Đất Nam Kỳ tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4884 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

I. LỜI MỞ


Trong chuyên khảo Peasant politics and religious sectarianism: Peasant and priest in the Cao Dai in Viet Nam (Chính trị nông dân và giáo phái: Nông dân và thầy tu trong đạo Cao Đài ở Việt Nam), Jayne Susan Werner viết: “Đạo Cao Đài được thành lập ở Sài Gòn năm 1925 (...). Không lâu sau khi thành lập, tôn giáo mới này đã có được đông đảo tín đồ ở khắp cả Nam Kỳ.” ([1])


Căn cứ theo “Số ước lượng tín đồ Cao Đài do Thống đốc Nam Kỳ cho biết, trong một báo cáo gởi Toàn quyền Đông Dương ngày 14-12-1934. Hồ sơ riêng của Thống đốc Pagès([2]) Werner viết: “Vào khoảng năm 1930, có từ năm trăm ngàn tới một triệu nông dân theo Đạo, trong lúc tổng số dân là từ bốn tới bốn triệu rưỡi.” ([3])


Con số nửa triệu hay một triệu tín đồ như dẫn trên trong thực tế đã từng gây ra nhiều tranh luận. Như một tổng kết sơ bộ, Victor L. Oliver viết:


Số liệu thống kê về sự phát triển của đạo Cao Đài trong những năm đầu tiên thì lộn xộn và không đáng tin cậy. Nguyễn Văn Tâm nói rằng Đạo có được gần 30.000 người nhập môn trong sáu tháng. Cho tới tháng 10-1926 số tín đồ đã tăng lên 50.000 người.([4]) Vốn hay công kích đạo Cao Đài, Duncanson nói bóng gió rằng ông Lê Văn Trung là người hợp đồng thuê nhân công nên đủ sức huy động 50.000 người có mặt tại lễ Khai minh Đại đạo. Duncanson ám chỉ rằng những thành viên ấy phải được coi là những ‘tín đồ’ khả nghi.([5]) Trong năm 1928 ông Lê Văn Trung khẳng định có trên một triệu tín đồ. Cùng năm này, nhật báo L’Opinion công bố con số 700.000 người. Bác bỏ con số này, trên báo La Presse indochinoise Maurice Monribot viết rằng chỉ có chừng 200.000 tín đồ mà thôi.([6])


Nguyễn Trần Huân viết rằng cho tới năm 1931 đạo Cao Đài có khoảng 500.000 tín đồ.([7]) Các cây bút khác đã bất đồng với nhau về con số ước tính này. Chẳng hạn, Ellen J. Hammer tin rằng đạo Cao Đài cho tới năm 1930 đã có trên một triệu tín đồ;([8]) Meillon trong Les Messages spirites nói rằng cho tới năm 1930 số tín đồ Cao Đài chiếm khoảng một phần tám (500.000) tổng số dân miền Nam;([9]) G. Abadie viết rằng vào năm 1932, số tín đồ Cao Đài ở Nam Kỳ lên tới con số ‘hơn một triệu người trong lúc số dân là ba triệu rưỡi.’ ([10])


Bất đồng quan điểm về sức mạnh thực sự của đạo Cao Đài thể hiện bằng số lượng tín đồ từ năm 1925 đến năm 1932 dường như cho thấy về phía một số người đã có thái độ miễn cưỡng không muốn thừa nhận sự thành công của đạo Cao Đài. Về phía khác, những tuyên bố cường điệu của những người khác gợi cho thấy một tư thế phòng vệ khi đối diện với sự công kích. Những số ước tính được thổi phồng này là một cố gắng nhằm cường điệu mạnh hơn nữa sự thành công của đạo Cao Đài và nhằm cải thiện hình ảnh của tôn giáo này đối với công chúng.” ([11])


Sau khi biện giải như thế, Victor L. Oliver khẳng định: “Tác giả tin rằng vào năm 1930 số tín đồ Cao Đài (gồm cả người lớn và trẻ em) ước tính dè dặt là 500.000 người. Trong bất kỳ trường hợp nào, thậm chí với những con số ước tính khiêm tốn nhất chăng nữa, sự phát triển mau lẹ của đạo Cao Đài trong những năm đầu tiên vẫn có ý nghĩa quan trọng.”([12])


Cùng quan điểm với Oliver, khi chấp nhận số lượng tín đồ từ nửa tới một triệu vào năm 1930, Werner khẳng định rằng: “Đạo Cao Đài là phong trào quần chúng rộng lớn xuất hiện đầu tiên ở Nam Kỳ...” ([13])


Tại sao đạo Cao Đài lại ra đời ở Nam Kỳ và lớn mạnh mau lẹ ở Nam Kỳ vào đầu thế kỷ 20 chứ không phải là một miền đất khác, và vào một thời gian khác? Có thể nêu ra một trong nhiều yếu tố giúp giải đáp câu hỏi trên, đó là: Nam Kỳ có đủ một tiền đề văn hóa thích hợp để mở đạo Cao Đài.


Theo Thạch Phương, đặc tính văn hóa nổi trội của Nam Kỳ là: cởi mở trong giao lưu, nhạy bén với cái mới; thấm nhuần một tinh thần dân chủ, bình đẳng; nhân nghĩa, bao dung; không chịu gò bó trong những khuôn mẫu phong kiến cứng ngắc.([14]) Vậy, phải chăng những đặc tính đó đã khiến cho người Nam Kỳ sớm dễ dàng chấp nhận được đạo Cao Đài, cho dù tôn giáo mới này có nhiều khác lạ hơn các tôn giáo sẵn có từ xưa?


Ngoài ra, những điều kiện thiên nhiên đặc thù của Nam Kỳ không thể không tác động và để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của người dân Nam Kỳ. Trần Thị Thu Lương và Võ Thành Phương thấy rằng: “Trong bối cảnh mà những tôn giáo lớn của thế giới không có điều kiện để gây ảnh hưởng mạnh thì mảnh đất Nam Bộ [Nam Kỳ] thế kỷ 18-19 (thậm chí là cả khi sang thế kỷ 20) là nơi thuận lợi cho các tôn giáo địa phương có điều kiện nảy sinh...” ([15])


Do đó, khi khảo sát sự ra đời và phát triển của đạo Cao Đài ở Nam Kỳ, cũng cần quan tâm tìm hiểu bối cảnh đất nước, con người đã sinh thành và dưỡng nuôi đạo Cao Đài, một tôn giáo có nguồn gốc bản địa nhưng từ khi mới hình thành đã sớm đặt lý tưởng phổ độ toàn cầu.


*

Nhan đề chuyên khảo này nói tới địa danh Nam Kỳ. Sao lại là Nam Kỳ thay vì Nam Bộ hay một cái tên nào khác?


Khảo sát lịch sử ra đời những tên gọi cho miền đất phương Nam của Tổ quốc, có thể xác định năm 1834 (đời vua Minh Mạng) địa danh Nam Kỳ bắt đầu xuất hiện, theo nghĩa Kỳ 圻 là một cõi đất; Nam Kỳ là cõi đất phương Nam. Mãi đến tháng 5-1945, sau khi phát xít Nhật lật đổ thực dân Pháp (09-3) báo chí mới bắt đầu dùng tên gọi Nam Bộ thay cho Nam Kỳ,([16]) theo nghĩa Bộ 部 là một phần; Nam Bộ là một phần đất nước ở phía Nam.([17])


Đạo Cao Đài chính thức ra đời năm 1926, khi ấy cái tên Nam Bộ chưa hề có. Như thế, danh xưng Nam Kỳ trong chuyên khảo này hoàn toàn hợp lý.([18]) Ở đây tên gọi Nam Kỳ được tạm hiểu là cái tên mang tính văn hóa, nó liên hệ thời gian từ những năm 20 của thế kỷ 20 (khi đạo Cao Đài ra đời) trở ngược về thế kỷ 17 (thời Nam tiến khẩn hoang, phá rừng dựng nước của các thế hệ lưu dân triều Nguyễn) chứ không chỉ hạn định từ năm 1834 trở đi, khi danh xưng Nam Kỳ Lục Tỉnh chính thức đi vào lịch sử dân tộc.


*

Trên đây nói rằng Nam Kỳ là cái tên mang tính văn hóa nhằm tách nó ra khỏi những ý nghĩa về chính trị và lịch sử. Còn từ văn hóa trong cụm từ tiền đề văn hóa của nhan đề được dùng theo ý nghĩa nào?


Tôi muốn hiểu nó theo ý nghĩa đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp năm 1970 tại Venice, mà Federico Mayor, Tổng giám đốc UNESCO, nhắc lại như sau: “... văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động.” ([19])


Theo ý nghĩa đó, tiền đề văn hóa được hiểu là tất cả những điều kiện cần thiết có trước về văn hóa để cho đạo Cao Đài khi mới xuất hiện chẳng những vừa phù hợp với nếp sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng người dân Nam Kỳ mà lại vừa có sắc thái khác hơn các hình thức tín ngưỡng sẵn có tại Nam Kỳ, cái nôi của nền tôn giáo mới này.


*

Khi thấy rằng tiền đề văn hóa đó là cái riêng (đặc thù) của phương Nam thì, nói như Sơn Nam, cũng sẽ “hiểu thêm tại sao miền Nam có vài sắc thái tôn giáo mà ngoài Bắc ngoài Trung không có...([20]) Bởi lẽ, như Đinh Văn Hạnh đã nhìn thấy, ở Nam Kỳ vốn có sẵn “những tiền đề sâu xa đưa đến những đặc điểm về đời sống văn hóa tinh thần và tâm linh của người Việt” trên miền đất này.([21])


Bước đầu tìm hiểu tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài ở Nam Kỳ, chuyên khảo này chỉ mới tạm xét đến năm khía cạnh sau:


i. Tính mở của địa lý thiên nhiên Nam Kỳ;

ii. Tính mở và động của làng Nam Kỳ;

iii. Tính đa dân tộc và đa tín ngưỡng của đất Nam Kỳ;

iv. Cá tính người Nam Kỳ; và

v. Nhu cầu tâm linh người Nam Kỳ.


Trình bày năm khía cạnh trên, tôi thử chắt lọc, vận dụng, khai thác kết quả các công trình nghiên cứu đã công bố của các nhà khoa học xã hội trong và ngoài nước. Các tác giả ấy đều ở ngoài cộng đồng Cao Đài và vì thế những ý kiến của họ đúc kết nơi đây sẽ giúp hiểu thêm một cách khách quan về sự ra đời của đạo Cao Đài ở Nam Kỳ vào đầu thế kỷ 20.


Nói cách khác, theo nguyên tắc “thuật nhi bất tác” của Khổng Tử, tôi mong sao mấy lý lẽ trình bày trong chuyên khảo này có thể thoát ra ngoài tư ý và định kiến chủ quan để may ra góp được phần nào nhận thức về tiền đề văn hóa của việc mở đạo Cao Đài, một tôn giáo trẻ đã thực sự hiện diện trong đời sống tâm linh dân tộc qua hơn ba phần tư thế kỷ.


(còn tiếp)


HUỆ KHẢI

Đất Nam Kỳ tiền đề văn hóa mở đạo Cao Đài, NXB Tôn Giáo, 2008, tr. 7-13.





Chú thích:

[1] [Werner 1981: 4]. Lưu ý – Cước chú này cho biết đoạn trích dẫn trên đây mượn trong một quyển sách của Werner xuất bản năm 1981, trang 4. Về chi tiết của nguồn tài liệu, xin xem Thư tịch ở cuối chuyên khảo này (tr. 46).

[2] [Werner 1981: 72].

[3] [Werner 1981: 4].

[4] [Nguyễn Văn Tâm 1949: 4-5].

[5] [Duncanson 1968: 125-126].

[6] [Smith 1970: 341].

[7] [Nguyễn Trần Huân 1958: 273].

[8] [Hammer 1954: 79].

[9] [Meillon 1962: 14].

[10] [Gobron 1950: 103].

[11] [Oliver 1976: 41-42].

[12] [Oliver 1976: 42].

[13] [Werner 1981: 15].

[14] [Thạch Phương 1992: 249, 253, 254, 258].

[15] [Trần Thị Thu Lương 1991: 42].

[16] [Bằng Giang 1992: 11, 14].

[17] [Bằng Giang 1992: 11, 14].

[18] Tên gọi Nam Kỳ nơi đây không liên quan tới giai đoạn lịch sử ngắn ngủi từ 01-6-1946 đến 19-5-1948, là lúc thực dân Pháp dựng lên một chánh quyền bù nhìn. Trong chuyên khảo này, tôi chủ ý ghi thêm [Nam Kỳ] sau cái tên Nam Bộ trong nguyên văn một số tác giả được trích dẫn.

[19] http://www.findarticles.com/p/articles/mi_m1310/is_1989_Nov/ai_8171031/pg_2.

[20] [Sơn Nam 1971: VII].

[21] [Đinh Văn Hạnh 1999: 30].