Niềm vui của Thiên Chúa trên đất của loài người

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1127 | Cật nhập lần cuối: 5/28/2018 9:11:18 AM | RSS

Niềm vui của Thiên Chúa trên đất của loài ngườiNhiều thế kỷ trước Chúa Kitô, một người tín hữu đã viết những lời này: “Ngợi khen Đức Chúa, tôi đã thắng đối thủ”. Tinh thần ngợi khen xuất phát tự chính chúng ta để đem lên đặt vào Chúa những gì làm chúng ta băn khoăn, những gì làm chúng ta bận tâm. Và những sự chống đối ngấm ngầm tận trong sâu thẳm đều được biến đổi.

Tinh thần ngợi khen trở thành sức sống khi lời cầu nguyện cộng đồng đem niềm vui của Thiên Chúa xuống cõi trần.

Trong các nhà thờ Chính Thống giáo, những bài thánh ca sâu sắc, nhũ hương, các i-côn, những cánh cửa sổ nhỏ mở về hướng những thực tại Nước Thiên Chúa, tất cả đều mời gọi khám phá ra “niềm vui thiên quốc dưới trần gian”. Hữu thể con người trong toàn bộ, không những trong trí khôn mà cả trong thân xác, đều chịu ảnh hưởng.

Vấn đề thiết yếu là việc cầu nguyện chung phải giúp cảm nghiệm được sự hiện diện dễ mến của Đấng Phục sinh, đặc biệt là qua vẻ đẹp của các bài thánh ca và thánh thi.

Nhà vĩ cầm Yehudi Menuhin viết: “Vừa được hát lên, các lời ca thấm nhập vào tận cõi sâu thẳm hồn ta. Tôi xác tín rằng những người trẻ hôm nay đang xa lánh các nhà thờ, sẽ kéo đến từng đoàn nếu họ tìm thấy mầu nhiệm phải ngự trị tại đó”.

Khi một thiếu nhi hát đối ca với những người là cha anh nó, nó nâng đỡ mọi thế hệ. Sự hiện diện của nó khiến chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa luôn luôn làm những điều mới lạ trong cuộc đời chúng ta. Ở Taizé, ngày ngày các thiếu nhi tham dự vào việc cầu nguyện của cộng đồng chúng tôi. Trong buổi cử hành phụng vụ, các em thắp cây nến, tượng trưng Chúa Kitô là ánh sáng. Và một thiếu nhi trong lành chúng tôi hát một lời kinh.

Chúng ta có thể làm cho các nhà thờ của chúng ta trở nên hấp dẫn mà không cần tốn kém nhiều lắm: một ít đèn nến khiêm tốn, vài khăn phủ, vài chiếc thảm cũ không có giá trị gì. Điều tốt là có một phòng hội nơi chúng ta có thể hội họp, trao đổi, và chia sẻ với nhau chút của ăn.

Dù một nơi ở nhỏ bé đến đâu, nó cũng có thể gợi cho thấy cái vô hình, nhờ một vài biểu tượng nhắc nhở sự hiện diện của Thiên Chúa, thí dụ một tấm i-côn đứng sau một ngọn đèn cháy sáng… Vào thế kỷ thứ VI, thánh Gioan Kim khẩu viết: “Biến ngôi nhà thờ nhỏ thành nơi Chúa ngự, đó không phải là chuyện không đáng kể đâu”. Khi các xã hội bị tục hóa, một căn nhà có thể thành nơi cho những ai được đón tiếp, nhận thức được nguồn suối đức tin.

Torng mỗi người được chịu phép Rửa, Chúa Thánh Thần ban cho một phần ơn “mục vụ” lớn hay nhỏ, để truyền lại cho kẻ khác một mầu nhiệm của hy vọng. Cái ít ỏi mà chúng ta hiểu được từ Tin Mừng, sẽ triển nở trong chúng ta, khi chúng ta thông tri cho người khác, cho dù là một cách dè dặt đến đâu.

Ở Taizé, một vấn nạn vẫn được đặt ra, là không hiểu các người trẻ mà chúng tôi đón tiếp có ý thức đủ về những tài nguyên tâm linh, mà họ được ban cho để dọn đường cho Chúa, bằng cách chia sẻ những tà nguyên ấy cho những người mà Thiên Chúa giao phó cho họ chăng?

Khi các người trẻ bắt đầu kéo đến đông đảo ở Taizé, vào khoảng năm 1957, chúng tôi không nghĩ rằng chuyện đó sẽ kéo dài, và chúng tôi cho họ ở cách xa ba cây số. Nhưng chúng tôi sớm hiểu ra rằng sự hiếu khách theo Tin Mừng mời gọi chúng tôi đón tiếp họ gần ngay bên cạnh chúng tôi. Điều thiết yếu là đón tiếp họ một cách hoàn toàn vô vị lợi. Chúng tôi luôn luôn từ chối thành lập một phong trào giới trẻ liên hệ với Taizé. Chúng tôi muốn rằng họ khám phá ra Chúa Kitô trong sự hiệp thông với Người, sự hiệp thông duy nhất là Giáo hội. Để đi tiền phong, khi trở về nhà, tốt hơn là họ tạo thành những cộng đồng nhỏ chừng năm sáu người. Nhưng để tránh chuyện kỳ thị tuổi tác, chúng tôi gợi ý rằng những cộng đồng giới trẻ phải liên đới với những cộng đồng địa phương, các họ đạo, nơi qui tụ mọi thế hệ, từ những người già nhất tới các trẻ em.

Lạy Thiên Chúa hằng sống, nhờ tinh thần ngợi khen, Chúa lôi kéo chúng con ra khỏi chính mình, khỏi những sự dè dặt lưỡng lự. Chúa đã trao phó cho chúng con, những người nghèo của Đức Kitô, một mầu nhiệm của hy vọng, và Chúa muốn chúng con truyền lại cho người khác, trước hết bằng chính cuộc đời của chúng con.

Sư huynh Roger

Mẹ Têrêxa – Sư huynh Roger
Thiện Cẩm OP
(chuyển dịch)
Trích “Cầu nguyện: Dòng suối mát trong”, tr. 63-66