THÁNH NGÔN HIỆP TUYỂN I & II Hợp Nhứt & Chú Thích (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]2 người đã bình chọn
Đã xem: 8122 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

THÁNH NGÔN HIỆP TUYỂN I & II  Hợp Nhứt & Chú Thích.

(tập số 1)


Image 1.  Noel 1925
Ðêm 24-12-1925 (âl 9-11-Ất Sửu)


NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
giáo đạo Nam phương


Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.


Ðêm nay, 24 Décembre, phải vui mầng vì là ngày của Ta xuống trần dạy Ðạo bên Thái Tây (Europe).

Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy.

Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. (Nhà của M. C...)

Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.

CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
HẬU ÐỨC TẮC CƯ Thiên Ðịa cảnh,
HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh.

(Mười hai chữ lớn trong ba câu trên là tên của 12 người môn đệ trước hết của của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Còn ba chữ xiên lớn trong câu chót là tên của 3 vị hầu đàn).

 

CHÚ THÍCH:


NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương: Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế gọi là Ðấng Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát, dạy đạo tại nước Việt Nam.


* Theo Ðạo Sử, Ðức Chí Tôn đến với nhóm xây bàn (gồm ba Ông: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang) vào hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925) với danh xưng là A Ă Â. Khi dạy đạo cho ba ông thì Ðức Chí Tôn xưng là Thầy và gọi các ông là môn đệ. Vì lời cam kết nên ba ông không dám tìm hiểu Ðấng A Ă Â là ai, chỉ biết đó là một Ðấng có quyền uy rất lớn nơi cõi vô hình.


Mãi đến đêm Noel, 24 rạng 25 tháng 12 năm 1925, Ðấng A Ă Â mới giáng cơ cho bài Thánh Ngôn trên, cho biết Ngài là Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế, nay gọi là Ðấng Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Hát, giáng cơ dạy đạo ở nước Việt Nam.


Décembre (tiếng Pháp): Tháng 12 dương lịch.

Europe (tiếng Pháp): Châu Âu.
Thái Tây:
Thái là thịnh vượng. Thái Tây là các nước cường thịnh ở phương Tây, tức là các nước ở Châu Âu gồm: Anh, Pháp, Ý, Ðức, Hòa Lan, Bồ Ðào Nha, vv. . .
M. C...:
viết tắt Monsieur Cư: Ông Cư (Cao Quỳnh Cư). Nhà của Ông Cư lúc đó ở 134 đường Bourdais Sài Gòn.

Ðêm 24 tháng 12 là đêm giáng sinh của Ðức Chúa Jésus Christ ở nước Do Thái. Ngài là con yêu quí của Ðấng Thượng Ðế, thay mặt Thượng Ðế giáng trần mở đạo Thiên Chúa ở nước Do Thái và truyền bá qua các nước Âu Châu.


* Bài thi bốn câu có tên 12 môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn, theo ÐS.I.50 thì Ðức Chí Tôn giáng vào đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng Giêng năm Bính Dần (dl 21-2-1926) tại đàn cơ thiết lập nơi nhà Ông Vương Quan Kỳ, số 80 đường Lagrandière, Sài Gòn, nhân Lễ Vía Ðức Chí Tôn, Ngài Ngô Văn Chiêu chứng đàn, Ðức Chí Tôn cho bài thi "Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa". . . . . . Khi ấy Ngài Ngô Văn Chiêu xin Ðức Chí Tôn cho bài thi có tên các môn đệ đầu tiên làm kỷ niệm.


12 môn đệ có tên trong bài thi kể ra sau đây:

  • CHIÊU: Ngô Văn Chiêu.

  • KỲ: Vương Quan Kỳ, đắc phong Thượng Giáo Sư.

  • TRUNG: Lê Văn Trung, đắc phong Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt, sau thăng Quyền Giáo Tông.

  • HOÀI: Nguyễn Văn Hoài, tức là ông Phán Hoài.

  • BẢN: Ðoàn Văn Bản, đắc phong Thượng Giáo Sư.

  • SANG: Cao Hoài Sang, đắc phong Thượng Sanh.

  • QUÍ: Lý Trọng Quí.

  • GIẢNG: Lê Văn Giảng, đắc phong Thượng Giáo Hữu.

  • HẬU: Nguyễn Trung Hậu, đắc phong Bảo Pháp.

  • ÐỨC: Trương Hữu Ðức, đắc phong Hiến Pháp.

  • TẮC: Phạm Công Tắc, đắc phong Hộ Pháp.

  • CƯ: Cao Quỳnh Cư, đắc phong Thượng Phẩm.

Ngài Ngô Văn Chiêu tách khỏi nhóm Phổ độ của quí Ngài Lê Văn Trung và Phạm Công Tắc để chuyên bề tu đơn, sau đó Ngài Ngô về Cần Thơ lập Chi phái Chiếu Minh.


Hai Ông Nguyễn Văn Hoài và Lý Trọng Quí theo Ngài Ngô Văn Chiêu tu trong phái Chiếu Minh, sau Ông Lý Trọng Quí (cũng có tên là Hồ Vinh Quí) lại tách riêng lập Chiếu Minh Ðàn Cần Thơ, có ra cuốn Kinh Tam Nguơn Giác Thế vào năm Tân Mùi (1931).


 

Ông Vương Quan Kỳ tách khỏi TTTN vào năm 1930, lập Chi phái Cầu Kho ở Sài Gòn.


 

Bài thi bốn câu Hán văn có tên 12 môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn viết ra chữ Hán như sau:

 

招旗忠度引懷生
本道開創貴講成
厚德則居天地境
還明旻到守臺名


GIẢI THÍCH:

 

Câu 1: CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh:
Bốn vị: Chiêu, Kỳ, Trung, Hoài có phận sự độ dẫn nhơn sanh, độ cả thai nhi còn trong bụng mẹ.

Câu 2: BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành:
Nền Ðạo do Ta (Ðức Chí Tôn) mở ra nhờ bốn vị: Bản, Sang, Quí, Giảng mà đặng thành tựu.

Câu 3: HẬU ÐỨC TẮC CƯ Thiên Ðịa cảnh:
Bốn vị: Hậu, Ðức, Tắc, Cư cùng ở nơi cõi gọi là Thiên Ðịa cảnh.

Câu 4: HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh:
Ba vị: Huờn, Minh, Mân đến giữ cái đài của Ta.

 

2.  Ngày 3-1-1926 (âl 19-11-Ất Sửu)

 

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
giáo đạo Nam phương
 

 

Thủ cơ - Chấp bút

 

Thủ cơ hay là Chấp bút phải để cho thần, tâm tịnh mới xuất Chơn thần ra khỏi phách đặng hầu Thầy nghe dạy.


Khi chấp thủ thì tay tuân theo Chơn thần nói lại mà viết ra, mường tượng như con đặt để, con hiểu đặng vậy.


Chơn thần là gì ?


Là nhị xác thân (périsprit), là xác thân thiêng liêng. Khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu.


Cái Chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại. Cái Chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy.


Như chấp cơ mà mê thì Chơn thần ra trọn vẹn khỏi xác. Thầy mới dạy nó viết chữ chi đó, nó đồ theo, Thầy nói tên chữ, xác nó cầm cơ viết ra, người đọc trật chữ, nó nghe đặng, không chịu, Thầy buộc viết lại và rầy kẻ đọc trật ấy.


Còn chấp bút, khi Thầy đến thì làm cho thần con bất định một lát, cho thần xuất ra nghe Thầy dạy, còn tay con tuân theo mà viết. Ấy là một phần của con, một phần của Thầy hiệp nhứt, mới thấu đáo Càn khôn, tinh thông vạn vật đặng.


Trước khi thủ cơ hay là chấp bút, thì phải thay y phục cho sạch sẽ, trang hoàng, tắm gội cho tinh khiết, rồi mới đặng đến trước bửu điện mà hành sự, chớ nên thiếu sót mà thất lễ. Nếu chấp cơ thì phải để ý thanh bạch, không đặng tưởng đến việc phàm. Tay chấp cơ cũng phải xông hương khử trược, tịnh tâm một lát, rồi phải để tinh thần tinh tấn mà xuất ngoại xác, đến hầu dạy việc.


Phải có một Chơn linh tinh tấn mới mầu nhiệm, huyền diệu, phải trường trai mới đặng linh hồn tinh tấn, phải tập tành chí Thánh, Tiên, Phật, mới phò cơ dạy đạo cả chúng sanh. Kẻ phò cơ, chấp bút cũng như tướng soái của Thầy để truyền đạo cho thiên hạ.


Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường. Còn việc truyền thần lấy điển quang thì ai ai cũng có điển trong mình, nó tiếp điển ngoài rồi thần của nó viết ra, có khi trúng, có khi trật.


Vậy khi nào chấp cơ thì phải đợi lịnh Thầy rồi sẽ thi hành.


CHÚ THÍCH:

Thủ: Tay, cầm bằng tay. Chấp: Cầm giữ.
Thủ cơ
đồng nghĩa với Chấp cơ, Phò cơ, Phò loan.
Phách:
Trong trường hợp nầy, Phách là thể xác.
Thủ cơ
cần hai vị đồng tử ngồi hai bên ngọc cơ, mỗi vị dùng hai bàn tay nâng ngọc cơ lên. Khi có một Ðấng giáng thì tay của đồng tử đẩy ngọc cơ chuyển động, đầu cơ viết ra chữ.
Chấp bút
thì chỉ cần một đồng tử, tay cầm viết đặt trên một tờ giấy trắng. Khi có một Ðấng thiêng liêng giáng thì tay cầm bút chuyển động và viết ra chữ trên giấy.
Chấp thủ:
Thủ cơ và Chấp bút.
Nhị xác thân:
Xác thân thứ nhì. Con người có Tam thể: Thể thứ nhứt là Xác thân phàm do cha mẹ phàm trần sanh ra và được nuôi dưỡng bằng vật chất phàm trần; Thể thứ nhì gọi là Nhị xác thân, là xác thân thiêng liêng hay Chơn thần, do Ðức Phật Mẫu dùng nguyên khí nơi Diêu Trì Cung tạo nên; Thể thứ ba là Chơn linh hay linh hồn, là điểm Linh quang do Ðức Chí Tôn ban cho. Chơn linh điều khiển Chơn thần, Chơn thần điều khiển xác phàm. (Xin xem tiếp bài Thánh Ngôn 20)
Vân du Thiên ngoại:
Vân du là đi chơi thong thả như đám mây bay. Thiên ngoại là ngoài bầu Trời, tức là những thế giới khác ở ngoài Ðịa cầu.
Thần:
Chơn thần. Tinh thông: Hiểu biết tường tận.
Xông hương khử trược:
Ðốt chất thơm như trầm hay nhang thơm để khói thơm bay lên tỏa ra xung quanh làm cho mất hết các mùi ô trược.
Tịnh tâm:
Giữ tâm cho trong sạch, tức là giữ tư tưởng cho trong sạch, không nghĩ việc quấy.
Tinh tấn:
Trong sạch và tiến hóa.

 

3.  Ðêm 20-2-1926 (âl 8-1-Bính Dần): Vía Ðức Chí Tôn.


NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
giáo đạo Nam phương

Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp rán vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.

Nguồn Tiên tầm Ðạo dễ gì đâu?
Quyền phép Càn khôn một túi thâu.
Thoát xác xưa tầng tu vạn kiếp,
Ðộ hồn nay gội khắp năm châu.
Tìm hiền lắm lúc gieo nguồn đạo,
Cải dữ đòi phen cổi mạch sầu.
Trần khổ dầu ai chơn muốn lánh,
Ngày thành Chánh quả có bao lâu?

 

Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu.


Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh đạo Thầy.


Ðạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy. Phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gổ nghe! Các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn, ngày kia sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy.

Vào vòng huynh đệ khá thương nhau,
Một đức trổi hơn một phẩm cao.
Quyết chí Thiên đường men bước tới,
Phải nhiều máu thịt mới đồng bào.

Các con phải hiểu rằng: Thầy là huyền diệu thế nào! Cách dạy, Thầy buộc tùy thông minh của mỗi đứa mà dạy. Dầu cho thầy phàm tục cũng phải vậy, nếu đứa dở mà dạy cao kỳ, nó biết đâu mà hiểu đặng.

 

Thầy cấm không cho dị nghị việc người, nhứt là đạo hữu của các con thì đừng phạm đến kẻo tội nghiệp. Chi chi cũng phải nhớ quyết rằng có Thầy trong đó.

Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
Cùng nhau một Ðạo tức một Cha.
Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
Dạy lẫn nhau cho đặng chữ hòa.

Thầy dặn các con một điều, nhứt nhứt đều đợi lịnh Thầy, chẳng nên lấy tứ riêng mà phán đoán chi hết. Phận sự và trách nhiệm các con, Thầy đã định trước, song giờ ngày chưa đến, phải tuân lời Thầy nghe!

 

Từ đây, Thầy khởi sự dạy Ðạo cho.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Trên Bạch Ngọc Kinh có đủ Nam và Nữ, các con chớ lầm tưởng là phân biệt. Có các Ðấng Nữ Tiên, Nữ Phật còn lớn quyền hơn Nam nhiều.

 

Tr. . . đã thọ mạng nơi Thầy, con đi đâu Thầy theo đó. Lời đạo đức trong miệng con nói ra, ấy là lời Thầy bố hóa tâm trí con đặng đi truyền đạo, tùy cơ mà dạy kẻ, một mình con đâu đủ sức phục người. Chẳng luận là Nam hay Nữ, bất kỳ là nước nào, nó muốn biết đạo lý, con phải độ, biểu chúng nó đến nghe Thầy dạy mới có thế nó tu hành đặng, trước con không nên buộc chúng nó lắm.

 

Thầy nói một lần từ đây nhớ lấy: Dầu cho sắt đá cỏ cây, mà nghe đến Thánh Ngôn nơi Thầy do con nói ra cũng hoan nghinh, huống lựa là người. Con nhớ và an lòng.

Ðã thấy ven mây lố mặt dương,
Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường.
Ðạo cao phó có tay cao độ,
Gần gũi sau ra vạn dặm trường.

Thầy đã hằng ngày nói với con rằng: Muôn việc chi Thầy đã bố hóa vào lòng