một nhà.


Vậy hôm nay tôi xin nhắc sơ sự tích khai Đạo và các nguyên tắc lập Đạo và tu thân của Đạo Minh Lý theo dàn bài sau nầy:


I. Lời nói đầu

II. Tóm tắt sự tích khai Đạo

a. Ngày giờ khai Đạo

b. Phương pháp khai Đạo

c. Nghĩa Minh Lý Đạo

d. Nghĩa Tam Tông Miếu

III. Các nguyên tắc lập Đạo

a. Tam Giáo hiệp nhứt

b. Tam Giáo quy nguyên

c. Chấp trung thủ nhứt

IV. Các nguyên tắc tu thân

a. Tam ngũ nhứt (bàn đàn và nóc chùa)

b. Tiêu ngữ (bình đẳng, cộng tác, hòa ái)

c. Thập ngưu đồ (tu tâm, luyện khí)

d. Tề Vật Đàn (bình đẳng tuyệt đối)

đ. Nhứt tâm thành kỉnh (Tâm và Đạo vẫn có một)

V. Kết luận


* * *


I. LỜI NÓI ĐẦU


Bởi duyên cớ nào mà hôm nay có lễ kỷ niệm Minh Lý Đạo khai?


Vốn là vào năm 1921, 1922, 1923, chúng tôi là một nhóm bảy công chức và tư chức thường hội hiệp nhau, mỗi tháng mỗi người bỏ ra hoặc năm đồng, hoặc ba đồng, để làm vốn in kinh phổ thông phát không trong xứ, cốt yếu để cầu phước báu mà thôi. Lần lần, chúng tôi mới phát tâm nghiên cứu các kinh Tam Giáo Đạo. Kế sau nữa, theo phong trào đương thời bấy giờ, có người trong nhóm chúng tôi tập làm đồng tử để cầu Phật Tiên dạy đạo.


Một đêm nọ, có một vị đạo hữu ở đàn khác đặng lịnh Bề Trên đến báo tin cho chúng tôi biết rằng: “Đã tới ngày giờ, các ông phải lập đàn cho Bề Trên giáng dạy Đạo.”


II. TÓM TẮT SỰ TÍCH KHAI ĐẠO


a. Ngày giờ khai Đạo

Ngày chúng tôi đặng lịnh khai đàn là ngày 26 tháng 11 năm Giáp Tý (dương lịch năm 1924), vào lúc 10 giờ tối. Nhưng đến khi khai đàn chánh thức là đã đến 11 giờ khuya (giờ Mậu Tý), bước qua ngày 27 thuộc Bính Tý, tháng 11 cũng thuộc Bính Tý.


Thế thì Minh Lý Đạo khai, chẳng những trúng vào năm Giáp Tý (1924), mà tháng, ngày, giờ cũng đều là thuộc Tý cả. Chính là theo âm lịch nhằm:

- Năm: Giáp Tý (1924).

- Tháng: Bính Tý, là tháng 11.

- Ngày: Bính Tý, là ngày 27.

- Giờ: Mậu Tý, là từ 11 giờ tối tới 1 giờ khuya.


Chúng tôi ghi trong lịch Tam Tông Miếu ngày 27 tháng 11 là ngày chánh lễ kỷ niệm Minh Lý Đạo khai. Còn chiều nay là ngày 26 tháng 11, chúng tôi khai mạc buổi lễ theo thông lệ của chùa Tam Tông Miếu, nhưng phải chờ đến 11 giờ khuya bắt đầu bước qua ngày 27, mới chánh thức hành lễ kỷ niệm tại chánh điện.


b. Phương pháp khai Đạo

Từ xưa, trong nước ta có nhiều đàn cầu Tiên Phật, mà sự tín ngưỡng của thiên hạ hãy còn mơ màng. Họ chỉ đến hầu đàn cầu thuốc, hay hỏi về việc danh lợi mà thôi, chớ ít ai để ý về mặt đạo đức. Nhờ một đạo hữu tập được huyền cơ, nên mọi người trong nhóm chúng tôi mới bắt đầu tin chắc trong cõi thế giới vô hình, quả thật có Trời Phật Tiên Thánh, không còn ngờ vực gì nữa.

Sao gọi là huyền cơ?

Theo huyền cơ, Thần Tiên tự viết ra, trên một tờ giấy bỏ trong bao thơ treo tận tại xà nhà, không cần phải mượn tay đồng tử, theo lối thần cơ hiện đương lưu hành trong xứ.

Ai muốn hỏi điều chi thì phải thành tâm tưởng mạnh vào câu hỏi của mình, chớ không cần phải nói ra lời.

Chừng 10 hay là 15 phút sau, khi lấy bao thơ xuống, thì thấy trên giấy đầy những chữ viết: trước ghi câu hỏi của mỗi người, rồi sau có một bài thơ của Thần Tiên trả lời cho mỗi câu hỏi ấy. Ai thấy lời Thần Tiên dạy bảo bằng cách đó, thì đều thán phục, phấn khởi vui mầng, lòng thêm tín ngưỡng thập bội.

Nhưng sau, Bề Trên không cho dùng phương pháp đó nữa, dạy phải dùng thần cơ, nghĩa là phải có đồng tử cầm cái cơ có cán hình đầu chim loan theo lối thường cho tiện hơn. Thế thì những thánh ngôn tiếp được trước là do huyền cơ, còn sau là do thần cơ.

c. Nghĩa Minh Lý Đạo

Tại sao mà chúng tôi chọn ngày 27 tháng 11 làm chánh ngày khai Đạo?

Như trên đã nói, đó là ngày chánh thức mà Bề Trên đã truyền lịnh cho chúng tôi khai đàn tiếp kinh. Bài kinh tiếp lần thứ nhứt là bài Tặng Ngọc Đế, làm kinh căn bổn cho Đạo Minh Lý. Nhưng ngoài lý do nói trên, lại còn có một lý do chánh đáng khác: Cho bài kinh ấy xong, Bề Trên lại tiếp ban hiệu đạo Minh Lý (thánh ngôn ngày 26 tháng 11 năm Giáp Tý, dương lịch 1924). Vì hai lý do nói trên, chúng tôi mới chánh thức chọn ngày hôm nay làm lễ kỷ niệm Minh Lý Đạo khai.

* Minh Lý Đạo nghĩa là gì?

Trong cuốn Bố Cáo của Đạo Minh Lý, trang 15, có một bài thơ giải nghĩa ba chữ Minh Lý Đạo như sau nầy:

ĐẠO là căn bổn khá tầm mò,

MINH mẫn lương tâm cạn xét dò.

LÝ ấy tánh chơn vô nhị thị,

GIẢI phân họa phước chẳng so đo.

Ta hãy đọc bốn chữ đầu câu: Đạo Minh Lý giải.

Chữ Minh nghĩa là minh mẫn lương tâm, xét dò mỗi việc, cho biết đường chánh mà theo, đường tà mà tránh. Đây cũng có nghĩa là thiệt hiện hoàn toàn, làm cho sáng tỏ

* Làm cho cái chi sáng tỏ?

Làm cho chơn tánh, cũng gọi là lý tánh đặng sáng tỏ. Lý tánh ở trong lương tâm. Nếu tâm bị tình dục mờ ám, thì lý tánh ở trong đó không sao sáng suốt được. Tỷ như một cục ngọc quý giá ở trong một bồn nước đục, thì ánh sáng của cục ngọc đó khó mà chiếu sáng ra ngoài.

Cái lý tánh, cái chơn tánh đó, theo Nho tức là tánh của Trời ban phú (Thiên mạng chi tánh), theo Phật là chơn như bổn tánh. Lại bài thơ giải nghĩa nói trên có nói: “Vô nhị thị” nghĩa là: Tánh đó là lẽ phải duy nhứt, không có một lẽ phải thứ nhì nữa, tức là tánh tuyệt đối chung cho Tam Giáo.

d. Nghĩa Tam Tông Miếu

Hiệu chùa Tam Tông Miếu do Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Thiên Tôn truyền xuống theo lời thỉnh cầu của một vị Đại Tiên tức là Ngài Đông Phương Lão Tổ (thánh ngôn ngày 20 tháng 11 năm Ất Sửu, dương lịch 1926).

Thượng Đế có ba ngôi là: Vô Cực, Thái Cực, Hoàng Cực. Ba ngôi nầy tuy một mà ba, ba mà một. Mỗi ngôi đều có một vị đại diện thờ tại bửu điện Tam Tông Miếu: Ngôi thứ nhứt là Đức Diêu Trì Kim Mẫu, đại diện cho ngôi Vô Cực, nên xưng là Vô Cực Thiên Tôn. Còn đại diện của hai ngôi khác là: Thái Cực và Hoàng Cực, là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và Đức Hồng Quân Lão Tổ.

Tam Tông đây là Tam Tông Giáo nói tắt, cũng như Minh Lý là Minh Lý Tánh nói tắt vậy. Ba tông giáo lớn ở Đông Nam Á là Nho, Thích, Đạo.

Chữ Miếu nghĩa là đền thờ. Theo tiếng Trung Hoa, chữ Tông Miếu là đền thờ các vua đời trước. Xin chớ hiểu miếu là miễu theo tiếng Việt Nam, vì chữ miễu rất nhỏ, không thể so sánh với tông miếu được.

Tam Tông Miếu tức là đền thờ ba tông giáo: Nho, Thích, Đạo.

* Nhiều người hỏi: Một giáo mà còn học chưa kham, làm sao học hết cả ba giáo?

Chẳng phải chúng tôi học hết cả ba giáo, mà chỉ học một sở trường của mỗi giáo đó mà thôi. Sở trường là chỗ giáo lý giải rộng và hay hơn hết. Lại học ba giáo là cốt để tìm cái nguồn cội ngõ hầu quy về Đạo Một, ngôi Nhứt là Thượng Đế. Đây là thuộc về nguyên tắc lập Đạo, chúng tôi sẽ nói rõ thêm vấn đề nầy ở giai đoạn sau.


III. NGUYÊN TẮC LẬP ĐẠO


Từ ngày 27 tháng 11 nói trên, ba vị giáo chủ là Đức Phật Tổ, Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử liên tiếp giáng dạy, hoặc cho chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần thay mặt giáng cho kinh chú, sớ điệp, lễ nghi, luật lệ hay là truyền giáo lý cho Minh Lý môn sanh.


Về kinh chú, sớ điệp, lễ nghi, luật lệ, ai cũng thấy trong công việc làm hằng ngày. Còn về giáo lý, vì lẽ cao siêu thuộc về hình nhi thượng học, nên ít người rõ được. Nhưng phải lưu ý: Giáo lý mới là căn bổn của đạo, kinh chú, luật lệ, v.v... đều do nơi đó mà suy luận ra. Một tông giáo thiếu giáo lý là nền tảng của Đạo, thì cũng như cái nhà cất trên bãi cát, khó giữ được lâu dài, bền bỉ.


Đạo Minh Lý có một nền giáo lý hẳn hòi, nhưng chưa tới ngày giờ phổ thông. Vả lại việc sắp đặt cũng chưa hoàn thành, nên chưa in thành sách. Đây xin kể ba nguyên tắc lập Đạo như sau nầy:


a. Tam Giáo hiệp nhứt

* Đạo Minh Lý có phải là mối đạo mới không?

Đạo Minh Lý không phải mới, mà cũng không phải cũ. Tại sao?


Không phải mới vì đạo Minh Lý lấy Tam Giáo làm căn bổn, mà Tam Giáo là Nho, Thích, Đạo đã có từ xưa, thì đâu phải là đạo mới.


Không phải cũ, vì ba tông giáo lớn ở phương Đông cần phải hiệp nhứt, để tìm lại cội gốc là Đạo. Cách xa cội gốc là phải mất chơn lý.


* Hình thức của ba giáo có khác nhau, làm sao mà hiệp được?

Tam Giáo quả thiệt có dị điểm, nhưng mà cũng có đồng điểm. Nay chúng ta phải hiệp, là hiệp các dị điểm đó, để thành lập một hình thức mới hoàn toàn hơn (syncrétisme).


Các dị điểm đó là các sở trường của mỗi giáo trong Tam Giáo, nghĩa là những điểm dạy bảo có phần minh bạch, rốt ráo hơn, chớ không phải thiệt là khác hẳn nhau.

Những sở trường của Nho Giáo là Nhơn Đạo, nghĩa là đạo làm người, đạo ăn ở đời. Sở trường của Đạo Giáo là luyện khí, thường gọi là luyện đơn. Sở trường của Phật Giáo là tu tâm, để thuận theo giác tánh. Trong ba sở trường nói trên, xét kỹ thì chẳng thể bỏ điều nào ra ngoài, mà không trau tria được.

Đạo Nho dạy con người ăn ở đời, chủ về xã hội nhiều hơn, là vì người ta ăn ở với nhau, chung đụng hằng ngày, thì phải biết cách sống thế nào cho hòa thuận, vui vẻ, chia lao sớt nhọc cùng nhau, giúp đỡ nhau để tạo một nền hạnh phúc chung cho nhơn loại.

Chúng ta thấy loài thú vật giao cấu hỗn tạp, cấu xé giành ăn; còn con người Thánh Hiền cho là linh hơn muôn vật, lẽ nào lại theo con đường đó sao? Cho nên cần phải dạy luân lý, để quy định cách ăn ở đời sao cho nhằm lẽ, mà ai ai cũng phải noi theo, mới là đặng sống yên ổn, hưởng hạnh phúc cao quý của Trời ban cho.

Đạo Lão dạy luyện khí là tập hơi thở của mình cho điều hòa. Nhưng hơi thở tự mũi miệng là hơi thở hậu thiên, còn trược. Hành giả còn phải tiến lên tập cho hơi thở mình đặng nhẹ nhàng, lại đặng dài chừng nào càng tốt chừng nấy, lâu ngày mới đặng hơi thở tiên thiên thanh tịnh, mà kinh Huỳnh Đình gọi là nội tức (hơi thở bên trong, đối với hơi thở bên ngoài nói trên).

Nếu hơi thở không tịnh, thì tâm cũng không tịnh. Tỷ như lúc mình hoạt động mạnh thân thể, như chạy đua, bưng xách nặng nề, v.v... thì tự nhiên khí cấp, thở dốc, rồi tâm cũng theo hơi thở mà loạn động.

Thế thì khí và tâm luôn luôn nương cậy nhau, gọi là tâm tức tương ỷ. Cho nên, trước muốn tu tâm, thì chẳng thể không luyện khí, tức là hơi thở. Trái lại, nếu muốn luyện khí, thì không thể không tu tâm, nên tiếp theo luyện khí là phải có Phật Giáo dạy tu tâm.