Cao Triều Phát – Cha tôi

[ Điểm đánh giá5/5 ]2 người đã bình chọn
Đã xem: 5776 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

1. NGUỒN CỘI


Đất mới

Chiếc ghe bầu vừa cặp bến. Đoàn người di cư sau mấy ngày vượt biển, sóng dập gió dồi, đói khát, họ lên bờ với vẻ mệt mỏi. Kẻ quảy bao cà ròn, người quảy đôi quang gánh, bước đi còn loạng choạng vì say sóng. Có người chỉ đường họ đến dừng chân nhà một người đồng hương Triều Châu sang đây lập nghiệp từ trước, nay đã giàu có. Chủ nhà đãi họ một bữa cơm ngon đầu tiên khi đặt chân lên đất liền. Ăn xong bỗng có một người lăn ra chết. Tội nghiệp! Vì đang đói quá, gặp cơm ngon nên ăn quá no rồi chết. Những người bạn còn lại đau lòng chôn người xấu số bên vệ đường, rồi họ lại tiếp những bước lang thang đi tìm nơi tá túc và lao động kiếm sống.


Họ đến các thị trấn gần đó làm nhiều nghề: mua bán ve chai, lông vịt, quảy gánh rau cải, hành hẹ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, kiếm chút lời lãi tìm bát cơm manh áo. Có người đi làm phu khuân vác cho các chủ hàng chủ vựa.


Nơi đây xóm làng thưa thớt. Xa xa là những cánh rừng bạt ngàn, đất hoang chưa ai đặt chân tới. Người dân ở đây cho biết vùng rừng rậm này trên bờ nhiều cọp, beo, rắn, rít, muỗi mòng; dưới sông cá dữ lội hàng đàn. Sau khi cùng mấy người bạn bàn tính, với sức cường tráng và tính cần cù, ông Cao Cần Thiệt chọn việc khai hoang để trồng tỉa, trước là nuôi sống bản thân, sau là có miếng đất cắm dùi. Tất nhiên phải có ý chí và nghị lực vượt qua nhiều thử thách gian nan. Nhưng ông tin là mình sẽ vượt qua được, sẽ lập nghiệp trên mảnh đất này.


Tạo lập

Có mấy đồng vốn lận lưng, ông Thiệt sắm dao rựa và ít đồ dùng tối thiểu, xong bắt tay vào rừng khai hoang. Móc lõm tới đâu ông tranh thủ tỉa hạt trồng rẫy tới đó, để rồi chẳng mấy chốc có chút sản phẩm đem đổi lấy gạo, muối và ít món đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống thật tằn tiện.


Sáng ngày ăn ba chén cháo trắng với chút xái pấu,[1] rồi đi làm tới tối mịt mới về chòi ăn ba bát cháo hồi sáng còn chừa lại. Sau đó leo lên cây có cháng ba, lấy khăn ịch pậu [2] choàng qua người rồi cột chặt vào thân cây, đề phòng khi đang ngủ khỏi rớt xuống đất bị thú dữ ăn thịt.


Cuộc sống lao động cực nhọc, bán lưng cho trời bán mặt cho đất, ăn uống kham khổ, dè sẻn chắt chiu thật là tội nghiệp. Một đêm vào tháng 8 âm lịch, đang ngủ say sau một ngày lao động mệt nhọc, bỗng ông choàng tỉnh giấc thấy như có hàng trăm ngọn gai đâm khắp người. Ông hoảng quá. Chừng nhìn kỹ, té ra có hàng trăm con cua nhỏ từ đâu leo lên bám kín vào cây cối và bám khắp người ông. Ông cởi khăn ịch pậu hốt cua bỏ vào khăn cột túm lại, nhưng bắt không xuể và cũng không còn cái gì để nhốt nữa.


Sáng ra, ông luộc cua ăn thấy khá ngon. Con cua màu tím, trên mai có ba vạch, nên dân địa phương đặt cho nó cái tên cũng hay hay là con ba khía.


Trời giúp ta có cái ăn đây, nhưng phải nghĩ cách sao để dành làm thức ăn dự trữ ăn lâu được? Nhớ lại ở quê ông, nhờ muối mà củ cải trở thành xái pấu là món ăn dự trữ của người nghèo. Ông ra chợ Pò Léo mua vài cái khạp, mấy ký muối về chuẩn bị muối ba khía.


Tối đến, ba khía bò lên còn nhiều hơn hôm trước. Ông rủ mấy người bạn đồng hương cứ hốt ba khía bỏ vào giỏ tre, đem xuống rạch xóc rửa, rồi đổ vào khạp nước muối đã chuẩn bị sẵn và đậy nắp lại. Vài ba ngày sau, mở nắp khạp ra đã thấy mùi thơm khá hấp dẫn. Thế là từ nay ngoài món cháo trắng xái pấu còn có ba khía muối không những là món ăn đồng hành của những người khai hoang như ông, mà còn là món ăn hấp dẫn đối với con cháu họ và cả dân địa phương sau này nữa.


Con ba khía sống ở rừng ngập mặn ven sông, ven biển. Mùa ba khía nhiều, thịt chắc, ăn ngon là mùa mưa. Con nước rong ba khía hội. Chúng bu đặc trên cây đước, cây mắm. Nhìn vào không thấy gốc cây đâu nữa. Nhất là vào con nước 30 tháng 8, và 30 tháng 9 là ngày hội giao hoan của chúng.[3] Người xưa gọi là ngày ba khía chói rế. Con ba khía cái ôm đầy trứng chín chuẩn bị để đẻ. Những ngày này bắt ba khía rất dễ, mà trứng ba khía ăn béo ngậy, thật là ngon.


Ông Cao Cần Thiệt đến đây khai hoang lập nghiệp lúc mười tám tuổi. Sau mười sáu năm cùng mấy người đồng hương làm việc cật lực, giờ đây phần đất của ông đã bạt ngàn. Từ trồng rẫy ông chuyển sang trồng lúa. Ông có được một cơ ngơi mà trước đây ông không dám mơ tới.


Ông lập gia đình với bà Trình Thục Giang, con gái một phú hộ ở Bạc Liêu. Của hồi môn của bà cũng khá. Có vợ có chồng, việc làm ăn của ông bà càng phát đạt, trở thành một gia đình giàu có trong vùng. Ông bà sinh được năm người con: hai trai, ba gái.


Dòng họ Cao Triều

Người con trai lớn là Cao Minh Thạnh, một thanh niên tuấn tú khôi ngô, thông minh và chịu khó học hành. Ông giỏi chữ nho mà lao động cũng không kém ai trong làng. Từ nhỏ, ông thường được cha dạy rằng dù trong nhà có của ăn của để, nhưng đừng quên gia đình có được như ngày nay là nhờ phước đức ông bà để lại, và sự lao động cần cù chắt chiu của cha mẹ tạo dựng nên, nếu không lao động và cần kiệm cứ ngồi không ăn, thì núi nào cũng lở.


Nhờ sự giáo dục của cha, sự chăm chút của mẹ nên ông sớm trưởng thành, ra giúp ích cho làng xóm.


Năm hai mươi tuổi ông được dân trong ấp bầu làm ấp trưởng ấp Vĩnh Hinh, rồi hương chủ làng Vĩnh Lợi, sau vinh thăng lên Huyện, Phủ và Đốc Phủ Sứ hàm.


Việc quan ông rất thanh cần, chăm lo đào kinh, đắp lộ mở mang huyện Vĩnh Châu, tạo điều kiện cho dân đi lại dễ dàng. Nhờ vậy dân các nơi kéo tới làm ăn ngày càng đông, nền kinh tế nông nghiệp và giao lưu buôn bán của huyện Vĩnh Châu ngày càng phát triển.


Do công lao đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp và giao thông, ông được tặng thưởng nhiều khuê bài về canh nông, về công cán, kim khánh bội tinh vàng và bạc, v.v…


Ngoài số ruộng đất cha mẹ để lại, ông khai khẩn thêm đất rừng hoang, khuếch trương sự nghiệp. Ông còn sắm đoàn ghe chài chở lúa đi Sài Gòn, Nam Vang, Philipin ... để giao lưu buôn bán.


Ông lập gia đình với bà Tào Thị Xút người ấp An Trạch, xã Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu. Ông bà sinh được tám người con: sáu trai, hai gái. Tuy bận việc quan, việc khuếch trương cơ nghiệp, nhưng ông rất quan tâm dạy dỗ các con chu đáo. Các con ông đều thành đạt.


Cao Triều Phát – Cha tôi

 

Để kỷ niệm đất tổ quê cha là huyện Triều Dương (phủ Triều Châu), ông đặt chữ lót cho các con trai là Triều. Gia tộc Cao Triều ở Bạc Liêu hình thành và nối tiếp đến nay đã bảy tám thế hệ, lấy quốc tịch Việt Nam. Họ đã sống, lao động, chiến đấu trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.


Người con thứ năm của ông Cao Minh Thạnh là Cao Triều Phát, gọi theo trong Nam là Sáu Phát. Ngoài nghề canh nông, ông Phát đã chọn con đường hoạt động chính trị phục vụ cho đất nước Việt Nam, quê hương thứ hai của dòng họ, làm rạng danh cho tổ tiên dòng họ Cao Triều.


2. TỪ BẠC LIÊU ĐẾN KHÁNH HÒA

Khai phá

Sau một thời gian dài ở Pháp, ông Sáu Phát về nước, mong sẽ đem những điều hiểu biết thực hiện ở quê nhà. Ông nghĩ có thực mới vực được đạo, trước hết phải tạo dựng cơ sở vật chất, có cơm ăn áo mặc đàng hoàng rồi mới mong giúp ích cho đời từ việc nhỏ đến việc lớn.


Lúc cụ thân sinh của ông qua đời có để lại cho anh em ông mỗi người một mảnh đất. Những năm ông bôn ba nước ngoài, các anh em của ông đã khai phá và đưa vào canh tác mảnh đất của họ. Riêng mảnh đất của ông vẫn còn hoang hóa, rừng cây rậm rạp. Gốc cây nào cây nấy hai người ôm không xuể. Cây to rễ lớn ăn sâu vào đất, nếu dùng nhân công khai phá biết bao giờ cho xong.


Những điều này khi học canh nông ở Pháp ông đã nghĩ đến và rất chú ý phần cơ giới hóa nông nghiệp, đồng thời nghiên cứu kỹ tính năng kỹ thuật các loại máy móc khai hoang như máy chặt cây, đào gốc, máy ủi, máy xúc, máy cày... và đặt mua các máy này chở về nước.


Việc đầu tiên, ông tổ chức quy tụ dân quanh vùng Vĩnh Châu, chọn những người biết chữ, nhanh nhẹn, huấn luyện cho họ sử dụng máy móc thành thạo. Đồng thời với việc khai hoang, ông cho xáng múc một con kênh từ Trà Teo chạy tới sông Mỹ Thanh. Con kênh này cũng là ranh giới giữa đất của ông và đất của ông Chủ Ba (Cao Triều Chánh). Con kênh này cộng với hệ thống kênh nhỏ dẫn nước phèn từ nội đồng ra sông Mỹ Thanh, lại nhờ hệ thống đê ngăn mặn, nên đất được rửa mặn rửa phèn, hứng nước mưa, đất dần được ngọt hóa. Máy ủi san đất trên bờ kênh bằng phẳng thành con lộ dọc bờ kênh và một dãy đất kề con đường để cư dân đến cất nhà, thành lập xóm làng.


Chẳng mấy chốc rừng hoang đã biến thành cánh đồng cò bay thẳng cánh. Vụ mùa thử nghiệm đầu tiên, những thảm lúa xanh rì lượn sóng theo làn gió nhẹ. Cánh đồng lúa đang thì con gái, rồi tiếp theo những bông lúa trĩu hạt vàng ươm trải dài trên cánh đồng, làm nức lòng người có công khó nhọc. Lúc này những cỗ máy khai hoang đã xong nhiệm vụ, được cất vào một ngôi nhà ở cuối khuôn viên, thường gọi là nhà máy cày, để giữ lại kỷ niệm ngày đầu khai sáng của chủ nhân.


Giờ đã đến lúc ông Sáu giao lại việc quản lý điều hành sản xuất cho những người bạn tin cẩn như Hương Sư Cú, ông Tư Sển, Tư Của. Có Biện Sến lo phần sổ sách thu chi. Ông Chệt Điếc làm quản gia, vốn là người đồng hương độc thân đáng tin cậy, lo cai quản, chăm sóc trong khuôn viên. Cắt đặt xong mọi việc, ông Sáu yên tâm đi đây đi đó giao thiệp với bên ngoài.


Điền thầy Sáu

Từ thị xã Bạc Liêu, xuôi con sông Bạc Liêu đến sông Cổ Cò rồi tới sông Mỹ Thanh, sông cứ rộng dần rồi đổ ra cửa biển Mỹ Thanh. Gần ra cửa biển phía tay phải là xã Khánh Hòa có thánh thất Thái Dương Minh sừng sững uy nghi. Cạnh đó, ngay vàm kinh có tấm bảng đề chữ “Điền Cao Triều Phát”.


Con kênh này do ông Sáu Phát cho xáng múc thành. Để nhớ công khẩn đất lúc đầu của cha, ông đặt tên là kênh Cao Minh Thạnh. Về sau, con kênh Cao Minh Thạnh chính thức có trong bản đồ của huyện Vĩnh Châu.

Từ vàm kênh đi vào bên phải là điền của ông Cao Triều Chánh, người dân ở đây quen gọi là điền ông Chủ Ba. Bên tay trái là điền thầy Sáu tức là điền của ông Cao Triều Phát.

Cặp bờ kênh là con đường rải đất nung. Vùng này mưa xuống thì đất sét nhão nhoét, sình lầy trơn trợt. Ông Sáu cho nung đất (như nung gạch), đập nhỏ rải trên mặt đường để người dân đi lại được sạch sẽ. Cặp con đường ông cho xe ủi vun đất thành một dải đất để dân cất nhà được cao ráo.


Từ vàm vào năm trăm mét thì tới khuôn viên nhà thầy Sáu. Mặt tiền có ba cái cổng. Cổng thứ nhất có sân gạch để phơi lúa và vào lẫm thứ nhất, thường gọi là lẫm đông, tiếp đến là cổng chính. Cổng thứ ba cũng như cổng thứ nhất thì dẫn vào lẫm tây. Hai cổng vào lẫm chỉ mở khi xuất nhập lúa. Cổng chính mở vào ban ngày, đến tối ông Chệt Điếc tự tay khóa lại.


Vào cổng chính gặp một vườn hoa khá rộng hình tròn. Hai con đường vòng ôm lấy vườn hoa rồi dẫn tới cầu thang lên Huyền Linh Đàn. Khách đến đây không ai là không dừng chân ngắm nghía, trầm trồ vườn hoa của gia chủ, đủ các loại hoa vàng, điệp đỏ, nhất là vạn lý hương. Tất cả hương thơm hòa quyện vào nhau tạo thành mùi hương làm lữ khách ngất ngây.


Hai con đường vòng ôm lấy vườn hoa gặp lại nhau là tới cầu thang dẫn lên Huyền Linh Đàn. Gian tiền sảnh là nơi Biện Sến đặt chiếc bàn làm việc và đón khách. Vào gian trong là điện thờ có tấm màn nhung đỏ thẫm rũ xuống rất tôn nghiêm. Ngày sóc vọng, hay khi có đàn cơ, màn được vén lên. Điện thờ sơn son thiếp vàng rực rỡ. Bàn chính giữa thờ Đức Chí Tôn có đèn Thái Cực luôn tỏa sáng. Bàn bên trái thờ Đức Quan Âm Như Lai. Bàn bên phải thờ Đức Quan Thánh Đế Quân.


Gian bên cạnh là nơi làm việc của ông Sáu, có cửa sổ trông xuống vườn hoa và quan sát bao quát cổng chính, đồng thời có cửa hậu xuống sân trong ra nhà sau. Hai con đường từ cổng vòng qua vườn hoa tiếp tục rẽ hai bên nhà lầu trước dẫn ra nhà sau, đi dưới bóng mát của các cây ăn quả sapôchê, xoài, nhãn, vú sữa. Mùa nào trái ấy trĩu quả. Có một cây trâm cổ thụ rất cao, quả tím và ngọt quyến rũ chim chóc đến hàng đàn hót líu lo.


Nhà lầu sau là nơi gia đình ông Sáu ở. Kế đến là nhà bếp, nhà ăn, nhà xay lúa, giã gạo.


Khu chăn nuôi gà vịt, ngan ngỗng hàng trăm con. Bồ câu nhiều vô kể, tiếng kêu rù rù. Chúng tự do ăn thóc, tự do bay lượn, tự do làm tổ và sinh sản vì không ai được bắt ăn thịt, nên chúng ngày càng đông đúc.


Phía cuối khuôn viên có một vườn gòn. Các loại chim như cò, vạc, bồ nông, còng cọc đến làm tổ, đẻ trứng. Ngày chúng đi ăn, chiều bay về hàng đàn, kêu inh ỏi rất vui tai. Chủ nhân nghĩ rằng đất lành chim đậu nên cấm không cho ai săn bắt chúng.


Ở đây gần biển, nước mặn quanh năm. Ông cho xây một tháp nước chứa cả ngàn đôi nước, và hàng trăm chiếc mái vú chứa nước mưa để dùng quanh năm. Xa xa về phía sau khuôn viên, ông cho làm một cái giếng lớn có bờ cao, không cho nước dơ chảy vào, dùng hứng nước mưa cho trâu uống, nên gọi là giếng Trâu.


Phía sau nhà bếp là một vườn rau đủ loại, từ ớt, hành, hẹ, rau thơm, cho tới bạc hà, cà tím, cà chua, các loại cải và những vạt bắp ngô xanh mướt. Kế bên vườn rau là một cái giếng để lấy nước giặt, rửa và tưới vườn rau.


Việc đối nhân xử thế ông Sáu rất chu toàn. Những người cùng ông đồng cam cộng khổ lúc ban đầu khai hoang lập ấp như ông Hương Sư Cú, Tư Của, ông Tư Sển, là cùng họ Cao với ông, thì coi như ruột thịt. Ông cũng quý mến bác Tăng Công là già làng của một sóc người Khơ-me, đã vận động những người trong sóc của ông ở Trà Teo về đây làm ăn sinh sống. Bác là người chân thực và tốt bụng. Những người này được ông Sáu rất quý trọng, coi như anh em một nhà. Ông tin cẩn giao phó công việc, đồng thời hết sức giúp đỡ để cuộc sống họ được khá giả, cất nhà ngói khang trang.


Nơi đây là vùng quê hẻo lánh, rất xa chợ búa, đời sống tá điền mới đến định cư rất khó khăn. Ông Sáu tổ chức một tủ thuốc từ thiện phát không cho người đau ốm. Ông mua vải vóc, quần áo, dầu đốt, muối ăn … phát cho họ, giúp họ có một đời sống ban đầu ổn định, để an tâm làm ăn lâu dài ở đây.


Năm 1944-1945 dịch tả hoành hành khắp nơi. Ông lập tức cho người nhà đi Bạc Liêu bổ thuốc Bắc trị bệnh thiên thời (dịch tả) và mua rượu về ngâm mấy ché rượu thuốc phòng khi nạn dịch lan tới. Ngoài vàm kênh xáng cũng như trước cổng chính, ông Sáu cho treo tấm bảng lớn: “Ở đây có phát thuốc thiên thời”.


Bấy giờ dịch đã lan đến những vùng lân cận, người dân hết sức hoang mang. Những chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối đựng đồ cúng quan ôn (người dân nói dịch tả do quan ôn làm) còn gọi là tống tiễn quan ôn được thả trôi đầy sông.


Khốn nỗi, thuyền này cứ theo con nước lớn nước ròng trôi ngược trôi xuôi, có khi tấp vào một xóm nào đó, người dân cho là quan ôn đã tới bắt người nên rất sợ hãi, lại tổ chức cúng tống tiễn tiếp.


Nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm. Không khí ảm đạm bao trùm xóm làng. Người đến nhà ông Sáu xin thuốc rượu thiên thời ban đầu còn lẻ tẻ, về sau quá đông, ông Sáu phải cắt đặt thêm người phát thuốc cho kịp cứu người. Cơn đại dịch tràn qua miền Tây Nam Bộ năm đó đã cướp đi nhiều sinh mạng người dân, để lại nỗi kinh hoàng cho những người sống sót.

*

Sau đại dịch một thời gian, người dân mới vừa hoàn hồn thì giặc Pháp trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Chúng gây hấn ở Sài Gòn rồi đánh dần xuống các tỉnh miền Tây.


Sau cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 1946, ông Sáu đi kháng chiến đánh Tây. Lúc này các giáo phái nổi dậy, nhất là đàng Thổ dậy.[4] Chúng cáp Duồn [5] bằng phảng [6] kéo ngay, rất dã man. Người Việt ở cùng xóm làng chúng cũng không tha. Những người dân không có ghe xuồng để chạy phải bồng bế con trẻ chui xuống biền có ô rô, cóc kèn um tùm mong che được mắt bọn Thổ. Chẳng may bị phát hiện, bị chúng dùng phảng kéo ngay băm nát. Máu thịt người lẫn lộn với cây cỏ, thật ghê rợn.


Sau biến cố, người Việt sống sót ở vùng này bồng bế nhau đi nơi khác làm ăn sinh sống. Gia đình ông Sáu từ lúc chạy giặc Thổ