Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI (24)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 51 | Cật nhập lần cuối: 6/20/2024 8:12:15 AM | RSS

Giao ly ve cau nguyen cua Duc Benedicto XVI (24)Trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta cũng hãy cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta đi sâu hơn vào trong chương trình mà Người đã dành cho mỗi người chúng ta.

Trong buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 25.01.2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục trình bày loạt bài giáo lý về cầu nguyện với bài thứ 24: Lời cầu nguyện “tư tế” của Đức Giêsu. Sau đây là toàn văn bài giáo lý của Đức Giáo hoàng.

ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI
TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 25 tháng 01 năm 2012

Anh chị em thân mến,

Trong chương này, chúng ta tập trung sự chú ý vào lời cầu nguyện mà Đức Giêsu thưa với Chúa Cha trong “Giờ” của Người được nâng lên và tôn vinh (x. Ga 17,1-26). Như Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo viết: “Truyền thống Kitô giáo gọi lời cầu nguyện này một cách xác đáng là “lời nguyện tư tế” của Đức Giêsu. Đây chính là lời nguyện của Vị Thượng Tế của chúng ta. Lời nguyện này không thể tách rời khỏi Hiến Tế và cuộc Vượt Qua của Người, trong đó Người được thánh hiến trọn vẹn cho Chúa Cha” [Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2747].

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu được hiểu trong toàn thể sự phong phú của nó, đặc biệt là nếu chúng ta đặt nó trong bối cảnh ngày lễ xá tội của người Do Thái, Yom Kippur . Trong ngày ấy, Vị Thượng Tế dâng lễ chuộc tội trước hết cho chính mình, sau đó cho hàng tư tế, và cuối cùng là cho toàn thể cộng đoàn dân chúng. Mục đích là phục hồi dân Israel, sau một năm phạm tội, ý thức về việc hòa giải với Thiên Chúa, và ý thức mình là dân được tuyển chọn, “dân thánh” ở giữa các dân khác. Kinh nguyện của Đức Giêsu trong chương 17 của Tin Mừng Gioan, dựa trên cấu trúc của lễ này. Đức Giêsu thưa cùng Chúa Cha đêm ấy khi Người hiến dâng Chính Mình. Người, vừa là tư tế vừa là lễ vật hy sinh, cầu nguyện cho Chính Mình, cho các Tông đồ và cho tất cả những ai tin vào Người, cho Giáo hội của mọi thời đại (x. Ga 17, 20).

Kinh nguyện mà Đức Giêsu cầu cho chính mình, là xin cho việc tôn vinh của Người, cho việc được “nâng lên” trong “Giờ” này của Người. Quả thật kinh nguyện này còn hơn là một lời cầu xin mà là một lời tuyên bố hoàn toàn sẵn sàng tự nguyện và quảng đại thi hành kế hoạch của Chúa Cha trong việc bị trao nộp và hoàn tất kế hoạch này trong cái chết và sự sống lại của Người. “Giờ” này khởi đầu bằng việc phản bội của Giuđa (x. Ga 13, 31) và đạt đến cao điểm khi Đức Giêsu Phục Sinh lên cùng Chúa Cha (x. Ga 20, 17). Khi Giuđa rời Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã nói những lời này: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” ( Ga 13, 31). Không phải là ngẫu nhiên mà Người bắt đầu kinh nguyện tư tế bằng cách nói rằng: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” ( Ga 17, 1). Sự tôn vinh mà Đức Giêsu cầu xin cho Mình như Vị Thượng Tế, là việc hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, một sự vâng phục dẫn đến tình trạng con thảo trọn vẹn nhất: “Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” ( Ga 17, 5). Chính sự sẵn sàng và lời cầu xin này là hành động đầu tiên của chức tư tế mới của Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn tự hiến trên Thập giá, và chính trên Thập giá – trong hành động yêu thương tối cao – mà Người được tôn vinh, bởi vì tình yêu là vinh quang thật, vinh quang của Thiên Chúa.

Phần thứ hai của lời cầu nguyện này là lời chuyển cầu của Đức Giêsu cho các môn đệ là những kẻ ở với Người, họ là những người mà Đức Giêsu có thể thưa cùng Chúa Cha rằng: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha” ( Ga 17, 6). “Cho họ biết danh Cha” là thể hiện một sự hiện diện mới của Chúa Cha giữa dân chúng, giữa nhân loại. Sự “tỏ lộ” này không chỉ là một lời nói , nhưng là một thực thể trong Đức Giêsu; Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và do đó, Danh Người – sự hiện diện của Người với chúng ta, việc Người nên một với chúng ta – “được thể hiện”. Vì thế, sự tỏ lộ này được thể hiện trong sự Nhập Thể của Ngôi Lời. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa nhập vào xác phàm của nhân loại, Người tự đến gần, bằng một cách mới mẻ và độc đáo. Và sự hiện diện này lên đến tột đỉnh trong lễ hy sinh của Đức Giêsu, trong Lễ Vượt Qua của cuộc tử nạn, và sự Phục Sinh của Người.

Ở trọng tâm của lời cầu nguyện chuyển cầu và cứu chuộc cho các môn đệ này là lời nguyện hiến tế, Đức Giêsu thưa cùng Chúa Cha: “Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” ( Ga 17,16-19). Trong trường hợp này, xin hỏi thế nào là “thánh hiến”? Trước hết phải nói rằng những từ “được thánh hiến” và “thánh”, theo đúng nghĩa, chỉ áp dụng cho Thiên Chúa mà thôi. Như thế thánh hiến có nghĩa là chuyển giao một thực tại – một người hay một vật – để trở thành gia sản của Thiên Chúa. Và điều này có hai khía cạnh bổ túc cho nhau: một đàng, lấy ra khỏi những gì là thông thường, tách ra, “để riêng ra” khỏi lãnh vực cuộc sống cá nhân của một người, để được hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa; đàng khác, sự tách biệt này, sự chuyển giao vào lãnh vực này của Thiên Chúa, có nghĩa chính xác là việc sai đi, là sứ vụ: nghĩa đó chính xác hơn, vì nó có nghĩa là được hiến dâng cho Thiên Chúa, để người được thánh hiến sống “cho” những người khác, được ban cho tha nhân.

Hiến mình cho Thiên Chúa có nghĩa là không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho tất cả mọi người. Và như Đức Giêsu, những người được thánh hiến, được tách ra khỏi thế gian và được dành riêng cho Thiên Chúa để làm một nhiệm vụ, và đó chính là lý do tại sao người ấy hoàn toàn sẵn sàng phục vụ tất cả mọi người. Đối với các môn đệ, là những người sẽ được tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, được hiến dâng cho Thiên Chúa là để sống trong sứ vụ phục vụ tất cả mọi người. Vào buổi tối lễ Phục Sinh, Đấng Phục Sinh, hiện ra với các môn đệ của Người và nói với họ rằng: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” ( Ga 20, 21).

Việc làm thứ ba của kinh nguyện tư tế này phóng đại cái nhìn đến tận thế. Giờ đây Đức Giêsu hướng về Chúa Cha để cầu thay cho tất cả những người được dẫn đến đức tin qua việc truyền giáo được bắt đầu bởi các Tông đồ, và tiếp tục trong lịch sử: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con” ( Ga 17, 20). Đức Giêsu cầu nguyện cho Giáo hội của mọi thời đại và Người cũng cầu nguyện cho chúng ta nữa. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo nói: “Đức Giêsu đã hoàn thành công trình của Chúa Cha; và lời nguyện cũng như hy lễ của Người trải rộng tới lúc hoàn tất thời gian. Lời cầu nguyện trong giờ của Người hoàn thành những thời buổi cuối cùng và dẫn đưa chúng đến chỗ hoàn tất” [Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2749].

Lời cầu xin chính của kinh nguyện tư tế của Đức Giêsu dành cho các môn đệ qua mọi thời đại, là cho sự hiệp nhất trong tương lai của tất cả những ai tin vào Người. Sự hiệp nhất này không phải là một kết quả của thế trần. Nó chỉ đến từ sự hiệp nhất của Thiên Chúa và đến với chúng ta từ Chúa Cha qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần mà thôi. Đức Giêsu khẩn xin một ân huệ từ trời cao, và tạo ra kết quả – thực sự và có thể cảm nhận được – trên thế gian. Người cầu nguyện, “để tất cả được nên một, lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” ( Ga 17, 21).

Một mặt, sự hiệp nhất của các Kitô hữu là một thực thể bí ẩn, hiện diện trong tâm hồn của các tín hữu. Nhưng đồng thời, nó phải trở nên hữu hình một cách thật rõ ràng trong lịch sử; nó phải hữu hình để thế gian có thể tin; nó có một mục đích rất thực tế và cụ thể – nó phải trở nên hữu hình ngõ hầu tất cả mọi người biết rằng chúng ta thực sự là một. Sự hiệp nhất của các môn đệ tương lai, là sự hiệp nhất với Đức Giêsu – là Đấng mà Chúa Cha đã sai xuống thế gian – cũng là nguồn mạch của hiệu lực của việc truyền giáo của Kitô giáo trên thế gian.

“Chúng ta có thể nói rằng lời nguyện tư tế của Đức Giêsu hoàn tất việc thiết lập Giáo hội.” Chính ở đây, trong hành động của Bữa Tiệc Ly, mà Đức Giêsu đã thiết lập Giáo hội. “Thật vậy, vì Giáo hội là gì, nếu không phải là cộng đoàn các môn đệ, những người nhận lãnh ơn hiệp nhất của mình qua đức tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến, và được tham gia vào sứ vụ của Đức Giêsu để cứu thế gian, bằng cách dẫn tới sự nhận biết Thiên Chúa sao?” Ở đây chúng ta thực sự tìm thấy một định nghĩa chính xác về Giáo hội. “Giáo hội được sinh ra từ lời cầu nguyện của Đức Giêsu. Nhưng lời cầu nguyện này không chỉ là lời nói, mà còn là hành động, trong đó Người “tự thánh hiến” chính mình, nghĩa là “tự dâng hiến bản thân” cho sự sống của thế gian” [ Đức Giêsu ở Nazareth , II, p. 101].

Đức Giêsu cầu xin cho các môn đệ của Người được nên một. Với sự hiệp nhất như thế, được lãnh nhận và bảo vệ, Giáo hội có thể tiến bước “trong thế gian” mà không “thuộc về thế gian” (x. Ga 17,16) và sống sứ vụ được Chúa trao phó, ngõ hầu thế gian tin vào Chúa Con và tin vào Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến. Như thế Giáo hội sẽ trở thành nơi mà sứ vụ của Đức Kitô được tiếp diễn: để dẫn thế gian ra khỏi sự xa cách Thiên Chúa và chính mình, ra khỏi tội lỗi, để nó lại trở thành thế giới của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta đã hiểu một số yếu tố về sự phong phú tuyệt vời của lời cầu nguyện tư tế của Đức Giêsu, điều mà tôi mời anh chị em hãy đọc và suy niệm, để lời cầu nguyện này hướng dẫn chúng ta trong cuộc đàm đạo với Chúa, và dạy chúng ta cầu nguyện. Vì thế, trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta cũng hãy cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta đi sâu hơn vào trong chương trình mà Người đã dành cho mỗi người chúng ta; hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta “thánh hiến” cho Chúa, để càng ngày càng thuộc về Chúa hơn, để có thể luôn yêu thương tha nhân nhiều hơn, từ những người ở gần chúng ta cho tới những người xa cách chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta khả năng luôn mở ra cho lời cầu nguyện của mình tới chiều kích của thế gian, mà không chỉ đóng khung trong việc cầu xin Chúa giúp trong các vấn đề của riêng mình, nhưng nhớ đến những người lân cận trước mặt Chúa và học biết vẻ đẹp của việc cầu nguyện cho tha nhân. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta hồng ân hiệp nhất hữu hình giữa tất cả mọi tín hữu trong Đức Kitô – chúng ta hãy cầu nguyện để luôn luôn sẵn sàng trả lời bất cứ ai đòi hỏi chúng ta lý do của niềm hy vọng trong chúng ta [x. 1Pr 3, 15].

Bản dịch của Giuse Phan Văn Phi
Trích từ: Tác phẩm "Cầu nguyện" của Đức Bênêđictô XVI
Nguồn: hdgmvietnam.com

* Bài liên quan:

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (16)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (17)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (18)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (19)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (20)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (21)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (22)

GIÁO LÝ VỀ CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI (23)

Loading...