Lịch sử Đạo Cao Đài - Phái Đạo Cao Đài Tiên Thiên (4)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 10329 | Cật nhập lần cuối: 4/30/2018 2:43:20 PM | RSS

(tiếp theo)

Lịch Sử Đạo Cao Đài (quyển II)

Truyền Đạo

Từ Khai Minh Đến Chia Chi Phái (1926-1938)

4. Kinh sách Hội Thánh xuất bản

a. Về Kinh Nhựt tụng

Các Thánh tịnh của Tiên Thiên nằm rải rác vùng đồng bằng sông Cửu Long, sinh hoạt hành đạo khá độc lập nên buổi đầu sử dụng kinh chưa thật giống nhau. Lúc xưa ấy có nơi tụng theo kinh Tây Ninh, nơi khác chịu ảnh hưởng them Minh Chơn Lý, còn đa phần có kết hợp qua lại. Xu hướng kết hợp được hưởng ứng, từ đó Hội Thánh Tiên Thiên đi đến thống nhất rằng: hằng ngày sử dụng kinh xưng tụng Đức Chí Tôn (Đại La) và ba bài Kinh Tam Giáo Đạo Tổ theo như Tây Ninh, xen vào đó đọc bài xưng tụng Đức Diêu Trì Kim Mẫu “Lạy Mẹ” sau bài Đại La [1]. Vào các ngày kỷ niệm các Đấng trong Tam Trấn đọc thêm bài kinh xưng tụng riêng, chữ Nôm (của Minh Chơn Lý). Và, điều này có lẽ tác động đến quyết định có tính mở rộng ra một số chi phái khác, ítlâu sau đó: Đầu năm 1940, nhân Đại Hội Long Vân đệ Thập nhất tại Thánh tịnh Tây Tông Vô Cực Cung (Bến Tre), một quyết định có tính lịch sử được đề ra theo hướng hiệp hòa giữa các chi phái, thống nhất kinh Nhựt Tụng, như sau:

“Tờ đề nghị về việc kinh sám:

1. Xét vì đọc nhiều thứ kinh nên Đạo phải chia rẽ chinh nghiêng.

2. Xét vì các chức sắc chi phái cũng thờ một Đạo, một Thầy.

3. Xét vì Đức Đại Từ Phụ đã dạy nhiều lần các chi phái trong đạo phải quy nguyên hiệp nhứt.

4. Xét vì y lời Thánh Giáo và do chơn lý, nếu muốn thiệt hành cơ quy nguyên hiệp nhứt, toàn Đạo phải dùng một thứ kinh.

5. Các lãnh tụ các chi phái nhân dịp hội Long Vân đệ Thập nhứt nhóm tại Tây Tông Vô Cực Cung ngày 22.11. Kỷ Mão (1 Janvier 1940), tự nhìn nhận mình đủ tư cách thay mặt chi phái mình:

Quyết Định

Từ nay toàn đạo dùng một thứ kinh, ngày thường và đại lễ phải đọc 4 bài kinh cũ bằng Hớn tự:

A. a) Xưng tụng Đức Đại La Thiên Đế

b) Xưng tụng Đức Nhiên Đăng Cổ Phật

c) Xưng tụng Đức Đạo Tổ

d) Xưng tụng Đức Văn Tuyên Khổng Thánh

B. Khi có ngày vía Thầy, Đức Diêu Trì, Tam Giáo, Tam Trấn cùng Đức Gia Tô thì sẽ đọc một trong 10 bài kinh Nôm.

Ký tên:

1. Minh Thiện: M.M. Đạt, Kình

2. Tiên Thiên: M.M. Hoài, Tài

3. Hậu Giang: M.M. Kế, Hanh

4. Phái nữ: Mme Nhiến

5. Trung Thành: M. Thanh Long

6. Ban Chỉnh Đạo: M.M. Tín, Biện, Lý, Phú

7. Bạch Y Liên Đoàn: M. Tòng

Tây Tông Vô Cực Cung

Ngày 22.11 Kỹ Mão.

Chứng kiến

Tổng trưởng Liên Hòa

Nguyễn Phan Long”. [2]

Như vậy, từ đây (1940), tiếp sau Hội Thánh Minh Chơn Đạo đã điều chỉnh từ năm 1937, đa số các Hội Thánh Cao Đài đồng thống nhứt sử dụng bốn bài kinh chữ Hán xưng tụng Đức Chí Tôn và Tam Giáo Đạo Tổ ban hành từ đầu tại Tây Ninh, trừ Hội Thánh Trung Ương Chơn Lý (Mỹ Tho) có hệ thống kinh lễ riêng.

b. Kinh sách của Tiên Thiên

Đây là những quyển kinh dạy giáo lý do Ơn Trên giáng ân ban (tựa kinh cũng do Ơn Trên định) để tín hữu hiểu thêm Đạo lý, quyển kinh đầu tiên của Tiên Thiên là:

- Kinh Bát Môn, lời tựa quyển kinh có đoạn như sau:

“Kính cùng anh chị em trong Tiên Thiên Đại Đạo, vâng lịnh Thánh giáo Đức Chí Tôn đề ngày mồng 8 tháng 4 năm Quý Dậu (tức là năm 1933-NV), dạy tôi phải thay mặt anh em trong Tiên Thiên Đại Đạo, cư tại Mỹ Phước Tây (Thiên Thai) ba ngoạt, chép kinh kêu là “Huỳnh Đình Bát Môn”.

Kinh khởi ngày 22 tháng 5 trước, mãn ngày mồng 3 tháng 8, được Đức Nam Tào Thiên Tôn duyệt y ngày mồng 5 tháng 8, đặc lịnh Đức Chí Tôn cho in ngày mồng 7 tháng 8 (…)

Nay kính

Thay mặt Ban Cai Quản

Phan Trường Mạnh [3]

Mỹ Phước Tây, ngày mồng 8 tháng 8 An Nam, năm Quý Dậu, nhằm ngày hai mươi sáu tây tháng Septembre năm 1933.

Kinh Bát Môn do chính Đức Chí Tôn ban, gồm 56 vé song thất lục bát, in lần đầu 5000 quyển năm 1933 tại nhà in Xưa Nay, kích thước 12 x 15,5cm, 18 trang (kể cả bìa). Đặc biệt, cuối quyển kinh có nêu Thánh lệnh thay đổi bài kinh cầu cơ của Tiên Thiên, nhân đây xin ghi lại, như sau:

“Chiếu theo Thánh giáo của Đức Chí Tôn đề ngày 25 tháng 7 năm Quý Dậu (1933), Thầy dạy các Thánh đàn, từ nay sắp sau, phải đọc bài kinh “Thỉnh Cơ” của Đức Chí Tôn ban sau đây, bài này kêu là bài hội “Vạn Tiên Phật”.

Lịch sử Đạo Cao Đài - Phái Đạo Cao Đài Tiên Thiên (4)Cách thức đọc bài hội “Vạn Tiên Phật” như vầy: khi lập cơ, đọc bài hội “Vạn Tiên Phật” đó mà cầu, chớ có đọc bài “Thúc Cơ” “Cửu Thiên” và bài “Trời Còn” [4], lúc chơn đồng tiếp đặng hạ bút rồi thì đọc bài “Mầng” cũ, hoặc sau Thầy sẽ cho”.

ạn Tiên Phật” ấy gồm 8 vé song thất lục bát. Vé đầu tiên là:

“Cảnh Tiên Thiên Ngọc Đài thành nguyện,

Chốn Ngọc đàn chơn điển thành tâm,

Chơn hồn hai trẻ định tâm,

Tam Thiên Cửu Phẩm tiếp cầm điển quang…”

- Bát Bộ Chơn Kinh, lời tựa kinh được Đức Lý Thái bạch giáng bút theo thể phú lối văn. Đức Chí Tôn và Tam Giáo Đạo Tổ chứng kiến Đức Hồng Quân lão Tổ tả kinh, từ ngày mồng 1 tháng 6 năm Giáp Tuất (1934). Kinh theo thể song thất lục bát, chia làm 8 phần (gọi là quyển), trong đó: quyển thứ nhứt 28 vé, quyển thứ nhì 17 vé, quyển thứ ba 10 vé, quyển thứ tư 10 vé, quyển thứ năm 7 vé, quyển thứ sáu 15 vé, quyển thứ bảy 7 vé, quyển thứ tám 18 vé, tổng cộng 448 câu.

Bát Bộ Chơn Kinh được ân ban tại Thánh tịnh Cửu Linh Môn (Mỹ Lợi, Mỹ Điền, Cái Bè, Mỹ Tho), do hai đồng tử Thiện và Hư phò loan.

Từ năm 1934 về sau, các Thánh tịnh Tiên Thiên được ân ban và xuất bản rất nhiều kinh, tạm kể:

Quyển Huấn Nữ Từ Âm. Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng tả kinh tại Thánh tịnh Đại Thanh (Hạnh Thông Tây, Gò Vấp) từ ngày mồng 6 tháng 5 năm Giáp Tuấn (1934).

Quyển Đạo Đức Lược Luận. Đức Chí Tôn ân ban tại Thánh tịnh Thất Linh Đài (Tường Đa, Bảo Ngãi, Bến Tre), sau đó, ngày 14 tháng 7 năm Bính Tý (1936), Đức Thái Lý Thái Bạch thêm phần chú giải. Hội Thánh ban hành ngày rằm tháng 9 Bính Tý.

Quyển Minh Lý Đạo Thơ. Đức Chí Tôn ân ban tại Thánh tịnh Thanh Huệ Long (Tân Thới, Hòa Đồng Hạ, Gò Công) đêm 24 tháng 3 năm Bính Tý (1936), Hội Thánh ban hành ngày mồng 8 tháng 10 năm Bính Tý.

Quyển Minh Giáo Thánh Truyền – Thi Văn Diệu Lý. Quyển Kinh này bao gồm nhiều bài thi, có thể gọi là Tiên thi, do các Đấng giáng bút, một bài có thể chiết ra thành nhiều bài khác bằng cách khoán thủ, thuận nghịch, tam liên quán tâm… Bìa Kinh ghi rõ: “Kinh này chư Phật, Tiên, Thánh giáng đàn từ ngày 14.7.11 đến ngày 23.9.11, Bính Tý (1936), tại Thánh tịnh Hắc Long Môn của ông Lê Quang Nghiêm, làng An Trạch, Tổng Quản Long, quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu”.

Phần sau của quyển Minh Giáo Thánh Truyền có in thêm danh sách 72 Thánh tịnh thuộc Tiên Thiên.

Thời điểm 1936, nhiều quyển kinh của Tiên Thiên được xuất bản với lời ghi chú: “Đã được Tiên Thiên Chưởng Quản Ủy Ban công nhận vào số…”, kèm theo một bản danh sách: “Những kinh Tiên Thiên được công nhận”, theo đó, ngoài những bản kinh đã nêu, còn có các quyển: Giáo Hóa Chơn Truyền, Triết Luận Huấn Nữ, Thánh Bút Điều Hòa, Thiệt Luận Huấn Nữ, Phá Mê Trần Khổ, Diệu Lý Chơn Truyền, Cao Đài Cứu Thế, Tiếng Chuông Khải Ngộ…

Lịch Sử Đạo Cao Đài (quyển II)

Truyền Đạo, Từ Khai Minh Đến Chia Chi Phái (1926-1938), NXB Tôn Giáo, tr. 536-546

= = = = = = = = = =

Bài liên quan:

Chú thích:

[1] Bài kinh “Lạy Mẹ Đại Từ Đại Bi…” này được Đức Thể Liên Tiên Nữ ban tại Cao Thiên Đàn (Rạch Giá) ngày mồng 1 tháng 7 Canh Ngọ (1930). Đến nay, Hội Thánh Tiên Thiên vẫn còn sử dụng bài này, đọc sau bài “Đại La…” trong mỗi thời cúng.

[2] Quyết định này có đăng trong tạp chí Đại Đồng, Liên Hòa Tổng Hội chủ trương, số 11, trang 8. Bài báo nơi trang 7 giải thích thêm: “Cuộc nhóm Đại Hội này là cốt ý giải quyết sự quy nhứt kinh luật, vì trước kia Đức Thích Ca Phật Tổ có hạ lịnh tại Trước Lý Minh Đài dạy phái lo quy nhứt kinh sám”.

Biên bản họp đăng trong số báo trên cho thấy nhiều vị chức sắc Tiên Thiên tham dự, như quý ngài Phan Văn Tòng, Nguyễn Tấn Hoài, Nguyễn Thế Hiển, Lê Thành Thân, Trương Như Mậu, Trần Lợi, Ban Biện Chiếu…

[3] Cụ Phan Trường Mạnh (1895-1967) quê ở Ô Môn, Cần Thơ; con của cụ ông Phan Trường Thọ và cụ bà Trần Thị Tích (cụ bà là chị ruột của Ngài Trần Nguyên Lượng – ghi chú số 177, tr. 435). Cụ Phan Trường Mạnh lập gia đình với bà Mai Thị Trâm (1902-1970), nhị vị có 6 người con (4 trai, 2 gái).

Thuở nhỏ Cụ Phan học trung học ở Cần Thơ, sau đó làm việc trong ngành trắc địa, về sau chuyển qua ngành thông tin (kiểm duyệt phim).

Về đường Đạo của mình, Cụ Phan Trường Mạnh ghi lại trong Lời tựa quyển “Đường Cứu Rỗi Đạo Cao Đài” (nhà in Ly Long Quan, 1950. Lời tựa này Cụ viết ngày 8.10. Đinh Hợi – 1947):

“Được hân hạnh nhập môn từ buổi Đại Đạo sơ khai, chúng tôi đã sớm khép mình vào khôn giới luật, lo tu tâm dưỡng tánh theo lời chỉ giáo của Ơn Trên. Kịp đến khi chi phái phát sanh, chúng tôi được Ơn Trên ban ân huệ, có dịp giao thiệp các nơi: Khi thì ở chi Minh Chơn Lý, tức là Tòa Thánh Trung Ương (Mỹ Tho), thọ phong chức Giáo Hữu (…). Khi thì ở chi Tiên Thiên Đại Đạo lãnh chức Thất Hiền (…). Khi thì ở chi Minh Chơn Đạo tức Tòa Thánh Hậu Giang (Bạc Liêu) thọ phong Giáo Sư (…). Khi thì ở chi Minh Tân thọ chức Tam Thập Lục Thánh (…). Khi thì ở Liên Đoàn làm Thổng Thơ Ký (…). Khi thì ở Liên Hòa Tổng Hội làm Hội Viên ban Khảo Cứu và Thuyết Pháp (…). Khi thì làm Chánh Hội Trưởng “Thanh Niên Cao Đài Liên Hiệp, tức là Trung Hòa Học Phái (…). Nay chung hiệp với các trí thức trong Đại Đạo gầy nên “Cao Đài Giáo Lý Học Viện” lãnh chức ban Chẩn Tế Xã Hội và Giám Đốc tờ “Cao Đài Giáo Lý”.

Trong Đại Hội An Thiên, khánh thành Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan (12-18.3. Canh Tý – 1960), Cụ Phan Trường Mạnh thọ phẩm Ngọc Đầu Sư.

Năm 1955, Cụ Phan Trường Mạnh cùng với Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu đồng tác giả quyển “Thiên Đạo”.

Cụ Phan Trường Mạnh liễu đạo ngày 24.12.1967 (23.11. Đinh Mùi), lễ tang tại Thánh Thất Bàu Sen (Q.5, TP HCM) sau đó an táng tại đất nhà: ấp 2, xã An Thới Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

[4] Các bài kinh cầu cơ này được các đàn Tiên thời Khai Đạo sử dụng (xin xem thêm trang 193 quyển Khai Đạo).