Vài nét sinh hoạt của Ngài Minh Thiện

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3235 | Cật nhập lần cuối: 3/7/2016 3:28:57 PM | RSS

Đại Minh có duyên được hầu cận Ngài Minh Thiện cách đây khoảng 50 năm. Hôm nay, nhân kỷ niệm ngày quy tiên của Ngài, tôi thuật lại vài nét sinh hoạt của Ngài trong thời gian tôi được hầu cận.

Được tin Ngài Minh Thiện bịnh, tôi nói với chị Diệu Chơn Tinh: Nếu không có ai hầu cận chăm sóc, tôi xin tự nguyện làm việc đó. Lúc đó tôi chưa nhập môn.

Sau khi hội ý với song thân tôi, ngày hôm sau Ngài Minh Thiện gọi tôi lên ở chung phòng với Ngài. Chỉ sau năm ba ngày thì Ngài bình phục, tôi xin về nhà thì Ngài giữ tôi ở lại cùng Ngài khoảng hai năm.

Bình thường, Ngài cùng ăn chung với các vị tiền bối khác, thức ăn như nhau. Tôi được ngồi ghế đẩu cạnh Ngài. Ngài chỉ ăn riêng tại phòng lúc bị bịnh mà thôi.

Khi khách hoặc đạo hữu biếu bánh trái, Ngài nhận, sau đó nói với tôi: “Trò muốn ăn gì thì cứ lấy ăn, phần còn lại đem xuống nhà trù, dùng làm thức ăn tráng miệng.”

Ngài uống nước chanh đường khi làm việc, ngoài ra chỉ uống nước nấu chín, không thấy Ngài dùng thêm bất kỳ thức uống nào khác như sữa, nước ngọt…

Trưa, Ngài ngủ khoảng một tiếng, tối ngủ sau thời công phu giờ Tý. Sáng dậy rất sớm, tịnh buổi sáng, không chờ đến thời Mẹo. Tóm lại, thời gian ngủ của Ngài rất ít.

Thỉnh thoảng, Ngài có nhập thất ở thiền thất Phú Nhuận và Bác Nhã Tịnh Đường (Long Hải). Mỗi lần đến thiền thất Phú Nhuận, theo Ngài có Thanh Quang và tôi. Lúc đó, thiền thất không có người giữ, nhưng nằm trong khuôn viên nhà bà Bút Trà (em gái Ngài, pháp danh Toàn Lạc), nên thiền thất cũng được bảo quản tốt. Có lần Ngài gọi tôi và Thanh Quang chuẩn bị đi Bác Nhã Tịnh Đường, nhưng phải đình lại để lo giải quyết việc công, gác việc tư, dù đó là công phu tu tập.

Có một buổi tối, tôi mê chơi nên về trễ. Biết giờ nầy Ngài đang công phu, tôi đứng ngoài phòng (cửa đóng). Tôi không dám nhúc nhích sợ gây tiếng động. Đến hết giờ công phu, Ngài gọi: “Vào ngủ đi trò, đứng ngoài muỗi chích.”

Mở cửa vào, tôi thật bất ngờ và cũng rất lúng túng, vì mùng Ngài đã giăng thẳng băng, mà mùng tôi cũng được giăng ngay ngắn như vậy. Sáng hôm sau, tôi chờ đợi sự răn dạy của Ngài, nhưng không thấy Ngài nói gì cả, y như là không có việc gì xảy ra. Tôi tự thấy hối lỗi và không bao giờ dám tái phạm.

Một hôm, Ngài đố tôi là Ngài có hút thuốc không. Tôi lắc đầu không trả lời. Ngài mới nói: Trước Ngài cũng từng hút thuốc như mọi người, cô Yến (con bà Bút Trà) vì khó nuôi nhờ Ngài làm cha đỡ đầu, hỏi Ngài: “Sao làm Thầy mà còn hút thuốc?” Ngài im lặng và bỏ thuốc ngay sau câu hỏi của “đứa trẻ”.

Cách xưng hô hằng ngày, Ngài gọi tôi bằng trò, tôi dùng tiếng “thưa Bác” để đối đáp thay vì dùng tiếng “Thầy” theo đúng nghi lễ của người xuất gia. Ngài vẫn không chấp.

Mỗi lần tôi nói lỡ lời, Ngài không rầy la hay chỉ dạy, mà chỉ nói “Úy! Tội chết!” là tôi im ngay, ngầm nhận lỗi.

Một bữa trưa nọ, bác Ba Lễ (tôi không nhớ pháp danh), tuổi đã cao, cùng với hai người đến chùa công quả là Xê, Thất và tôi đánh cờ tướng. Khi chơi có to tiếng, chợt nghe tiếng chân Ngài từ xa, lật đật gom cờ lẩn tránh và không còn chơi trong giờ trưa nữa. Về sau, nếu có chơi cờ cũng chơi trong yên lặng.

Thấy thời gian làm việc của Ngài quá nhiều, tôi góp ý nên dưỡng sức. Ngài chỉ nói: “Phải viết để lại cho người sau trước khi tịch.”

Trong quan hệ giao tiếp, thỉnh thoảng Ngài cũng đi đàm đạo trao đổi với nhiều cao tăng Phật Giáo. Ngài từng tiếp nhiều chức sắc giáo phái bạn đến tham vấn mà cụ Trần Văn Quế (tức Ngài Quảng Đức Chơn Tiên) cùng Ngài đàm đạo nhiều nhất. Những khi Ngài tiếp khách có khi tôi được đứng hầu.

Nhiều lần, Ngài bảo tôi học làm lịch Tam Tông Miếu, nhưng tôi từ chối, vì còn ham đời, sợ học xong thì phải ở chùa tu. Ngài không giải thích mà cũng không ép buộc phải học.

Từ, Bi, Hỉ, XảGiữa năm 1962, gần ngày tốt nghiệp ra trường, tôi thưa với Ngài tôi có ý muốn nhập môn. Ngài chấp thuận ngay và tiến hành lễ nhập môn sau một thời gian ngắn, tuy lúc đó chỉ mới có ba đơn xin, cộng với tôi là bốn. Lấy bốn đức mà đặt pháp danh cho bốn người. Bắt đầu từ đó, tôi được mọi người ở chùa gọi là Thanh Hỉ.

Đến năm 1968, Thanh Hỉ bị thương nằm ở quân y viện Cộng Hòa. Vết thương chạm cột sống, nên từ vết thương xuống đến ngón chân, mất hết cảm giác. Ngoài ra còn bị teo cơ gần như liệt. Lần đầu tiên, từ giường bịnh đứng xuống đất thì té ngay. Hơn thế nữa, là không còn điều khiển được cơ vòng của hai đường đại, tiểu tiện. Thấy mình thành tàn phế, ngồi xe lăn, mẫu thân khổ cực chăm sóc, Thanh Hỉ có ý tưởng tự tử, nhưng không hé răng cùng ai.

Sau thời gian Ngài và Thanh Quang đều đặn tới thăm hỏi mỗi tuần vào chiều chủ nhựt và thứ năm, Thanh Hỉ bình tâm trở lại, ý tưởng tự tử mất lúc nào không hay. Thay vào đó là ý chí phấn đấu vượt qua bịnh tật (tàn phế 80% theo giám định của Hội Đồng Y Khoa). Thanh Hỉ không nhớ Ngài đã nói gì trong mỗi lần thăm viếng, chỉ biết mỗi lần được gặp Ngài thì ý chí phấn đấu càng tăng. Ban đầu vịn thành giường tập đứng, đứng vững rồi tập bước từng bước một, theo cạnh giuờng…

Còn nhiều, nhiều lắm những điều Đại Minh kính phục Ngài. Nhất là dựa theo Dịch lý, Ngài nói đúng những sự việc sắp xảy ra. Nhưng Ngài chú trọng dùng Dịch lý vào việc tu tâm độ thế là chánh.

Rất lòng thành tín.

ĐẠI MINH