Phòng khám-liên tôn chăm sóc sức khỏe cho người nghèo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3004 | Cật nhập lần cuối: 12/23/2017 4:30:35 PM | RSS

5g chiều một ngày cuối tháng Tám năm 2011, theo quy định thì phòng khám từ thiện đã hết giờ khám bệnh, nhưng Bà Đặng Thị Lê vẫn được bác sĩ và nhân viên đón tiếp niềm nở.

Người phụ nữ 56 tuổi nở nụ cười thật tươi khi nhận được một bịch thuốc để uống. Bà tiến về chiếc xe mua ve chai của mình trước cổng chùa và nói rằng cả ngày hôm đó bà chỉ mua được ít chai nhựa và lon nước ngọt, nên không thể bán cho vựa ve chai và không kiếm được đồng nào.

Bà Lê là một trong số những bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe miễn phí tại phòng khám từ thiện trong khuôn viên Tam Tông Miếu của Minh Lý đạo ở thành phố Hồ Chí Minh.

Minh Lý đạo kết hợp tinh hoa của tam giáo, Thích – Đạo – Nho, ra đời tại Sài Gòn năm 1924.

“Mục đích thành lập phòng khám nhằm chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người nghèo” – Đạo trưởng Đại Bác cho biết. Phòng khám bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 13.8, giờ khám bệnh từ 2g – 4g chiều mỗi ngày.

Vị đạo trưởng 72 tuổi nói rằng đây là phòng khám đầu tiên tại thành phố có sự phối hợp làm việc của các nhân viên thuộc các tôn giáo Cao Đài, Công giáo, Minh Lý và Phật giáo. Tất cả nhân viên đều làm thiện nguyện, không nhận lương và còn đóng góp tiền để mua thuốc phục vụ bà con nghèo.

Ông kể Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn của Tổng Giáo phận Tp. HCM đã làm cầu nối giới thiệu Hội Huynh đệ Kitô giáo giúp cho phòng khám chi phí thuốc và sửa chữa một căn phòng để làm nơi châm cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Trí, một trong 6 bác sĩ phục vụ tại phòng khám, nói rằng phòng khám có sự đóng góp của nhiều tôn giáo cho thấy rằng “các tôn giáo hòa thuận, là anh em của nhau, cùng chung tay chăm sóc sức khỏe cho người nghèo”.

Vị bác sĩ chuyên khoa nội tổng quát nhận xét các bác sĩ dành nhiều thời gian khám bệnh, giải thích cho bệnh nhân hiểu về bệnh của họ và hỏi thăm tâm tư của bệnh nhân. Điều này các bệnh viện bên ngoài không thể làm được do tình trạng bệnh nhân quá tải.

Theo bác sĩ Trí, một Phật tử, trung bình 20 bệnh nhân đến khám bệnh mỗi ngày. Phòng khám hiện điều trị bằng Tây y và có cả châm cứu.

Một nữ tu Công giáo chuyên châm cứu nói rằng làm việc ở phòng khám là cơ hội giúp chị học hỏi được nhiều điều hay ở các nhân viên thuộc các tôn giáo bạn về sự nhiệt tình, hòa đồng và hết lòng chăm lo cho sức khỏe của người nghèo.

Nguồn: ucanews