Giá trị di sản đa dạng Tôn giáo qua góc nhìn Tôn chỉ mục đích đạo Cao Đài

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1794 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Đạo Cao Đài là một tôn giáo nội sinh tại Việt Nam, được khai sáng vào đầu thế kỷ XX gần như đồng thời với một số tôn giáo bản địa khác như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo. So với các tôn giáo có bề dầy lịch sử trên thế giới đã du nhập vào Việt Nam, thì đạo Cao Đài là một tôn giáo rất mới (chính thức khai đạo vào năm 1926). Tuy nhiên, Cao Đài được tổ chức thành một Giáo Hội hoàn chỉnh nhất trong số các tôn giáo bản địa.


Điểm đặc biệt hơn nữa là tuy ra đời sau mà có tôn chỉ thật cụ thể dứt khoát là thừa kế tinh hoa của các tôn giáo lớn trải qua lịch sử. Đó là tôn chỉ “Tam giáo quy nguyên, ngũ chi phục nhất”.


(1) Chúng ta sẽ lần lượt phân tích “giá trị di sản” của tôn chỉ “tam giáo quy nguyên” rồi đến “ngũ chi phục nhất”.


Ngay từ thời lập giáo, Thánh kinh Cao Đài đã chép rằng:
“Xưa kia Tam Giáo Tam Tòa,
Ngày nay chung lại một nhà phổ thông.
Thuyết minh chánh lý Ðại Ðồng,
Làm cho con Lạc cháu Hồng mở mang.” (Đại Thừa Chơn Giáo, Trước Tiết Tàng Thơ - 1956)

Và: “Ngày nay Thầy đến đây đem ba nền tôn giáo hợp nhứt lại tạo thành một tôn giáo lớn lao để đời đời kiếp kiếp cho nhơn sanh nương vào đó mà lánh cơn nạn khổ thảm sầu” (2)


Tôn chỉ “Tam giáo quy nguyên” không phải là sự dung hợp ngẫu nhiên mà là một sự chọn lựa có cơ sở từ truyền thống “Tam giáo đồng nguyên” của tín ngưỡng lâu đời của dân tộc Việt Nam; lại nữa, nó phù hợp với mục đích dung hòa, vừa xây dựng xã hội nhân sinh vừa chú trọng đời sống tâm linh hướng thượng.


Thánh giáo Cao Đài có nêu rõ:
“Người có trách nhiệm hiện hữu đã biết Tam Gáo Đạo gồm trong danh từ Đại Đạo.
Người có nhiệm vụ ở phần Nho Tông chuyển thế là Đạo trị thế.
Người có trách nhiệm về Thích Giáo, Lão Giáo là Đạo hoát khai tâm linh.
Hai con đường trị thế hay nhân sinh và tâm linh phải được thực hiện ngay trong kỳ đại ân xá này.” (3)


Theo giáo lý Cao Đài, "Quy nguyên" trong thời đại Tam Kỳ Phổ Độ, tuy chọn Tam giáo đạo làm căn bản, nhưng trên thực tế là một cuộc vận động vạn giáo quy nguyên :


“Hôm nay, Thầy chuyển lập Tam Kỳ Phổ Độ để chấn hưng chánh lý đồng nguyên, để xóa bỏ những cạnh khìa ngã chấp sắc màu mà dung hiệp phần tinh ba cổ kim Âu Á trên lập trường duy nhứt, nghĩa là xóa bỏ cái Dị mà đem lại cái Đồng giữa các sắc giáo,[ . . .] nhưng điều đáng quí nhất là tinh thần đạo đức được thực dụng rõ ràng trong mỗi hiện thân sanh chúng mới bảo tồn cho thể thống trang nghiêm.” (4)


Do đó giáo lý Cao Đài xác định, cứu cánh “Quy nguyên hiệp nhất” của các tôn giáo là trở về nguồn gốc Đại Đạo. Đại Đạo không có nghĩa là một tôn giáo nào, kể cả tôn giáo Cao Đài, mà là Nguyên lý hay Bản thể uyên nguyên. “Tam giáo quy nguyên” sẽ được tìm thấy và được công nhận trong mọi tôn giáo một khi mọi tôn giáo đều có nhận thức Nguồn gốc tối sơ của mình là một Nguyên lý duy nhất hay Đại Đạo. Từ đó xuất phát tâm thức “Vạn giáo nhất Lý”.


Hệ luận “Vạn giáo nhất lý” sẽ giải tỏa vấn nạn kỳ thị tôn giáo từng gây hậu quả chiến tranh tôn giáo khốc liệt. Nhờ đó các tôn giáo sẽ xích lại gần nhau, đoàn kết, hợp tác trong mọi hoạt động cứu nhân độ thế. Người ta có thể tìm thấy giá trị di sản đa tôn giáo đối với xã hội từ hệ luận ấy.


Vế thứ hai trong tôn chỉ tôn giáo Cao Đài là “Ngũ chi phục nhất”. Ngũ chi này không phải là 5 nhánh đạo của đạo Cao Đài hay của một tôn giáo nào khác. Thật ra, đó là 5 phương thức hành đạo từ thấp lên cao trên đường “tự độ, độ tha”, “phụng nhân, sự thiên” (giúp người, phụng sự đạo trời), bao gồm Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Cần lưu ý chữ “đạo” nơi đây là đường lối thực hành, không có nghĩa là tổ chức tôn giáo. Nên “Phật đạo” có nghĩa khác “đạo Phật”. Phật đạo là đường lối thực hành pháp môn tu giải thoát cao nhất so với 4 phương thức kia.


Nên thánh kinh Cao Đài có viết: “Khi nay Thầy dạy các con lo xây dựng phần tôn giáo để phản ảnh cái lĩnh vực tinh thần đạo đức của năm lớp học là Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. (5) Vô hình trung, “Ngũ chi” là 5 nấc thang hành đạo nhất quán quy chiếu vào tiến trình đạt đạo của mỗi hành giả, cũng có thể là bảng ứng dụng các phương thức hành đạo thích ứng cho từng đối tượng, từng hoàn cảnh của mỗi tôn giáo mà mục tiêu sau cùng vẫn là “phục nhất” trong tinh thần Đại Đạo.


“Ngũ chi phục nhất” như thế là chịu sự dẫn đạo của một lý duy nhứt, đồng thời là năm mắc xích liên hợp. Đứng trước vạn giáo của thời đại Tam Kỳ này, cái “thực thể Đạo cứu thế duy nhứt” chính là sự đồng hành của vạn giáo theo một chương trình năm bậc như trên, bất cứ là dưới danh xưng nào, miễn là có “tinh thần đạo đức thực dụng rõ ràng” (6)


Đối với tổng thể đa dạng tôn giáo, có tôn giáo chú trọng dạy “luân lý đạo đức” cho con người trong quan hệ xã hội, đó là tôn giáo thuộc “Nhân đạo”; tôn giáo dạy “trừ gian, diệt bạo”, thuộc về “Thần đạo”; tôn giáo dạy an bang tế thế, giáo dân vi thiện, thuộc “Thánh đạo”; tôn giáo dạy sống đạo tự nhiên, mở lòng bác ái, thuộc “Tiên đạo”; tôn giáo dạy diệt khổ, giải thoát luân hồi thuộc “Phật đạo”. Tựu trung, đa tôn giáo là một hệ thống từ nhập thế đến xuất thế, có chung một mục tiêu giải quyết toàn diện đời sống con người về mặt thế tục lẫn mặt tâm linh.


Như thế “Ngũ chi phục nhất” có giá trị di sản của đa tôn giáo là quyền biến đối trị với mọi biến động xã hội trong mục tiêu cứu thế; và ứng hợp với trình độ tu tiến và lý tưởng của mỗi cá nhân.


Song song với tôn chỉ “Tam giáo quy nguyên, ngũ chi phục nhất” của đạo Cao Đài là mục đích “Thế đạo đại đồng, thiên đạo giải thoát”.
Thế đạo là đường lối thực hiện đạo lý để hoàn hảo hóa xã hội nhắm mục tiêu một thế giới đoàn kết hòa bình vì sự sống và tiến bộ của tất cả các dân tộc gọi là đại đồng.


Thiên đạo là đường lối thực hiện thiên lý hay đạo pháp của người tu, nhắm mục tiêu dưỡng sinh thể xác và tiến hóa tâm linh, gọi là giải thoát.
Quẻ “Đồng nhân” trong Dịch học (7) giải thích rất rõ ràng ý nghĩa và đường lối thực hiện đại đồng:


a)- Có chung một bản thể là đại đồng
b)- Tương ứng với nhau là đại đồng
c)- Tương giao rộng rãi với mọi người mọi nơi là đại đồng
d)- Cùng nêu cao một lý tưởng là đại đồng

Kinh điển Cao Đài có đoạn:
Kìa thế giới ngày nay biến loạn,
Bởi người đời xao lãng lòng nhân;
Kìa là tôn giáo tranh phân,
Bởi người thiếu lẽ tình thân đại đồng. (8)


Cho nên, “thế đạo đại đồng” là mục tiêu của tất cả cộng đồng xã hội, trong đó người giác ngộ là những nhân tố đầu tiên. Tôn giáo hay không tôn giáo không phải là điều kiện tiên quyết để thi hành sứ mệnh. Lương tâm và đạo lý là ngọn đuốc soi đường chung cho mọi người.


“Đã là một nhân sanh tại thế,
Khó tránh điều dâu bể đổi thay,
Dọc ngang giữa cõi trần ai,
Phải đem đạo lý dựng gầy thế nhân.” (9)

Do mục tiêu “giải quyết toàn diện con người” trên cả hai phương diện nhân sinh xã hội và tiến hóa tâm linh, nên mục đích Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ bao gồm cả “Thế đạo” và “Thiên đạo”.


Như trên đã thấy, “Thiên đạo” thuộc về pháp môn giải thoát tâm linh, nhưng Thiên đạo theo Cao Đài không có nghĩa yếm thế, ngược lại rất tích cực bằng chánh pháp “Thiên đạo đại thừa”


Theo giáo lý Đại Đạo, thiên đạo còn gọi là”thiên đạo đại thừa” để nhấn mạnh nguyên tắc “tự độ – độ tha”, nêu lên sứ mạng đại thừa của người tu thiên đạo: “Kìa xem trời đất bao la che chở, không vì kẻ ác, không vì người thiện, không vì sự kính yêu của vạn loài, cũng không vì sự ghét bỏ của sự vật nào. Vẫn xuân hạ thu đông, vẫn mưa hòa gió thuận cho cây cỏ xanh tươi, non sông đẹp đẽ, nhơn loại an vui hạnh phúc. Thiên đạo là như vậy.[. . .]


“Người hành giả quyết tâm học chánh pháp đại thừa là có sứ mệnh cao cả để thực hành Thiên đạo trong xã hội.” (10)


Nói rõ hơn: ““Từ chỗ sơ phát của tâm lần lần đến bực vô thượng chánh đẳng, chánh giác, không đòi hỏi người hành giả phải hy sinh mọi mặt như tự ngàn xưa đúng qui giới tu trì, chỉ cần hành giả có một tâm nhất như tiến đạo đến chỗ thâm sâu cùng lý tận tánh, giải thoát hết mọi ràng buộc xung quanh, mới được quang minh khai phóng nhìn suốt sự vật để hòa mình tu kỷ luyện công, hòa mình cảm hóa nhân sanh, hoằng dương chánh pháp đúng theo thời kỳ nguơn hội ân xá của Đức Chí Tôn.” (11)


Khảo sát giáo lý và pháp môn của các tôn giáo trong tổng thể đa tôn giáo, chúng ta thấy có một di sản chung là dung hòa hai mục tiêu cứu độ nhân sinh xã hội và tâm linh xuất thế hay “tâm vật bình hành”. Công giáo nói “Kính Chúa yêu người”, Phật giáo tuyên ngôn “Lục hòa, Lục độ”, các tôn giáo bản địa (12) nói “ Tu nhân-học Phật”, Cao Đài nói “Đại đồng, giải thoát” . . .


Nhưng trong xu thế đồng hành cùng dân tộc và toàn cầu hóa ngày nay, lý tưởng “Đại đồng” có giá trị thực tiễn trong công cuộc cải tạo xã hội, đại đoàn kết dân tộc và góp phần xây dựng hòa bình thế giới trên nền tảng nhân bản. Đây là một di sản có giá trị phổ quát cho mọi tôn giáo

Tạm kết


Qua lịch sử phát triển của các tôn giáo, qua tôn chỉ mục đích cũng như phương châm hành đạo của nhiều tôn giáo, các nhà tôn giáo học, các nhà khoa học xã hội nhân văn đều tìm thấy những giá trị chung có thể đóng góp tích cực các mặt an sinh lẫn an ninh cho xã hội.


Trong tổng thể đa tôn giáo tại Việt Nam, các tôn giáo bản địa mới được thành lập trong thế kỷ trước và các tôn giáo du nhập xưa nay vào Việt Nam, có điểm thuận lợi chung là mặc nhiên thừa kế được truyền thống đạo đức dân tộc, đồng thời tiếp thu di sản chính đạo, chính pháp đã được lịch sử tôn giáo chắt lọc qua nhiều thế kỷ trải nghiệm những biến động thăng trầm của xã hội.


Chọn đạo Cao Đài làm tiêu biểu, với tôn chỉ mục đích có tính kế thừa các tôn giáo truyền thống thật rõ nét, cộng với tâm thức “vạn giáo nhất lý”, chúng ta có thể nhìn nhận rằng tổng thể đa tôn giáo tại Việt Nam đang thừa hưởng những di sản có giá trị đóng góp vào nền văn hóa đạo đức xã hội, văn hóa tâm linh, phát huy truyền thống đạo đức dân tộc .


Thiện Chí

Nguồn: nhipcaugiaoly.com

 

______________________________

Chú thích:
(1) Có tư liệu viết “Ngũ chi hiệp nhứt”

(2) Đại Thừa chơn giáo – Trước tiết tàng thơ (Chiếu Minh) – 1956, tr.91)

(3) Chí Thiện Đàn (Minh Đức Nho Giáo), 26 tháng 8 Nhâm Tý (3.10.72)

(4) Trung Thừa Chơn Giáo, Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan, 15 tháng 8 Tân Sửu (24.9.1961)

(5) Sđd, thánh giáo năm 1962

(6) Trung Thừa Chơn Giáo, Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan, 1961,tr.17

(7) Chu Dịch, Sào Nam Phan Bội Châu, Nxb Văn hóa thông tin, 1996, tr.238, Soán truyện và Đại tượng truyện

(8) Thánh giáo sưu tập, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, năm Ất Tỵ 1965

(9) Thánh giáo sưu tập, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.1970-71-tr.27

(10) Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, VNT, 10-6-Bính Thìn (1976)

(11) Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn nhơn, sđd.

(12) Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo


* Tài liệu tham khảo:
1. Kinh Đại Thừa Chơn Giáo, Trước Tiết Tàng Thơ (Chiếu Minh), 1956.
2. Trung Thừa Chơn Giáo, Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan, 1961.
3. Thánh Giáo Sưu Tập, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 1965, 1970-71.
4. Đa dạng hóa tôn giáo - thách đố của nhiều quốc gia, GS.TS. Đỗ Quang Hưng
(Website Tôn giáo & Dân tộc, bài phỏng vấn GS.TS. Đỗ Quang Hưng, Viện TRưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo)
5. Một số tôn giáo ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thanh Xuân, Nxb. Tôn giáo, 2012.
6. Chu Dịch, Sào Nam Phan Bội Châu, Nxb. Văn hóa thông tin, 1996.
7. Người Nam Bộ và Tôn giáo bản địa, TS.Phạm Bích Hợp, 2007.