Thiên Chúa là bạn của sự im lặng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1567 | Cật nhập lần cuối: 5/7/2018 9:25:38 AM | RSS

Thiên Chúa là bạn của sự im lặngKhởi đầu sự cầu nguyện là sự im lặng.

Nếu chúng ta muốn cầu nguyện, thì trước tiên phải học biết lắng tai nghe, bởi vì Chúa nói trong sự thinh lặng của tâm hồn ta. Và để có thể sống sự thinh lặng ấy và nghe thấy tiếng Chúa, thì cần có một tâm hồn thật trong sáng, bởi vì chỉ có tâm hồn trong sạch mới có khả năng thấy Chúa, nghe tiếng Chúa và nghe lời Chúa. Chỉ khi đó thôi, từ viên mãn của tâm hồn chúng ta, chúng ta có thể nói chuyện với Chúa. Nhưng chúng ta không thể nói, nếu đã không nghe, nếu đã không gặp gỡ Chúa trong sự thinh lặng của tâm hồn.

Không được coi sự cầu nguyện như một sự hành hạ, một cái gì làm chúng ta không thoải mái, hay làm chúng ta dao động. Chúng ta phải cảm thấy vui mừng trước lúc cầu nguyện: tôi nói chuyện với Cha tôi, nói chuyện với Chúa Giêsu, Đấng mà cả thân xác, linh hồn, trí khôn và con tim tôi đều thuộc trọn về Người. Vậy hãy suy nghĩ tới sự im lặng của tâm trí, của con mắt và của lời nói.

Sự im lặng của tâm trí và của tấm lòng. Đức Maria “ghi nhớ kỹ những kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Sự im lặng đó làm cho Người luôn gần gũi Chúa Giêsu, đến nỗi Người không bao giờ hối tiếc điều gì. Hãy nhớ lại việc Người đã làm khi thánh Giuse bị bối rối. Chỉ cần một lời nói của người đủ đánh tan mọi nghi ngờ, nhưng Người đã không làm như vậy, và chính Thiên Chúa đã thực hiện phép lạ chứng minh sự trong trắng của Người. Ôi, nếu như chúng ta xác tín về sự cần thiết của sự im lặng! Tôi tin rằng khi ấy con đường dẫn tới sự hiệp nhất thân tình với Thiên Chúa sẽ mở rộng thênh thang.

Rồi đến sự im lặng của đôi mắt, sự im lặng sẽ luôn giúp chúng ta thấy được Thiên Chúa. Đôi mắt của chúng ta là hai cửa sổ qua đó Chúa Kitô hay thế giới nhập vào tận tâm hồn chúng ta. Nhiều khi chúng ta phải can đảm lắm mới khép chúng lại được. Chúng ta đã chẳng thường nói rằng: “Ôi nếu như tôi đã chẳng trông thấy cái này cái nọ!” Vậy mà chúng ta đã chẳng mấy khi cố gắng một chút để chế ngự ước muốn thấy hết mọi sự.

Bằng sự im lặng về ngôn từ, chúng ta học được nhiều chuyện: nói chuyện với Chúa Kitô, luôn luôn được vui mừng và có được bao nhiêu điều để nói. Chúa Kitô nói với chúng ta qua trung gian những người khác, và chúng ta suy niệm. Người nói trực tiếp với chúng ta.

Thiên Chúa là bạn của sự im lặng.

Chúng ta khao khát gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng Người không để ai tìm được Người trong tiếng ồn và trong sự náo động. Hãy nhìn thiên nhiên, cây cối, hoa cỏ mọc lên trong sự im lặng sâu thẳm. Hãy nhìn các ngôi sao, mặt trăng và mặt trời chuyển vần trong im lặng. Chúng ta càng đón nhận trong sự cầu nguyện âm thầm bao nhiêu, chúng ta càng có thể dâng hiến trong đời sống hoạt động bấy nhiêu.

Sự im lặng cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ về mọi sự. Chúng ta cần sự im lặng đó để tiếp xúc được các tâm hồn. Cái chính yếu không ở trong điều chúng ta nói, mà ở trong điều Thiên Chúa nói, và trong điều Người truyền lại qua trung gian chúng ta.

Chính trong sự im lặng mà Chúa Giêsu luôn luôn chờ đợi chúng ta. Trong sự im lặng đó, Người sẽ lắng nghe chúng ta; chính trong sự im lặng đó Người sẽ nói với tâm hồn chúng ta, và chúng ta sẽ nghe được tiếng Người. Trong sự im lặng đó chúng ta sẽ tìm được nghị lực mới và sự hiệp nhất đích thực. Sức mạnh của Thiên Chúa sẽ là nghị lực của chúng ta để chúng ta hoàn thành mọi việc trong sự hiệp nhất giữa tư tưởng của chúng ta với tư tưởng của Người, giữa lời cầu nguyện của chúng ta với lời cầu nguyện của Người, sự hiệp nhất giữa hành động của chúng ta với hành động của Người, giữa đời sống của chúng ta với sự sống của Người.

Mẹ Têrêxa

Mẹ Têrêxa – Sư Huynh Roger
Thiện Cẩm OP
(chuyển dịch)
Trích “Cầu nguyện: Dòng suối mát trong”, tr. 36-38