Giá trị di sản của đa dạng tôn giáo ở Việt Nam

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1375 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

                                                Giá trị di sản của đa dạng tôn giáo ở Việt Nam và những đóng góp đối với xã hội Việt Nam
                                                                                                      

Trước hết, chúng ta có thể mạnh dạn khẳng định thực tế “đa dạng tôn giáo ở Việt Nam”. Những công trình nghiên cứu bối cảnh tôn giáo lịch đại và đương tại ở cả ba Miền Nam Trung Bắc Việt Nam, và qua đề tài này cho phép chúng ta phát biểu như trên.


- Nhất là ở Nam Bộ, các nghiên cứu tôn giáo bản địa như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Phật giáo Tiểu thừa-Khờme, Thiên Chúa giáo, Tin Lành... và Cao Đài cho thấy rất rõ nét tính đa dạng tôn giáo ngay tại miền này.


- Tại miền Trung và miền Bắc sự hiện diện của Phật giáo Bắc Tông, Phật giáo Nam Tông, các tín ngưỡng thờ Thần, Thánh qua “hệ thống” đền miếu xây dựng khá lâu đời mà sinh hoạt thờ cúng đến nay vẫn còn thu hút đông đảo bà con.


- Đặc biệt tại miền Bắc, tín ngưỡng thờ Mẫu hay Đạo Mẫu với các đền thờ vừa cổ kính vừa hoành tráng, khói hương luôn nghi ngút. Và còn phải kể đến những đền thờ Anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... và rất nhiều các nam thần, nữ thần có công giúp dân, cứu nước...


Kế đến, cần tìm hiểu thế nào là Di Sản? (1) và Di Sản đa tôn giáo.


- Di sản là những hiện thực trong quá khứ như các di tích lịch sử, cấu trúc, và môi trường thiên nhiên trường cửu, được nhận định chung là của thừa kế của xã hội đương thời. (theo World English Dictionary)


- Nói rõ hơn, di sản là những gì khả dĩ tồn tại lâu đời, do thiên nhiên hay con người tạo ra, có giá trị phổ quát cho đời sống vật chất, tinh thần và sinh hoạt văn hóa, được xã hội quí trọng và gìn giữ.


Ở đây, chúng ta đang liên hệ đến “đa tôn giáo”. Vậy, di sản là di sản chung của tổng thể “đa tôn giáo”. Dĩ nhiên mỗi tôn giáo hay tín ngưỡng lâu đời của một đất nước hay các thành phần dân tộc đều có thể có một di sản riêng. Nhưng tổng thể “đa tôn giáo” sẽ có những “hiệu ứng” của tổng thể đó lập thành những giá trị tích cực, hữu ích đối với xã hội.


Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV từng nói:


“Tôi nghĩ rằng có nhiều dạng tín ngưỡng khác nhau là hữu ích. Đó là một sự sung túc và giàu có, con người có nhiều hình thức thể hiện, nhiều cách thức trình bày khác nhau về luân lý đạo đức. Cứ nhớ trong đầu rằng con người trên thế gian thật là đông đảo, thật là nhiều dạng, nhiều hạng, nhiều tâm tư, nhiều tính cách khác nhau, nhiều cảm thức khác nhau thì chúng ta sẽ thấy rằng có nhiều dạng tín ngưỡng khác nhau, nhiều dạng tôn giáo khác nhau là hữu ích.” (2)


Vậy ta có thể nói rằng: sự thỏa ứng đa dạng nhu cầu luân lý đạo đức, đa dạng nhu cầu tâm lý xã hội, nhu cầu tín ngưỡng của nhiều thành phần xã hội, của “đa dạng tôn giáo” là giá trị di sản của tổng thể ấy.


Trên cơ sở “đa dạng tôn giáo” ở Việt Nam, ta có thể khảo sát điều đó.


1. Trước tiên là giá trị di sản xây dựng con người có “luân lý đạo đức” trong xã hội. Khảo sát đa dạng tôn giáo ở vùng Tây Nam Bộ (Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Cao Đài...) ta dễ thấy giá trị di sản “tu nhân – học Phật” (3) được ứng dụng phổ biến cho toàn thể tín đồ. Tinh thần Ngũ giới cấm (4) là giới luật rất căn bản trong Phật giáo, vẫn tìm thấy bàng bạc trong Luật Hồi giáo, trong 10 điều răn Thiên chúa giáo, không thay đổi trong Cao Đài, trong Minh Sư, Minh Lý, và trong thực tế sống đạo của tín đồ các tôn giáo bản địa Việt Nam.


2. Giá trị di sản thứ hai là giá trị “an sinh xã hội”. Các tôn giáo dạy dân khai hoang lập ấp, chí thú làm ăn, tương thân tương trợ giữa đồng đạo và hoạt động từ thiện, cứu trợ không phân biệt tôn giáo hay không tôn giáo.


3. Giá trị thứ ba là giá trị văn hóa tâm linh. Chưa kể đến các giáo thuyết siêu mầu, sự hành lễ, nghi lễ, lễ hội của các tôn giáo chính thống tại VN , đều thể hiện đậm nét văn hóa tâm linh, trong cả hai phương diện vật thể và phi vật thể. Bởi tất cả đều phát sinh từ nền tảng giáo lý chân truyền, hướng đến những giá trị chân thiện mỹ, do đó vượt khỏi những động thái mê tín dị đoan. Tất cả kết thành di sản đa tôn giáo có giá trị chung nhất là giá trị hướng thượng. Có nhà nghiên cứu gọi giá trị hướng thượng này là tính bản nhiên của con người (5)


4. Giá trị thứ tư là giá trị truyền thống tam giáo đồng nguyên. Từ thời nhà Trần, Phật giáo cực thịnh, vua Trần Thái Tông tuy rất ngưỡng mộ Phật học vẫn có tư tưởng: “Chưa tỏ ngộ, người đời lầm lẫn phân biệt Tam giáo, Khi đạt chỗ gốc cội rồi thì cùng ngộ một tâm” .(6) Đó là tư tưởng bác học về “tam giáo đồng nguyên”, nhưng trong thực tế đời sống của nhân dân, nếp sống gia đình và xã hội đều thấm nhuần ba tông chỉ Nho,Thích, Lão, tạo thế cân bằng giữa nhân sinh và tâm linh. Giá trị di sản đa tôn giáo phát xuất từ truyền thống nầy là “trở về nguồn cội” (từ tâm thức đồng nguyên đi đến ý thức quy nguyên). Đó là lòng biết ơn tiền nhân dựng nước, cứu nước; là tình yêu dân tộc, yêu nước.


Sấm giảng đạo Hòa Hảo có đoạn:


“Khắp Bắc Nam, Lạc Hồng một giống,
Tha thứ nhau để sống cùng nhau.” (Sấm giảng)


Thánh ngôn Cao Đài có câu:


“Trở về nguồn cội tổ tông,
Đó là cái đạo ở trong mỗi trò” (7)

Hay bài kệ của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (Thời Tiền Lê, TK. Thứ X)

“Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.”


Dịch nghĩa:
Vận nước như dây mây leo quấn quýt,
Ở cõi trời Nam [mở ra] cảnh thái bình.
Vô vi ở nơi cung điện,
[Thì] khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh. (8)

5. Giá trị di sản nhân bản. Nhân bản là bản vị con người. Trong tổng thể đa tôn giáo, đương nhiên các tôn giáo đều tôn thờ đấng Thiêng liêng tối cao theo những đức tin riêng. Nhưng cái làm cho đa tôn giáo có một di sản chung là giá trị nhân bản. Nói dễ hiểu hơn là tôn giáo không bỏ qua nhân vị và năng lực của con người trong sứ mệnh hoàn thiện xã hội song song với sứ mệnh tiến hóa tâm linh. Bởi vì “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” (Phật), “ Đạo Thầy là các con, các con là Thầy” (Cao Đài), “Chúa ở trong lòng mọi người” (9) (Thiên Chúa), Tam Tài “Thiên – Địa – Nhân đồng đẳng” (Nho). Cho nên, góp phần xây dựng xã hội an lạc tiến bộ gọi là “Tu Nhân”. Do đó, giá trị di sản ở đây là phát huy, vận dụng, thiên bẩm, phật tính, cái “Tài Nhân” trong Tam Tài để xây dựng, bảo vệ đất nước, xã hội, dân tộc; nói rộng ra là phụng sự nhân loại và văn minh thế giới. Thánh giáo Cao Đài có bài thơ:


“Trở lại lòng mình, hởi thế nhân,
Quay về thượng đế tính (10) đơn thuần;
Không gây tham vọng, không oan trái,
Nước mạnh, dân an bởi hợp quần.” (11)

Giá trị tôn giáo nhân bản còn được đánh giá bằng văn hóa tôn giáo.


Giáo sư.TS. Đỗ Quang Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, có phát biểu qua một cuộc phỏng vấn: “Xét về góc độ văn hóa, tín đồ các tôn giáo đã tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng làng xã văn hóa, gia đình văn hóa. Đặc biệt, trên bình diện đạo đức, đồng bào có đạo đã có đóng góp nhất định vào quá trình kìm hãm tốc độ suy thoái đạo đức trước sự tác động của kinh tế thị trường và xã hội tiêu thụ.


Trên bình diện văn hóa lễ hội, đồng bào cũng có những đóng góp tích cực trong quá trình hội nhập văn hóa dân tộc với văn hoá tôn giáo và ngược lại. Trên bình diện văn hóa nếp sống, đồng bào cũng có đóng góp thiết thực vào quá trình khắc phục các tệ nạn xã hội, xóa bỏ một số hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức tang ma, cưới hỏi…” (12)


Tạm kết: Từ lâu, các nhà dân tộc học, tôn giáo học, sử học, các nhà nghiên cứu nhân văn-xã hội trong và ngoài nước đều nhận định rằng Việt Nam có một “mặt bằng” tín ngưỡng và tôn giáo rất đa dạng. Hơn nữa vừa đa dạng vừa mang những sắc thái đặc thù so với hiện tượng đa tôn giáo ở các dân tộc khác. Thế nên, nghiên cứu về “di sản đa tôn giáo” ở Việt Nam, chúng ta có thể nhận ra rằng, chính đa tôn giáo trong xã hội VN, trước hết đã thừa kế những di sản của dân tộc qua lịch sử và qua tác động của những giai đoạn biến chuyển tâm lý của người Việt trong đời sống vật chất và tín ngưỡng giữa xã hội.

 

Do đó bản thân những giá trị di sản của đa tôn giáo ở VN đều thấm nhuần dân tộc tính VN như lòng hiếu hòa, tính bao dung, lòng biết ơn tổ tiên, tình yêu quê hương, yêu tổ quốc sâu sắc. Nhất là phẩm chất trung dung, trung hòa giữa đời sống thế tục và đời sống tâm linh truyền thừa từ các bậc lãnh giáo đạt đạo. (Như Trần Nhân Tông, Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Pháp Thuận, Phật Thầy Tây An, Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương (Cao Đài), Hòa Thượng Thích Quảng Đức...)


Bởi thế, di sản đa tôn giáo VN có những giá trị thực tiễn đóng góp vào công cuộc an sinh và an ninh xã hội. Những báo cáo công tác từ thiện, hoạt động văn hóa của bản thân các tôn giáo và ngay cả của chính quyền chứng minh điều ấy. Từ đó dẫn đến chủ trương đồng hành cùng dân tộc của đa tôn giáo VN. Có thể nói đây là giá trị di sản đủ bao hàm mọi giá trị di sản khác của tổng thể đa tôn giáo Việt Nam../.

 

Thiện Chí

  (Đề tài Hội thảo Quốc tế, 9/2013)

Nguồn: nhipcaugiaoly.com

                                                                                                                                                               

_______________________________
Chú thích:
(1) World English Dictionary: heritage (ˈhɛrɪtɪdʒ) — n [...] . a. the evidence of the past, such as historical sites, buildings, and the unspoilt natural environment, considered collectively as the inheritance of present-day society
(2) http://tuvien.com/duc_phat/show.php?get=1&id=40td-minhthanh
(3) TS. Nguyễn Thanh Xuân, Một số tôn giáo ở Việt Nam, nxb Tôn giáo, 2012, tr. 371-393

(4) Không sát sanh, không du đảng, không tà dâm, không rượu thịt, không nói dối.

(5) Phạm Bích Hợp, Người Nam Bộ và Tôn giáo bản địa, nxb Tôn giáo, 2007.

(6) “Vị minh nhân vọng phân Tam giáo, Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm”-Thơ văn Lý – Trần. Tập II, 1989, tr. 60, 62, 65.

(7) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo (Cao Đài), Thánh giáo 13-8-1973.

(8) http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1p_Thu%E1%BA%ADn

(9) Thánh kinh: (Gal 4,4-7)

(10)Thượng đế tính ở đây nên hiểu là tính bản nhiên, là chân ngã, phật tính, cũng là nhân bản.

(11) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo (Cao Đài), Thánh giáo 21.3.1970

(12) Nguồn: http://tongiaovadantoc.com/c1053/20110328215755647/phong-van-gsts-do-quang-hung-vien-truong-vien-nghien-cuu-ton-giao-ton-giao-va-dan-toc.htm

 

* Tài liệu tham khảo:


1. Một số Tôn giáo Việt Nam, TS. Nguyễn Thanh Xuân, nxb.Tôn giáo, 2012.

 

2. Người Nam Bộ và Tôn giáo bản địa, TS. Phạm Bích Hợp, nxb. Tôn giáo, 2007.

 

3. Website Tôn giáo & Dân tộc-Phỏng vấn GS.TS Đỗ Quang Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo và dân tộc

 

4. Đạo Mẫu VN, http://daomauvietnam.com/

 

5. Tần Nhân Tông: http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Nh%C3%A2n_T%C3%B4ng

 

6. Thiền Sư Pháp Thuận, http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1p_Thu%E1%BA%ADn

 

7. Thánh Giáo Sưu Tập, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 1970, 1973.