Con người sẽ trở nên vĩ đại khi cầu nguyện

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3806 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS
“Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.” (Lc 9:29)

Frederic Ozanam là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Pháp. Khi còn là một chàng sinh viên, Frederic Ozanam đã phải trải qua cơn khủng hoảng đức tin.

Những mong tìm cho mình một chút thanh thản trong tâm hồn, anh bước vào ngôi nhà thờ cổ ở Paris. Từ cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một người đang quỳ gối cầu nguyện một cách sốt sắng. Anh đứng lặng và tò mò theo dõi và khi người này đứng lên và ra khỏi nhà thờ thì chàng sinh viên  Frederic Ozanam nhận ra người vừa quỳ cầu nguyện kia là nhà bác học Ampère.

Ngạc nhiên, thắc mắc và thế là chàng sinh viên lặng lẽ bước theo nhà bác học, khi ông ta trở về phòng làm việc. Thấy chàng sinh viên cứ lấp ló ngoài cửa phòng, nhà bác học lên tiếng hỏi:

- Này! Anh bạn trẻ, anh cần gì, tôi có thể giải giúp anh một bài toán vật lý nào không?

Chàng sinh viên đáp một cách nhỏ nhẹ:

- Thưa giáo sư, là một sinh viên khoa văn chương, con dốt lắm, xin phép giáo sư cho con hỏi một vấn đề liên quan về đức tin.

Nhà bác học trả lời một cách khiêm tốn:

- Anh lầm rồi, đức tin là môn tôi yếu nhất, nhưng nếu giúp ích gì được cho anh, tôi sẵn lòng và cảm thấy đây là điều hân hạnh cho tôi.

Chàng sinh viên liền hỏi:

- Thưa giáo sư, có thể vừa là nhà bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện không?

Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của chàng sinh viên, với đôi môi run rẩy ông xúc động, trả lời:

- Này anh bạn trẻ! Ta chỉ vĩ đại khi ta cầu nguyện mà thôi.

Chàng sinh viên trợn tròn mắt vì ngạc nhiên!

Vâng! Dưới nhãn quan của người đời thì sự vĩ đại của một ai đó được tỏ hiện qua những thành công trên thương trường, chính trường, hoặc khi họ sở hữu những học vị, chức danh, tài sản hay vợ đẹp con khôn… Ngược lại, dưới nhãn quan của Thiên Chúa thì sự vĩ đại của con người được minh chứng qua đời sống khiêm hạ. Trước tiên là khiêm hạ trước Thiên Chúa, Đấng tác dựng và ban tặng mọi sự cho con người, kế đến là sự khiêm hạ trước anh em đồng loại. Nhờ sự khiêm hạ, ta mới có thể nhận ra mình yếu đuối, mỏng giòn, và mình còn đó những khiếm khuyết, bất toàn với Đấng Tạo Hoá và với nhau… Có khiêm hạ ta mới có được ngôn ngữ như Giáo phụ Augustinô khi ngài cầu nguyện: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Biết Chúa để con yêu Chúa và biết con để con trở nên khiêm hạ nhỏ bé…”.

Khiêm hạ là căn tính của Thiên Chúa, là quà tặng và ân ban của Ngài cho những ai có thiện chí tìm và sống. Khiêm hạ là đức tính mà Thiên Chúa luôn ưa thích, người đời mến mộ. Nhưng, để đạt được đức tính khiêm hạ trong cuộc sống quả là không dễ chút nào, đặc biệt giữa thời đại hôm nay, một thời đại mà người người đua nhau sống hưởng thụ, đua nhau tìm lối sống vương giả, vì tìm lối sống đó mà con người dần trở nên ích kỷ và tranh đua… Để có được sự khiêm hạ, và qua khiêm hạ giúp ta trở thành người vĩ đại trước nhãn quan của Thiên Chúa, trở thành người bạn tốt của mọi người, thì phương thế tuyệt hảo nhất đó chính là đời sống cầu nguyện. Nhà bác học kiêm triết gia Pascal đã để lại một câu nói bất hủ: “Con người thật sự vĩ đại khi họ cầu nguyện.”

Cầu nguyện chính là đi vào mối tương quan mật thiết với Đấng mà mình tin, hay nói theo ngôn ngữ của người Kitô hữu, cầu nguyện là những giây phút sống mật thiết với Thiên Chúa; chính nhờ cầu nguyện và qua cầu nguyện mà vinh quang, tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa luôn ở cùng; chuyên tâm sống đời cầu nguyện ta mới có thể nhận ra Thánh Ý của Thiên Chúa mà cất bước thi hành.

Đặc biệt, trong cầu nguyện và sống đời cầu nguyện, Thiên Chúa không thể lặng thinh. Hình ảnh và sự kiện trên đỉnh núi Tabor năm xưa đã minh chứng:

“Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà… Và tứ đám mây có tiếng phán rằng: Đây là con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người…” (Lc 9:28-35). Để nói lên tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện, Tu nữ Têrêsa thành Avila đã xác tín: “Cầu nguyện là hơi thở của người Kitô hữu”. Đặc biệt trên đường sứ vụ, Đức Chúa Giêsu đã từng căn dặn các môn đệ: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn…” (Lc 21:36).

Đức Chúa Giêsu, trước khi lên Giêrusalem uống cạn chén đắng mà Chúa Cha giao phó, đã dành thời gian cầu nguyện mật thiết với Chúa Cha. Nhờ đời sống cầu nguyện mà vinh quang của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi nhân tính của Ngài như trình thuật Phúc âm theo Thánh sử Luca: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.” (Lc 9:29)

Có thể nói, một trong những nét nổi bật nhất của Đức Chúa Giêsu chính là đời sống cầu nguyện. Ngài cầu nguyện mọi lúc và mọi nơi (x. Lc 11:1), Ngài cầu nguyện trước khi thực hiện công việc (x. Mt 6,12), Ngài dạy và chỉ cách cầu nguyện (x. Mt 6:7-14), Ngài cầu nguyện để cảm tạ, tôn vinh Chúa Cha và cầu nguyện cho mọi người ngang qua các Tông đồ (x. Giăng 17,1-26). Đặc biệt, Ngài trở thành tấm gương sống động cho ta khi Ngài cầu nguyện cho chính những người đã âm mưu hại mình qua lời thứ nhất của Ngài trên Thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” (Lc 23:34)

Bước vào 40 ngày chay thánh, Giáo Hội luôn nhắc nhở và mời gọi ta sám hối và trở về với Thiên Chúa, trở về với căn tính đích thực của mình. Căn tính mà Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng, đó chính là ta được trở nên con cái Thiên Chúa, trở thành người Kitô hữu.

Tại sao ta phải trở về? Xin thưa rằng, trên hành trình lữ thứ trần gian, lắm khi ta đang sống, đang ở và đang sở hữu những điều trái với ý muốn của Thiên Chúa, những điều làm ta xa Chúa và anh em, đáng sợ nhất nơi ta đang sống, đang sở hữu và những đam mê đưa ta đến sự chết và đánh mất hạnh phúc Nước Trời.

Nhưng sao ta có thể trở về khi ta đang ở trên đỉnh cao của quyền lực, ta đang toan tính hơn thua trong kinh doanh, tình cảm; ta muốn né tránh bổn phận và trách nhiệm của mình với gia đình và mọi người; khi ta đang đam mê và lao mình vào thú vui của cờ bạc, rượu chè, hút sách…? Làm sao ta có thể trở về khi ta đã và đang sống chung, sống giống như những con người mà Thánh Phaolô khi xưa nói về họ: “Chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh quang của họ trong những điều ô nhục, họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này…” (Pl 3:19)? Làm sao ta có thể trở về khi ta đang thờ ơ trong việc giữ đạo và sống đạo, ta đang phải vật lộn với cuộc sống đầy những thách đố, khó khăn? Làm sao ta có thể thoát và trở về trước những mưu mô, xảo quyệt và những lời mời gọi ngọt ngào của thế gian…? Khó và thật khó cho ta khi phải từ bỏ những ước muốn, đam mê trái với Thiên Ý để trở về nẻo chính đường ngay, trở về với chương trình và ước muốn của Thiên Chúa. Chương trình và ước muốn của Thiên Chúa thì khôn dò, khó thấu hiểu so với suy nghĩ của con người.

Đức Chúa Giêsu đã phán: “Với loài người thì không thể, nhưng với Chúa mọi sự đều có thể.” (Mt 10:26) Hãy tin tưởng vào Lời Chúa và noi gương Đức Chúa Giêsu trong đời sống khiêm hạ, đời sống cầu nguyện. Tin chắc ta sẽ có đủ nghị lực, sức mạnh để trở về với Chúa và với nhau bằng tấm lòng sám hối, ăn năn, bằng chay tịnh, cầu nguyện và thực thi những việc lành phúc đức. Nhờ ơn Chúa giúp và sự đồng hành của anh chị em trong hội thánh của Chúa khắp mọi nơi, ta sẽ xứng đáng được cùng thông phần vào cuộc Thương Khó và Phục Sinh vinh hiển của Đấng Chrits. Đây là tâm tình sống Mùa Chay mà Chúa luôn mời gọi ta qua Giáo Hội.

Hãy chuyên tâm cầu nguyện trong khiêm hạ để trở thành người vĩ đại trước Chúa và trước mọi người.

Lạy Chúa là Đấng giàu lòng xót thương! Con chạy đến van xin tình Chúa, xin hãy giúp con, ban cho con thêm sức mới, thêm đứđể nhờ ơn Chúa mà mùa chay tịnh sẽ trở thành mùa đại hồng ân. Amen.

Sài Gòn, ngày 21/2/2013

Antôn Lương Văn Liêm

Nguồn: lutheranvietnam.org