Chữ Hiếu trong truyền thống Văn hóa Việt Nam
HIẾU là đức tính đặc trưng của nền văn hóa phương Đông, là nền tảng của đạo lý làm người được diễn tả trong phương châm:
Bách hạnh dĩ HIẾU vi tiên:
Trong một trăm hạnh,
HIẾU đứng hàng đầu.
Ñ |
ối với người Việt Nam từ xa xưa, Hiếu vừa là một tình cảm tự nhiên vừa là một giá trị thiêng liêng được thấm nhuần từ Tam giáo (Phật, Khổng, Lão) lại được giao kết hài hoà và nhào nặn trong tâm thức dân Lạc Việt qua quá trình xây dựng và phát triển đất nước, hun đúc nên đạo lý và tâm tình cao quý của con Rồng cháu Tiên.
Do đó, Hiếu không chỉ là một nhân đức mà là Đạo Hiếu, gọi cách nôm na phổ biến là Đạo Ông Bà.
Đạo Hiếu trước hết được mô tả và dạy dỗ qua văn hoá bình dân với nhiều tục ngữ ca dao đề cao công đức sinh thành:
Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ Cha kính Mẹ mới là chân tu.
* * *
Người ơi, làm người ở trên đời,
Nhớ công người sinh dưỡng, thế mới là hiền nhân.
* * *
Công Cha bao năm tình thương lai láng,
Nghĩa mẹ đậm đà chín tháng cưu mang.
* * *
Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Vì sao người Việt yêu thích bánh dầy bánh chưng?
Theo tục truyền, một ngày lễ lớn để chúc mừng cha mẹ, các con của vua Hùng dâng quà báo hiếu: người thì tiền bạc, người thì vàng ngọc châu báu... đều bị vua cha từ chối. Còn hoàng tử tên Lang Liêu thì dâng 2 chiếc bánh: Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, bánh dầy hình tròn tượng trưng bầu trời, với ý nghĩa: Công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng che chở con cái an toàn. Vua cha xúc động về sau đã trao ngôi lại cho hoàng tử Lang Liêu. Từ đó bánh chưng bánh dầy trở nên một sản phẩm cổ truyền, chứng tích của đạo Hiếu, được dâng lên Tổ tiên vào dịp Tết và lễ hội hàng năm.
Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
Theo truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, dù sống xa tổ quốc đến đâu, mỗi người đều dành dụm để ngày Tết về nơi chôn nhau cắt rốn đoàn tụ với gia đình, mừng tuổi chúc Phúc Lộc Thọ cho ông bà cha mẹ.
Trong quá khứ, đêm Giao thừa, một số gia đình có điều kiện thường dựng 2 bàn thờ, một cái ngoài sân để Vọng Thiên (Thờ Trời), một cái trong nhà để Vọng Tổ (thờ Ông Bà Tổ tiên )... Đối với số đông, bàn thờ Tổ thường được đặt ở gian giữa nhà để những ngày giỗ chạp trong năm, con cháu đến tưởngniệm cung kính, tri ân.
Gương Hiếu nhân danh tiếng trong lịch sử và văn hoá Việt Nam
Nguyễn Trãi (1380 - 1442) một anh hùng khí phách được sắp vào hạng tinh hoa của dân tộc vừa là một nhà văn, nhà thơ với những văn phẩm tuyệt tác với tên thi sĩ là Úc trai: Úc trai thi tập, Quốc âm thi tập, Gia huấn ca (Giáo dục gia đình).v.v…
Năm 1407, quân nhà Minh (Trung Hoa) khiêu chiến thắng trận, hoàng tử Hồ Quý Ly cùng triều thần trong đó có thân phụ của Nguyễn Trãi là Phi Khanh bị bắt đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi đi theo cha để giữ tròn đạo Hiếu. Đến biên thùy là Ải Nam Quan, Phi Khanh khuyên con trở về tìm cách «Rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, mới là hiếu thảo!» Nguyễn Trãi vâng lời cha, trở về tham gia nồng nhiệt phong trào Khởi nghĩa Lam Sơn, thu phục nhân tâm và chiến thắng, lật đổ nhà Minh, xuất bản Hịch Bình Ngô Đại Cáo là bản Anh hùng ca kiêm Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Một cao điểm của lịch sử Con Rồng Cháu Tiên
Năm 1980, kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, Liên Hiệp Quốc công nhận ngài là danh nhân văn hóa thế giới. Các vị thủ trưởng của Việt Nam xác nhận: Nguyễn Trãi là anh hùng dân tộc, văn võ toàn tài, người đã cắm một mốc lịch sử quan trọng trên con đường văn học và chính trị của dân tộc Việt Nam.
Lê Thánh Tôn, một minh quân trị vì 1460 - 1497, đã tự mình chăm sóc mẹ lúc mẹ bị bệnh nặng, lo ăn uống, thuốc thang, cầu khẩn cho đến khâm liệm, tang lễ, không bỏ sót một chi tiết hiếu thảo nào bên cạnh mẹ.
Vua Tự Đức, 1847 - 1833 luôn đến kính viếng Hoàng Thái Hậu Từ Dũ những ngày không thiết triều, luôn ghi vào sổ «Từ huấn lục» những điều mẹ dạy.
Một hôm đi săn trong rừng, gặp trời mưa lụt không về kịp ngày giỗ vua cha Thiệu Trị. Về đến nhà, ngài trình diện mẹ xin chịu tội. Bà Từ Dũ quay mặt vào trong, lặng lẽ không nói gì. Vua liền lấy một cây roi mây dâng lên mẹ và nằm xuống khẩn khoản xin tha tội. Bà Từ Dũ quay lại nói: «Thôi, mẹ tha cho, đi chơi để quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho họ».
Lý Văn Phức (1765 - 1840) đi sứ Tàu về, chuyển thành thơ tiếng Việt cuốn «Nhị thập tứ hiếu» của tác giả Trung Hoa Quách Cư Nghiệp, tập thơ tiếng Việt chóng được phổ biến và mộ mến trong giới trí thức cũng như bình dân Việt Nam.
Người tai mắt đứng trong trời đất,
Ai là không cha mẹ sinh thành,
Gương treo đất, nghĩa trời kinh.
Ở sao cho xứng chút tình làm con.
* * *
Chữ Hiếu cho tròn một tiết
Thì suy ra trăm nết đều nên,
Chẳng xem thuở trước thánh hiền,
Thảo hai mươi bốn, thơm nghìn muôn thu.
Ở mặt tiền của Báo Ân Từ trong nội ô Toà Thánh Tây Ninh đạo Cao Đài, có 24 bức tranh nhắc lại sự tích 24 hiếu nhân nổi tiếng đó.
Truyện Kiều: Nhà đại văn hào Nguyễn Du sau khi đi sứ Trung Hoa về, dựa vào truyện «Thanh Tâm Tài Nhân» đã sáng tác Truyện Kiều theo cung cách tâm tư người Việt. Ai trong chúng ta lại không thuộc ít nhiền câu thơ nằm lòng của Kim Vân Kiều trở thành ngạn ngữ, châm ngôn:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần!
Ai trong chúng ta lại không biết thân phận «hồng nhan bạc mệnh» của nàng Kiều, sau khi hứa hẹn tình duyên với Kim Trọng nhưng vì hiếu đã phải «bán mình chuộc cha» bị Mã Giám Sinh đưa vào «lầu Xanh» để «làm thân trâu ngựa đền bù trúc mai»:
Duyên hội ngộ đức cù lao,
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn,
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh hành.
Quyết tình nàng mới hạ tình,
Rẻ ra cho thiếp bán mình chuộc cha...
Truyện Kiều là một di sản vĩ đại, tuyệt đỉnh của văn học Việt Nam. Với đóng góp đó, Nguyễn Du được Liên Hiệp Quốc long trọng tuyên bố là "Danh nhân văn hoá thế giới".
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn. (Chế Lan Viên )
* * *
Tiếng thơ ai động đến trời,
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu.
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du,
Tiếng thương như tiếng mẹ ru mỗi ngày.
(Tố Hữu)
Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Trên đường đến thi trường, được tin mẹ qua đời, người thí sinh trẻ tuổi bỏ cuộc, trở về lo điếu tang mẹ, khóc đến nỗi loà đôi mắt.
Trên đây chỉ là một vài trong nhiều chứng từ điển hình Hiếu nhân, chúng ta không thể kể hết được.
Người Công giáo Việt Nam sống đức Hiếu như thế nào?
Đạo Hiếu trong truyền thống gia đình và văn hoá Việt Nam có một vị trí cao trọng như vậy nhưng người Công giáo trong một thời gian dài, trước công đồng Vatican II, không được phép tham gia việc thờ kính tổ tiên vì Giáo hội Công giáo thời đó cho là một hành động mê tín dị đoan, «thờ» ông bà cha mẹ như thờ Chúa, do những hiểu lầm về ngôn ngữ, đạo lý, tâm lý, gia phong của văn hoá phương Đông. Nhưng với những thay đổi não trạng và hiểu biết chiều sâu của chữ Hiếu trong văn hoá Á châu, sau Vatican II, Giáo hội toàn cầu đặc biệt là Giáo hội Việt Nam không những cho phép mà còn khuyến khích người Công giáo duy trì, phát huy tâm tình và phụng tự người thân quá cố là một hành động lành thánh, làm vinh danh cho tổ tiên, cha mẹ vì cha mẹ gia đình trần thế là hình ảnh của gia đình siêu thế, gia đình của Thiên Chúa, Đấng vừa là Tạo Hóa vừa là Cha chung của nhân loại, của đại gia đình Thiên quốc vĩnh cửu.
KẾT
Tôi xin chấm dứt với một cảm nghiệm cá nhân về hiệu quả của thái độ canh tân đổi mới của Giáo hội Công giáo cho phép và khích lệ việc thờ kính tổ tiên. Năm 1965, Hội đồng Giám mục Việt Nam công khai phát biểu: «Biết ơn Chúa qua trung gian các vị sinh thành, chúng ta phải sống Hiếu với ông bà cha mẹ và Nghĩa với ân nhân. Chúng ta coi các vị như những cánh tay quan phòng Thiên Chúa dùng để ấp ủ chúng ta. Ngày kỵ giỗ, chúng ta có thể dùng hương nến, có thể bái lạy người thân quá cố, trừ những hành động có tính mê tín dị đoan như cúng vàng bạc... »
Năm 1966, anh chị em Công giáo trong gia đình chúng tôi vui mừng trở về nhà thân phụ tỏ bày tâm tình tri ân báo hiếu qua một buổi lễ giỗ đơn sơ mà trân trọng. Một bức màn sắt đã sụp đổ!
Từ đó, sự «trở về» báo hiếu được tiến hành ngày Tết và các ngày lễ giỗ lớn hàng năm, giúp cha con chúng tôi ngày càng thông cảm, mật thiết thân thương gắn bó với nhau.