Học và Hành theo lời Thánh giáo của Đức Gia Tô Giáo chủ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3295 | Cật nhập lần cuối: 12/31/2018 7:33:20 AM | RSS

Học và Hành theo lời Thánh giáo của Đức Gia Tô Giáo chủTrong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, qua cơ bút, Đức Jesus đã giáng lâm ngay trong năm đầu tiên của Cao Đài giáo.

I. Lược sử các mối liên quan giữa việc hình thành Cao Đài giáo và Đức Chúa Gia Tô:

1.1- Đêm Noël 1925

Ở nhà Ngài Cao Quỳnh Cư, chư vị trong nhóm xây bàn nghe đến danh Cao Đài lần thứ ba và tiếp nhận đầy đủ hồng danh. Hôm đó, Đức AĂÂ chánh thức xưng danh là: Ngọc Hoàng Thượng Đế Viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương.

1.2- Tết dương lịch 01.01.1926 (17-11 Ất Sửu)

Có ông bà Đốc Phủ Chỉ theo Thiên Chúa giáo, đến nhà ông Cao Quỳnh Cư muốn xem thử cơ bút nên nói với ông:

“Xin cho tôi để thử trên bàn cầu cơ hình Đức Cha Jesus và một cây Thánh Giá. Nếu Đức Cao Đài Thượng Đế thiệt thì mới giáng cơ được, bằng Quỉ Vương thấy hai vật báu ấy tự nhiên phải tránh”.

Ông Cư bằng lòng cho thử, đoạn Ông Cư cùng ông Tắc ngồi vào hai bên bàn để phò Ngọc Cơ.

Trước hết có Thánh Pierre giáng cho 4 câu thi:

“SAINT PIERRE
Thiên Đường giữ cửa góc trời tây,
Truyền Đạo cho dân biết mặt Thầy;
Cứu chuộc đã gần đôi ngàn tuổi,
Cao Đài phó thác dắt dìu bây.”

Tiếp theo có Đấng Cao Đài - Thượng Đế giáng cơ như vầy:

THẦY. Các con có hiểu Jesus là ai chăng?

Trước Ta đổ máu cho loài người vì thương yêu. Nay Ta đến cứu loài người cũng vì thương yêu. Bây đủ thương yêu Ta dường ấy chăng? Ta cần bây biết ăn năn hầu cứu chữa bây”. (1)

1.3- Liên quan trong lời dạy về hệ thống thờ phượng

Thứ Bảy ngày 18.09.1926 (13-8 Bính Dần), Đức Chí Tôn dạy cách thức thiết kế hoàn chỉnh sự thờ phượng nơi Thiên bàn. Thánh ngôn có đoạn dạy về cách thờ phượng đầy đủ nơi Thánh thất đầu tiên là Thiền Lâm Tự ở Gò Kén, mà ngày nay chúng ta thấy qua hình thức thờ ở Tòa Thánh Tây Ninh, hệ thống thờ phượng chỉ có một bàn thờ bao gồm: Thiên Nhãn, Tam Giáo Đạo Tổ, Tam Trấn, v.v… tạo thành hệ thống Ngũ Chi Đại Đạo (2).

1.4- Lược sử giáng cơ của Đức Jésus trong TKPĐ:

1.4.1- Lần đầu tiên Đức Chúa giáng cơ vào khi nào?

- Trong quyển Đại Đạo Căn Nguyên, quyển Sử Đạo đầu tiên của Cao Đài giáo, Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu có ghi lại đàn cơ:

Le 11 Septembre 1926, (11.09.1926)

Hãy đến cùng Ta, những ai đau khỗ…”.

- Chúng ta cũng tìm gặp một bài giáng cơ khác của Đức Chúa còn được lưu trong quyển Thánh Ngôn chép tay (Niên sổ Thời thiết lục) của Ngài Thái Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Thơ cũng bằng Pháp văn, đàn ngày 24 Juillet 1927 (24.07.1927).

"Salut Messieurs, Je suis à vous.
Avez vous quelque chose à me demander?... … …”.

(dịch: Chào anh chị em. Ta đến cùng các người.
Có ai muốn xin Ta gì chăng?…)

1.4.2- Với các Hội Thánh và Tổ Chức trong ĐĐTKPĐ

Cho đến năm 1974, Ngài và chư Thánh (nam nữ) đã giáng cơ rất nhiều lần. Năm nay 2018, xin giới thiệu một số lần giáng cơ trong những năm tận cùng bằng số 8 như: 1958 (1), 1968 (3).

Trong những lần giáng đàn này, tóm tắt lại: Đức Chúa đã nhắc lại lịch sử giáng sinh cùng lịch sử truyền giáo truân chuyên với các môn đồ đầu tiên và những tiên tri khi xưa ngày nay đang là hiện thực:

“… lời tiên đoán trong hai ngàn năm Ta sẽ tái lâm phàm trần nhưng ngày Ta giá lâm như kẻ trộm.”

(kẻ trộm: ẩn mình không để người khác thấy. Ý nói có sự vô hình Thiêng Liêng qua hình thức thông công cơ bút).

II. Học và Hành theo Thánh Giáo của Đức Gia Tô Trong Tam Kỳ Phổ Độ

Bởi vậy Ta khuyên chư môn sanh, khá biết mối Đạo nơi cuối Hạ Nguơn Tam Kỳ Độ nầy, Cha Ta ở trên Trời đã đem một chiếc từ thoàn mà độ tận chúng sanh. Ta khuyên cả thảy chúng sanh phải nhớ rằng: Ta có tiên tri trong 2000 năm, Ta sẽ tái lâm mà cứu thế. Đến thời kỳ nầy đã đủ, tuy là Ta không hứa có Ta làm giáo chủ Đạo Cao Đài mà biết đâu Ta là một tay sai của Ngài khi trước. Vậy Ta khuyên cả môn sanh khá biết cạn lời nầy mà tu hành thì sau khỏi điều ăn năn tự hối”. (3)

Trong một lần giáng đàn tại đây, ngày mừng Giáng Sinh 1967, Đức Gia Tô đã nói:

Ta đến với một mùa Đông đầy giá rét,
Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài;
Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi,
Để cất tiếng từng hồi gọi đàn chiên lạc lõng.
Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống,
Sống muôn đời và sống mãi muôn đời;
Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!
Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.
(4)

Chúng ta học và hiểu về đoạn Thánh giáo trên như thế nào?

Nếu hiểu theo nghĩa đen, cũng đã rõ rồi nhưng còn nếu hiểu theo nghĩa mở rộng của thời sự ngày nay trong năm 2018 này. Quý vị, quý đạo hữu thấy những gì, ra sao?

Thế giới, toàn nhân loại đang chịu tác động của các vấn đề như: biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, ô nhiểm môi trường, v.v…

Việt Nam là một trong các nước bị tác động rõ nhất trong vài năm gần đây! Tuy là xứ trong vùng nhiệt đới nhưng mùa đông giá rét tuyết rơi đã hiện diện ở Sapa, Hoàng Liên Sơn… hay vài năm trước đây ở miền Nam nắng hạn và xâm nhập mặn đã vào sâu trong đồng bằng Cửu Long (từng được xem là vựa lúa của miền Nam) hậu quả có nhiều xóm làng vắng bóng nông dân. Hay hiện tượng sạt lở bờ sông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hoặc xâm thực bờ biển của các tỉnh ven biển! Đây là những hình ảnh điển hình của thiên tai và quốc nạn.

Nhìn ra thế giới qua truyền thông, nhất là với thời đại internette, những hậu quả của biến đỗi khí hậu đang diễn ra khắp nơi trên thế giới như: có băng tuyết ở núi Kilimanjaro thuộc sa mạc Sahara (Phi châu)…

Tất cả những tác hại trên có nhiều nguyên nhân của đời sống văn minh hiện đại nhưng tựu trung vào tác nhân chánh là nguồn khí thải CO và CO2 trên toàn cầu của việc phát điện từ than – dầu, động cơ nổ dùng nhiên liệu hóa thạch xăng dầu…, sinh khối phân của kỷ nghệ gia súc (ngựa, bò, dê…). Khoa học chứng minh thói quen canh tác cỗ truyền của nông dân, khi vùi rơm rạ xuống đất ướt ủ làm phân cũng đã góp phần làm gia tăng khối lượng CO2 vào bầu khí quyển!

Song song với những thành phố mọc lên tương ứng với tốc độ nhanh chóng mất đi của các cánh rừng,…

Năm 1971, Đức Chúa đã dạy:

Ngày tận thế đã diễn bày khắp trên thế giới đều chung chịu sự tiêu diệt của thời Hạ Nguơn”.

Địa cầu này và xã hội loài người đang tiến đến “tận thế”.

Ngày nay, có hai vấn đề quan trong thế giới lưu tâm:

1) ô nhiểm môi trường và

2) biến đổi khí hậu.

a. Về vấn đề ‘ô nhiểm môi trường’: nguy nhất là rác nhựa!

Ngư dân Việt đánh cá trên biển, thu hoạch: ¾ hải sản và ¼ rác nhựa lẫn cá, ốc...!

Phải hạn chế sử dụng đồ nhựa: bao nylon, ống hút, chai nhựa, khăn ướt, kem chống nắng,… Chuyển trở lại dùng bao giấy, túi vải, khăn giấy,…

b. Về vấn đề ‘biến đổi khí hậu’

Vừa qua, Liên Hiệp Quốc trước một tháng của Hội nghị Cop 24 tại Ba Lan, đã gởi đến các chánh phủ trên toàn thế giới lời cảnh báo của 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới về “tình trạng nóng lên toàn cầu” hiện nay. Chỉ còn 12 năm, nếu không có sự tích cực cải thiện, đến năm 2030 nhiệt độ địa cầu sẽ tăng thêm 20C. Khi đó, một số hậu quả như: lũ lụt, hạn hán, thiếu lương thực thực phẩm, khủng hoảng năng lượng, ô nhiểm không khí,… rất trầm trọng. Thông tin của Hội nghị Cop 24 cho biết: trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, có 2 nước ở vùng Đông Nam Á (Việt Nam chiếm vị trí thứ 6 và Thái Lan ở vị trí thứ 10). Ô nhiễm không khí đã làm 1.240.000 người chết ở Ấn Độ trong năm 2017. (Tạp chí Sức khỏe hành tinh, tháng 12.2018)

Con người chúng ta khi tiêu thụ nhiều điện quá nhu cầu thiết yếu, khi thường xuyên đỗi mới điện thoại di động cho hợp thời trang hay đổi mới máy laptop với công năng thiết kế vượt quá nhu cầu sử dụng, v.v… là ta đang góp phần làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, gia tăng lượng rác thải công nghệ……

Đây không phải là những việc làm “dữ” trong đời sống hàng ngày hay sao?

Ngày nay trên thế giới có những phong trào vận động những việc “lành” như: tắt điện một giờ, sử dụng đồ tái chế, sống xanh, ăn chay, hưởng ứng kinh tế chia sẻ (hạn chế việc dùng xe riêng mà nên dùng chung), dùng xe điện bình (2, 4 bánh), tập dùng trở lại xe đạp hay đi bộ, phương tiện giao thông công cộng, v.v… Những hành động này vừa lành cho sức khỏe cá nhân vừa mang lại trong lành cho môi trường sống. Chương trình giới thiệu văn hóa Pháp tại Hà Nội vào đầu tháng 12 vừa qua, người ta làm một cây thông cao hơn 10m với hàng ngàn chai nhựa nước ngọt đã qua sử dụng để gieo ý thức hãy dùng những đồ vật tái chế biến trong đời sống. Một cửa hàng bán bánh ở Paris, vào mùa Giáng Sinh này quyết định chỉ bán bánh kem chay không dùng trứng và dùng bao bì thân thiện với môi trường. Hành động đẹp của bạn trẻ Tp.HCM ở phố đi bộ Nguyễn Huệ sau trận bán kết VN - Philippin, gom rác… trước khi ra về đã lan tỏa đến sân Mỹ Đình Hà Nội. Sau khi vui mừng hả hê với chiếc cúp vô địch Suzuki 2018, nhiều cổ động viên đã nán lại dọn rác trên khán đài, trong đó có cả Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam.

Trong chúng ta những người ngồi nơi đây, những ngày qua mỗi khi đội banh Việt Nam thắng trận từ vòng lượt đi của bán kết, có ai đã tham gia vào những đoàn người chạy xe diễu hành mừng vui chiến thắng trên đường phố? Hãy suy nghĩ một chút, hàng trăm ngàn xe máy xe hơi đã tiêu thụ hết bao nhiêu lít xăng, thải vào không khí bao nhiêu tấn CO góp phần làm ô nhiễm môi trường gia tăng trầm trọng! Nếu đội tuyển đoạt huy chương vàng, xuống đường ăn mừng là việc đáng cổ vủ. Nhưng thay vì chỉ mừng vui duy nhất 1 lần nhưng lại được thực hiện đến 4 lần. Không có một nước nào như thế, ngay cả khi họ đoạt cúp thế giới. Hình ảnh này chỉ chứng tỏ sự kém cỏi trình độ của VN, dầu chỉ mới thắng lợi ở khu vực nhỏ nhưng lại vui mừng như đứng đầu thế giới! Cách hồ hởi ở Việt Nam quả đoạt huy chương hàng đầu của việc góp phần gây ô nhiễm và nóng lên toàn cầu, thúc đẩy ngày “tận thế” đến mau hơn. Thật buồn thay cho nghịch lý này.

Như vậy trong cuộc sống hiện đại, chúng ta ứng dụng đạo “trung dung” tiêu dùng hợp lý là tác phong đạo hạnh của thời văn minh trong mục tiêu Thế Đạo. Tất cả xuất phát từ “Tâm” là tấm lòng đạo đức của mỗi người, sống phải biết nghĩ đến lợi ích chung của mọi người chứ không chỉ của riêng mình! Tất nhiên khi chấp nhận lối sống tiêu dùng vừa phải trong đời sống hàng ngày như thế là phải hy sinh khá nhiều ham muốn và vui thú của cá nhân. Đây mới thật sự là người văn minh hiện đại và khoa học. Nếu có được nhiều người biết suy nghĩ, hành động theo lối sống như thế là đang tích cực góp phần cho đất nước và nhân loại như Chúa Jésus, Ngài đã dạy:

Hỡi dân tộc được chọn!
Đã có kẻ noi gương Ta mà hy sinh mà vong kỷ,
Hãy nối chân nhìn Chúa Trời để chuẩn bị lập đời mai;
Lập cõi đời không có quốc nạn, không thiên tai,
Không lửa bỏng, không dầu sôi, không máu đổ.

Một thí dụ đơn giản gắn liền trong đời sống của chúng ta là việc chọn lựa sử dụng loại xe máy nào trong cuộc sống:

. Giữa 2 loại xe tay ga và xe số có cùng phân khối, tất nhiên loại thứ nhứt thời trang hơn nhưng lượng xăng tiêu thụ cũng nhiều hơn loại thứ hai khoảng 20%.

. Giữa 2 loại xăng Ron 95 (super) và xăng sinh học E5 Ron 92, chúng ta nên chọn loại nào để sử dụng, có ích cho sức khỏe.

. Theo nhu cầu di chuyển trong thành phố với vận tốc vừa phải, loại xe có phân khối nhỏ đương nhiên lượng xăng tiêu thụ sẽ luôn ít hơn.

Chỉ riêng về môi trường nhứt là ở các thành phố, giả sử có 50% thanh niên ý thức được các việc này đã góp phần hữu hiệu đẩy lùi nhiều bệnh tật đường hô hấp.

Không bệnh tật là một phần của bình an. Đức Jesus đã nói: hãy hành động mới có được bình an.

Chìa khóa bình an chư hiền đang nắm, cửa bình an không phải tự dưng mà mở. Hãy gõ lấy rồi sẽ được mở. Quả thật, Ta đã từng bảo với đàn chiên như vậy”.

Con người có thực hiện yêu thương trong mọi hoàn cảnh trong mọi lúc mọi nơi mới có thể mang lại bình an cho mình cũng như mọi người như lời Ngài đã dạy vào năm 1969 cũng ở tại Thánh thất Bàu Sen này.

Ta muốn bảo thương yêu là cái gì thuần khiết, du lưu trong mọi thời không, trong mọi sự kiện. Chớ không phải tôn ngôi thương yêu lên Thần Thánh cách biệt con người và vạn loại.

Quả thật, Ta không bảo chư hiền hằng ngày bái lạy sự thương yêu mà không thực hành thương yêu.

Khi Ta giáng sinh, chỉ một tiếng kêu nơi đồng vắng, ngày nay có biết bao tiếng kêu nơi đồng vắng hiện vang. Ai điếc cũng cố gắng nghe. Ai mù cũng cố gắng nhìn thấy. Búa rìu của kẻ sử dụng sẽ trả về cho người sử dụng……

Dòng nước đang dâng lên, hàng vạn con nước hãy dâng theo sau. Những gì là sâu bọ rác bẩn gớm ghiếc chờ đợi tới phiên. Sự tinh sạch sắp đến…

Toàn thể thế giới đồng đón rước Ta trong ngày Giáng Sinh. Ta rất lấy làm cảm kích tấm lòng ngưỡng mộ ấy. Song Ta khuyên tất cả nhơn loài nên vì Ta, vì sự tưởng nhớ đến Ta mà nên nghe lời Cha Ta – Đức Jéhovah hay Cao Đài Thượng Đế đã truyền dạy từ muôn thuở đến bây giờ. Bởi cớ Ngài là chủ tể lẽ thật”. (5)

III. Kết Luận

“… Ở giữa bụi đời phong ba bão táp và cần nhớ thực hiện…:

1. Phổ thông giáo lý siêu đẳng đạo mầu để cứu rỗi về mặt tinh thần hay linh hồn.

2. Phổ thông giáo lý về thế sự nhân tình và những điều thiết thực hữu ích cho thể chất hay là xác thân”. (6)

Ơn trên nhiều lần đã dạy:

Hãy tập làm những việc tầm thường để trở nên phi thường. Hãy thắng mọi sự lười biếng tập tục của dĩ vãng”.

Con người hãy tự cứu lấy mình trước khi bóng ma tận thế đang chập chờn trước ngỏ. Vậy hãy tập trở lại để thành thói quen như: đi (bộ, xe đạp). Xách giỏ đi chợ thay vì đi tay không rồi tiêu thụ nhiều túi nylon, phân loại rác từ đầu, trồng cây trong sân nhà (cây kiểng),… Trồng cây trong sân nhà. (tạo bóng mát, cải tạo không khí; chỉ cần 1m2 đất).

Hồng Lạc ơi!
Ngày tận thế cũng là ngày tận khổ,
Ta chiết thân đến độ khắp nơi nơi;
Cha Ta dựng Đài Cao cao ngất tuyệt vời,
Và rúc tiếng còi, gọi tất cả con người về đất Thánh.
Bỏ mùa đông giá lạnh,
Đón ánh sáng yêu sinh.
@ @ @
Việt Nam thanh bình! Thế giới thanh bình! (7)

Đức Gia Tô, một lần giáng đàn có nói:

Dân tộc này Đại Từ Phụ đã chọn……

chỉ có tâm thức thì sáng nhưng ý thức còn u tối!”. (8)

Kính chúc quý vị là những người tiêu dùng thông minh, trí tuệ, biết hạn chế sử dụng những sản phẩm (không an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, làm biến đổi khí hậu,…) gây nguy hiểm âm thầm nhưng hết sức nguy hại cho tương lai của chính mình và con cháu.

Ttv. Đạt Tường

_____________________________
Chú thích:

(1) Lịch sử Cao Đài phần Phổ độ - Đồng Tân

(2) Phần cuối của đoạn Thánh ngôn sau đây không thấy có trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Chỉ có trong Phổ Cáo Chúng Sanh và Thánh Ngôn Chơn Truyền Bí Yếu, tờ 436b:

Khi đem trái càn khôn ấy về, con làm một cái cốt xây, để trái ấy lên đại điện, nhớ day Con Mắt ra ngoài.

Rồi con lại lên tượng Phật Thích Ca, Lão Tử, và Khổng Tử mà để dựa dưới; kế ba vị ấy là Quan Thế Âm, Lý Thái Bạch, Quan Thánh Đế;

kế nữa ngay dưới Lý Thái Bạch là Jésus de Nazareth;

kế dưới Jésus là Khương Thượng Tử Nha. Còn chư Phật, Tiên, Thánh, Thần đã lên cốt thì để dài theo dưới.

(3) Thánh Đức Chơn Kinh, Thánh tịnh Ngọc Minh Đài tr.56.

(4) Thánh Thất Bàu Sen 23.11 Đinh Mùi (24.12.1967)

(5) Thánh thất Bàu Sen 17.11 Kỷ Dậu (25.12.1969)

(6) Đức Lý Giáo Tông, Thánh tịnh Ngọc Minh Đài 15.7 Bính Ngọ (30.8.1966)

(7) Thánh thất Bàu Sen 07.11 Tân Hợi (24.12.1971)

(8)Thánh thất Nam Thành, 01.01 Kỷ Dậu (thứ Hai 17.02.1969)