Nhị Nguyên trong đạo Cao Đài ở đồng bằng sông Cửu Long

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5290 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

TÓM TẮT


Thuyết nhị nguyên không chỉ là nền tảng cơ bản được vận dụng để giải thích các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên cũng như ngoài xã hội mà còn là cơ sở để một số lý thuyết gia vận dụng xây dựng học thuyết cho mình. Cấu trúc luận là hệ thống lý thuyết quan trọng được dùng để giải thích sự thống nhất hoặc đối lập trong cấu trúc xã hội cũng như trong tôn giáo, văn hóa của các tộc người; trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố nhị nguyên đối lập như xa-gần, trên-dưới, trong-ngoài… và chính nhị nguyên đối lập này là tác nhân chính tạo ra cấu trúc xã hội, cấu trúc tôn giáo, cấu trúc văn hóa…

 

Phân tích trong đạo Cao Đài về quá trình hình thành và phát triển, cơ cấu tổ chức, thế giới quan…, chúng tôi nhận thấy nhị nguyên không phải là hai nhân tố xung đột, loại trừ nhau mà là một sự hoà nguyện để tạo nên yếu tố thống nhất trong cấu trúc của sự vật, hiện tượng, của xã hội, của tôn giáo…

 

Như vậy, thuyết nhị nguyên đối ngẫu được xem như là nguyên lý cơ bản dùng để giải thích sự thống nhất, hoàn chỉnh trong cấu trúc tôn giáo cả về hình thức tổ chức, lễ nghi, hệ thống chức sắc và lớn hơn nữa là toàn xã hội của tôn giáo Cao Đài. Và, đạo Cao Đài là một trong những tôn giáo ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Nam Bộ nói chung biểu hiện rõ nét yếu tố nhị nguyên giáo lý, trong tổ chức cũng như trong quá trình hình thành và phát triển của đạo.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ


Nhị nguyên (dualism) là lý thuyết được nhắc đến từ rất sớm ở các quốc gia cổ đại phương Đông lẫn phương Tây. Đây là lý thuyết nói đến sự tồn tại mang tính đối lập nhị phân (co-eternal binary opposition) giữa hai hình thức của sự vật-hiện tượng, như giữa vật chất và ý thức, linh hồn và thể xác, thiện và ác, âm và dương, thần và người, trên và dưới, trong và ngoài… Vào thời cổ đại, ở phương Tây, các nhà hiền triết như Plato (sinh năm 427 Tr.CN tại Hy Lạp), Aristotle (sinh năm 384 Tr.CN tại Hy Lạp)… đều đề cập đến thuyết nhị nguyên. Plato đã đề cập đến thuyết nhị nguyên khi tạo ra cuộc tranh luận về sự tồn tại vĩnh cửu của linh hồn, đối nghịch với thể xác hữu hạn, và linh hồn luôn phấn đấu để rời khỏi thể xác vì nó bị cầm tù trong thể xác [Robinson:2003]. Triết gia Aristotle cũng có quan điểm về nhị nguyên trong cơ thể con người khi đồng ý về sự tồn tại của linh hồn và thể xác, nhưng không cùng quan điểm với Plato, vì cho rằng linh hồn là một phần của cơ thể, là tài sản của cơ thể [Robinson:1983]. Khi tôn giáo ở phương Tây như Do Thái giáo, sau này là Thiên Chúa giáo ra đời, thuyết nhị nguyên được nhắc đến mạnh mẽ hơn, khi cho rằng có sự tồn tại của “thế giới bên kia” đối lập với thế giới thực tại; đặc biệt là sự xuất hiện của Thượng đế (Đức Chúa Trời), người tạo dựng ra vũ trụ, trong đó có các yếu tố đối lập như bầu trời và mặt đất, bóng đêm và ánh sáng; Adam và Eva, vườn địa đàn và thế giới trần gian… Tại phương Đông, thuyết nhị nguyên cũng được đề cập khi xuất hiện các nguyên lý âm-dương trong vũ trụ, và những yếu tố đối ngẫu trong xã hội như vua-tôi, cha-con, vợ-chồng,… Trong các tôn giáo-tín ngưỡng ở phương Đông cũng luôn nhấn mạnh đến thuyết nhị nguyên khi đề cập đến giải thoát và đọa đày, phước và tội, nhân và quả…


Thuyết nhị nguyên sau này đã phát triển và dần trở thành nền tảng cơ bản để các nhà khoa học về chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo… vận dụng trong công việc nghiên cứu hoặc phát triển học thuyết của mình. Trong nhân học, thuyết nhị nguyên trở thành nền tảng cơ bản cho việc hình thành và phát triển hệ thống thuyết cấu trúc bằng việc xem xét ý nghĩa của hiện tượng hay biểu tưởng văn hóa trong mối quan hệ đối ngẫu (opposition) với những biểu tượng hay hiện tượng khác trong cuộc sống.


Bài viết của chúng tôi dựa trên nguyên lý nhị nguyên đối ngẫu của thuyết cấu trúc để trình bày các vấn đề như quá trình hình thành và phát triển, tổ chức tôn giáo, quan niệm về thế giới quan của tín đồ đạo Cao Đài ở Đồng bằng sông Cửu Long.

2. SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ ĐẠO CAO ĐÀI


Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực được hợp thành bởi các tỉnh Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Đây là khu vực có diện tích gần 40.000km2, được người Việt và các cư dân khác như Khmer, Hoa, Chăm khai phá cách đây hơn 300 năm. Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung được xem là vùng đất hội tụ của nhiều yếu tố văn hóa khác nhau, do bởi sự đa dạng tộc người ở khu vực này. Chính vì thế, văn hóa của các tộc người nơi đây luôn có sự hòa lẫn, pha trộn lẫn nhau tạo nên tính giao lưu tiếp biến văn hóa (acculturation) đặc sắc giữa các tộc người trong khu vực.


Đạo Cao Đài với tên đầy đủ là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời trong bối cảnh hội tụ, giao lưu tiếp biến văn hóa đó. Tín đồ Cao Đài chính thức tuyên bố sự hiện diện của tôn giáo mình trên vùng đất Nam Bộ vào năm 1926 bằng sự kiện tổ chức Lễ Khai đạo vào ngày 18-19/11, nhằm ngày 14-15/10 năm Bính Dần [Đồng Tân:1972]. Nhưng trước đó Đạo Cao Đài đã manh nha hình hành với những sự kiện được nhắc đến trong sử đạo như [Tổ đình Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi:2003]:

NgoVanChieu

- Năm 1919, ông Ngô Văn Chiêu (tự là Minh Chiêu) đã nghe đến tên Cao Đài Tiên Ông (một chơn linh ở cõi thiêng liêng) trong buổi cầu cơ tại Tân An.

- Năm 1920, ông Ngô Văn Chiêu được Cao Đài Tiên Ông nhận làm đệ tử tại Phú Quốc.

- Năm 1921, Cao Đài Tiên Ông buộc ông Ngô Văn Chiêu ăn chay trường 3 năm và vẽ hình tượng Thiên nhãn (Mắt Trời) để thờ.

- Năm 1924, ông Ngô Văn Chiêu đã truyền cách thờ đức Cao Đài Tiên Ông cho các ông Vương Quang Kỳ, Đoàn Văn Bản tại Sài Gòn.

- Năm 1925, cơ sở thờ tự và sinh hoạt đầu tiên của đạo Cao Đài được hình thành tại nhà ông Đoàn Văn Bản [Đồng Tân:1967].

 

Cũng trong năm 1925, tại khu phố Hàng Dừa (đường Cống Quỳnh ngày nay), các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, bằng hình thức xoay bàn (hình thức tiếp xúc chơn linh theo nguyên tắc Thông linh học của phương Tây), đã tiếp xúc được với chơn linh ở cõi thiêng liêng tự xưng là A Ă Â mà sau này, các ông biết được, đó chính là chơn linh của Cao Đài Tiên Ông. Sau đó, các ông Cư, Tắc, Sang cũng lập thành một nhóm, tu theo đạo Cao Đài [Hương Hiếu:1995].

 

Bằng những sự kiện tóm lược nêu trên cho thấy, trong năm 1925 tại Sài Gòn, đạo Cao Đài đã manh nha được hình thành từ hai nhóm người riêng lẻ. Nhóm thứ nhất do ông Ngô Văn Chiêu khởi xướng từ Phú Quốc, sau đó truyền đạo tại Sài Gòn; Nhóm thứ hai do các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang khởi xướng tại Sài Gòn.

 

Đến đầu năm 1926, thông qua ông Vương Quang Kỳ, nhóm của các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang đã tìm đến và hợp với nhóm của ông Ngô Văn Chiêu nhằm hình thành nên một nhóm tu Cao Đài duy nhất ở Sài Gòn và sau đó sẽ phát triển ra toàn Nam Bộ [Cơ quan phổ thông giáo lý:2005]. Nhưng chủ trương này sau đó không thành vì cách hành đạo và quan điểm hành đạo của hai nhóm khác nhau. Ông Chiêu theo chủ trương nội giáo tâm truyền, với khẩu hiệu ngô thân bất độ hà thân độ [Tổ đình Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi:2003], nghĩa là khi bản thân chưa thành đạo (chưa độ được cho bản thân) thì không nên độ người khác, do đó trước hết bản thân cần cố gắng tu luyện, không nên phát triển đạo vội vã. Trái ngược với quan điểm ông Chiêu, các ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Lê Văn Trung (ông Trung tham gia nhóm của các ông Cư, Tắc, Sang từ tháng 1/1926)… theo chủ trương ngoại giáo công truyền và với quan điểm đạo khởi trễ một ngày sẽ hại nhơn sanh một ngày [Đồng Tân:1972]. Với hai quan điểm trái ngược nhau như vậy đã dần dẫn đến sự bất hòa lẫn nhau.


Đầu tiên là trái ngược nhau về thời điểm lập đạo. Quan điểm của ông Chiêu, phải đến năm 1933, đạo Cao Đài mới có thể thành lập, công bố thiên hạ [Tòa thánh Tây Ninh:1973]. Nhưng nhóm của các ông Cư, Tắc, Sang cố gắng truyền đạo để thu nhận tín đồ càng nhiều càng tốt và lập đạo càng sớm càng tốt. Do đó chỉ trong thời gian rất ngắn của năm 1926, nhóm của các ông Cư, Tắc, Sang, Trung… đã lập được 5 đàn cơ ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và thu hút được nhiều tầng lớp xã hội như quan chức, tu sĩ, địa chủ, hương hào, tá điền, thường dân… tham gia vào đạo Cao Đài [Trần Văn Rạng:1970], [Cơ quan phổ thông giáo lý:2005], [Lê Anh Dũng:1996].


Tiếp theo là sự nghi kỵ lẫn nhau trong việc tiếp nhận và giải thích Thánh giáo Cao Đài. Nhóm của ông Chiêu vẫn giữ đúng quan điểm của mình là tu kỹ, ít tiếp xúc với bên ngoài nên lập đàn cơ và tiếp nhận Thánh giáo của các đấng thiêng liêng riêng. Nhóm của các ông Cư, Tắc, Sang, Trung… hết lòng cho công tác truyền giáo và phát triển đạo nên cũng thiết lập đàn cơ và tiếp nhận Thánh giáo riêng. Nhưng, Thánh giáo của thiêng liêng được tiếp nhận từ hai đàn cơ khác nhau của hai bên, nội dung đôi lúc mâu thuẫn lẫn nhau, nếu không muốn nói là đối nghịch nhau [Đồng Tân:1967]. Từ đó dẫn đến sự nghi kỵ và đôi khi đưa đến sự xung đột về mặt tư tưởng hành đạo của hai nhóm.


Chính sự bất đồng nêu trên, hai nhóm này (nhóm của ông Chiêu và nhóm của các ông Cư, Tắc, Sang, Trung…) dần dần không còn liên lạc với nhau. Và, đến những tháng cuối năm 1926, việc hành đạo của hai nhóm gần như tách biệt theo hai hướng khác nhau và không còn quan tâm lẫn nhau. Nhóm của ông Chiêu chú trọng khuynh hướng “tu kỹ” để luyện tâm pháp [Đồng Tân:1967]. Nhóm của các ông Cư, Tắc, Sang, Trung… chú trọng đến việc phổ truyền và phát triển đạo Cao Đài ở vùng Tây Nam Bộ và một số tỉnh thuộc Đông Nam Bộ [Hương Hiếu: 1995].


Đến cuối năm 1926, công việc phổ truyền và phát triển đạo Cao Đài của các ông Cư, Tắc, Sang, Trung… đạt hiệu quả rất lớn. Người dân ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung tin và theo đạo Cao Đài ngày một đông, đặc biệt là người dân ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang… Chính sự phát triển ngày một mạnh của đạo Cao Đài tại khu vực Nam Bộ đã thúc đẩy ý chí mở đạo của các ông Cư, Tắc, Sang, Trung… Nên, ngày 29/9/1926 (nhằm ngày 23/8 năm Bính Dần), ông Lê Văn Trung triệu tập tín đồ trí thức vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định tại nhà của ông Nguyễn Văn Tường ở hẻm Galliemi (nay là đường Trần Hưng Đạo) để soạn thảo Bản Khai đạo, sau đó gửi Bản Khai đạo này lên Thống đốc Nam Kỳ vào ngày 7/10/1926 (nhằm ngày mùng một tháng 9 năm Bính Dần) [Nguyễn Trung Hậu:1930]. Hơn một tháng sau, các ông Cư, Tắc, Sang, Trung… hợp nhau làm lễ khai đạo tại chùa Từ Lâm ở Tây Ninh, công bố một tôn giáo mới ra đời tại Nam Bộ.


Đạo Cao Đài do nhóm của các ông Cư, Tắc, Sang, Trung… từ đó phát triển mạnh thêm, thu hút hàng vạn tín đồ và sau đó thành lập Tòa thánh tại làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh. Trong quá trình phát triển, do sự bất đồng ý kiến và mâu thuẫn nội bộ, nên rất nhiều chức sắc trong nhóm Cao Đài này đã dần tách ra và lập nên các chi phái riêng như ông Nguyễn Hữu Chính lập nên Cao Đài Tiên Thiên tại Tiền Giang vào năm 1930. Ông Nguyễn Văn Ca lập nên Cao Đài Minh Chơn Lý tại Mỹ Tho năm 1932. Ông Trần Đạo Quang lập nên Minh Chơn Đạo năm 1934 tại Bạc Liêu. Ông Lê Bá Trang, Nguyễn Ngọc Tương lập Ban Chỉnh Đạo tại Bến Tre vào năm 1934. Ông Tô Bửu Tài, Trương Minh Tòng lập nên Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý vào năm 1936…[Trần Văn Rạng:1970], [Victor Oliver:1972]. Hầu hết các chi phái thuộc nhóm Cao Đài của các ông Cư, Tắc, Sang, Trung… lập nên lúc ban đầu đều tồn tại và phát triển ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long như Tiên Thiên và Minh Chơn Lý ở Tiền Giang, Minh Chơn Đạo ở Cà Mau, Ban Chỉnh Đạo ở Bến Tre, Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý ở Kiên Giang…


ToDinhCMTTVV

Nhóm Cao Đài do ông Chiêu khởi xướng, sau khi không còn liên lạc với nhóm của các ông Cư, Tắc, Sang, Trung…, vẫn tiếp tục con đường tu kỹ của mình và rất hạn chế thu nhận tín đồ. Những người mà ông Chiêu đồng ý truyền giáo đều được xem là những người có “căn cơ” tu hành và phải được sự đồng ý của thiêng liêng bằng hình thức xin keo [Đồng Tân:1967], [Cơ quan phổ thông giáo lý:2005]. Chính vì thế, số tín đồ Cao Đài tu theo tâm pháp do ông Chiêu hướng dẫn không nhiều. Đa phần tín đồ do ông Chiêu thu nhận đều tập trung ở Cần Thơ; và cũng chính tại nơi đây, tín đồ của ông Chiêu sau này lập nên một Đàn Cơ có tên là Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi và xây dựng Nghĩa địa để an táng tín đồ trong đạo, có tên là Nghĩa địa Chiếu Minh. Sau năm 1954, một số tín đồ Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi muốn phát triển phương thức tu hành tâm pháp của ông Ngô Văn Chiêu bằng cách mở rộng việc thu nhận tín đồ và cải cách phương thức thờ tự cũng như hệ thống tổ chức [Nguyễn Thanh Xuân:2004]… nên đã thành lập thành nhánh riêng và sau này có tên là Chiếu Minh Long Châu, đặt tổ đình tại tỉnh Hậu Giang.


Như vậy, từ những sự kiện trên cho thấy, tuy đạo Cao Đài được đặt nền tảng ra đời tại Đông Nam Bộ, nhưng nó lại phát triển mạnh ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Hầu hết các chi phái và tín đồ của đạo Cao Đài đều hình thành tại Tây Nam Bộ, trong đó có một số chi phái lớn với số tín đồ lên đến hàng chục vạn người như Minh Chơn Đạo (31.386 tín đồ), Tiên Thiên (41.523 tín đồ), Ban Chỉnh Đạo (807.260 tín đồ)…(số liệu Ban tôn giáo Chính phủ tháng 12/2007). Do đó có thể khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long chính là vùng đất nuôi dưỡng và phát triển đạo Cao Đài.

3. CÁC NGUYÊN LÝ NHỊ NGUYÊN TRONG ĐẠO CAO ĐÀI

3.1. Nhị nguyên quá trình hình thành và phát triển


Từ những dữ kiện đã phân tích trên cho thấy, đạo Cao Đài được hình thành không phải từ một người với một đường lối thống nhất mà nó được hình thành từ hai nhóm người với hai con đường hành đạo khác nhau, hay nói đúng hơn là hai nhóm người với hai tư tưởng hành đạo đối nghịch nhau; đó là nhóm của ông Chiêu và nhóm của các ông Cư, Tắc, Sang.


Đọc lịch sử của hai nhóm này, chúng tôi nhận thấy, mặc dù có một điểm chung là cùng được đấng Cao Đài điểm hóa và thờ một đấng Cao Đài, nhưng yêu cầu của đấng Cao Đài đối với hai nhóm này hoàn toàn khác nhau. Chơn linh của đấng Cao Đài đến với ông Ngô Văn Chiêu trong một thời gian khá dài. Theo sử liệu, năm 1902, trong một đàn cơ ở chi Minh Thiện tại Thủ Dầu Một, ông Ngô Văn Chiêu đã được các đấng thiêng liêng khuyên nên tu hành để đạt chánh quả về sau. Đến năm 1919, danh xưng Cao Đài Tiên Ông xuất hiện trong đàn cơ do ông Chiêu làm pháp đàn tại Tân An và chơn linh này đã khen ông Chiêu là người thông minh, nhưng lại không cho biết gì thêm về hai chữ Cao Đài cũng như Cao Đài Tiên Ông là ai [Đồng Tân:1967]? Đến năm 1920, khi làm việc tại Hà Tiên, trong mỗi lần cầu cơ, ông Chiêu luôn được các đấng thiêng liêng như Lữ Đồng Tân, Bạch Hạt Đồng tử, Minh Nguyệt Đồng tử… khuyên ông tu hành. Sau đó, ông Chiêu chuyển ra làm việc tại Phú Quốc. Trong những buổi cầu cơ tại đây, Cao Đài Tiên Ông lại xuất hiện, khuyên ông Chiêu nên bỏ tụng kinh Minh Thánh (kinh dành cho việc cúng Đức Quan Công) và làm đệ tử của Tiên ông để được dạy đạo, khuyên ông Chiêu nên ăn chay một tháng 10 ngày, sau đó tăng lên 3 năm trường chay, bỏ thờ Quang Công, vẽ Thiên nhãn để thờ, và chuyên tâm tu luyện tâm pháp…[Tổ đình Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi: 2003].


Bằng những sự kiện nêu trên cho thấy, thời gian nghe, biết, tin, theo và thờ Cao Đài Tiên Ông của ông Ngô Văn Chiêu kéo dài khoảng 3 năm. Trong thời gian đó có thể xem là thời gian mà chơn linh của Cao Đài Tiên Ông luôn “ở sát” bên ông Chiêu, từng bước dẫn dắt và bắt buộc ông Chiêu theo đấng Cao Đài bằng nhưng yêu cầu cụ thể như bỏ tụng kinh Minh Thánh, bỏ thờ Quan Công, ăn chay trường, luyện đạo, lập biểu tượng thờ… Điều này có thể thấy, vai trò của ông Chiêu đối với đạo Cao Đài rất quan trọng, nên chơn linh của Cao Đài Tiên Ông đã có những yêu cầu đặc biệt đối với ông và từng bước dẫn dắt ông theo Cao Đài trong thời gian dài nêu trên.


Đối với nhóm của các ông Cư, Tắc, Sang đến với đạo Cao Đài bằng những sự kiện gần như ngược lại với ông Chiêu. Theo sử liệu Cao Đài, cuối tháng 7 năm 1925, các ông Cư, Tắc, Sang tổ chức xoay bàn để tiếp xúc với các chơn linh, sau đó tiếp xúc được với đấng Cao Đài Tiên Ông qua danh xưng A Ă Â. Đến đêm 24/12/1925, các ông Cư, Tắc, Sang biết được danh xưng chính thức của đấng Cao Đài là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát và thâu nhận các ông làm đệ tử [Hương Hiếu:1995].


Thời gian các ông Cư, Tắc, Sang tiếp xúc và biết chơn linh của đấng Cao Đài rất ngắn so với thời gian ông Chiêu tiếp xúc với chơn linh Cao Đài. Đọc tài liệu sử đạo trong giai đoạn này, chúng tôi nhận thấy, những yêu cầu mà chơn linh của đấng Cao Đài dành cho các ông Cư, Tắc, Sang đối với việc tu theo đạo Cao Đài không rõ ràng và cũng không khắc khe như đối với ông Chiêu; không đòi hỏi phải tịnh luyện, phải trường chay. Việc khởi xướng ăn chay là do các ông tự nguyện, mỗi tháng ăn chay thêm 2 ngày để cho thanh tịnh khi cầu tiên [Hương Hiếu:1995], [Nguyễn Trung Hậu:1930].


Như vậy có thể nói, cách thức đến với đạo Cao Đài của hai nhóm người nêu trên hoàn toàn khác nhau. Một bên thì chơn linh của đấng Cao Đài theo dõi chặt chẽ trong thời gian dài, yêu cầu khắt khe bằng những việc làm cụ thể; bên còn lại thì đơn. Đến khi hành đạo, hai nhóm này cũng thực hiện theo hai con đường khác nhau. Một bên thì “kín ngoài rồi lại kín trong” [Tổ đình Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi:2003]; bên còn lại đem chơn lý phổ truyền, càng rộng rãi càng tốt.


Điều này cho thấy, ngay từ giai đoạn manh nha hình thành đạo Cao Đài đã xuất hiện ra nguyên lý nhị nguyên đối ngẫu. Đây là vấn đề hoàn toàn khác so với các tôn giáo đã hình thành trước đó cũng như sau này. Đọc lịch sử tôn giáo [Mai Thanh Hải:1988], chúng tôi nhận thấy, hầu như các tôn giáo trên thế giới cũng như ở Việt Nam, từ manh nha đến hình thành đều mang tính thống nhất, thống nhất về tư tưởng cũng như cách hành đạo và phát triển đạo. Các tôn giáo chỉ phân chia sau khi đấng giáo chủ, người sáng lập, người khởi xướng đã tạ thế. Lúc ấy, mỗi tín đồ sẽ đi theo lý tưởng của mình và sau đó phân chia tôn giáo ra thành nhiều nhánh. Nhưng, đạo Cao Đài lại không theo nguyên tắc này. Yếu tố nhị nguyên đã được hình thành khi còn thời kỳ manh nha và tính đối ngẫu xuất hiện ngay khi có danh xưng Cao Đài ở Nam Bộ. Đây chính là điều đặc biệt của đạo Cao Đài so với các tôn giáo khác trong lịch sử hình thành tôn giáo của mình.