Vatican II: Công Đồng vĩ đại và hiện đại - Gm Nguyễn Văn Hòa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2389 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Kính Thưa Đức Tổng Giám Mục

Quý Đức Cha

Cha Tổng Đại Diện

Quý Cha

Quý Bề Trên

Các tu sĩ Nam Nữ

Quý vị và anh chị em


Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 25 tháng giêng năm 1959, ngày kết thúc tuần cầu nguyện Hiệp Nhất, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII chủ sự thánh lễ tại Vương cung Thánh Đường thánh Phaolô ngoại thành. Tôi được hân hạnh có mặt trong buổi lễ, vì ca đoàn của trường Urbanô được mời hát lễ.


Thật là bất ngờ, trong dịp này bỗng Đức Giáo Hoàng trịnh trọng loan báo Ngài sẽ triệu tập công đồng. Thực ra trong thời điểm đó chẳng có ai nghĩ tới hoặc chờ đón một sự kiện như vậy. Điều này đã làm cho mọi người và cả thế giới ngạc nhiên. Quả vậy ngay chiều hôm đó, báo chí đã đăng những hàng tít lớn: Đức Gioan XXIII sắp khai mở một công đồng (khi đó chưa biết công đồng sẽ có tên gì) có thể được gọi là Vatican II. Tin này gây chấn động gần như  tin Đức Roncalli đắc cử Giáo Hoàng vậy. Từ đó báo chí phịa ra một tin nói rằng: “Điều mà Đức Hồng Y Ottaviani, niên trưởng Hồng y đoàn, băn khoăn lo lắng nhất mỗi ngày là: Không biết hôm nay Đức Giáo Hoàng sẽ tuyên bố điều gì mới đây? Và ngài xin Chúa cho được chết trong “Giáo Hội Công giáo”.


Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II, tôi lại được hân hạnh mở đầu cuộc nhìn lại của Giáo Hội địa phương, bằng cách gợi lên một vài nét đã khiến Công đồng Vatican II trở thành vừa vĩ đại, vừa hiện đại, vừa của lịch sử lại vừa của hôm nay, đó là:


1. Đối mới canh tân và thích nghi


Đức Gioan XXIII đã xác định đường hướng tổng quát này qua sứ điệp ngày 11.9.1962, tức một tháng trước ngày khai mạc công đồng:


Công đồng nhằm làm đối mới bản thân nhờ gặp lại dung nhan Đức Kitô Phục Sinh, Vua muôn đời vinh hiển luôn chiếu sáng qua Giáo Hội để độ trì ủi an và soi sáng muôn dân”. Như thế Đức Giáo Hoàng muốn nêu lên 2 điểm:


a. Giáo hội nhìn lại chính mình.

Giáo hội cần phải đối mới từ trong lòng tới bộ mặt, làm tươi trẻ lại các cơ cấu, làm cho thân thể xem ra đã già nua, nay bừng lên một nhựa sống, như chính nhựa sống luôn tươi trẻ và mới mẻ của Phúc Âm.


b. Giáo hội cũng nhìn ra thế giới


Giáo hội muốn nhìn mọi người với sự cảm thông, chứ không để đối phó, tìm thích nghi chứ không lên án tuyệt thông, nói lên lòng thương mến hơn là khắt khe, loan truyền Phúc Âm với niềm hy vọng chứ không loan báo sự dữ.


Trong bài giảng lễ khai mạc công đồng (11.12.1962) Đức Gioan đã nêu rõ: “Ngày nay, Giáo hội Chúa ưa dùng thuốc từ bi hơn dùng gươm chống đỡ, ưa đáp ứng các nhu cầu hiện đại bằng cách trình bày giáo lý sung mãn của mình hơn là lên án những lý thuyết lầm lạc”.


Hơn nữa, Giáo hội còn cảm thấy cần phải tìm hiểu xã hội để phục vụ hiệu năng hơn, nhất là để trao gửi Sứ điệp Tin Mừng” (xem diễn văn bế mạc Công Đồng 8.12.1965).


2. Công đồng Vatican II như một mùa Hiện xuống mới


Trong hội trường của Công đồng, được thiết kế trong lòng đền thờ Thánh Phêrô, Chúa Thánh Thần đã thổi ào ào như trong ngày Ngũ Tuần của các Tông đồ, ta có thể nhìn thấy điều đó nơi cung cách làm việc, nơi một vài biến cố nổi bật, nơi các văn kiện công đồng, nhất là nơi sức sống đối mới liên tục trong Giáo hội.


a. Phương pháp làm việc


- Công đồng đã tiến hành không phải từ việc học hỏi các văn kiện, nhưng phát xuất từ những nhu cầu cấp bách và thực tế của Giáo hội.

- Công đồng không bàn tiếp các vấn đề của công đồng Vatican I, nhưng tìm giải quyết nữa vấn đề nảy sinh từ những hoàn cảnh hiện tại.

- Không tập trung thảo luận trên các đề mục do Tòa Thánh đặt ra, nhưng trên các đề nghị do các giám mục từ các nơi gửi tới.


b. Một vài biến cố nổi bật


1. Khai mạc Công đồng được mấy tháng, chưa kịp công bố một văn kiện nào, thì Đức Gioan XXIII đã từ trần (3.6.1963). Ngày nay nhìn lại cách tổng quát, ta nhận thấy Đức Gioan XXIII được Chúa Thánh Thần gửi tới để khai mở Công đồng, Đức Phaolô VI tới để hướng dẫn và đưa công đồng tới kết quả, Đức Gioan Phaolô II là người đến để áp dụng công đồng.


2. Dù vừa mới nhận trọng trách điều khiển Giáo hội, Đức Phaolô VI đã mạnh dạn tuyên bố cải tổ lại giáo triều Rôma đồng thời cũng sửa đổi lại các quy tắc làm việc của Công đồng để đem lại nhiều hiệu năng hơn.


3. Trong diễn văn khai mạc  kỳ họp thứ 2 của Công đồng (29.9.1962) cũng là diễn văn đầu tiên tại Công đồng của Đức Phaolô VI, Ngài đã lên tiếng cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của những anh em bất hòa (chứ không còn gọi là những anh em ly khai), vì những lỗi lầm của Giáo Hội Rôma trong việc chia rẽ Kitô giáo.


4. Trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp thứ 4  (14.9.1965) Đức Phaolô VI đã loan báo quyết định thành lập  Thượng hội đồng Giám mục, nhằm cỗ võ sự hiệp nhất giữa Đức Thánh Cha và các Giám mục, để các vị giúp ý kiến cho Đức Thánh Cha trong mọi việc điều hành Giáo hội và như thế đã mở ra một phương cách làm việc mới.


5. Trước ngày bế mạc Công đồng (7.12.1965). Đức Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Athenagoras đã ban bố một bản tuyên ngôn chung, hủy bỏ vạ tuyệt thông giữa Rôma và Constantinopoli.


Tuy nhiên, chính các văn kiện mới trình bày những điều chính yếu của Công đồng


3. Một sức sống mới


a. Các văn kiện Công đồng

Chúa Thánh Thần luôn soi sáng, nhưng Ngài cũng không miễn cho khỏi vất vả. Quả vậy, các cuộc bàn luận trong công đồng không phải lúc nào cũng dễ dàng xuôi thuận, vì có nhiều lúc thật căng thẳng như khi bàn về các nguồn Mặc khải, về Hiến chế Giáo hội, nhất là về lược đồ 13, tiền thân của hiến chế Mục vụ về Giáo hội.

Nhưng cuối cùng Công đồng cũng hoàn tất được 16 văn kiện: 4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn.


* 4 Hiến chế:


Hiến chế về Phụng vụ

Hiến chế Tín lý về Giáo hội

Hiến chế Tín lý về Mặc khải

Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay


* Sắc lệnh:


Sắc lệnh về phương tiện truyền thông xã hội

Sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông phương

Sắc lệnh về Hiệp nhất

Sắc lệnh về nhiệm vụ Giám mục

Sắc lệnh về Đời sống dòng tu

Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục

Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân

Sắc lệnh về Hoạt động truyền giáo

Sắc lệnh về Chức vụ và đời sống linh mục.


* Tuyên ngôn:

Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo

Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo

Tuyên ngôn về tự do tôn giáo


b. Các văn kiện trên đây không trình bày một tín điều nào mới, nhưng nờ các văn kiện đó, công đồng đã đem lại cho Giáo hội một nguồn sáng mới để dẫn tới một sức sống mới.


Công đồng đã đưa ra một quan niệm mới về chân lý của Thánh Kinh và linh ứng (MK 11) đã trình bày một nền thần học về Chúa Thánh Thần, về Giáo hội, đã đem lại một bộ mặt mới sáng sủa cho các bí tích. Ánh sáng mới đo cũng được đưa vào các lãnh vực thần học khác như khía cạnh cánh chung của Giáo hội lữ hành, của hoạt động truyền giáo, của đời sống dòng tu, và cả về chức linh mục phổ quát nơi giáo dân. Sức sống mới được bùng lên trong phương cách làm việc tập thể và cộng đoàn. Canh tân từ Giáo triều Rôma đến công đồng, đến Thượng hội đồng giám mục, Hội đồng Giám mục, Hội đồng linh mục, Hội đồng linh mục, Hội đồng mục vụ, Hiệp hội các Bề trên thượng cấp, Ban Tổng cố vấn của mỗi Hội dòng…


Sức sống này vẫn còn đang tiếp tục hoạt động trong Giáo hội và đem lại rất nhiều lợi ích cho Dân Chúa.


KẾT


Tôi xin kết bằng lời tạm biệt các Nghị Phụ của Đức Phaolô VI: “Đây là giờ phút độc nhất, giờ phút ý nghĩa và phong phú vô cùng, quy tụ lại tất cả quá khứ hiện tại và tương lai.


Quá khứ: Vì ở đây toàn thế Giáo hội Đức Kitô quy tụ lại, với truyền thống, lịch sử, các Công đồng, các tiến sĩ và các thánh của Giáo Hội…


Hiện tại: Vì chúng ta đang từ biệt nhau để đi về gặp gỡ thế giới hôm nay, thế giới với những nghèo khó, đau khổ và tội lỗi, nhưng đồng thời cũng có bao cuộc chinh phục kỳ diệu, bao giá trị và đức độ.


Rồi tương lai kia, với tiếng gọi khẩn cấp của các dân tộc đang muốn tiến tới công bằng hơn, trong ước vọng hòa bình và, ý thức hay vô ý thức, trong khát vọng một đời sống cao đẹp hơn, đời sống mà chính Giáo hội Chúa Kitô hiện đang có thể và muốn mang lại cho họ.


Cầu Chúa chúc lành cho cuộc hội thảo của chúng ta, để chúng ta góp phần chu toàn sứ mạng mà Chúa dùng Công đồng chung và lịch sử  trao phó cho chúng ta.


Kính chào và cảm ơn tất cả Quý Đức Cha và anh chị em.

                                                               


Gm Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Ủy Ban Giám mục về Văn hóa - HĐGMVN, Bốn mươi năm sau Vatican II nhìn lại,

Tài liệu hội thảo, 2002, tr. 25-30.