Hài hòa theo Giáo Lý Cao Đài - Bài phát biểu của Phối sư Thượng Minh Thanh

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3558 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
                                                                                                             BÀI PHÁT BIỂU
                   của Phối Sư Thượng Minh Thanh Trưởng Ban Đại Diện Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh tại Thành Phố Hồ Chí Minh:

Hài hòa theo Giáo lý Cao Đài


Hội Ngộ Liên Tôn chúa nhật 27.10.2013,với chủ đề “Hiệp Tâm vun đắp An Hòa”; tại Trung Tâm Mục Vụ TGP TP.HCM (6 bis Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1,TP,HCM) nhân dịp Kỷ niệm 50 năm phát hành Thông điệp “Hoà bình trên trái đất” (1963-2013) của Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII.

Kính Đức Ngài Hồng Y Phạm Minh Mẫn - Tổng Giám Mục Tổng phận TP.HCM.

Kính thưa Ngài Giám Mục Tri Bửu Thiên - Phụ trách Đối thoại Liên Tôn & Đại kết.

Kính thưa Quý Đại Biểu Khách mời.

Kính thưa Quý Chức Sắc đại diện các Tôn giáo, Quý Tín hữu kính mến.

Kính Quý Ngài, Quý Vị,

Chúng tôi Đại diện Tôn giáo Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh tại Thành Phố Hồ Chí Minh vô vàn cảm kích, vì may duyên góp mặt Hội Ngộ Liên Tôn hôm nay, để cùng chư Bạn Đạo “Hiệp Tâm vun đắp An Hoà”, nhân dịp kỷ niệm 50 năm phát hành Thông điệp “Hoà bình trên trái đất” của Đức Chân phước Giao Hoàng Gioan XXIII.

Xin chân thành cám ơn Ban Mục vụ Liên Tôn khởi duyên Hội ngộ và cầu mong cuộc Hội ngộ đắc thành sở nguyện.
 
Hài hoà theo Giáo lý Cao Đài - Phối sư Thượng Minh Thanh (Toà Thánh Tây Ninh)

Kính thưa quý Ngài, quý Vị,

Thưa quý Bạn Đạo kính thương,

An hoà cõi thế, từ tâm linh nhân thế, là một chức năng cao cả, thuộc bản chất của mọi nền Tôn giáo.

Trong cuộc thế, không ngừng diễn hoá, sự bất hạnh, bất bình luôn có dịp phát sinh. Có cả những bất bình đẳng do bẩm sinh, do địa lý tự nhiên mà nhơn sanh ai có quyền lựa chọn? Con người khi chưa ý thức trọn vẹn về căn gốc của mình, thường có khuynh hướng nhìn ngang, đứng núi này trông núi nọ, so đo cao thấp, bon chen bù đắp, dẫn đến tranh giành; rồi nảy sinh bảo thủ, vun vén cá nhân tội lỗi.

Để tìm đến sự An Hoà hiện thế; quả thật, khó có một cơ chế xã hội nào quan tâm sâu sát đến từng cá thể, với từng hoàn cảnh riêng lẻ, muôn vẻ muôn màu. Chỉ có chọn khuynh hướng hướng thượng, với niềm tin Tôn giáo, từng cá thể mới cảm nhận được sự cứu độ Thiêng Liêng, sự an ủi thường trực làm dịu êm từng nỗi đau xao xuyến, trong từng khoảnh khắc cô đơn đáng sợ.

Mặt khác, chính ân sủng Thiêng Liêng cứu độ luôn tác động đến lương tâm con người, thức tỉnh đức hiếu sinh của Thượng Đế nơi mỗi con người, nguyên là một tạo vật ưu ái của Thượng Đế, mang sinh khí của Thượng Đế. Với cái tâm khôn sáng, quy hiệp Thiên lương, con người vừa là đối tượng, vừa là chủ thể cứu độ, để tự giác “Hiệp Tâm Vun Đắp An Hoà” ngay trong hiện thế, mà hài hoà cùng Thiên Lý. Đó cũng là điều mà Đồng Đạo Cao-Đài chúng tôi hằng tụng niệm:

“Đạo do Tâm hiệp”
Diễn quốc âm là: “Đạo gốc bởi lòng thành tín hiệp”

Tôn giáo Cao Đài khai minh vào giữa nửa đầu thập niên 20, thế kỷ XX, tại Miền Nam Nước Việt, thời thuộc Pháp, trong bối cảnh xã hội mà các bậc tiền khai đã ghi nhận trong lời tựa “Thánh Ngôn Hiệp Tuyển” quyển 1, ấn hành năm Đinh Mão (1927).

“Cuối Hạ-Ngươn nầy, nhơn-loại phần nhiều dụng hết tinh-thần xu-hướng vào lối văn-minh vật-chất; món ăn sẵn đủ sơn-trân hải-vị, chỗ ở lại nguy-nga đài-các; y-phục tiện dùng gấm nhiễu che thân, thậm chí ra một tấc đường vẫn có ngựa xe đỡ gót. Cái lạc-thú hiện thời trên cõi tạm nầy làm cho con người mê-mẩn; rồi đua chen nhau tranh-giành phúc-lộc; lăng xăng xạo-xự trên chốn võ-đài; mạnh đặng yếu thua; khôn còn dại mất. Phần đông bực thông-minh, lại đem cả trí khôn làm món binh khí hại người; kẻ tước trọng thêm dùng hết thế quyền ép dân đen ra bạc trắng. Quanh năm cứ lo cho xác thân hưởng điều khoái-lạc, vợ ấm, con no, được ngày nào vui ngày nấy; cho kiếp chết là kiếp mất: gọi Thiên-Đường, Ðịa-Ngục là câu chuyện hoang-đàng. Bậu-bạn lỗi câu tín-nghĩa, vợ chồng quên đạo tao-khương; mảng vụ chữ kim-thời mà phong dời tục đổi. Than ôi! Lượn sóng văn-minh tràn dập tới đâu thì nền luân-lý ngửa-nghiêng tới đó.

Nếu Ðạo Trời không sớm mở lần ba, nền phong-hóa, mối cang-thường, sau nầy phải vì đó mà hư-hoại…”

Ở đây, có nỗi khoắc khoải vì sự tha hoá đạo đức con người. Sự ưu thời mẫn thế của Đạo Cao Đài, thực ra, không xa lạ đối với các Tôn giáo cứu thế khác.

Đặc biệt, trong Tờ Khai Đạo ngày 7.10.1926 gửi đến nhà cầm quyền thuộc địa bấy giờ, quý tiền nhân đã công khai bày tỏ âu lo về sự tha hoá văn hoá truyền thống của dân tộc Việt, được nhìn từ góc độ có sự phân hoá đạo lý của các Tôn giáo truyền thống,(nhìn từ Phương Đông, do những hạn chế của thời đại lịch sử).

Điều đáng ghi nhận qua Tờ Khai Đạo về Tân Giáo lý của Đạo Cao Đài lại là sự khôi phục các mặt tích cực của tư tưởng Giáo lý truyền thống quen thuộc để kiến tạo cuộc sống an hoà. Đó là: Làm lành lánh dữ, yêu thương loài người, thực thi hoà hợp,loại bỏ hết thảy sự chia rẽ và chiến tranh (faire le bien et éviter le mal,aimer l’’humanité, pratiquer la concorde,éviter totalement la dissention la guerre).

Điều khẳng định từ buổi đầu Khai Đạo ấy, quả là thực chất Tôn Chỉ của Tôn giáo Cao Đài - Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Sự hổn dung chắt lọc các giáo thuyết, Tam Giáo Qui Nguyên — Ngũ Chi Phục Nhứt, để tìm đến sự hài hòa trên cơ sở tinh thần Dân tộc Việt Nam.

Đạo Cao Đài phát sinh giữa lòng Dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ: đại đồng tính vốn là nét đặc trưng bản sắc hài hòa tư tưởng của Dân tộc Việt, có thể góp phần “trong nhiệm vụ cổ võ sự hiệp nhất và yêu thương giữa con người và nhất là giữa các Dân tộc” (Trích dẫn Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các Tôn giáo ngoài Kitô–giáo; “Thánh Công đồng chung Vaticanô II”, bản in Giáo Hoàng Học Viện Piô X – Dalat, VN, trang 547).

Thông Điệp “Hòa bình dưới thế " của Đức Chân phước Giao Hoàng Gioan XXIII đề cao phẩm giá con người để tôn trọng con người mà hiệp tâm cung cấp cho con người những điều kiện sống tốt hơn.

Cuộc Hội Ngộ Liên Tôn hôm nay với chủ đề: “Hiệp Tâm Vun Đắp An Hòa’ đâu chỉ đơn thuần là hoạt động Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn của giới Công Giáo. Đây chính là cuộc sum họp của anh em ruột thịt trong một gia đình có truyền thống nhân ái vị tha, vốn trĩu nặng ưu tư vì sự yên bình của nhân thế; mà, trước hết, gần gũi hơn hết, là sự yên bình của cộng đồng Dân tộc.

Người tín hữu Cao Đài, quả lắm phúc duyên, đã tìm được ở những cuộc hội ngộ như thế này, sự hài hòa với tâm thành, Đồng Đạo đặt trọn vào Lời Ngũ Nguyện thường nhật; vốn có từ buổi ban sơ mở Đạo (từ 1927 về trước):

Một là: Nhất nguyện Đại Đạo Hoằng Khai.
Hai là: Nhì nguyện Phổ Độ Chúng Sanh.
Ba là: Tam nguyện Xá Tội Đệ Tử.
Bốn là: Tứ nguyện Thiên Hạ Thái Bình.
Năm là: Ngũ nguyện Thánh Thất An Ninh.

Đạo Cao Đài vốn chọn sự hài hòa để hiệp tâm vun đắp an hòa cho nhân thế. Vậy mà, trong quá trình nhập thế, Đạo vẫn lắm thăng trầm trăn trở, trải nghiệm cùng thử thách vô minh. Sau hơn nửa thế kỷ, tự thân vun đắp An Hòa, nền Đạo Nhà Nam mới tìm được sự hài hòa “Chung Đường Cùng Dân Tộc”, để chắp cánh vươn xa.

Kính thưa Quý Ngài, Quý vị,

Cùng Quý Bạn Đạo kính thương,

Hiệp Tâm Vun Đắp An Hòa cho tự thân Tôn Giáo hẳn phải vượt qua nhiều cái khó nội tại. Đó là lẽ đương nhiên, có thể khắc phục bằng sự hài hòa.

Hiệp Tâm Vun Đắp An Hòa cho nhân thế trong hoàn cảnh hiện nay, lại phát sinh cái khó từ sự diễn hóa xã hội. Trong thời buổi hiện nay, những giá trị truyền thống cao cả của Tôn giáo và của Dân tộc càng có nguy cơ bị lấn áp bởi giá trị lợi nhuận thị trường, giá trị xác lập tùy theo khả năng bán được với giá cả thấp, hoặc cao.

Đây là thách thức mới cho sự hiệp tâm chân thật, khoan dung bình đẳng và trong sáng thiêng liêng.

Sự kiên trì của Tôn giáo hài hòa với truyền thống cao đẹp bền vững của văn hóa dân tộc, cùng tập trung Vun Đắp An Hòa xã hội, đặc biệt quan tâm và làm an tâm đến tầng lớp bên dưới xã hội; tạo niềm tin chính đáng trấn an những lương tâm dao động định hướng lý tưởng xã hội, …. Tất cả đều có tác dụng khẳng định giá trị Tôn giáo và giá trị văn hóa dân tộc, đề kháng với sự vô cảm của giá trị lợi nhuận thị trường.

Kính Đức Ngài Hồng Y Tổng Gíam Mục,

Thưa Quý Ngài, Quý Vị,

Trong khuôn khổ của cuộc Hội Ngộ Liên Tôn - Hiệp Tâm Vun Đắp An Hòa, chúng tôi quả thật chưa đáp ứng yêu cầu phát biểu hài hòa để tạo niềm phấn khởi Đạo Tâm cho Bạn Đạo.

Chúng tôi lại nói khá nhiều về những bức xúc trong sự An Hòa nhân thế và tự thân Tôn giáo.

Chân thành kính mong Đức Ngài Hồng Y Tổng Giám Mục, Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn. Quý Ban Đạo và Quý khách mời thông cảm cho sự thành tâm đối thoại của chúng tôi. Bởi lẽ, chúng tôi buộc phải nghiêm túc nói lên những trăn trở của mình về sự An Hòa của nhân thế, trong phạm vi hiểu biết; vì bản thân không dám thất kính với Đấng Chân Phước Giao Hoàng Gioan XXIII; vì Đức Chân Phước hẳn phải từng trải bao trăn trở đáng tôn quý, khi phát hành “Thông điệp Hòa Bình trên Trái đất” vào năm 1963, để hôm nay bạn Đạo chúng ta đồng tôn vinh và kỷ niệm.

Xin cầu nguyện Quý Ngài và Quý Vị tràn đầy ân phước Thiêng Liêng.

Trân trọng kính chào Quý Ngài và Quý Vị.
Phối Sư Thương Minh Thanh
Nguồn: nhipcaugiaoly.com


Mời quý vị xem video clip bài phát biểu của Phối sư Thượng Minh Thanh