Năm Đức tin của Đức Thánh Cha Phaolô VI

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2535 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Trong tự sắc Porta Fidei (số 4) công bố Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc lại rằng trước đây Năm Đức Tin cũng đã được cử hành dưới thời Đức Thánh Cha Phaolô VI. Trong bài này, chúng tôi muốn nhắc lại vắn tắt biến cố ấy và đặc biệt giới thiệu bản tuyên xưng “Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa” được đọc vào ngày bế mạc.


I.  Ý nghĩa của Năm Đức Tin


Do Tông Huấn Petrum et Paulum Apostolos (ngày 22/2/1967), Đức Thánh Cha Phaolô VI tuyên bố một Năm Đức Tin, từ ngày 29/6/1967 đến ngày 29/6/1968, để kỷ niệm 1900 năm cuộc tuẫn đạo của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Trong văn kiện vừa kể, Đức Thánh Cha nêu lý do của biến cố này. Ngoài việc tưởng nhớ hai thánh tông đồ, cũng giống như Đức Thánh Cha Piô IX đã làm một thế kỷ trước đó, Hội thánh thời nay cần tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu đứng trước những nguy hiểm của thời đại: bên ngoài là não trạng vô thần của xã hội, quá tự tin vào khoa học và lãng quên Thiên Chúa; nhưng nhất là ngay trong lòng Hội thánh cũng có những tư tưởng đòi xét lại niềm tin cổ truyền. Đối với đức Phaolô VI, những kẻ “nội thù” còn nguy hại hơn là những kẻ thù bên ngoài.


Để hiểu vấn đề, cần đi ngược lại dòng thời gian. Công đồng Vaticanô II bế mạc ngày 8/12/1965, mang lại nhiều “vui mừng và hy vọng” nơi nhiều người. Nhưng sau một thời gian ngắn, một bầu khí căng thẳng đè nặng lên Giáo hội. Phái “cấp tiến” muốn thừa thắng xông lên, đẩy mạnh công cuộc canh tân của công đồng trong mọi lãnh vực: đức tin, phụng vụ, kỷ luật. Phái “bảo thủ” đâm ra lo lắng cho những đề nghị quá đà ấy, và lo sợ cho sự tồn tại của Hội thánh, không hiểu còn duy trì sự liên tục với truyền thống các thánh tông đồ hay không, và quay ra bài xích công đồng.


Trong Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đã dành nhiều bài huấn dụ để giải thích ý nghĩa của đức tin trong nhiều bài huấn dụ nhân ngày tiếp kiến chung ngày thứ tư hằng tuần:


Năm Đức Tin cần phải được năng động với nhiều công phúc (1/3/1967). Mỗi trang của công đồng nếu nói đến đức tin (8/3/1967).  Đức tin là ngọn đèn trên cuộc lữ hành dương gian (15/3/1967). Những cuộc gặp gỡ của Chúa Phục sinh với các thánh tông đồ (29/3/1967). Đức tin là điều làm chúng ta chiến thắng thế gian (5/4/1967). Vượt lên những sự yếu đuối của thời đại chúng ta (12/4/1967). Thực tại rực rỡ của Kinh Tin Kính (19/4/1967). Cả đức trinh nữ Maria cũng tiến bước trên cuộc lữ hành đức tin (10/5/1967). Giảng dạy tốt và ngoan ngoãn lắng nghe Tin mừng (31/5/1967). Luôn luôn tỉnh thức để duy trì đạo lý được nguyên tuyền (14/6/1967). Tìm kiếm chân lý và kiên trì trong việc cầu nguyện (21/6/1967).  Cử hành long trọng cuộc tuẫn đạo của hai thánh Phêrô và Phaolô (29/6/1967: Thánh lễ khai mạc Năm Đức Tin). Gia sản tuyệt vời của các thánh tông đồ (5/7/1967). Với đức tin, cuộc đời không đen tối (27/9/1967). Mầu nhiệm Hội thánh, phẩm giá và sứ mạng của người Kitô hữu (10/1/1968). Lắng nghe và đi theo Chúa Kitô giữa những tình huống ngang trái của thế giới (31/1/1968). Ý nghĩa và giá trị của việc thuộc về Hội thánh (13/3/1968). Chứng tá của thánh Phêrô trải qua các thế kỷ (3/4/1968). Vui mừng và hy vọng vì sự thức tỉnh lương tâm Kitô giáo (25/4/1968). Hoạt động tông đồ của các tín hữu(15/5/1968). Sự dấn thân của mỗi người tín hữu (22/5/1968). Những nhân đức gương mẫu và sự bầu cử của Mẹ Maria (29/5/1968). Đức tin mang lại ánh sáng và nâng đỡ (5/6/1968). Nhìn nhận và chúc tụng Thiên Chúa cao cả và khoan nhân (12/6/1968). Một đức tin sống động (19/6/1968).Thánh Phêrô và thánh Phaolô, nền tảng của Giáo hội Rôma (26/6/1968). Tuyên xưng đức tin(Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin: 30/6/1968). Chú giải Kinh Tin Kính (3/7/1968). Tuyên xưng và hành động (10/7/1968). Đức tin và đời sống luân lý (17/7/1968). Ý nghĩa Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa (30/10/1968).


Đức Thánh Cha đã dành không ít bài để diễn giảng Kinh Tin Kính, đặc biệt là Kinh Tin Kính mà ngài đã soạn.


II. Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa


Một đặc trưng của Năm Đức Tin là vào ngày bế mạc Năm Đức Tin (30/6/1968) [1], Đức Thánh Cha Phaolô VI đã đọc một bản tuyên xưng đức tin, được đặt tên là “Kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa”.  Sau khi nhắc qua nguồn gốc lịch sử của bản kinh này, chúng ta sẽ tìm hiểu nội dung của nó.


A. Lịch sử


Vào giai đoạn cuối của công đồng Vaticanô II, cha Yves Congar đã đề nghị một bản tuyên xưng đức tin, giống như các công đồng trước đây, nhưng thay vì những lời kết án các lạc thuyết, cha đề nghị một công thức dựa trên tư tưởng của Kinh thánh hơn. Xem ra đề nghị ấy không được quan tâm cho lắm.


Sau khi Năm Đức Tin đã bắt đầu, Thượng Hội Đồng Giám mục được triệu tập tại Rôma từ ngày 29/9 đến 29/10, để bàn về việc duy trì và củng cố đức tin công giáo. Các nghị phụ đã nghiên cứu sự bành trướng của chủ nghĩa vô thần, cuộc khủng hoảng đức tin, những tư tưởng thần học lệch lạc. Thượng Hội Đồng đã đề nghị đức Phaolô VI một bản tuyên ngôn đức tin, để soi sáng cho các tín hữu biết những gì thuộc về đức tin công giáo, và những gì chỉ là ý kiến của các nhà thần học.  Mặt khác, từ tháng 10 năm 1966, dư luận rất xôn xao sau khi cuốn sách Giáo lý Hà Lan được xuất bản, trong đó đặt lại nhiều vấn đề thuộc đức tin, chẳng hạn như về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể, sự trinh khiết của Đức Maria, tội nguyên tổ. Tòa thánh đã thiết lập một Ủy ban Hồng y để duyệt lại cuốn sách này.


Ngày 14/12, hồng y Charles Journet, một thành viên của Ủy ban, được Đức Thánh Cha tiếp kiến, và ngài đã gợi ý soạn một Kinh Tin Kính. Đức Thánh Cha đồng ý và nhờ chính hồng y soạn thảo bản văn. Thực ra ý tưởng này do ông Jacques Maritain đã gợi lên cho đức hồng y, và sau khi được sự ủy thác của đức Phaolô VI, ngài lại nhờ ông viết bản văn. Bản thảo đã hoàn tất vào tháng giêng năm 1968 và được chuyển sang Rôma.  Sau nhiều cuộc trao đổi giữa ông Maritain và hồng y Journet với bộ Giáo lý Đức tin, bản văn cuối cùng đã hoàn tất vào tháng 4 [2].


Về giá trị đạo lý của bản tuyên xưng này, chính Đức Thánh Cha đã xác nhận rằng đây không phải là một việc công bố tín điều theo nghĩa chặt; tuy vậy nó mang ý nghĩa đặc biệt bởi vì là lời tuyên xưng long trọng các chân lý cổ kính từ công đồng Nixea và thêm vào những giải thích do điều kiện thời nay đòi hỏi [3].


B. Cấu trúc 


Các tín biểu cổ điển được chia thành ba phần, tương ứng với công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Công đồng Trentô lấy lại tín biểu của công đồng Constantinopolis, và thêm những đạo lý mới vào phần cuối. Kinh Tin Kính Dân Chúa tuy lấy những tư tưởng chính của tín biểu Constantinopolis nhưng xếp đặt theo một cấu trúc khác, và thậm chí xen thêm những lời giải thích vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Đức Kitô. Bản Tuyên xưng đức tin gồm 30 số, gồm 7 số dẫn nhập giải thích lý do của việc tuyên xưng [4] và 23 số còn lại là bản kinh. Thiết tưởng có ít là hai cách thức để phân chia nội dung: 1/ dựa theo những lời mở đầu “chúng tôi tin”; 2/ dựa theo những chủ đề chính.


(1)Dựa theo những lời mở đầu, chúng ta có thể kể ra ít là hai mươi câu khẳng định (tín điều).


Công thức “Chúng tôi tin” không chỉ mang tính cách trang trọng, nhưng còn phản ánh lối  văn của các bản tuyên xưng đức tin cổ truyền của các công đồng (kể cả bản kinh của công đồng Constantinopolis): các giám mục tuyên xưng đức tin nhân danh toàn thể Hội thánh.


1. Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

2. Chúng tôi tin Thiên Chúa duy nhất ... là Đấng Hiện Hữu và Tình yêu.

3. Chúng tôi tin Đức Chúa Cha đã sinh Đức Chúa Con từ trước vô cùng.

4. Chúng tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa.

5. Chúng tôi tin Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống.

6. Chúng tôi tin Đức Maria là Mẹ, trọn đời đồng trinh, của Ngôi Lời Nhập thể.

7. Chúng tôi tin mọi người đã phạm tội nơi ông Ađam.

8. Chúng tôi tin Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, đã chuộc chúng tôi khỏi tội tổ tông và khỏi mọi tội riêng mình phạm.

9. Chúng tôi tin Chúa Giêsu Kitô đã lập phép rửa để tha tội.

10. Chúng tôi tin Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, được Chúa Kitô đã xây trên tảng đá Phêrô.

11. Chúng tôi tin tất cả những gì chứa đựng trong Lời Chúa đã được ghi chép và truyền lại.

12. Chúng tôi tin Đấng kế vị thánh Phêrô được ơn bất khả ngộ.

13. Chúng tôi tin Hội thánh duy nhất trong đức tin và phụng tự và trong sự hiệp thông phẩm trật.

14. Chúng tôi tin rằng Hội thánh là cần thiết cho phần rỗi.

15. Chúng tôi tin Thánh lễ là lễ hy sinh núi Sọ hiện diện cách bí tích trên bàn thờ.

16. Chúng tôi tin bánh và rượu do tư tế thánh hiến trở nên Mình và Máu Thánh của Chúa Kitô hiển vinh.

17. Chúng tôi tuyên xưng rằng Nước Thiên Chúa được khơi mào ở thế gian này trong Hội thánh Chúa Kitô, nhưng không thuộc về thế gian.

18. Chúng tôi tin cuộc sống muôn đời.

19. Chúng tôi tin rằng toàn thể những linh hồn được tụ họp chung quanh Chúa Giêsu và Đức Maria trên thiên đàng họp thành Hội thánh trên trời.

20. Chúng tôi tin rằng mọi tín hữu hiệp thông trong Chúa Kitô.


(2) Dựa theo những chủ đề tài chính, ta có thể chia thành 8 mục, sau phần nhập đề:  Mầu nhiệm Thiên Chúa nhất thể tam vị, Mầu nhiệm đức Kitô, Thánh Linh, Thánh mẫu, Tội nguyên tổ, Hội thánh, Thánh Thể, Cánh chung. Chúng ta hãy nhìn qua nội dung của mỗi mục


Nhập đề (số 1-7)

Lý do của việc tuyên xưng. Giá trị đạo lý của bản tuyên xưng.


1/ Thiên Chúa Nhất vị Tam thể (số 8-10)


* số 8: Tuyên xưng một Thiên Chúa trong ba ngôi. (Tín biểu Constantinopolis: Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là Chủ tể, đồng bản thể với Cha). Đấng Tạo dựng (vì là một hoạt động bên ngoài cho nên được quy cho cả ba ngôi) muôn vật: hữu hình và vô hình (kể cả các thiên sứ: công đồng Lateranô IV) và mỗi linh hồn con người, thiêng liêng và bất tử (công đồng Laterano V). 

* số 9: Thiên Chúa duy nhất theo bản tính nhưng bao gồm tất cả mọi thiện hảo: Ngài là Hiện hữu, Tình yêu, khôn tả và khôn thấu.

* số 10: Sự nhiệm xuất: Con được sinh ra; Thánh Linh phát xuất từ Cha và Con.


2/ Đức Kitô (số 11-12)


* số 11: Sự Nhập thể

- Thiên tính của đức Kitô: Chủ tể, Con Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa, cùng một bản thể với Cha.  

- Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (công đồng Nixêa)

- Ngôi Lời đã làm người (công đồng Nixêa) nghĩa là với một linh hồn và thân xác con người.

- do quyền năng của Thánh Linh ...: Đức Maria là trinh nữ và là mẹ (chống lại thuyết ảo thân, ngộ giáo).

- Đức Kitô có hai bản tính (công đồng Ephesô, Calxêđonia, tín biểu Athanasiô).


* số 12: Mầu nhiệm Cứu chuộc

- Đức Kitô cư ngụ giữa chúng ta, mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta, loan báo và thiết lập Nước Thiên Chúa. Người mạc khải Thiên Chúa là Cha, mạc khải điều răn mới của các chân phúc.

- Mầu nhiệm Vượt qua: Tử nạn (chịu chết trên thập giá, cứu cuộc trong máu của Người). Phục sinh; Lên trời.

- Quang lâm và Chung thẩm.


3/ Thánh Linh (số 13)

 * Tín biểu Constantinopolis: Thánh Linh là Chúa, Đấng ban sự sống, được phụng thờ và tôn vinh với Cha và Con, Người đã phán dạy qua các ngôn sứ.

 * Tác động của Thánh Linh trong Hội thánh: Người được phái đến Hội thánh để soi sáng, thánh hóa, bảo vệ Hội thánh (Hội thánh bất khả hủy). 


4/ Thánh mẫu (số 14-15)

* số 14: Đức Maria là Thiên mẫu (Công đồng Ephesô); trọn đời trinh khiết; vô nhiễm nguyên tội.

* số 15: Đức Maria hồn xác lên trời. Vai trò chuyển cầu. Mẹ của Hội thánh (Lumen gentium).


5/ Tội nguyên tổ (số 16-18)

* số 16: Khẳng định tội nguyên tổ. (Tình trạng thánh thiện và công chính vào buổi đầu; tội của ông Ađam và được truyền lại, chứ không phải do bắt chước: Công đồng Trentô).

* số 17: Công trình cứu chuộc của đức Kitô.

* số 18: Sự cần thiết của bí tích rửa tội, kể cả cho các nhi đồng (Công đồng Trentô).


6/ Hội thánh  (số 19-23)

* số 19: Những yếu tố cấu thành Hội thánh:  một (duy nhất, hợp nhất), thánh thiện, công giáo, tông truyền, hữu hình và vô hình (Lumen gentium).

* số 20: Đặc ân bất khả ngộ khi truyền thông gia sản đức tin (Lumen gentium, 25).

* số 21: Duy nhất và đa dạng trong Hội thánh: duy nhất trong đức tin, phụng tự, dây hiệp thông; đa dạng trong nghi điển phụng vụ; khác biệt trong gia sản thần học và tâm linh (Lumen gentium).

* số 22: Niềm tin và hy vọng vào sự hợp nhất Hội thánh.

* số 23: Hội thánh cần thiết cho sự cứu độ.


7/ Thánh Thể  (số 24-26)

* số 24: Thánh lễ thực sự là hy lễ (Công đồng Trentô).

* số 25: Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bí tích, nhờ sự biến đổi gọi là “transsubstantiatio”.

* số 26: Chúa Kitô hiện diện thường xuyên trong bí tích. Việc tôn thờ Thánh Thể.


8/ Cánh chung (số 27-30)

* số 27: Hội thánh trong thế giới: Nước Thiên Chúa và các giá trị trần thế

* số 28: Đời sống vĩnh hằng. Luyện tội.  Cánh chung trung thời. Sự phục sinh.

* số 29: Thiên đàng. Hội thánh thiên quốc.

* số 30: Sự hiệp thông các thánh.


Nguyên bản tiếng Latinh được đăng trong AAS  60 (1968) 434-445. Bản dịch Việt ngữ được đăng trên Linh mục nguyệt san Sacerdos số 81, tháng 8 năm 1968, trang 498-507, với vài sửa đổi (cách riêng phân đoạn, đặt tựa đề).


Kinh Tin Kính của Dân Chúa


Anh em đáng kính và các con yêu dấu,


1. Với lễ nghi trang trọng này chúng tôi bế mạc năm kỷ niệm 19 thế kỷ cái chết anh hùng của hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, và như thế chúng tôi cũng muốn bế mạc, “Năm Đức Tin” để kính nhớ liệt vị Tông đồ, để chứng tỏ ý chí trung thành không thể nao núng vào kho tàng đức tin (x. 1Tm 6,20) mà các ngài truyền lại cho chúng ta, đồng thời để củng cố ý muốn sống đức tin đó trong giai đoạn lịch sử Giáo Hội đang trải qua đường lữ thứ trần gian.


Những lời cám ơn

2. Chúng tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải cám ơn cách công khai tất cả những người đã hưởng ứng lời kêu gọi của chúng tôi, đã đem lại cho “Năm Đức Tin” sự sung mãn lạ lùng của nó bằng cách đào sâu niềm tin tưởng của chính bản thân vào Lời Thiên Chúa, bằng cách tổ chức những cuộc đoàn thể tuyên xưng đức tin và thực hiện nhân chứng về đời sống Kitô hữu. Với anh em trong hàng Giám mục, và với đoàn thể tín hữu trong Hội thánh Công Giáo, chúng tôi muốn ngỏ lời cám ơn cách riêng và ban phép lành Toà Thánh đặc biệt.


Nhiệm vụ củng cố đức tin cho anh em