Bài giảng của Ngài Minh Thiện (3): Ngũ Chi Đại Đạo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3672 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

3. Ngũ Chi Đại Đạo

Bài giảng của NGÀI MINH THIỆN

nhân lễ khánh thành trùng tu chùa Minh Thiện Đạo (Thanh An Tự) tại tỉnh Bình Dương

Ngày 1, 2, và 3 tháng 11 năm 1966


Thưa Ông Chánh Hội Trưởng Hội Minh Thiện Đạo,

 và chư quý vị Ban Quản Trị.

Thưa chư quý ông, chư quý bà,


Tôi là người Minh Lý Đạo, thay mặt chùa Tam Tông Miếu, vinh hạnh đặng ông Chánh Hội Trưởng mời đến dự lễ khánh thành trùng tu Thánh Miếu hôm nay. Để giãi bày một vài ý kiến đạo đức, ngõ hầu chung vui cùng nhau trong buổi lễ long trọng nầy, ông muốn tôi nói về Ngũ Chi Đại Đạo. Xin thú thiệt với chư quý vị thính giả rằng tôi không thạo lắm về đề tài nầy, nhưng cũng gắng gượng giãi bày để đáp thạnh tình của ông Chánh Hội Trưởng.


Trước khi luận về Ngũ Chi Đại Đạo, tôi xin giải thích đại lược nghĩa hai chữ Đại Đạo.

 

I. ĐẠI ĐẠO LÀ NGHĨA LÀM SAO?


Chữ Đại Đạo xuất xứ ở trong cuốn Đạo Đức Kinh của Ngài Lão Tử, mà khi giáng các đàn tiên dạy đạo, Ngài thường xưng là Thái Thượng Đạo Quân, hay Thái Thượng Lão Quân. Hai chữ Đại Đạo ấy ghi trong chương 25, như sau nầy:


“Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sanh… Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết Đạo, cưỡng vi chi danh viết Đại.” Nghĩa là: Có một vật hồn nhiên (đâu đâu cũng một màu như hột gà chưa lộn, không chỗ nào thấy hình trạng khác nhau), sanh ra trước trời, trước đất… Ta không biết tên nó là gì, đặt tên nó là Đạo, cưỡng gọi nó là Đại.


Thế thì Đại Đạo là một vật không hình tướng, mà to lớn trải khắp các nơi, có trước trời đất. Đó là cái nguyên nhân thứ nhứt sanh ra trời đất võ trụ và người vật.

Nó phát biểu ra ngoài gọi là Đức. Cái Đức nầy không phải lấy nghĩa thông thường, như đức tánh, đức hạnh, nhân nghĩa (les vertus). Đạo Đức Kinh gọi chữ Đức nầy là thượng đức (la Vertu), còn chữ đức kia là hạ đức (les vertus), vì nó đã chia ra nhiều mối mành mất vẻ hồn nhiên. Nói một cách khác: Chữ Đức nầy, lớn như chữ Đạo, gồm đủ hết các đức, không có đức nào lọt ra ngoài.


Ông Pierre Salet là người phiên dịch bộ Đạo Đức Kinh, hiểu rõ ý của Ngài Lão Tử, nên trong bài tựa cuốn sách của ông phiên dịch, có nói rằng: Cái công bình và bất công, cái tốt và cái xấu là những hiện tượng của kẻ phàm phu, không có giá trị chi về phương diện tuyệt đối. Mà, ngoài hiện tượng ấy, có cái Đạo bất sanh bất diệt (nghĩa là hằng cữu, vĩnh viễn), là nơi các Hiền Thánh có thể tìm được chơn lý và hạnh phúc. Cái đức chơn thiệt của nó gọi là Đức, trái với các hiện tượng nói trên, là một thứ tinh thần phát xuất, một sức thị hiện của Đạo trong mọi chúng sanh, tỷ như cái cầu để nối dính họ liền lại với Đấng Thiêng Liêng (Đạo).


Đây là lời của tôi phiên dịch ra tiếng Việt Nam câu chữ Pháp của ông Salet như sau nầy: “Le juste et l’injuste, le beau et le laid sont des apparences humaines qui n’ont aucune valeur au point de vue absolu, mais, par delà ces apparences, se trouve l’immuable Tao dans lequel le sage peut trouver toute vérité et toute béatitude… La vraie vertu, le Te, au contraire, est une sorte d’émmanation, de manifestation du Tao dans les créatures, et comme le pont qui les rattache à la Divinité.”


 Ông Bác Sĩ Wiéger, một nhà tu Công Giáo, cũng là người phiên dịch cuốn Đạo Đức Kinh nói trên, hiểu nghĩa hai chữ Đạo, Đức như thế nầy. Trong bài Tự Ngôn, ông nói:


Một nguyên lý đầu tiên và duy nhứt, ban sơ nó tập trung và đại tịnh, tự mình phát xuất, sanh hóa. Ban sơ cái nguyên lý ấy tĩnh thì gọi là Đạo, hoạt động thì gọi là Đức.


Le Docteur Wiéger a dit: “Un principe premier, unique, d’abord concentré et inactif, se mit à émaner à produire. Recueilli, on l’appelle Tao; agissant on l’appelle Te.”


Ông Glasenapp trong cuốn Năm Đạo Lớn Của Thế Giới có nói: Chữ Brahma (của Ấn Độ Giáo) cũng như chữ Đạo, cả hai đều phủ nhận đời sống hiện tượng và như thế, thì nghĩa nó như hư không. Trái lại, đó là nguyên nhân thứ nhứt của muôn vật tồn tại trên đời và như thế, thì không phải là hư không, mà là một cái thể siêu việt (một bực Chí Tôn)


Câu văn Pháp: Le Brahma, de même que le Dao, est la négation de l’existence nouménale et, par conséquent, il est désigné comme Néant. Inversement il est la Cause première de toute existence et que, par conséquent, il n’est pas un Néant, mais un être transcendant.


Theo Ấn Độ Giáo thì một cái thể siêu việt, một bực Chí Tôn nầy là Brahmā, cũng là Brahma, như nói trên, mà có dấu mũ trên chữ ā, xin chư thính giả để ý. Người Pháp dịch hai chữ Brahma và Brahmā là: La Loi et l’Être.


Theo Nho Giáo, thì gọi là Thiên và Thượng Đế.


Theo Phật Giáo, thì gọi là Pháp và Pháp thân Phật.


Theo Đạo Giáo, thì như nói trên, gọi là: Đạo và Đức, tuy là hai mà một, một mà là hai.


Thế thì, các tông giáo nói trên, tuy ra đời dưới hình thức khác nhau về lễ bái, về học thuyết, mà kỳ thiệt chỉ có một gốc, một lý mà thôi. Nhưng trước kia, từ một gốc, một lý, mà phát xuất, rồi theo luật tự nhiên của trời đất, chi chi cũng phải trở về căn bổn của nó.


Tỷ như hột giống, khi gieo xuống đất nó xoi đất mà mọc lên, có thân cây, có nhánh, có lá, có bông, có trái, rốt cuộc cũng huờn lại hột giống in như khi trước, để sau nầy có thể trồng nó lại nữa. Rồi nó mọc lên cây, lên nhánh, v.v... cũng như đã nói trước, châu nhi phục thỉ, mà tuần huờn mãi mãi.


Cuốn Châu Dịch Huyền Nghĩa của Đạo Minh Lý có nói:


Kiền: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh, bốn đức,

Rộng sâu dầy, tột bực không hai.

Bốn mùa, tám tiết đổi thay,

Xây vần máy Tạo, tháng ngày không thôi.

Nguyên đức lớn, dựng ngôi tánh mạng,

Hanh đức thông, rỡ rạng tồn sanh,

Lợi nên thuần thục, hoàn thành,

Trinh bền kết thúc, giống lành y nhiên.


Câu chót: Trinh bền kết thúc, giống lành y nhiên, là có ý nói: Đến kết cuộc rồi, hột giống kia cũng huờn lại giống lành y nhiên như trước khi.


Kinh Châu Dịch lại gọi đó là biến dịch, rồi cũng huờn về bất dịch. Phật Giáo và Đạo Giáo gọi đó là luân hồi lục đạo, chuyển sanh kiếp nầy kiếp nọ, không biết chừng nào ngừng nghỉ. Người làm đạo, người tu hành, phải làm sao để tránh sự biến dịch nầy, làm xáo trộn đời sống con người, để đi đến bất dịch là thường trụ mới là chứng được quả Tiên Phật, hưởng cảnh an lạc đời đời.

 

II. ĐẠI ĐẠO CÓ HAI ĐƯỜNG: THUẬN VÀ NGHỊCH, KHÁC NHAU


Trên đã nói: Đạo có hai phần: một phần là biến dịch, nghĩa là thay đổi luôn luôn, làm cho đời con người xáo trộn mãi mãi, còn một phần là bất dịch, nghĩa là thường trụ, không dời dạt, không phiêu lưu vô hạn định, thì đời con người mới hưởng được sự yên tịnh, vui vẻ, hạnh phúc.


Con đường trước là con đường thuận với Tạo Hóa, phải lên lên xuống xuống, cực nhọc đau khổ. Con đường sau là con đường nghịch với Tạo Hóa, mà đặng an nhàn, tự tại, hưởng được thanh phước cực lạc niết bàn.


Cuốn Châu Dịch Huyền Nghĩa của Đạo Minh Lý có nói:


Nền Dịch học lần lần suy yếu,

Mối chơn truyền tối thiểu biết thôi.

Phần đông, vật chất kéo lôi,

Lợi danh, thế sự, bỏ trôi tâm truyền.

Sau đạo Dịch, một nguyên hai phái,

Đến Đông Châu, thời đại loạn ly.

Chủ trương, Lão Tử vô vi,

Đem ngay chỗ động, hai nghi trở về.

(Chỗ động tức là cơ vi manh động trong lòng ta. Hai nghi tức là âm dương. Trở về nghĩa là đem ngược nó lại gốc xưa, tức là Thái Cực, là Đại Đạo.)

Đời là khổ, ai lại không biết. Tuy là cũng có lúc vui, cái vui theo nhục dục, theo phàm tình hèn thấp, mà cái vui sướng đó không bền bỉ, rồi nối đuôi theo sau nó, không biết bao nhiêu sự thống khổ.


* Hỏi: Sao lại cho vui sướng là khổ?


Đáp: Vui sướng ở thế gian là vô thường, không đủ toại nguyện, do các nhân duyên hiệp mà sanh, rồi cũng do các nhân duyên lìa mà mất, không có lúc nào trụ một chỗ, vì cớ đó mà khổ.


Như người cõi trời dục giới thọ lạc, như ngây như say, không còn biết chi khác, đến lúc sắp chết mới là giác ngộ, thì đã trễ muộn rồi. Khi mạng chung chúng sanh theo nghiệp nhân duyên phải còn thọ báo. Các chúng sanh đó có gì gọi là sung sướng?


Ba đường ác đạo là cảnh quê xưa. Còn cõi trời, cõi người như quán xá để khách trọ nghỉ tạm một lúc. Vì nhân duyên đó, Phật chỉ nói Khổ Đế, mà không nói Lạc Đế. Cho nên cả thảy chúng sanh, chẳng một ai không chịu khổ.


Lại chúng sanh rất đáng thương xót, vì không biết cái thiệt khổ. Ở trong chỗ điên đảo, bèn đâm ra tư tưởng sung sướng. Đời này đời sau chịu nhiều sự khổ não, mà lòng không biết chán. Tuy có lúc tạm lìa khỏi khổ, mà rồi cũng trở lại cầu sự sung sướng vô thường kia, gây ra các việc khổ khác nữa. (Rút trong cuốn Thiền Pháp Yếu Giải của Phật Giáo, do Minh Thiện phiên dịch và ấn tống.)


Phật nói rằng: các thứ khổ đó do vô minh mà sanh ra. Vô minh nghĩa là trí không đặng sáng suốt, nên tạo ra nhiều điều ác nghiệp, phải bị luật nhân quả buộc con người vào bánh xe luân hồi sanh tử. Nhưng Phật cũng có nói: Mỗi chúng sanh đều có Phật tánh sáng suốt như Phật vậy chẳng khác.


Thế thì danh từ vô minh và Phật tánh cũng đối hẳn với nhau, như ngày với đêm. Hễ có vô minh thì không thấy Phật tánh. Còn thấy Phật tánh thì vô minh phải tiêu tan. Người tu hành dẹp được vô minh, mà thể hiện Phật tánh, thì gọi là Minh tâm kiến tánh, chứng quả niết bàn. Ông Thần Hội, thiền sư đặng nhận là thất tổ trong phái thiền tông, trong bài Hiển Tông Ký, có nói:


Niết bàn vô sanh, năng sanh bác nhã,

Bác nhã vô kiến, năng kiến niết bàn.


Nghĩa là:


Cảnh niết bàn là cảnh vô sanh (bất sanh bất diệt), mà sanh ra trí bác nhã.


Còn trí bác nhã không có tà kiến (không thấy các việc tà), mà thấy được niết bàn.


Đủ thấy người tu hành muốn chứng được quả Tiên Phật, thì phải có trí bác nhã, mà người Trung Hoa dịch là đại trí huệ. Chữ trí bác nhã đồng một nghĩa với Phật tánh, nói trên. Trí bác nhã là công cụ của niết bàn, còn niết bàn là bổn thể của trí bác nhã.

 

III. CÔNG PHU TU HÀNH PHẢI THEO LUẬT TIẾN HÓA


Muốn đặng trí bác nhã, phải lắm công phu tu học. Không phải đầu hôm sớm mai mà thấy kết quả chóng mau được.


Đại Đạo tuy có một, mà con người hành đạo có nhiều trình độ, nên phải chia ra nhiều lớp tu học. Cũng như đạo Phật có tam thừa, ngũ giáo.


Tôi xin mượn một cái thí dụ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa như sau đây, để chỉ rõ cái lý tiến hóa phải có nhiều lớp học.


Thí như có một người tuổi còn thơ bé, bỏ cha mà đi qua xứ khác, ở đó rất lâu (hai ba chục năm). Người đó khi lớn lên rồi, vì cảnh nghèo nàn, nên giong ruổi bốn phương, để làm mướn nuôi thân. Như vậy trải qua nhiều xứ, một ngày kia bỗng hướng về quê hương.


Ban đầu người cha đi tìm kiếm nó, mà vì không biết nó ở đâu, nên phải dừng bước lại ở trong một cái thành nọ. Nhờ buôn bán gặp vận may, ông nầy giàu có lớn, của tiền vô lượng. Các kho tàng chứa đầy những vàng bạc, châu báu, có nhiều tôi tớ, nhân viên phụ tá, voi ngựa, xe cộ, trâu dê vô số, huê lợi lan rộng đến các nước ngoài, khách buôn bán lai vãng tấp nập.


Thì gã cùng tử dạo khắp xóm làng, trải qua nhiều tỉnh, lần hồi đi tới chỗ thành của cha nó ở.