Tâm hồn đơn sơ hãy vui mừng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1161 | Cật nhập lần cuối: 4/27/2018 10:37:05 AM | RSS

Tâm hồn đơn sơ hãy vui mừngTừ nhiều năm nay, một vài anh em của tôi sống ở Băng-la-đét, chia sẻ cuộc sống của những người nghèo khổ nhất. Một trong các anh em đó viết cho tôi: “Cuộc sống của chúng tôi được đánh dấu bằng những trận cuồng phong và lụt lội. Một số người hàng xóm láng giềng hỏi chúng tôi: tại sao lại có những tai họa đó? Phải chăng chúng tôi đã phạm tội ghê gớm quá?”

Tâm hồn nhân loại thường bị xâm chiếm bởi một nỗi sợ thầm kín: Thượng Đế sắp phạt tôi. Marie Sonaly, đứa con gái đỡ đầu của tôi, hồi mới lên năm tuổi, một hôm khóc lóc đến gần tôi. Mẹ nuôi nó phải vào bệnh viện, và nó nói với tôi; “Má con đau, đó là lỗi tại con, bởi vì con đã hôn má quá mạnh!”. Tại đâu mà cảm nghĩ về tội lỗi đã đến với một đứa bé như vậy?

Nghĩ rằng Thiên Chúa trừng phạt con người, đó là một trở ngại lớn nhất của niềm tin. Thiên Chúa được coi như một vị thẩm phán tàn bạo, trong khi thánh Gioan nhắc nhở chúng ta bằng một lời bốc lửa: “Thiên Chúa là tình thương. Không phải chúng ta, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta. Phần chúng ta, hãy yêu thương, bởi vì Người đã yêu thương chúng ta trước”.

Tất cả bắt đầu từ đó: hãy để Thiên Chúa yêu thương bạn. Nhưng điều ấy không đơn giản đâu… Làm thế nào mà biết bao người Kitô khó khăn lắm mới tin nổi rằng mình được yêu? Họ tự nhủ: Thiên Chúa tha thứ cho những người khác, chứ không tha cho tôi. Cảm thấy choáng váng vì mặc cảm tội lỗi, họ muốn bắt đầu bằng việc tha lỗi cho chính mình. Không thành công, đôi khi họ tìm cách giải thoát bằng cách đổ tội cho kẻ khác, sự dụng thứ vũ khí độc ác là tố cáo và nghi ngờ.

Nếu người ta yêu mến Thiên Chúa chỉ vì sợ một hình phạt, thì đó chẳng phải là yêu mến Người nữa. Chúa Kitô không muốn chúng ta bị tràn ngập vì mặc cảm tội lỗi, nhưng được tràn đầy ơn tha thứ và niềm tin tưởng.

Con người ta thường hay hà khác. Thiên Chúa thì lại đến bao bọc chúng ta bằng sự cảm thương. Không bao giờ, một chữ không thật lớn. Thiên Chúa lại là nỗi dằn vặt đối với lương tâm con người. Người dệt đời chúng ta như dệt một tấm áo đẹp, với những sợi chỉ của ơn tha thứ. Người chôn giấu quá khứ của chúng ta trong trái tim của Đức Kitô, và đã bắt đầu săn sóc đến tương lai của chúng ta. Niềm tin chắc chắn vào ơn tha thứ là một điều tuyệt vời nhất, khó tưởng tượng nhất và quảng đại nhất trong những thực tại của Tin Mừng. Nó làm cho chúng ta được tự do không gì sánh nổi.

Thiên Chúa yêu thương bạn trước khi bạn yêu Người. Bạn nghĩ không chờ đợi Người, nhưng Người chờ đợi bạn. Bạn nói: “Tôi không xứng đáng”, nhưng Người xỏ vào ngón tay bạn chiếc nhẫn của đứa con đi hoang. Đó chính là sự đảo ngược của Tin Mừng.

Tất cả chúng ta đều là những đứa con đi hoang! Từ vực thẳm của cảnh đời nô lệ, bạn ngước nhìn lên Người, và trên khuôn mặt bạn không còn dấu vết của đắng cay nữa. Ơn tha thứ của Người giúp bạn cất lên tiếng hát. Và khi chiêm ngưỡng, ơn tha thứ của Thiên Chúa sẽ trở thành một tia sáng chiếu rọi vào tâm hồn kẻ đơn sơ phó thác cho Thánh Thần hướng dẫn, và làm cho họ trở nên bao dung.

Có một số người nói: nếu có Thiên Chúa, Người không thể nào để cho những tai ương, bất công, bệnh tật xảy ra. Cách đây gần ba ngàn năm, ngôn sứ Êlia đi vào trong sa mạc để nghe tiếng Chúa. Có một trận cuồng phong, rồi một trận động đất, một ngọn lửa bùng lên. Nhưng ông Êlia hiểu rằng Thiên Chúa không ở trong những hiện tượng dữ dằn ấy của thiên nhiên. Thiên Chúa không muốn sử dụng những phương tiện mạnh mẽ gây sợ hãi đó, để bắt người ta chấp nhận Người. Thiên Chúa không phải là tác giả của những thiên tai hay chiến tranh. Khi mọi sự đã trở lại yên tĩnh, ông Êlia nghe thấy tiếng Chúa trong tiếng gió hiu hiu thổi nhẹ nhàng. Ông đã hiểu ra thực tại cảm kích này: tiếng của Chúa được truyền qua hơi thở của im lặng.

Một hôm, tại Caicutta, tôi cùng mẹ Têrêxa đi tới một trại cùi. Tôi thấy một người cùi giơ đôi tay khẳng khiu da bọc xương lên và cất tiếng hát: “Thiên Chúa đã không giáng phạt tôi, tôi hát mừng Người bởi vì chứng bệnh này là một cuộc viếng thăm của Thiên Chúa”. Trong nỗi bất hạnh, người bệnh nhân ấy cũng có được linh cảm rằng: sự đau khổ không từ nơi Thiên Chúa mà đến.

Thiên Chúa không phải là tác giả của điều ác. Nhưng Người đã chấp nhận một sự liều lĩnh to tát. Người muốn chúng ta thành tạo hóa với người. Người không muốn dựng nên con người như những cỗ máy, mà là những con người, có quyền tự do quyết định ý nghĩa cuộc đời mình, tự do yêu thương hay là không yêu thương.

Không bao giờ Đức Kitô đứng nhìn thụ động trước nỗi bất hạnh của con người. Là Đấng Phục sinh, Người đồng hành với mỗi người trong nỗi khổ đau của họ, tới mức ở đâu có nỗi khổ đau của con người, thì ở đó có nỗi khổ đau của Thiên Chúa và nỗi khổ đâu của Chúa Kitô. Và Người cho phép chúng ta nhân dnah Người chia sẻ nỗi khốn quẫn của những ai trải qua cơn thử thách không tài nào hiểu nổi, và Người mời gọi chúng ta làm nhẹ bớt nỗi khổ đau của những người vô tội.

Nếu nỗi thống khổ của nhân loại không đến từ nơi Thiên Chúa, thì trái lại, có người sau khi chịu thử thách, khám phá ra rằng mình đã được thanh tẩy nhờ những thử thách ấy. Để hiểu được điều này, cần phải đạt được một sự trưởng thành, và trải qua kinh nghiệm sa mạc nội tâm. Tôi xin kể một câu truyện làm thí dụ.

Tháng Hai năm 1991, tôi có mặt ở Phi-luật-tân, dự một đại hội thanh niên mà các anh em của tôi đã chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Tôi đến thăm một cụ bà lớn tuổi, tên là Aurora Aquino. Nhiều năm trước, con trai bà là Benigno đã phải ngồi tù bảy năm, rồi bị lưu đày chính trị. Khi ông được phép trở về xứ sở thì bị giết ngay khi vừa từ máy bay bước xuống. Hồi ấy tôi có thấy bức ảnh cụ bà Aurora Aquino trên một tờ nhật báo. Gương mặt bà là gương mặt một người mẹ đầy thương đau.

Khi trao đổi với bà, tôi khám phá ra rằng bây giờ, với 81 tuổi đời, bà không giữ lại trong tim một nỗi đắng cay nào. Hơn thế nữa, bà còn thốt ra những lời lạ lùng này: cơn thử thách tẩy luyện chúng ta. Tôi không lấy làm lạ gặp được nơi bà viên mãn của sự vô vị lợi. Bà là người trong số những bậc lão thành, mà ta có thể nói về họ rằng: đối với họ, khi người ta biết yêu, biết chịu đau khổ, thì cuộc sống tràn đầy vẻ đẹp cao quý.

Còn bạn, khi bị một cú sốc vì một biến cố, hay khi bạn phải qua cơn thử thách như phải chia ly một mối tình, hay khi bị người ta coi thường, bị hạ nhục, thì những ý định trong sáng nhất của bạn có bị vẩn đục, méo mó đi chăng?

Lời cầu nguyện khiêm tốn sẽ chữa lành vết thương kín đáo của tâm hồn. Và mầu nhiệm về đau khổ của con người được biến hình. Thần Khí Chúa hằng sống thổi trên cái gì là cái nghèo nàn trơ trụi và mong manh. Từ những vết thương đau của chúng ta Người khơi nguồn một dòng suối nước trong. Nhờ Người, thung lũng nước mắt trở thành một dòng suối mát trong.

Hỡi tâm hồn đơn sơ hãy vui mừng! Từ niềm bình an của tâm hồn có thể tự nhiên nảy sinh ra niềm vui của Tin Mừng.

Lạy Thiên Chúa của mọi con người, Chúa đã đặt vào lòng mỗi người chúng con một hồng ân bất khả thay thế, Chúa tặng cho mỗi người một tia sáng phản ánh sự hiện diện của Chúa. Nhờ Thần Khí, Chúa đã khắc vào trong mỗi người ý muốn của tình yêu Chúa, không phải là khắc trên đá, nhưng là trong sâu thẳm của tâm hồn chúng con. Và, bằng sự bình an của tâm hồn chúng con, Chúa cho chúng con khả năng làm cho cuộc sống của những người chung quanh trở nên tốt đẹp.

Sư huynh Roger

Mẹ Têrêxa – Sư Huynh Roger
Thiện Cẩm OP
(chuyển dịch)
Trích “Cầu nguyện: Dòng suối mát trong”, tr. 24-29