Ngày Thiên Quan Tứ Phước trong Đạo Cao Đài (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4200 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Phép làm âm lịch thời xưa gọi ngày rằm tháng Giêng là Thượng Nguyên 上元, rằm tháng Bảy là Trung Nguyên 中元, rằm tháng Mười gọi là Hạ Nguyên 下元. Đó là ba ngày rằm lớn trong năm. Người miền Nam đọc Nguyên chệch đi là Nguơn.


Ở Trung Quốc, đêm rằm Thượng Nguơn gọi là
Nguyên Tiêu 元宵 (tiêu là ban đêm). Họ mở hội hoa đăng, giăng dây treo đèn lồng rất nhiều. Tương truyền tục này có từ thời Hán Minh Đế (trị vì 58-76).


Lời truyền rằng một đêm Hán Minh Đế nằm mộng thấy một vị mình vàng, cao lớn, tỏa sáng hào quang hiện ra trên không trung. Sáng hôm sau, vua hỏi các quan xem giấc mộng đó có ý nghĩa gì. Quan Thái Sử bói xong, quỳ tâu: “Thần nghe rằng ở Tây Vức
[1] có Đức Phật. Bệ hạ mộng thấy người vàng, thì nhất định đó là Đức Phật vậy.”


Sau đó, Hán Minh Đế phái đoàn sứ giả mười tám người qua Ấn Độ cầu Phật pháp. Họ gặp được Đại Sư Ca Diếp Ma Đằng (
Kasyapa Matanga), bèn thỉnh về Trung Quốc hoằng giáo. Đại Sư nhận lời, cùng đi có bạn đạo thân thiết là Đại Sư Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa). Hán Minh Đế mời hai vị về tu ở chùa Bạch Mã tại thành Lạc Dương.


Các đạo sĩ không hài lòng khi thấy vua sùng thượng đạo Phật. Năm 72, ngày đầu xuân, các đạo sĩ dâng sớ xin Hán Minh Đế cho phép họ cùng tranh tài với hai đại sư. Vua thuận, cho tổ chức tranh tài ở chùa Bạch Mã. Theo truyền tụng, cuộc đấu phép rất ly kỳ, cuối cùng hai đại sư đã đánh bại hơn sáu trăm đạo sĩ. Nhân chiến thắng
đó, vua Hán Minh Đế xuống chiếu cho thắp đèn suốt đêm rằm Thượng Nguơn. [2] Sau này họ còn đốt thêm pháo bông.


Nhưng đối với phần đông người Hoa và Việt thì rằm Thượng Nguơn cũng là ngày Thiên Quan Tứ Phước.


Thiên Quan Tứ Phước trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam

Từ xưa đến nay, đồng bào Việt và Hoa đến ngày rằm tháng Giêng, nhân tiết xuân còn đượm, thường hay tổ chức hành hương các chùa để cầu phước, mong được mua may bán đắt, danh lợi hanh thông… Tục này đi kèm theo câu nói dân gian: “Ăn chay cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng.” [3] Một trong những điểm hành hương tiêu biểu tại miền Nam là chùa Bà (chùa Thiên Hậu) ở số 18 đường Hùng Vương, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Thật ra, phần đông đều không hiểu đây là tập tục của đạo Lão Trung Quốc nhưng trải qua lâu đời đã trộn lẫn vào tín ngưỡng dân gian và hòa vào đạo Phật của quần chúng bình dân.

Lễ rằm tháng Giêng chính là lễ Thiên Quan Tứ Phước (vị quan nhà Trời ban phúc lành cho dân chúng). Ở các khu người Hoa, phía trước nhà luôn có bàn thờ nho nhỏ để ở cửa, chỗ hàng ba (sát bậc thềm), hoặc gắn trên tường, rất đơn giản, kèm theo một linh vị (tablet) nền đỏ son, viết bốn chữ Hán bằng sơn nhũ vàng 天官賜福 Thiên Quan Tứ Phước.

Ở miền quê Nam Kỳ Lục Tỉnh, có bàn thờ ông Thiên (gọi tắt là bàn Thiên) đặt ngoài sân, là một trụ cột ngang tầm ngực, trên đầu cột chỉ là mảnh ván vuông và bát nhang, không có ảnh tượng thờ hay linh vị. Về sau người ta xây gạch. Những người sống trên sông nước thì lập bàn thờ ông Thiên ở đầu mũi ghe. Đó cũng là “biến tấu” của bàn thờ Thiên Quan Tứ Phước. Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914?-1987), “Trước năm 1945 ở thôn quê ta, trong một trăm nhà, có ít lắm là tám mươi nhà có bàn thờ ông Thiên.” [4]

Thiên Quan Tứ Phước trong lịch sử đạo Lão Trung Quốc

Từ xa xưa người dân Trung Quốc đã có tục thờ trời, đất, nước (đạo Lão gọi là Tam Nguyên hay Tam Nguơn 三元). Rồi sau các đạo sĩ nhân đó đặt ra tên gọi Thiên Quan 天官 (quan Trời), Địa Quan 地官 (quan Đất) và Thủy Quan 水官 (quan Nước), gọi chung là Tam Quan 三官 (ba ông quan).

Theo các đạo sĩ đời Đông Hán (25-220), khí trời chủ về sinh sôi 生 nên Thiên Quan trông coi việc tứ phúc 賜福 (ban phúc), khí đất chủ về thành tựu 成 nên Địa Quan trông coi việc xá tội 赦罪 (tha tội), khí nước chủ về biến hóa 化 nên Thủy Quan trông coi việc giải ách 解厄 (tiêu trừ tai họa, ách nạn).

Đầu đời Đông Hán, giáo phái Thái Bình Đạo 太平道 của Trương Giác 張角(140?-184) và phái Ngũ Đấu Mễ Đạo 五斗米道 (đạo Năm đấu gạo) [5] của Trương Lỗ 張 魯 có phép trị bệnh gọi là Tam Quan thủ thư 三官手書 (tay viết tên Tam Quan), làm như sau: Đạo sĩ viết tên ba vị Tam Quan và tên họ bệnh nhân trên ba tờ giấy. Một tờ chôn đỉnh núi, một tờ chôn xuống đất, một tờ ném xuống nước, để cầu xin Tam Quan ban phước, xá tội, và giải trừ tai ách cho bệnh nhân.

Ngũ Đấu Mễ Đạo rất có thanh thế trong dân gian vì người Trung Quốc có xu hướng ưa chuộng những chuyện thần tiên kỳ bí. Có sách giải thích lý do có tên gọi Ngũ Đấu Mễ Đạo là vì ng