FABC: nguồn gốc, cơ cấu và chức năng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2070 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Vào tháng 11 năm 2012, FABC (Federation of Asian Bishops’ Conferences: Liên Hội đồng Giám mục Á châu) sẽ mừng sinh nhật thứ 40 và dự trù tổ chức Hội nghị Khoáng đại (Plenary Assembly) tại Việt Nam. Hướng về thời điểm này, nhiều người muốn có thêm những hiểu biết về FABC.

 

Nguồn gốc và lịch sử


Để hiểu về FABC, ta cần quay về Công đồng Vatican II. Trong thời gian họp Công đồng tại Rôma, nhiều giám mục Á châu lần đầu tiên được gặp nhau. Phát sinh từ những ngày tháng làm việc với nhau ở đây, tình bạn giữa các ngài đã hình thành trong cảm thức có chung một bản sắc. Các giám mục Á châu nhận ra rằng, cho đến nay, các ngài đã có nhiều cơ hội làm việc chung với các giám mục Âu châu, trong khi đó lại có rất ít việc và ít cơ hội để làm việc chung với nhau. Vì vậy, các ngài bắt đầu nghĩ về sự cần thiết phải có một cơ cấu nhằm tạo ra nhiều tương tác hơn giữa các giám mục trên khắp đại lục châu Á.


Sau đó, chuyến viếng thăm Manila của Đức giáo hoàng Phaolô VI vào tháng 11 năm 1970 đã tạo cơ hội cho các giám mục Á châu đến với nhau tại Philippines. Chuyến tông du này trở thành cơ hội họp mặt của 180 giám mục từ khắp châu Á, mang tên Hội nghị các Giám mục Á châu (ABM: Asian Bishops’ Meeting). Đây cũng là thời điểm cho khái niệm về một Liên Hội đồng Giám mục Á châu được hình thành.


Trong Hội nghị ABM này, các giám mục đã phân tích bối cảnh Châu Á và đề ra những phương án phục vụ hữu hiệu. Cuối Hội nghị ABM, các ngài đã ra một nghị quyết, hối thúc thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) nhằm thực hiện một cách hiệu quả các quyết định của Hội nghị. Một nhóm các giám mục đã bắt đầu ngồi lại bàn thảo về một cấu trúc cần thiết. Cuộc họp mặt tổ chức tại Hồng Kông vào tháng 3 năm 1971, với sự có mặt của 11 chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã thảo luận về bản chất, mục tiêu và mục đích của FABC.


Dù gặp một số trở ngại, cuối cùng, cuộc họp mặt Hồng Kông này cũng đã đưa ra được một cấu trúc với quy chế dự thảo được phê duyệt trong tháng 11 năm 1972. Như vậy, FABC đã chính thức được thành lập, đúng hai năm sau Hội nghị ABM tại Manila.


Cơ cấu và chức năng


Quy chế của FABC nói rằng: FABC là một “Hiệp hội tự nguyện của các Hội đồng Giám mục ở Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á và Trung Á” (Điều 5).


Hiện nay, FABC có 18 thành viên chính thức: (1) Bangladesh, (2) Indonesia, (3) Nhật, (4) Kazakhstan, (5) Hàn Quốc, (6) Laos-Cambodia, (7) Malaysia-Singapore-Brunei, (8) Myanmar, (9) Pakistan, (10) Philippines, (11) Sri Lanka, (12) Taiwan, (13) Thái Lan (14) Việt Nam và Ấn độ [gồm: (15) CBCI, (16) CCBI, (17) SMBS và (18) Syro-Malankara [*].


Ngoài ra, FABC còn có 13 thành viên không chính thức (thành viên “liên kết”): (1) Giáo phận Baucau (Timor-Leste), (2) Giáo phận Dili (Timor-Leste), (3) Giáo phận Maliana (Timor-Leste), (4) Giáo phận Hồng Kông (Trung Quốc), (5) Giáo phận Ma cao (Trung Quốc), (6) Mông Cổ, (7) Nepal, (8) Giáo phận thánh Giuse (Irkutsk, Siberia), (9) Giáo phận Chúa Hiển dung (Novosibirsk, Siberia), (10) Kyrgyzstan, (11) Tajikistan, (12) Turkmenistan và (13) Uzbekistan.