Nhơn hòa qua giáo lý Cao Đài - Giáo sĩ Hồng Mai

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2090 | Cật nhập lần cuối: 10/30/2017 3:39:31 PM | RSS

Nhơn hòa qua giáo lý Cao Đài - Giáo sĩ Hồng MaiTừ khởi thuỷ cho đến thế kỷ 21, lịch sử nhân loại luôn gắn liền với lịch sử của những cuộc đấu tranh vì sự vong tồn, thịnh suy của dân tộc, đồng thời luôn diễn ra những tham vọng xưng bá, tranh giành quyền lực, đất đai, lãnh thổ. Còn trong lịch sử của tôn giáo cũng là một chuổi dài lịch sử bi hùng của các bậc giáo tổ, những nhà hiền triết, nhà tu hành đắc đạo đã hy sinh cho đời, cho đạo, cho thiên hạ vì hạnh phúc con người. Tổng kết quá trình dài của hai dòng lịch sử ấy, các sử gia đã ghi lại đều là những biến động của việc thay chủ đổi ngôi của đất nước và những thành tựu huy hoàng của dân tộc và tôn giáo. Các vấn đề then chốt làm cho con người phải suy tư, lý giải và giải quyết không ngoài vấn đề chiến tranh và hoà bình, suy vong và hưng thịnh, được thiên hạ, mất thiên hạ, khổ đau và hạnh phúc. Như vậy có thể nói một trong những nguyên nhân sâu xa của sự bất hoà dẫn đến chiến tranh do tranh giành quyền lực, do bản ngã và danh lợi. Các nhà chính trị và tôn giáo từ xưa đến nay vẫn luôn tìm cách lý giải và đưa ra những biện pháp thực hiện mục đích hoà bình thế giới, hoà hợp dân tộc, hoà đồng tôn giáo. Đến ngày nay, chủ thuyết hoà ngày càng trở nên cấp bách và nóng bỏng.

Trở về quá khứ người xưa ý thức sâu sắc về chữ hoà. Các nhà chính trị quân sự thì vấn đề hoà hiệp, kỷ luật và nhân từ được đưa lên hàng đầu trong binh pháp của Tôn Tử, Khương Tử Nha, Tư Mã Điền Nhương Tư, Gia Cát Lượng, Hưng Đạo Đại Vương và Đào Duy Từ.. Gia Cát Lượng nói: “Thánh nhân không có tâm ý bình thường nhứt định, mà lấy tâm ý của trăm họ làm tâm ý của mình” (1) Khương Thái Công nói: “Lượng phải bao trùm thiên hạ rồi sau mới chứa được thiên hạ, tín phải bao trùm thiên hạ rồi sau mới buộc được thiên hạ. Quyền phải bao trùm thiên hạ rồi sau mới không mất thiên hạ. Nhân phải bao trùm thiên hạ rồi sau mới giữ được thiên hạ” (2).Các thánh nhân, hiền triết như Đức Khổng Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Lão Tử, Mặc Tử.. khi đưa ra kế sách trị quốc an dân, quý dân, đều lấy tư tưởng yêu dân, thương dân, quý dân, dân là gốc, được lòng người, được lòng trời làm đường lối trị quốc. Các nhà tư tưởng tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa, Lão giáo, Nho giáo cũng lấy từ bi, bác ái, công bình để dẫn dắt con người.

Việt Nam là dân tộc rất hiếu hoà, điển hình là hai triều đại nhà Lý, Trần. Các vị vua vừa là Vua, vừa là sư tu hành đắc đạo. Trong kế sách chính trị của thời Lý, Trần là hoà hợp Tam giáo và hoà hợp đạo và đời, đã đem đến cảnh thái bình thạnh trị cho dân tộc Việt Nam. Hoàng đế Trần Nhân Tông đã nói: “Lòng dân là thành trì vững chắc nhứt, được lòng dân là có cả thiên hạ”. Trãi qua các triều đại Việt Nam, các nhà tư tưởng yêu nước như Nguyễn Trải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trường Tộ, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh v..v.. tất cả đều là những chí sĩ đấu tranh cho sự vong tồn đất nước và thái bình của thiên hạ. Họ đều nêu tư tưởng lấy dân làm gốc, ý dân là ý trời, được lòng dân là được tất cả. Lê Quý Đôn nói: “Gốc của nước là dân, mệnh của vua là dân, chỉ khi lòng dân dao động mới là đều đáng sợ.” Nguyễn Trải cũng nói: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo.” Tóm lại, hoà hiệp là mục đích muôn thuở của con người luôn mong mỏi đạt được, hoà hợp luôn là kế sách an bang tế thế của các nhà chính trị, tư tưởng, tôn giáo phải thực hiện.

Ý nghĩa nhơn hòa trong Tam Kỳ Phổ Độ. Đến thời đại ngày nay tinh thần hoà hiệp ngày càng cấp bách và quan trọng hơn nửa. Vào thế kỷ 20, một bước chuyển mới trong lịch sử tư tưởng tôn giáo Việt Nam là sự xuất hiện Đạo Cao Đài do chính Đức Thượng Đế giáng trần lập giáo, trong thời đại mà nhân loại rơi vào thời Hạ Ngươn mạt kiếp. Đức Cao Triều Phát vị hướng dẫn tinh thần cho Thanh Thiếu Niên Cao Đài đã phải than rằng: “Đời tiến bộ, đời văn minh, đời khoa học, đời đạo lý. Có rất nhiều nhà bác học đại tài lên cung trăng, dò đáy biển. Có những nhà phát minh nguyên tử, một tiếng nổ ngã gục hàng ngàn sanh mạng, một loạt hơi cũng đủ cho rừng cây nội cỏ ủ lá khô cành. Những cái phát minh hùng hậu trong lý trí con người đang lấn át cả nội tại, chỉ còn cái vỏ bên ngoài. Tiến bộ, văn minh, khoa học, đạo lý không đủ sức ngăn chặn hòn bi trên dốc lửng đang xuống vực thẳm cơ hàn và tiêu diệt. Muốn yêu đời không được yêu, muốn chán đời không được chán, nhìn về nội bộ quê hương, tôn giáo, đảng phái. Đời có thạnh suy bỉ thới, phải biết tuỳ thời mà hoàn thành sứ mạng, chớ không phải để bó gối khoanh tay than vắn thở dài chờ thời vận” (3).

Đức Chí Tôn Thượng Đế lâm trần khai mở Đạo Cao Đài thời Tam Kỳ Phổ Độ với mục đích là Thế Đạo Đại Đồng và Thiên Đạo Giải Thoát để con người đạt được cuộc sống hạnh phúc cõi trần và giải thoát sanh tử luân hồi trở về với Thượng Đế. Vì thế, nhơn hoà phải thực hiện được mới mong đại đồng thế giới. Nhơn hoà là mục đích mà người Đao Cao Đài phải thực hiện cho kỳ được mới hoàn thành sứ mạng. Đức Chí Tôn khi đến khai mở đạo Cao Đài Ngài dạy: “Thầy đến lập Tam Kỳ Phổ Độ chỉ vụ chữ hoà” và “sự yên tịnh và hoà bình là hai điều Thầy dụng để gieo mối đạo” (4). Như vậy, Đức Chí Tôn xuống trần khai đạo là đã đem thiên thời, địa lợi đến cho nhơn loại. Hơn nửa, thế giới nhân loại đang chủ trương tinh thần toàn cầu hoá, các nước trên thế giới liên hệ với nhau rất dễ dàng qua sự tiến bộ của khoa học, kỷ thuật, các nước đang xích lại gần nhau và cũng hợp tác với nhau trên các lãnh vực. Như vậy, thời đại ngày nay thiên thời, địa lợi đã có đủ. Đức Lê Đại Tiên khẳng định: “Thiên thời, địa lợi nay đà sẳn, chờ đợi nhơn hoà mới định an”. Do ý chỉ của Thượng Đế, người đạo Cao Đài từ lớn đến nhỏ, từ chức sắc đến tín đồ đều ý thức rằng tất cả nhơn loại đều anh em, đều chung một Đấng Cha Trời, thế nên tạo thế nhơn hoà là bổn phận, là sứ mạng mà tất cả tín đồ Cao Đài phải góp tay thực hiện. Môn đệ nào chưa hòa với nhau được thì chưa phải là môn đệ của Đức Thượng Đế đúng nghĩa.

Ba yếu tố nhơn hòa. Quan điểm nhơn hoà nằm trong hệ thống nhơn sinh luận của Cao Đài, thuộc phần thế đạo, là bộ phận giáo lý quan trọng có liên quan đến các vấn đề xây dựng hệ thống tư tưởng nhân sinh cho cộng đồng con người. Như vậy, ý nghĩa của nhơn hoà trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là giải quyết màn đêm u tối của nhơn loại. Giải quyết vấn đề vật chất và tinh thần của nhơn loại. Như thế nhơn hoà là gì? Đức Vân Hương Thánh Mẫu giải rõ: “Hoà là hoà ái, hoà hiệp, hoà đồng, với ai cũng hoà được hết. Hoà là cực điểm của tình thương, không hơn không kém, không lệch lạc, không người không ta, không màu da sắc tóc, không tôn phái, chỉ là một cứu cánh chung tối thượng đem lại sự sinh tồn hạnh phúc an vui cho mọi người sống ở thế gian, không còn phân biệt chủng tộc”.

Chữ hoà quý báu biết bao
Bao trùm vũ trụ, thấp cao cũng hoà,
Đất trời do đó mà ra,
Phật tiên do đó mới là siêu thăng.

Theo giáo lý Cao Đài, tạo thế nhơn hoà là làm thế nào lập một xã hội cải thiện mọi xã hội với ba tiêu chuẩn. Một là nhân bản. Hai là an lạc. Ba là tiến bộ. Nhân bản, an lạc, tiến bộ là ba yếu tố tiến đến nhơn hoà, không thể thiếu một yếu tố nào.

Trước hết, yếu tố nhân bản. Nhân là người, là tiểu vũ trụ. Bản là gốc. Vậy nhân bản là gốc của con người hay nhân bản là căn bản của nhân loại tính. Nhân bản trong triết học nhân sinh của Cao Đài chỉ vào bản thể con người, đề cao con người, khẳng định vị trí con người trong thế giới. Nhân bản là trở về cội nguồn của con người. Vậy, đâu là cội nguồn của con người? Con người có ba cội nguồn. Một là, cội nguồn tổ tông, ông bà, cha mẹ. Hai là, cội nguồn dân tộc và cội nguồn tôn giáo. Ba là, cội nguồn nhơn loại tức là Thượng Đế tính, là thiên lương, là chơn như bản thể.Trước hết, con người có cội nguồn tổ tông, ông bà, cha mẹ thuộc phạm vi gia đình vọng tộc. Tinh thần gia đình xuất phát từ cội nguồn, tổ tiên ông bà cha mẹ, liên kết mọi cá thể trong gia đình quyến thuộc lại với nhau, con cháu nương theo truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, kết thành một cộng đồng nhỏ, các thế hệ liên kết với nhau trong một tình thương phạm vi gia đình, quyến thuộc. Kế đến, con người còn có cội nguồn quốc gia, dân tộc và cội nguồn tôn giáo. Về cội nguồn quốc gia, Đức Trần Hưng Đạo dạy: "Phục hưng tinh thần truyền thống cổ truyền của dân tộc, gắn liền với sự phục hưng văn minh nhân loại, để xây dựng một ngươn hội thái bình vĩnh cửu cho muôn người, tạo lập một thiên đàng cực lạc tại thế" (5) Điều này có nghĩa cần phải bảo vệ và chăm sóc tinh thần truyền thống cao đẹp của cha ông để lại, đó là phát huy tinh thần nhơn hoà trong phạm vi quốc gia dân tộc. Dân gian có câu: "Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giổ tổ mùng 10 tháng 3". Ngoài ra, cội nguồn tôn giáo chính là con đường đạo đức mà các bậc giáo chủ đã truyền dạy cho nhơn sanh. Tinh thần dung hợp Tam gia Nho, Thích, Lão và hoà đồng vạn giáo của truyền thống văn hoá dân tộc phải được gìn giữ và phát huy. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dạy: "Đến ngày nay, dân tộc Việt Nam được ảnh hưởng tinh thần đạo đức của các đấng giáo chủ, chơn thiện mỹ đã thấm nhuần dân tộc tính, nên trải qua mấy nghìn năm, biết bao nhiêu cảnh thăng trầm thành bại, theo truyền thống cố hữu dân tộc đã nhiễm vào triết lý thuần tuý thâm uyên của Đạo giáo, nên hùng trong hoà đồng, dũng trong cai trị, chỉ đem thiên tính để thực hành thiên mệnh mà thôi" (6).Thứ ba là cội nguồn nhơn loại tức là cội nguồn từ Thượng Đế là thiên tính, thiên lương, Chơn Như Bản Thể. Từ nhận thức con người có cội nguồn từ Thượng Đế, con người sẽ hợp tác nhau để tạo một nền văn minh chung cho cả nhơn loại. Đây là giai đoạn đi đến nhơn hoà trong đại đồng nhơn loại, vứt bỏ mọi ranh giới quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, nhìn nhận nhau là anh em, cùng cha trời mẹ đất, cùng hít thở trong bầu không khí chở che. Như vậy, việc phục hồi nhơn bản nguồn cội từ Thượng Đế là góp phần tạo thế nhơn hoà.

Yếu tố thứ hai là an lạc. Đây là yếu tố nhắm tới xây dựng hạ tầng cơ sở thuộc về vật chất để cải thiện đời sống con người. Vật chất ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần con người, dầu biết rằng vật chất là giả tạm, nhưng không mượn cái giả làm sao đạt được cái chơn. Nếu thiếu vật chất thì yếu tố an lạc chưa thực hiện trọn vẹn, nhơn hoà chưa toàn vẹn. Nói đến vật chất đã chi phối con người vào hai vấn đề kinh tế và xã hội: ăn, mặc và đời sống con người trong kiếp sinh tồn hiện hữu. Sự ăn, mặc, sống của nhơn sinh chi phối liên tục suốt cuộc đời, bó chặt con người vào cái vòng loanh quanh, lẫn quẩn, nào là kinh tế gia đình, kinh tế xã hội quốc gia và nhân loại bị ràng buộc trong cán cân cung cầu lên xuống. Sự tranh đấu tương sát, tương tàn phát sinh từ sự chi phối vật chất. Những bất mãn, phật lòng dần dần đưa con người đến sự bất an, rên than. Đời sống đã dày vò con người, mấy ai thoát khỏi vòng trần luỵ. Cái triền vóc danh lợi tình tiền đang xô đẩy nhân loại vào hang thẳm vực sâu. Thế con người phải làm gì? Con người phải hoà hiệp với nhau, vẹt tan màn đêm u tối, mượn vật chất để phục vụ cho tinh thần, có câu "Có thực mới vực được đạo". Dù muốn hay không muốn con người vẫn phụ thuộc vào vật chất, khi con người cảm thấy tâm linh và đời sống được bảo đảm một cách thiết thực trong xã hội, con người mới biết thương nhau chia bảy, sớt ba, công bằng trong sự hoà ái, thụ hưởng giả tạm trong cõi đời tương đối vô thường. Nhà cầm quyền trị dân mà hay giỏi thì đời sống dân chúng được sung túc thì có được ngũ phúc và không bị lục cực. Ngũ phúc là năm điều có phúc do đời sống an lạc, đầy đủ vật chất đưa đến: sống lâu, giàu có, khoẻ mạnh, bình yên, suốt đời ít tai nạn tù đày. Trái lại, người không được an lạc do chính trị hủ nát, người cầm quyền thiếu đức, thiếu tài thì dân chịu sáu điều tai hoạ: chết yểu, buồn lo, bệnh tật, nghèo khổ, gặp nhiều ác nghiệp oan trái, nhu nhược hèn hạ. Phúc hoạ đều do con người xây dựng nên. Cho nên yếu tố an lạc vô cùng cần thiết để kiến tạo nhơn hoà.

Yếu tố thứ ba là tiến bộ. Cuộc sống không dừng lại ở an lạc, mà phải cải tiến luôn để tiến bộ. Tiến bộ nghĩa là có sự hài hoà giữa đạo và đời, giữa chính trị và tôn giáo, giữa khoa học và đời sống. Nói khác đi tiến bộ là đáp ứng vào công cuộc xây dựng tri thức. Con người phải được đào luyện, thực tập, phát huy. Đức Lê Đại Tiên dạy như sau: "Sự tiến bộ là động lực đưa con người gần với đời sống hoàn hảo. Tiến bộ mọi hướng tâm linh và nhân sinh. Nếu còn phân biệt giữa khoa học và tôn giáo, giữa đạo và đời là chưa tròn, xã hội thực thể chưa tạo lập. Sự tiến bộ phải làm thế nào cho con người của xã hội hoàn hảo một cách tự nhiên" (7).

Tiến bộ còn một nghĩa thuộc tinh thần, đó là sự tiến hoá tâm linh. Bản chất của sự tiến hoá có liên quan đến yếu tố cơ bản cấu tạo nên là con đường công phu tu luyện "Mọi sinh hoạt đưa con người vào đường tiến hoá, đó chính là việc phải nghĩ đến trên hết" (8). Như vậy, hạnh phúc có phải là cái yên vui riêng của bản thân con người. Con người sẽ trả lời đúng, nhưng câu trả lời hẹp hòi ấy sẽ đưa con người đến bế tắc, vì hạnh phúc theo thời gian sẽ phai tàn. Hạnh phúc vĩnh cửu là vô ưu, vô phiền não, là sự tiến hoá tâm linh do trí huệ và lòng từ bi mà có được. Nếu con người có những giờ phút lặng lẽ hoà mình vào đại thể vũ trụ, cảm nhận trí huệ và từ bi đang nảy sinh thì mới mong có được sự tiến hoá.

Đường lối và phương cách thực hiện nhơn hoà. Vấn đề nhơn hoà phải quan niệm trên căn bản nào để đưa ra đường lối và phương pháp thực hiện, đạt kết quả mong muốn. Phải có một quan điểm rõ ràng, một nhận định minh triết. Những đường lối hoạt động được vẽ ra không mang hình thức chấp nê và vướng vào một khía cạnh tư niệm nào cả, phải bắt tay vào thực hiện. Thế thì ai thực hiện? Đã hằng bao thế kỷ rồi, hằng bao tiếng kêu gọi hãy hoà hiệp, hãy thương yêu nhau khắp cả bầu trời rồi. Dường như đều như rơi vào vô vọng, như tiếng gọi giữa đại dương, tiếng kêu cứu giữa rừng rậm không lối thoát. Kiến tạo nhơn hoà nằm trong tay của các nhà lãnh đạo đất nước, lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo các tập đoàn trong xã hội. Vì nhơn hoà là một nghệ thuật sống, nghệ thuật xử thế, một đạo nghĩa. Nhất là các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể kiến tạo nhơn hoà hơn cả, vì các nhà lãnh đạo tôn giáo là ánh sáng thể hiện chơn lý, nhơn sanh tin theo và trông vào. Đường lối hữu hiệu để kiến tạo nhơn hòa có ba phương cách. Một là, Tâm con người là yếu tố hàng đầu. Hai là giáo dân vi thiện hay phương cách giáo dục. Ba là, tình thương là quyết định.

Tâm con người là yếu tố hàng đầu trong kiến tạo nhơn hoà. Nếu mỗi người luôn tồn tại trong lòng và khởi tâm bất trắc, tâm cố chấp, tâm tham si dục, tâm tranh đấu, tâm phân biệt, tâm hẹp hòi, tâm danh lợi, tiền tài, tâm gây hấn thì sự bình yên không có được cho mỗi cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia. Hiện tình thế sự ngày nay xảy ra nhiều biến động đều do nơi cái tâm. Bởi con người thiếu chủ trị nội tâm nên thiên hạ bất hoà. Sự chia rẻ manh mún diễn ra trong cuộc sống, giữa người với người luôn không bằng lòng nhau, kết bè, kết phái, gây thêm những rối rắm cho người khác, cho gia đình, cho xã hội. Thế rồi, những cái đúng sai biệt của từng người va chạm thành những cuộc hổn loạn trong gia đình, xã hội thành một bản hoà tấu lộn xộn sai cung lỗi nhịp, gây hấn, kích động chiến tranh. Cho nên điều mà người mệnh danh là sứ giả hoà bình, người ý thức được sự mất còn của nhân loại, phải tự làm sáng cái tâm linh của mình để tự an lạc, để đem cái an lạc đến cho người khác, hoà vào thế giới vũ trụ, thế giới con người để chấp nhận những giá trị của người khác. Ngần ấy thái độ cũng đủ đóng góp vào công cuộc kiến tạo nhơn hoà rồi vậy. Có câu: Muốn cho thế giới đại đồng. Lòng trời ấy thực là lòng chúng sanh.

Giáo dân vi thiện hay là phương pháp giáo dục. Đây là việc làm của người có trách nhiệm trong tôn giáo. Người có trách nhiệm bản thân phải là người tương đối hoàn hảo, rồi mới đi giáo hoá mọi người. Tự thân chưa hoà hiệp được thì sẽ không kêu gọi ai để hoà, mọi người sẽ rời rạc theo mọi chiều hướng, mọi hình thức đối kháng va chạm nhau. Giáo dục tín đồ và kêu gọi tấm lòng của mọi người là phương pháp hữu hiệu trong việc kiến tạo nhơn hoà. Mỗi người làm như thế, mọi người làm như thế, cùng góp tay kiến tạo nhơn hoà. Một cồn cát sở dĩ ngăn được lượn sóng ba đào do bởi muôn ngàn triệu hột cát nhỏ hợp thành. Ngày xưa, các bậc giáo tổ, những hàng triết nhân kim cổ cũng đã tự thắp đuốc mà đi tìm chân lý và đã thành công. Đường lối tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của đức Khổng tử đến nay vẫn là phương pháp hữu hiệu cho công cuộc giáo dục kiến tạo nhơn hoà.

Tình thương là quyết định thành công trong công cuộc kiến tạo nhơn hoà. Đối với người đạo Cao Đài, các đấng Thiêng Liêng luôn dạy người đạo Cao Đài phải đủ tâm hạnh đức tài và tình thương rộng khắp mới xứng đáng là môn đệ Đức Chí Tôn: "Tình thương trên hết cùng nghĩa với tứ vô lượng tâm: từ bi, hỉ xã. Tình thương là chìa khoá giải thoát con người ra khỏi bể trần tục luỵ, là con đường đưa con người lên nấc thang tiến hoá. Ngôi vị chơn linh Tiên Phật được đánh giá bởi tình thương" (9), có tình thương bao la mới yêu người, hoà với người, yêu vạn vật, hòa với vạn vật, chỉ cần đối nghịch cả hai cá thể là tạo ra sinh biến. Người có tình thương cao thượng sẽ giải quyết được vạn sự của nhơn sanh, có thể tạo ánh sáng huy hoàng cho mọi người trông vào đó mà hoà hiệp. Tạo con đường bằng phẳng cho mọi người hoà hiệp cá nhân và tập thể, hoà hiệp con người vào thế giới nhơn sanh là điều tất yếu để kiến tạo nhơn hoà, một xã hội an bình, một môi trường tiến bộ trong ánh sáng chơn lý. Hoà hiệp thật sự phải nằm trong căn nhà tình thương, hoà hiệp giả dối con người như đứng giữa bầu trời u ám, bế tắc. Đem an vui đến cho mọi người, đem tình thương đến cho mọi nơi, là tâm nguyện của người Cao Đài.

Nguyện đem cả tài danh quyền chức
Nguyện xem thường vật chất hồng mao
Quyết tâm xây dựng phong trào
Hoá hoằng chánh pháp xoá màu tang thương
Nguyện chung sức mở đường đại chúng
Đem đạo mầu công dụng mọi nơi
Cho người thông cảm cùng người
Dẹp tan sắc phái phục hồi tình thương.

Làm sao thoát cảnh âm u, chỉ có con đường kiến tạo nhơn hoà, con người phải khơi dậy và phát động tạo năng lực ánh sáng của nhơn hoà lan tỏa mọi nơi, để xoá tan màn đêm âm u và giúp người trên hoạn đồ thế tục.

Đứng trên tinh thần sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì: "Con người có lập được thế nhơn hoà thì xã hội đại đồng mới có cơ hội hình thành, có lập được thế nhơn hoà thì sứ mạng cứu rổi toàn thể vạn linh sanh chúng mới trọn vẹn. Có lập được thế nhơn hoà thì ngọn đuốc chơn lý mới soi rọi tận cùng trái đất".

Nếu mỗi người đều ý thức rằng sự bất hoà chỉ có thể dẫn đến tan rã và diệt vong, bởi vì trời đất bất hoà sanh mọi nạn thiên tai, cơ thể vận hành bất hoà nảy sinh bệnh hoạn ốm đau, gia đình bất hoà sinh xáo trộn, hạnh phúc lạc phai. Một xã hội bất hoà nảy sinh tranh giành chém giết, thế giới bất hoà ắt có chiến tranh.

Tóm lại, kiến tạo nhơn hoà để giải quyết màn đêm u tối của nhơn loại, kiến tạo nhơn hoà để giải quyết vấn đề vật chất và tinh thần của nhơn loại. Muốn đạt được nhơn hoà phải hội đủ 3 yếu tố: Một là nhân bản, hai là an lạc, ba là tiến bộ. Yếu tố nhân bản có 3 cội nguồn, đó là cội nguồn tổ tông, ông bà, cha mẹ. Hai là cội nguồn dân tộc và cội nguồn tôn giáo. Ba là cội nguồn nhân loại là Thượng Đế tính.Yếu tố an lạc là cải tạo đời sống vật chất và tinh thần cho con người đạt được năm điều hạnh phúc trong cuộc sống đó là: sống lâu, giàu có, mạnh khoẻ, bình yên, đạo đức. Không rơi vào cảnh lục cực: chết yểu, buồn lo, bệnh tật, nghèo khổ, gặp tai nạn, hèn hạ. Yếu tố thứ ba là tiến bộ, tiến bộ mọi hướng tâm linh và nhân sinh. Sự phát triển mọi mặt của chính trị, khoa học, tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật, tư tưởng, đời sống luôn được nâng cao. Tiến bộ còn là con đường tiến hoá lên hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật. Đường lối và phương cách thực hiện nhơn hoà phải phát huy ba đường lối: Một là, tâm là yếu tố hàng đầu. Tâm địa ngục, tâm thiên đàng đều do tâm người. Tâm chia rẽ là tâm địa ngục, tâm hoà hiệp là tâm thiên đàng. Hai là giáo dân vi thiện là hướng cho mọi người tiến đến phụng sự trong tinh thần thánh thiện và hy sinh, như lời thiêng liêng dạy cho hàng ngũ trẻ:

"Ta không bảo các em chinh phục thiên hạ, mà bảo các em tự thắng các em và phục vụ cho thiên hạ. Hãy lấy làm vui khi làm cho kẻ khác, hãy lấy làm hảnh diện khi xã thân cho tha nhân. Không ai bắt kẻ khác làm cho mình hơn hết là mình làm cho kẻ khác. Người thanh thiếu niên hãy tràn ngập hoan lạc trong sự cao thượng".

Ba là tình thương là yếu tố quyết định trong việc kiến tạo nhơn hoà. Hàng lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo tập thể lớn nhỏ phải là ánh sáng của lòng bao dung, phải là chơn lý, phải là nơi tràn đầy tình yêu hơn cả. Thiên hạ không phải là của một người, nhưng người có đạo, có tình thương, có hoà hiệp thì sẽ nắm được thiên hạ. Hãy bắt tay vào thực hiện kiến tạo nhơn hoà, làm hết sức mình, kết quả do thiên ý quyết định. Người thực hiện được nhơn hòa là người đạt đạo vậy. Người tín đồ Cao Đài luôn cầu nguyện

Hộ con tạo thế nhơn hoà
Trời Nam xây dựng bửu toà vạn linh.

Kính chúc toàn thể quý vị được tràn đầy hồng ân Thượng Đế.

Hội nghị Liên Tôn lần thứ 7 (27.10.2017)
Giáo sĩ TS Hồng Mai

______________________
Chú thích:
(1) Lê Xuân Mai, Ng Ngọc Tỉnh, Đổ Mộng Khương (DỊCH), Thập Nhị Binh Thư, NXBVHTT p260
(2) Lê Xuân Mai, Ng Ngọc Tỉnh, Đổ Mộng Khương (DỊCH), Thập Nhị Binh Thư, NXBVHTT p260
(3) TGST (1972-1973) p.129
(4) Cơ Quan PTGLĐĐ-Yếu điểm giáo lý Đại Đạo p.224
(5) Cơ Quan PTGLĐĐ-Yếu điểm giáo lý Đại Đạo p.218
(6) Cơ Quan PTGLĐĐ-Yếu điểm giáo lý Đại Đạo p.219
(7) TGST (1970) Đức Lê Đại Tiên p35
(8) Đạo Học Chỉ Nam, Đức Trần Hưng Đạo và Vạn Hạnh Thiền Sư p283
(9) Đạo Học Chỉ Nam, Đức Trần Hưng Đạo và Vạn Hạnh Thiền Sư p298