Lịch sử Đạo Cao Đài - Phái Đạo Cao Đài Tiên Thiên (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 10552 | Cật nhập lần cuối: 4/30/2018 2:35:34 PM | RSS

Lịch Sử Đạo Cao Đài (quyển II)

Truyền Đạo

Từ Khai Minh Đến Chia Chi Phái (1926-1938)

E. PHÁI ĐẠO CAO ĐÀI TIÊN THIÊN

Tiên Thiên là một chi phái trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có lịch sử ban đầu khá đặc biệt. Từ những năm 20 của thế kỷ 20, chi đạo Tiên Thiên đã được Ơn Trên ban danh hiệu và định hướng hoạt động. Đến 1933, Ơn Trên định nhơn sự, dạy cất Tòa Thánh và mãi đến 1955, hoạt động Hội Thánh Tiên Thiên mới ổn định đến nay.

Trong phần ghi lại lịch sử hình thành chi Đạo Tiên Thiên, không giống các chi phái khác, ở đây buộc phải nhìn bối cảnh ban đầu.

Đầu thế kỷ 20, phong trào phò cơ thỉnh Tiên nở rộ khắp miền Nam Việt. Việc phò cơ cũng nhiều cấp độ, nếu không kể đến những nơi xây cơ tiếp xác các chơn linh bình thường, chỉ riêng các đàn Tiên (hay còn gọi là nhà đàn) tiếp được Thiên điển kể ra cũng khá nhiều, như: đàn Thủ Dầu Một, đàn Cái Khế (Cần Thơ), đàn Hà Tiên, đàn ở Phú Quốc, đàn Chợ Gạo (Chợ Lớn), đàn ở Miếu Nổi, đàn ở chùa Ngọc Hoàng (ĐaKao), đàn ở Cao Lãnh… các đàn trên đều có tiên tri về sự xuất hiện của Đức Cao Đài thời Tam Kỳ Phổ Độ. Nếu chúng ta có thống kê đầy đủ, số lượng các nhà đàn ấy sẽ là rất nhiều.

Suy nghĩ về “hiện tượng” xuất hiện các đàn Tiên ít nhiều liên quan đến đạo Cao Đài nêu trên, có lẽ chỉ có thể giải thích đó là do “Cơ Trời”, chuẩn bị một mặt bằng tinh thần thuận lợi tại vùng đất Ơn Trên sẽ mở Đạo.

Đến khi Đạo Cao Đài Khai Minh (rằm tháng 10 Bính Dần), hiện tượng các đàn Tiên vẫn tiếp diễn. Một vài mơi bế, đôi chỗ khác lại mở thêm ra. Trong số các đàn Tiên tiếp tục hoạt động, rất nhiều nơi Thiêng Liêng giáng điển với danh hiệu Cao Đài, dạy giáo lý Tam Kỳ Phổ Độ. Phần giáo lý qua các lời Thiêng Liêng giáng dạy từ các đàn Tiên ấy không khác lắm với Thánh giáo ở Tây Ninh.

Đến lúc này, năm Bính Dần 1926, các đàn Tiên vẫn hoạt động độc lập tại một tư gia nào đó, một số đàn được Ơn Trên ban cho tên riêng (nhưng không gọi là Thánh thất) và vẫn chưa nằm trong một hệ thống quản lý của Hội Thánh Cao Đài nào.

Thế nhưng, khi Đại Đạo đã Khai Minh, cơ Trời chuyển vận sắp xếp lại. Nhiều đàn không đủ “duyên” nên phải bế cơ (như đàn Chợ Gạo…) và nơi đã ổn định vào các Hội Thánh, như Cao Thiên Đàn (Rạch Giá) vào Minh Chơn Lý, Minh Thiên Đàn (Bạc Liêu) vào Minh Chơn Đạo, nhiều đàn khác gia nhập hệ thống của Tòa Thánh Tây Ninh hay Ban Chỉnh Đạo… Dù vậy, cũng còn lại những nhà đàn, có thể vì lý do nào đó, vẫn hoạt động độc lập. Và, Hội Thánh Tiên Thiên được Ơn Trên chuyển để tiếp nhận một số các nhà đàn này.

Cấu trúc đầu tiên của Tiên Thiên là như vậy. Các đàn Tiên trở thành Thánh tịnh, hầu hết nằm ở vùng hẻo lánh. Trải qua cuộc chiến ác liệt và gian nan kéo dài vừa qua, đến khi hòa bình nhìn lại, 72 Thánh tịnh, 36 nhà đàn đa số cháy hay bị di dời ít nhất 1 lần, nơi nhiều bị mươi lần, Thánh ngôn kinh sách buổi đầu tiêu tán. Tuy vậy, lời Thánh giáo xưa đã được vài vị tín hữu địa phương, với trí thông minh và lòng chí thành, khắc cốt ghi tâm thuộc lòng từng câu chữ. Nay yên ổn, các vị ấy đọc cho con cháu chép lại rành rẽ. Người viết lịch sử Tiên Thiên, sau khi phối kiểm qua nhiều chứng nhân, đã chấp nhận những ghi chép này như là sử liệu chính thức để đưa vào những trang sử Cao Đài. [1]

Cơ đạo Tiên Thiên tập hợp nhiều nhà đàn, đến khoảng 1928, tính ra có hơn 10 nơi quy tụ về [2], vì vậy Chi Đạo Tiên Thiên không do tự phát mà đã được Ơn Trên chuẩn bị từ trước với những cơ sở tập hợp đầu tiên, và những nhân vật lãnh đạo đầu tiên.

1. Cơ sở tập trung đầu tiên

a. Lư Bồng Đạo Đức

Đầu thế kỷ 20, tại ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây, Cai Lậy, Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) có cụ bà Nguyễn Thị Tứ là người hiền đức [3], phát tâm tu theo Minh Sư. Sau đó, cụ có lập tại nhà ngôi Lư Bồng Đạo Đức để trợ duyên cho mình và các đạo hữu quanh vùng.

Khoảng năm 1922, việc tu hành tại đây đang êm ả bỗng trở nên sôi động hẳn lên khi xuất hiện hai vị đồng tử Thiên Ân và Minh Đức (cũng là tín đồ Minh Sư) thông thạo việc phò ngọc cơ tiếp điển Ơn Trên [4].

Một trong những bài thơ nhiều người còn nhớ và truyền tụng đến nay, do đi kèm theo sự tích phò cơ xin thần lunh hướng dẫn tìm ra chỗ dấu vàng để cất chùa tại Gò Tháp (Tháp Mười), được vị Thần (mà nhiều người nghĩ rằng là Thiên Hộ Nguyễn Duy Dương) đã giáng cho, nguyên văn như sau:

“Cựu Soái mai binh cảnh Tháp Mười,

Vàng châu ngọc báu lắm thoi mươi;

Ẩn nơi điện tháp chờ Tiên Đế,

Đợi đúng thời kỳ giúp Thánh minh.

Vạn tướng cô hồn đồng bái mạng,

Ẩn vàng ta giữ tại tiền đình ;

Ngâm trung vì nước vong thân tử,

Báu vật đâu tầm dễ đặng… cười”.

Những buổi đàn như vậy khơi lên lòng ham thích phò cơ thỉnh Tiên cho nhơn sanh quanh vùng:

“Thuở đó bắt đầu manh nha cơ tu học Tiên Thiên, quý ông Huỳnh Văn Tồn, Huỳnh Công Khanh, Trương Đình Đẩu, Nguyễn Văn Lắm thường đến nhà ông Trần Văn Sung, con trai của bà Nguyễn Thị Tứ ở ấp Láng Biển… để cầu Tiên”. [5]

Nhị vị đồng tử Thiên Ân, Minh Đức phò cơ nhiều nơi, qua đó Ơn Trên khuyến khích một số địa phương tập đồng tử riêng, dĩ nhiên đầu tiên là người tại Láng Biển, cháu nội cụ bà Nguyễn Thị Tứ, có các vị: Huệ Mỹ Chơn (Trần Văn Năm), Trần Văn Thiền, Trần Văn Liễng… và nhị vị Huệ An Thanh (Nguyễn Văn Tiên) và Huệ Thông Quang (Huỳnh Công Sính).

Các nơi khác sau đó cũng được lệnh tập đồng tử, như tại:

- Tư gia ông Huỳnh Văn Tồn ở xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp các các đồng tử như Huệ Chiếu và Lê Văn Thiệt; sau đó có thêm hai vị là Chín Ý và Hai Lê (về sau, nơi đây thành lập Thánh tịnh Thanh Sơn Hỏa).

- Tư gia ông Ngô Văn Hiệp (1881-1936) ở ấp Cẩm Thạch (nay là ấp 2, xã Cẩm Sơn, quận Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có các đồng tử Huệ Liên Chơn (Ngô văn Tuồng), Huệ Thiện Chơn (Võ Văn Truyện) và Nguyễn Thị Diễm (hiền thê của ông Ngô Văn Tuồng) (Về sau, nơi đây lập Thánh tịnh Hiền Thiện Võ).

- Tư gia ông Hồ Văn Tự và bà Nguyễn Thị Là ở xã An Thái Đông, quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Nơi đây lập luyện nhiều đồng tử như các vị: Huệ Căn (Hồ Văn Tập), Hữu Huệ Duyên (Hồ Văn Bình) (con thứ 7 và thứ 9 của ông Hồ Văn Tư). Ngoài ra còn có Hồng Vân (Trương Văn Út), Huệ Khiến Quang (Nguyễn Thị Đợi), Thanh Lan Hương (Võ Thị Thuận), Bạch Cúc (Nguyễn Thị Lễ), Ngọc Kim Linh (Phạm Thị Hồng Nga), Hồ Văn Bính và Chơn Quang Tứ Phước (Về sau nhóm này thành lập ba Thánh tịnh là Đồng Quan Trước Cảnh, Hòa Minh Trước Cảnh và Trước Cảnh Minh Đàn).

Các nơi trên (và một số nơi khác ước chừng khoảng 10 điểm, chưa tổng kết hết) chịu ảnh hưởng buổi đầu bởi đồng từ ở Lư Bồng Đạo Đức (Láng Biển). Sau khi có đồng tử, hoạt động phò cơ trở nên độc lập, mỗi nơi nhận lịnh Ơn Trên dạy riêng. Tuy vậy, uy tín của Lư Bồng Đạo Đức tại nhà cụ bà Nguyễn Thị Tứ vẫn khá nổi bật. Ơn Trên sẽ dùng địa điểm này khai lập Cơ Đạo Tiên Thiên.

Để chuẩn bị, từ khoảng năm 1926, Ơn Trên ban lịnh mở rộng thêm Lư Bồng Đạo Đức, đủ sức chứa khoảng 40 người hầu đàn [6], trở thành địa điểm tập trung đại diện các nhà đàn về hội họp, thuận lợi cho việc mở Đạo. sau đó, Ơn Trên đặt danh hiệu cho nơi đây là Thiên Thai Tịnh, khởi đầu cách gọi các thánh đường của Tiên Thiên là Thánh Tịnh thay vì Thánh Thất như các phái đạo khác.

b. Một số nhân vật nổi bật buổi đầu

- Ngài Phan Văn Tòng (1881-1945) [7]

Quê quán ở Tam Bình, Vĩnh Long, từ nhỏ Ngài Phan Văn Tòng tiếp thu căn bản Nho học. Lớn lên, với bản chất phóng khoáng, giao thiệp rộng. Ngài có dịp đi mở rộng tầm mắt ở Nhựt Bổn, Trung Hoa, tiếp xúc với các nhà chí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh…

Đến khoảng 40 tuổi, Ngài Phan Văn Tòng đã chuyển tâm hướng về cuộc sống tâm linh do cơ duyên đã định từ trước [8]. Trở về quê Tam Bình, Ngài lập nơi đây nhà đàn Linh Châu Kim Đức trên đất riêng (xã Tường Lộc). Từ đó, Ngài kết thân với nhiều bạn đạo như các vị: Lê Thành Thân, Trương Như Thị, Trương Như Mậu, Phan Lương Hiền, Phan Lương Báu, Nguyễn Phú Thú…

Chư vị thường xuyên lập đàn cầu Tiên tại Linh Châu Kim Đức (có ý kiến cho biết các đàn này do đồng tử của Minh Thiên Đàn – Bạc Liêu đến lập).

Trong một lần, Đức Chí Tôn giáng, ban bài thi:

“Tam giang hiệp nhứt lộ chơn truyền,

Bình thủy tương phùng lẽ dĩ nhiên.

Vĩnh Thụy vô tâm dân quốc loạn,

Long hồ chơn mạng lập quân quyền,

Sửa sang cõi thế gìn chơn chánh,

Đạo đức làm tôi giữ dạ hiền.

Tam hiệp dương châu tầm nghĩa phối,

Kỳ tam hiệp bắc đạo nhà yên”.

(Quán thủ: “Tam Bình Vĩnh Long sửa đạo Tam Kỳ”)

Từ những gợi mở đầu tiên về “ Đạo Tam Kỳ” nêu trên, dần dần Ơn Trên chuyển cơ, dạy chư vị tại Linh Châu Kim Đức đàn liên hệ với Lư Bồng Đạo Đức (Thiên Thai Tịnh), thời điểm lúc này vào khoảng năm 1924 [9]. Và kể từ khi Ngài Phan Văn Tòng đồng lòng hợp tác với Lư Bồng Đạo Đức, phong trào phò cơ thỉnh Tiên càng được phổ biến rộng rãi ra các tỉnh quanh vùng như Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Ơn Trên khi giáng đàn dù bất cứ nơi nào, đều dần dần định hướng con đường tu hành đạo đức cho địa phương và tiên báo Cao Đài sẽ xuất thế.

Một ví dụ là vào ngày rằm tháng giêng năm Giáp Tý (1924), Đại Thần Nguyễn Duy Dương giáng tại Lư Bồng Đạo Đức cho bài thơ sau:

“Đại nghiệp nhà Nam trải bốn ngàn,

Thần phò Chúa Thánh định giang san.

Nguyễn Trung vì nước vong thân tử,

Duy tử xanh bia tạc bảng vàng.

Dưỡng cõi anh hùng xem thấy mặt,

Giáng phân nghĩa sĩ chí bồng tang,

Tam Kỳ Quốc Đạo Cao Đài lập,

Non nước từ đây khỏi ách nàn”.

(Quán thủ: Đại Thần Nguyễn Duy Dương giáng)

Những bài thơ kể trên điểm đúng vào lòng yêu nước của Ngài Phan Văn Tòng (và các vị tiền bối khác) lại vừa cho chư vị quen dần với danh hiệu Cao Đài, Tam Kỳ…

- Ngài Nguyễn Hữu Chính (1890-1946) [10]

Khác với Ngài Phan Văn Tòng hoạt động nổi bệt về chiều rộng như vận động tổ chức, liên kết các nhà đàn riêng lẻ bằng khả năng “chính trị” của mình, Ngài Nguyễn Hữu Chính thiên về chiều sâu, chuyên lo các công việc hướng về tâm linh như thờ phượng, cúng kiến… nhất là luyện tập đồng tử và chủ trì các buổi lập đàn cơ.

Thọ thiên phong Giáo Hữu phái Ngọc (Ngọc Chính Thanh) ở Tòa Thánh Tây Ninh [11], Ngài Nguyễn Hữu Chính hành đạo tại cùng Láng Cò, Mỹ An, Long An, lập ra nhà đàn Mộc Sơn Kinh, hoạt động đồng thời với nhà đàn ở Phủ Thờ (Khánh Hậu, Tân An) [12] từ khoảng năm 1927-1932. Việc phò cơ tại đây ảnh hưởng lan rộng ra các vùng chung quanh và lập tức có viếng tang về đến Tây Ninh.

Các vị trên Tòa Thánh đã cảnh giác, ban hành ngay nhiều châu tri với mong muốn ngăn chận, điển hình là Châu tri ngày 15.7.1929, có đoạn như sau:

“Thánh Ngôn của Đại Từ Phụ chỉ rõ cơ bút là việc tối trọng. Mình chẳng nên dùng mà cầu vui với nhau, (…) mà lại còn đem truyền bá ra cho người ngoài Đạo chê bai, kích bác nữa. Ấy là một việc đại tội với Đức Chí Tôn…”

Chúng ta lưu ý, châu tri này ngoài chữ ký của nhị vị Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh và Ngọc Trang Thanh còn có chữ ký của Quyền Thượng Chánh Phối Sư Thái Ca Thanh. [13]

Châu tri số 67, do Quyền Đầu Sư Ngọc Trang Thanh Ký ngày 31.12.1930 gởi các vị Đầu họ và Chủ Thánh thất, nêu đích danh:

“Tôi có nghe nhiều chức sắc và lắm Đạo hữu đặt điều, đi mê hoặc dụ dỗ nhơn sanh. Đến các Thánh thất truyền bá việc cầu sám, cầu Đạo theo cựu luật Minh Đường, Minh Sư. Dạy ăn ngô và tuyệt cốc, vân vân. Mấy người này lấy ý riêng mà làm, không có lịnh của Tòa Thánh cho, Ấy là điều giả dối, mấy người ấy muốn mê hoặc nhơn sanh, tặng mình Đạo cao, làm Tôn sư tại thế. Thiệt trái hẳn với Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Tôi đã hay:

1. Có Giáo Hữu Chính (Ngọc Chính Thanh) đi mê hoặc chư đạo hữu, buộc minh thệ, rồi y vẽ bùa chú dạy tập bay té lên té xuống, và làm nhiều việc phi lý.

2. Có tên Ngô Đức Nhuận, 41 tuổi ở Mỹ Tho, tu theo Minh Sư nay nhập môn theo Tam Kỳ Phổ Độ bày chuyện tuyệt cốc, rồi đi mê hoặc trong đạo hữu, biểu đừng ăn cơm nữa, ăn rau, trái cây bày nhiều chuyện dị đoan, xâm nhang vào mặt và mũi.

Tòa Thánh định trục xuất tên Nhuận này và những người theo tên Nhuận. Ngày sau, như biết ăn năn sẽ xét lại cho”. [14]

Các chi tiết nên trên cho thấy khuynh hướng của Ngài Nguyễn Hữu Chính nặng về huyền linh, đây sẽ là đóng góp chánh của Ngài cho cơ Đạo Tiên Thiên. “Cơ bút Chính Tôn ban phong ông Chính đứng vào hàng Thất Thánh (tập thể lãnh đạo Tiên Thiên buổi sơ khai). Cho nên đạo Tiên Thiên lúc bấy giờ có danh Tam hùng: Chính, Tỵ, Tòng”. [15]

- Ngài Lê Kim Tỵ (1893-1948) [16]

Cùng với nhị vị: Phan Văn Tòng và Nguyễn Hữu Chính, Ngài Lê Kim Tỵ được xếp vào hàng lãnh đạo Tiên Thiên buổi đầu, như lời Thánh Giáo của Đức Chí Tôn tại Thiên Thai Tịnh mồng 8 tháng giêng Đinh Mão (1927):

“Tòng, Tỵ giao con đủ đức tài,

Hiệp cùng Hữu Chính phái chi khai.

Hình thành Thất Thánh sau Thầy chuyển,

Quy tụ Thất Hiền bước Đạo Khai.”

Cụ Thanh Long ghi lại trong Hồi Ký của mình (trang 259) như sau: “Khoảng thời gian sau Thế Chiến thứ Nhất kết thúc, tại v, nhất là Sài Gòn, phong tráo đòi hỏi tự do dân quyền dân chủ càng được cổ súy mạnh mẽ, lớp báo chí hô hào, lớp tiếp nối cụ Phan Chu Trinh, các cụ Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Phan Long thay nhau tổ chức các buổi nói chuyện, diễn thuyết nhằm cổ vũ cho phong trào ấy v.v… Các buổi họp ấy cụ Lê đều có mặt, ban đầu còn là người dự thính, sau thành ra người tổ chức”.

Khác với các vị lãnh đạo Tiên Thiên hầu hết đều cư ngụ và hoạt động vùng đồng bằng sông Cửu Long, Ngài Lê Kim Tỵ sống tại Sài Gòn, đây là một đầu cầu thông tin, liên lạc khá quan trọng giúp vào việc truyền bá ảnh hưởng của Tiên Thiên rộng ra khắp nơi.

Ba vị Phan Văn Tòng, Nguyễn Hữu Chính và Lê Kim Tỵ nêu trên đây chỉ là đại diện điển hình cho số rất đông các vị có “công trận” trong buổi đầu hình thành chi đạo Tiên Thiên. Nhiều vị khác, như phần trước đã đề cập và còn nhiều hơn nữa những nhân vật ẩn danh ở các địa phương đã đóng góp vào công nghiệp Đạo này. [17]

(còn tiếp)

Lịch Sử Đạo Cao Đài (quyển II)

Truyền Đạo - Từ Khai Minh Đến Chia Chi Phái (1926-1938),

NXB Tôn Giáo 2008, tr. 501-518.


Chú thích (sẽ bổ sung)