Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5657 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


NHÀ THỜ THÁNH GIUSE (9)

Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

Hai bên Nhà Thờ Lớn, Cụ Sáu đã xây bốn nhà thờ cạnh, mỗi bên hai nhà thờ (9,10,17,18). Cách đây 50 năm, một tác giả đã ví Nhà Thờ Lớn như một “bà chúa ngự giữa các cung phi mỹ lệ”. Đơn giản hơn và hợp cảnh hơn, ta có thể nghĩ đến các chú giúp lễ đứng hai bên linh mục hành lễ. Các nhà thờ cạnh được xây dựng vào những thời gian khác nhau, nhưng cấu trúc tương tự (tháp và chái kiệu, lòng nhà thờ, gian Cung Thánh), tuy mỗi nhà thờ đều có những nét độc đáo. Các nhà thờ này, với thời gian và do chiến tranh, đã bị hư hại nhiều. Ngày 15-8-1972 một quả bom Mỹ đã nổ trên đường kiệu, giữa Nhà Thờ Lớn và hai Nhà thờ cạnh phía tây, làm hư hại Nhà Thờ Lớn khá nhiều, nhất là mái và cửa. Nhà thờ Thánh Giuse (9) bị xiêu, còn Nhà thờ Thánh Phêrô (10) bị đổ, sau đó đã được phục chế khá công phu, nhất là những phần gỗ chạm trổ. Các phần mới (gỗ màu tươi) hài hòa khá tốt với các phần cũ (gỗ màu xám mốc).


Nhà thờ Thánh Giuse (9) ở phía Tây-Nam Nhà Thờ Lớn, dựng năm 1896, toàn bằng gỗ lim. Các cột hình bát giác đều trổ hoa lá quấn quýt. Trước gian Cung Thánh có treo hai vật bằng gỗ chạm như hình bình hương, bên trên có miếng gỗ hình bầu dục nằm ngang, khắc chữ La-tinh thiếp vàng chung quanh: “Salve Pater Salvatoris-Salve Custos Redemptoris” (“Kính chào Cha Vị Cứu Tinh-Kính chào người gìn giữ Đấng Cứu Thế” và ở giữa:“Ite ad Joseph” (“Hãy đến với Giuse”).


Hai bên gian Cung Thánh có chấn song tiện bằng đá, trên đặt những phù điêu bằng đá ghi sự tích Thánh Gia thành Nadarét; phía tây (từ trên xuống dưới): Thánh Giuse qua đời; Lễ Hôn Phối Đức Mẹ và Thánh Giuse; Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu; Đức Mẹ và Thánh Giuse đi thăm bà Isave; Thánh Gia sang Ai-cập; Thánh Gia nghỉ chân; Thánh Gia lao động; phía Đông (từ trên xuống) Thánh Giuse; Đức Maria bị xỉ vả (?); Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu; cảnh đầm ấm Thánh Gia; Đức Mẹ tìm thấy Chúa Giêsu; Chúa Giêsu làm thợ mộc với Thánh Giuse.


NHÀ THỜ THÁNH PHÊRÔ (10)

Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

Từ Nhà thờ Thánh Giuse đi lên phía Bắc đến Nhà thờ Thánh Phêrô (10). Cụ Sáu xây Nhà thờ này năm 1896 để kính Thánh Bảo Trợ của Cụ. Nhà thờ này làm bằng gỗ mít (các phần phục chế bằng gỗ dổi). Đáng lưu ý là cửa chính phía Nam, phần gỗ bên trên cửa (phục chế) khá đẹp, từ trong nhìn ra ngược ánh sáng cũng khá độc đáo. Các cột chạm hoa lá và đặt trên đá tảng cao hình trụ.  Hai bên gian Cung Thánh có chấn song đá, trên đặt phù điêu chân dung 12 Thánh Tông Đồ; ở góc trái mỗi tấm phù điêu có hàng chữ Hán ghi tên Thánh Tông Đồ và tên của một họ lẻ thuộc xứ Phát Diệm đã nhận vị Thánh làm Quan Thầy. Toàn thể bàn thờ với các bậc mõ ở trên là một phiến đá nặng 20 tấn.


NHÀ THỜ TRÁI TIM ĐỨC MẸ (NHÀ THỜ ĐÁ) (11)

Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

PHÁT DIỆM - Nhà thờ Đá
The Stone chapel - Photo: TGM Phát Diệm

Nhà thờ này (11) ở xế về phía Tây-Bắc nhà thờ Thánh Phêrô. Phía trước có một lầu chuông nhỏ, hai tầng, xây năm 1939. Còn Nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ là Nhà thờ đầu tiên Cụ Sáu xây trong khu vực này, vào năm 1883.  Nhà thờ này dài 15,30m, rộng 8,50m, cao 6m; nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp, bàn thờ đều bằng đá, do đó người Phát Diệm quen gọi Nhà thờ Đá (người địa phương khác đôi khi gọi Nhà Thờ Lớn Phát Diệm là Nhà thờ Đá, nhưng gọi như thế không đúng).


Mặt tiền gồm một tòa Đức Mẹ ở giữa với hai tháp hai bên. Hai tháp này hình vuông, năm tầng, có những nét giống Tháp Bút bên Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội. Toà Đức Mẹ bằng đá, có khắc bốn thứ tiếng. Trên cùng là chữ Việt: “Lái Tim Rất Thánh Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ truyền, cầu cho chúng tôi” (trước năm 1991, đây là hàng chữ khắc tiếng Việt duy nhất trong toàn khu Nhà thờ Phát Diệm). Chung quanh tòa là chữ Hán: Thánh Mẫu Tâm” (ở trên). “Vô Nhiễm nguyên tội”-“Vị thần đẳng cầu” (hai bên) nghĩa là: “Trái Tim Mẹ Thánh không mắc tội tổ tông, cầu cho chúng tôi”. Phía dưới có chữ Pháp và chữ La-tinh: “Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria, cầu cho chúng tôi”.


Phía trong Nhà thờ bằng đá cẩm thạch nhẵn bóng, với những đường nét thanh thoát nhẹ nhàng. Vách hai bên là những chấn song đá, gần vách có những bức đá chạm thông phong (chạm lộng) hình cây tùng và cúc (phía Đông), mai và trúc (phía Tây). Ba bàn thờ bằng đá chạm trổ; mặt trước bàn thờ chính, ở giữa có hình trái tim với lưỡi gươm đâm thâu, bên trái tạc một cái giếng đậy nắp với hai chữ La-tinh “Puteus Signatus”(“Giếng niêm phong”), bên phải tạc một khu vườn rào kín: giếng niêm phong và và vườn rào kín chỉ Đức Mẹ trinh khiết. Trên bàn thờ chính là Nhà Tạm bằng gỗ chạm, sơn son thiếp vàng và tòa Đức Mẹ bằng đá. Bên ngoài có những bức chạm thông phong (chạm lộng) bằng đá rất đẹp, hình chim phượng hoàng xòe cánh, mang bút nghiên, và con sư tử có bờm dài và răng nanh nhưng mặt trông như mặt người đang cười. Sau đó cũng nên xem hai cửa đá nhỏ xinh xắn phía Bắc. Nhà thờ Đá, tác phẩm đầu tay của Cụ Sáu quả là một kiệt tác, xứng đáng với danh hiệu “Viên Ngọc” mà có người  đã tặng cho.


NÚI SỌ (12)

Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

PHÁT DIỆM - Núi Sọ
The Calvary
La Cavaire

Photo: TGM Phát Diệm

 

Ở phía nam lầu chuông Nhà thờ Đá, là Núi Sọ (12) xây năm 1898. Núi nhỏ này trước kia gọi là Hang Đá Belem, vì hàng năm đến lễ Sinh Nhật thì rước tượng Chúa Hài Đồng đến đặt tại đó cho giáo dân viếng. Năm 1957, một tượng Chúa chịu đóng đinh hai bên có Đức Mẹ và Thánh Gioan được dựng lên nên từ đó mang tên Núi Sọ.


HANG ĐÁ BELEM (13)

Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

Từ Núi Sọ đi hướng Đông thì tới hang đá Belem (13), trước kia gọi là hang đá Táng Xác, vì xưa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có thói quen diễn lại sự Thương Khó Chúa Giêsu, rồi đem tượng Chúa vào táng trong hang núi này; sau năm 1954 đem đặt tượng Sinh Nhật vào, nên nay gọi là hang đá Belem. Núi này khá lớn, cao 12m, và Cụ Sáu đã xây ngay từ năm 1875 (bia đá chữ Hán ghi lại: “Tháng Giêng năm t Hợi, niên hiệu  Tự Đức thứ 28”) để thử độ lún của đất trước khi xây các công trình khác trong khu vực này.


Bao quanh là tường hoa bằng đá và gạch thông tráng men xanh. Thứ gạch này rất đẹp, được dùng khá nhiều trong khu Nhà thờ; với thời gian nhiều viên đã bị vỡ, nay được thay bằng gạch mới, khuôn tạo theo kiểu cũ. Sau cổng đá nhỏ, khách đi qua một hồ bán nguyệt trên cây cầu xây. Hiện nay không thể vào xa hơn được nữa vì núi này có nhiều ngóc ngách với những thạch nhũ, những đường lên lối xuống, nhưng năm 1972 do bị bom Mỹ nổ gần, nên bị nứt rạn, nhiều tảng đá đổ xuống hoặc lung lay, rất nguy hiểm. Có người đặt câu hỏi: Làm sao khi xây có thể kéo lên những tảng đá to như thế? Thưa: Ở đây Cụ Sáu dùng một phương pháp mà sau đã dùng để xây mặt tiền Nhà Thờ Lớn và xây Phương Đình, là: xây đến đâu thì chèn đất ở trong đến đó, còn phía ngoài thì đắp đất thoai thoải. Như vậy một mặt trục đá lên dễ dàng, một mặt hồ vữa kịp khô và vững.


 HANG ĐÁ LỘ ĐỨC (16)

Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

PHÁT DIỆM - Hang đá Lộ Đức
Grotto of Our Lady of Lourdes
Grotte de Notre Dame de Lourdes

Photo: TGM Phát Diệm

Giáp hang đá Belem, về phía Đông, từ năm 1990 lại đây là một vườn hoa với vòi phun nước và tượng đài Cụ Sáu (14). Ở chỗ này trước kia là cổng vào Nhà Chung (Toà Giám Mục) và những phòng tiếp khách; tất cả đã bị chiến tranh tàn phá cùng với nhiều ngôi nhà khác trong Nhà Chung. Hiện nay, đứng ở đây, khách nhìn lên phía Bắc có thể thấy toàn cảnh Nhà Truyền Thống (dựng năm 2001), Nhà Chung (15); bên trái (phía Tây) là hai dãy nhà tầng, ở giữa là Nhà Nguyện (xây năm 1990), bên phải là một nhà ba tầng và dãy nhà hai tầng (xây năm 1991). Nhìn về phía Nam, khách thấy đầu hồi Nhà Thờ Lớn với ba cửa sổ đá chạm thông phong (chạm lộng), hình con phượng kiểu tương tự như ở nhà thờ Đá. Tiếp tục đi về hướng Đông tới Hang Đá Lộ Đức (16)


Hang này xây năm 1896, ở vị trí tương ứng với hang đá Belem. Quang cảnh khá đẹp với cây cối um tùm, đặc biệt là một cây cổ thụ xòe tán trên chóp đỉnh. Ngay dưới cây cổ thụ là ngôi mộ có mái đá vững chãi. Tấm bia mộ ghi bằng tiếng La-tinh, dịch:


“Máu Tử Đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu.

 Mộ chung các Tôi Tớ Chúa: Cha Tôma Kỳ (ở phía nam); Cha Phêrô Dũng (ở giữa);

Giáo dân Gioan Ngân (ở phía bắc).

Xin Thiên Chúa Bình an và Yêu thương luôn ở với chúng ta đến muôn đời. A men”.


Cha Kỳ (1861) và Cha Dũng (1863) là hai Cha xứ Phát Diệm đầu tiên; còn Ông Ngân là người họ Tự Tân, bị bắt và bị xử cùng Cha Kỳ.


Trước kia Hang đá này mang tên là vườn Giệtsimani, để nhắc lại việc Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây Ô-liu trước khi chịu thương khó. Đó cũng là ý nghĩa bốn chữ Hán khắc ở cổng đá phía trước: “Nguyện Đảo Sơn Viên”, nghĩa là “ Vườn núi cầu nguyện”. Năm 1925, tượng Đức Mẹ Lộ-đức do một vị Thừa sai Vân Nam gửi biếu được đặt tại đây, từ đó gọi là Hang Đá Lộ-đức và giáo dân Phát Diệm có thói quen ra đây cầu nguyện ca hát kính Đức Mẹ sau kinh chiều mỗi ngày thứ bảy. 


NHÀ THỜ TRÁI TIM CHÚA GIÊSU (17)

Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

Sau khi xem ba Hang đá ở phía Bắc Nhà Thờ Lớn, khách thăm hai nhà thờ cạnh ở phía đông. Trước hết là Nhà Thờ Trái Tim Chúa (17) ở ngay phía nam Hang đá Lộ-đức. Nhà thờ này dựng năm 1889, bằng gỗ lim mật, gọi thế vì mặt gỗ như có bôi mật. Ba bàn thờ bằng đá chạm trổ. Mặt trước bàn thờ chính có khắc những con vật tượng trưng Đức Giêsu, bên trái: con chiên (Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa); ở giữa: Chim bồ nông lấy máu thịt mình nuôi con; bên phải: con sư tử (Đức Giêsu là Sư Tử chi tộc Giuđa đã thắng). Trên bàn thờ có tòa bằng đá với những chữ Hán, ở trên: “Thánh Tử Tâm” (“Trái Tim Người Con Thánh”), hai bên: “Giáo Nguyên Hữu Chúa”-“Đạo Xuất Vu Thiên” (“Việc giáo hóa duy chỉ có Chúa-Đạo lý xuất phát từ trời”). Các cột đều hình tròn kẻ múi, xà ngang dọc chạm trổ hoa lá. Nét độc đáo của Nhà thờ này so với ba Nhà thờ cạnh kia là: mặt tiền có ba tháp hình dáng thon cao, và nhất là toàn bộ cửa phía cuối chạm trổ rất tinh vi đến từng chi tiết nhỏ. Tương truyền rằng một công chức cao cấp người Pháp đã xin Cụ Sáu đưa sang Paris triển lãm, nhưng Cụ đã từ chối, vì muốn để lại dâng cho Chúa mãi mãi.

NHÀ THỜ THÁNH RÔ-CÔ (18)

Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

Ở phía nam Nhà thờ Trái Tim Chúa là Nhà thờ Thánh Rôcô (18) dựng năm 1895. Nhà thờ này trước kia dâng kính Thánh Gioan Tiền hô, đến năm 1923 có dịch tả, giáo dân kêu cầu Thánh Rôcô (một vị Thánh khi còn sống đã có lòng thương giúp các bệnh nhân) mà được khỏi, nên Nhà thờ được đổi tên. Bàn thờ từ trên xuống dưới là một phiến đá toàn khối. Các phần khác bằng gỗ mít, nhiều chỗ chạm trổ trông như những bức rèm vén lên.

Đến đây khách đã thăm qua một lượt toàn bộ công trình kiến trúc của Cụ Sáu trong khu Nhà thờ Phát Diệm. Khách không khỏi thán phục tài tổ chức và cái nhìn xa rộng của Cụ.

Ngày nay người ta nói  nhiều đến “hội nhập văn hóa” nhằm diễn tả Đạo Kitô theo sắc thái của mỗi dân tộc. Điều này Cụ Sáu đã làm từ lâu, không những trong kiến trúc, mà còn cả trong một số điểm khác, như các bài vè, câu kinh, hoặc các đồ vật và y phục dùng trong các đám rước, đám tang v.v… mặc dù không ít người thời đó có thể cho là giống các tôn giáo khác.

Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

PHÁT DIỆM - Bốn nhà thờ cạnh, kính Trái Tim Chúa(1) Thánh Rocô (2), Thánh Giuse (3), Thánh Phêrô (4)
The four side chapels: The Sacred Heart’s (1), St Roch’s (2), St Joseph’s (3), St Peter’s (4) -
Photo: TGM Phát Diệm


Một trăm năm đã qua, tuy phải chịu đựng những tàn phá của thời gian và của chiến tranh, các công trình kiến trúc của Cụ vẫn còn ở trong tình trạng khá tốt, cho khách thập phương chiêm ngưỡng và nhất là cho các tín hữu ngày nay đến cầu nguyện. Nhưng còn phải nghĩ đến tương lai nữa: các Nhà thờ phần lớn bằng gỗ, một vật liệu rất dễ bị hư hại. Vì thế trách nhiệm lớn của con cháu những giáo dân xưa đã cùng với Cụ Sáu xây dựng Nhà Thờ Lớn Phát Diệm, thì nay phải thường xuyên gìn giữ, trùng tu theo đúng nguyên trạng (điều này cũng đúng với khá nhiều Nhà thờ khác ở vùng Kim Sơn, cũng với tuổi thọ xấp xỉ Nhà thờ Phát Diệm). Như thế là bảo toàn một di sản văn hóa dân tộc và một chứng tích Đức Tin của tiền nhân.

Nhà thờ lớn Phát Diệm (2)

PHÁT DIỆM - Nhà thờ Trái Tim Chúa: chạm khắc gỗ
The Sacred Heart’s: wood carvings -
Photo: TGM Phát Diệm


(Còn tiếp)

Tòa Giám Mục Phát Diệm

Nguồn: phatdiem.org

-----------------

Mời quý vị xem thêm: