Tìm hiểu Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (3) - Tổng Luận

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3852 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo và hết)

IV. TỔNG LUẬN

Hai quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (TNHT 1-2) là một bộ kinh chân truyền của đạo Cao Ðài, bao gồm nhiều điểm căn bản về các mặt giáo lý (triết lý, đạo pháp), luật lệ, nghi lễ và lịch sử của nền đạo Cao Ðài kể từ buổi tiềm ẩn (24-12-1925) tính cho đến ngày 13-11-1935, coi như tròn mười năm.

Các tiền bối khai Đạo đã tuyển lại các thánh giáo do Ðức Chí Tôn và các Ðấng thiêng liêng giáng cơ ban trao ở nhiều nơi khác nhau, kết tập thành hai quyển:

TNHT 1 (in lần đầu năm 1928, gồm 88 bài), và

TNHT 2 (in lần đầu năm 1963, gồm 86 bài).

Tổng cộng 174 bài (kể cả bốn bài in trùng), hai quyển ra đời cách nhau đến ba mươi lăm năm, một khoảng thời gian quá dài!

Như phần I trên đây đã trình bày khá chi tiết, không kể các lỗi chính tả (vốn là tình trạng chung, phổ biến của kinh điển Cao Đài ở nhiều Hội Thánh khác nhau), thỉnh thoảng chẳng tránh khỏi vài chỗ in trùng thánh giáo (văn xuôi và thơ Đường luật). Việc ghi xuất xứ (đối chiếu âm lịch và dương lịch, thời gian và địa điểm lập đàn) thường không đầy đủ và nhất quán. Thứ tự các bài xếp theo thời gian chưa chặt chẽ.

Những điều chưa hoàn chỉnh về hình thức như nói trên không hề làm giảm bớt giá trị của chân lý Đạo. Trái lại, đấy chính là những chứng từ cụ thể để ngày nay lớp người tiếp nối nhìn thấy mà càng thương kính, càng cảm phục các tiền bối.

Thật vậy, các tiền bối đã dày công kết tập hai quyển TNHT trong hoàn cảnh lịch sử Đạo vô cùng trắc trở, hiểm nguy. Công việc tu thư mang tính chuyên môn và khổ nhọc. Dẫu thế, các tiền bối vẫn không quản ngại, rõ ràng đã làm đúng lời dạy của Đức Chí Tôn tại đàn Cầu Kho, ngày 08-01-1927 (05-12-Bính Dần):

Vậy Thầy khuyên các con, đứa nào có trí lực bao nhiêu, khá đem ra mà thi thố, chớ đừng sụt sè theo thói nữ nhi, vậy cũng uổng cái điểm linh quang của Thầy cấp để cho các con lắm.” (TNHT 1, 1928, tr. 61)

Nói khác đi, với nhiệt tâm hoằng giáo, các tiền bối đã can đảm và tín thành nhận lãnh trọng trách tu thư. Nhờ thế, ngày nay lớp người đi sau mới được thọ nhận những lời châu ngọc của Ơn Trên dắt dìu từng bước trên đường đạo.

Chỉ ước mong sao đạo Cao Đài sớm thống nhất, sẽ có một hội thánh duy nhất và ổn định. Bấy giờ các chỗ chưa hoàn chỉnh trong TNHT nói riêng và các kinh sách khác nói chung, tất cả nhờ hội đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa sẽ cùng được san định, ngõ hầu hình thức lẫn nội dung đều đề huề, vẹn vẻ.

Mà đó chính là trách nhiệm của những người sẽ được vinh hạnh tiếp nối công lao khai sơn phá thạch của hàng hàng lớp lớp tiền bối đã qua.

Phú Nhuận, tháng 4-2007


PHỤ LỤC


Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương

Tiền bối sinh năm Kỷ Mão (1879) tại làng Hữu Ðạo, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, con ông Nguyễn Văn Tỵ và bà Cao Thị Huề. Vì làm hương bộ trong làng, nên tiền bối cũng được gọi là Bộ Tương. Vợ tiền bối là Võ Thị Tước (1880-1947) và con gái thứ hai là Nguyễn Thị Quyền (1900-1987).([1])

Khoảng năm ba mươi tuổi, tiền bối tu theo đạo Minh Sư, thọ giáo với Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang (1870-1946), rồi theo Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang về Linh Quang Tự ở làng Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Ðịnh.

Tiền bối tu đến phẩm lão sư, đệ tử của tiền bối là tiền bối Nguyễn Văn Kinh (1890-1945). Hai tiền bối Tương và Kinh quy hiệp Cao Đài trước Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang. Theo quyển Phổ Cáo Chúng Sanh (1926), khi Thái Lão Sư cũng quy hiệp Cao Đài, vào ngày 27-9-1926 (21-8 Bính Dần) Đức Chí Tôn giáng cơ tại Linh Quang Tự dạy:

Tương, Kinh, hai con phải lạy Ðạo Quang trước mặt Thầy, rồi từ đây gọi là anh mà thôi, còn thầy duy có một Thầy.

Ngày 31-8-1926 (24-7 Bính Dần), Ðức Chí Tôn phong tiền bối Tương làm Thuyết Pháp Ðạo Sư Chưởng Quản Oai Linh Ðạo Sĩ, Chưởng Pháp phái Thượng.

Ngày 09-12-1926 (05-11 Bính Dần), Thượng Chưởng Pháp Tương quy thiên tại nhà riêng, ở làng Hữu Đạo, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho.

Hai ngày sau, Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy hai vị Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt an táng cho tiền bối Tương theo đại lễ, tương xứng với bậc thái lão.

Tiền bối Tương giáng đàn ở Tây Ninh ngày 02-02-1927 (01-01 Đinh Mão).

Năm 1997, một số đạo hữu cùng cháu nội của tiền bối là ông Nguyễn Văn Bá xây trên nền mộ cũ một tháp nhỏ cao 3,6m.

Huệ Khải

Một Góc Nhìn Văn Hóa Cao Đài, NXB Tôn Giáo, HN 2011, tr. 240-243.



([1]) Ngày 15-2-1927 (14-1 Ðinh Mão), Ðức Chí Tôn phong bà Võ Thị Tước làm lễ sanh, và Nguyễn Thị Quyền làm giáo hữu.