Bài phát biểu cảm tưởng nhân Kỷ niệm 85 năm Minh Lý Đạo Khai

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2936 | Cật nhập lần cuối: 3/7/2016 3:37:04 PM | RSS

Bài phát biểu cảm tưởng trong buổi lễ Minh Lý Đạo Khai tại Tam Tông Miếu

Ngày 26 tháng 11 năm Đinh Hợi, 04-01-2008

Hằng năm, cứ đến mùa Đông chí cũng là mùa Giáng sinh theo Ki-Tô giáo, sau đợt nhập tịnh của giới Cao Đài và Minh Lý Đạo thì đến ngày Kỷ niệm Minh Lý Đạo Khai.

Thời điểm này rất có ý nghĩa chẳng những trong giới đạo giáo mà còn ảnh hưởng chung trong xã hội.

Thật vậy, theo Dịch lý, Đông chí là thời Dương khí phục hồi, thiên nhiên bắt đầu phục phát sau mùa thâu liễm, sức sống muôn loài dần dần dâng lên để kết thành hoa trái rực rỡ khi Xuân về.

Con người là thiên hạ tối linh, lại càng có tương quan mật thiết với thiên nhiên đất trời, nên đến mùa này đương nhiên cảm thấy khí lực phát động, thúc đẩy thăng hoa tiến thủ. Người đời thì phấn chấn thu hoạch thành quả một năm họat động và chuẩn bị chương trình sắp tới. Giới tu hành đón lấy đầu mối dương sinh, phát huy tiềm lực, mở rộng đạo tâm để tiến hóa (tự độ) và góp phần tiến hóa cho chúng sanh (phổ độ) bằng quang năng thiền định.

Thế nên, năm xưa Minh Lý Đạo được khai sáng vào thời điểm này không phải là ngẫu nhiên, càng không phải ngẫu nhiên ra đời tại Việt Nam để chẳng bao lâu sau Cao Đài xuất thế. Bình tâm nhận định, chúng ta sẽ thấy hai tôn giáo bản địa Việt Nam cùng ra đời sít sao trong thời Đại Đạo hoằng dương của Tam kỳ phổ độ mà Thiêng Liêng đã tiên báo, phải có ý nghĩa hết sức đặc biệt.

- Đặc điểm thứ nhất đây là hai tôn giáo hoàn toàn có xuất xứ Việt Nam, liên quan đến vị thế dân tộc VN mà Thiêng Liêng gọi là "Dân tộc được chọn".

- Đặc điểm thứ hai: Minh Lý và Cao Đài cùng có chung sứ mạng cứu độ thời Hạ nguơn, Minh Lý có vai trò "định pháp", Cao Đài có vai trò "hoằng pháp", lập thành hai năng lực Âm Dương song hành tương hiệp tác động vào Cơ cứu độ.

- Đặc điểm thứ ba là Cao Đài và Minh Lý đồng hành kế thừa truyền thống văn hóa đạo đức Tam giáo đồng nguyên của dân tộc, tiến tới Quy nguyên Tam giáo, xiển dương Giáo lý Đại Đạo.

Như vậy, sau hơn 80 năm hoằng khai, hai tôn giáo Việt Nam đã đương nhiên đứng trong lòng dân tộc giữa vận hội mới của đất nước, mặc nhiên có sứ mạng đặc biệt về đời sống tâm linh lẫn nhân sinh thời kỳ này.

- Riêng ngôi chùa Tam Tông Miếu là một kho tàng văn hóa độc đáo. Kiến trúc và các biểu tượng của ngôi chùa vừa thể hiện đầy đủ giáo pháp Tam giáo vừa là một pho Dịch học và Đạo học sâu sắc.

Cách thờ phượng của Tam Tông Miếu là khái niệm Hình nhi thượng thuộc về nguồn gốc Đại Đạo đồng thời kín đáo chứa đựng pháp môn tu luyện.

Đó là chưa kể đến mặt Đạo pháp uyên thâm mà Ngài Tổng Lý Minh Thịện, đắc vị Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát đã thụ đắc được của Ơn Trên và truyền thừa cho Minh Lý môn sanh.

Là người tín hữu Cao Đài, chúng ta cảm thấy mối tương quan giữa Cao Đài và Minh Lý thuộc về thiên cơ, và hơn thế nữa thuộc về hỗ tương sứ mạng trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Và nhất là giữa thời kỳ Việt Nam đang cất cánh hội nhập vào mọi lãnh vực của thế giới, chúng ta tin tưởng rằng Minh Lý và Cao Đài sẽ đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng nền đạo đức văn minh trong cả hai mặt tâm linh lẫn nhân sinh, mang bản sắc văn hóa Việt Nam phục hưng sau bốn ngàn năm văn hiến, mà thánh giáo của Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã nhấn mạnh: "Phục hưng tinh thần truyền thống cổ truyền của dân tộc dính liền với sự phục hưng văn minh nhân loại để xây dựng một nguơn hội thái bình vĩnh cửu cho muôn người, tạo lập một thiên đàng cực lạc tại thế..." (1)

Sau cùng xin ghi lại hai câu đối liên quan đến sứ mạng Minh Lý và Cao Đài thay lời chúc mừng ngày kỷ niệm Minh Lý Đạo Khai của Minh Lý Thánh Hội.

"Giáp Tí hiệp không gian, nhược thiệt nhược hư, cảm hóa tam thiên thế giới.
Bính Dần khai Đại Đạo, vô nhân vô ngã, độ toàn cửu nhị nguyên nhân". (2)

Thiện Chí
Nguồn: nhipcaugiaoly.com
------------------------------

(1) Đức Trần Hưng Đạo, 10.4 Ất Tỵ, 1965

(2) Thánh giáo Đức Trần Hưng Đạo