Tìm hiểu Sách GLHTCG – Phần II. Bài 36. Bảo chứng cho vinh quang tương lai

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1888 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


Phần II: CÁC BÍ TÍCH


Bài 36. BẢO CHỨNG CHO VINH QUANG TƯƠNG LAI


Khi cử hành Thánh Thể, cặp mắt người tín hữu không chỉ nhìn về quá khứ, nhìn về Bữa Tiệc Ly, nhìn về đêm Chúa thiết lập và trao cho Hội Thánh việc tưởng niệm cuộc tử nạn và sự Phục sinh của Người. Trong Bữa Tiệc Ly, chính Chúa đã nhìn tới tương lai, không chỉ là tương lai khi các môn đệ “làm việc này mà nhớ đến Thầy” như Người truyền lệnh, nhưng còn vượt lên trên, hướng đến “ngày Người uống rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mt 26,29. GLHTCG 1403).


Trong bí tích Thánh Thể, không những sự chết và phục sinh của Chúa, mà cả việc Người sẽ trở lại trong vinh quang, cũng trở thành hiện tại. Việc Người đến trong bí tích báo trước việc Người đến trong tương lai (số 331). Người đến thực sự, cho dù sự hiện diện của Người còn bị che phủ (số 1404).


Ngày nay cảm thức của chúng ta về chiều kích tương lai này xem ra yếu ớt. Thế nhưng đây là một trong những khía cạnh thiết yếu của bí tích Thánh Thể và là “bảo chứng cho vinh quang tương lai”, nghĩa là trong bí tích Thánh Thể, Trời cao đã ngự xuống đất thấp, và Hội Thánh ở trần gian mở lòng hướng đến quê hương trên trời. Sau đây là vài gợi ý nhằm khơi dậy cảm thức về chân lý này.


Hội Thánh sơ khai có một ý thức sống động về chiều kích “cánh chung” của Hội Thánh. Người Do thái, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng đều hướng về Giêrusalem cầu nguyện, còn các Kitô hữu, ngay từ thuở đầu, đã cầu nguyện bằng cách hướng về phía Đông, phía mặt trời mọc, vì đối với họ, đó là biểu tượng của việc Đức Kitô ngự đến lần thứ hai. Các hội đường Do thái được xây hướng về Giêrusalem, còn các nhà thờ hướng về phía Đông. Đây là ý nghĩa của từ orientation (mà chúng ta dịch là định hướng) với nghĩa nguyên thủy là “hướng về phía đông”. Ngày nay chúng ta đánh mất “định hướng” này. Chúng ta không còn ý thức cách sống động rằng trong cử hành Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô, Đấng đang đến. Trong nhiều thế kỷ, các linh mục và giáo dân hướng về phía Đông khi cầu nguyện. Ý tưởng này được Công đồng Vaticanô II nhắc lại khi dạy rằng Hội Thánh là một dân lữ hành, một dân có mục đích tối hậu là Vương quốc Thiên Chúa. Khi dân lữ hành cầu nguyện và cử hành Thánh Thể, họ đang trên đường hướng đến mục đích ấy. Quả là một hình ảnh đẹp khi linh mục và dân Chúa cùng hướng về phía Đông cầu nguyện. Trước kia, khi cử hành Thánh Lễ, linh mục và cộng đoàn phụng vụ cùng hướng về phía Chúa chứ linh mục không đứng ngược chiều với dân.


Tuy nhiên hình thức cử hành hiện nay (linh mục hướng về phía cộng đoàn) vẫn có thể nhắc nhở chúng ta về việc Chúa đến. Công Đồng dạy chúng ta rằng linh mục hành động “trong tư cách của Chúa Kitô” (in persona Christi). Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, khi cử hành Thánh Thể, linh mục đại diện cho Đức Kitô, Đấng đang đến gặp gỡ các tín hữu qua Lời và bí tích. Do đó cả hai hướng đều hàm chứa những ý nghĩa sâu xa.


Điều quan trọng là chúng ta ý thức cách mới mẻ và sâu sắc rằng trong cử hành Thánh Thể, tất cả các thiên thần và các thánh trong vinh quang Nước Trời cũng đang cử hành với chúng ta, vì chính Đức Kitô ở giữa chúng ta. “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20).

 
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: hdgmvietnam.org