11 Sự kiện tôn giáo thế giới năm 2011

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 358 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

11 Sự kiện tôn giáo thế giới năm 20111. Sứ điệp gửi các Phật tử nhân đại lễ Vesak (02.04.2011)

“Tìm chân lý trong tự do: Các Kitô hữu và Phật Tử sống chung hòa bình” là tựa đề Sứ điệp của Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Đối thoại Liên tôn gửi các Phật tử nhân dịp đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc Vesakh/Hanamatsuri năm 2011 (Phật lịch 2555) khai mạc ngày 12.5.2011. Hồng Y Jean-Louis Tauran đại diện Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách Đối thoại Liên Tôn gởi lời chào chân tình và cầu chúc tất cả các Bạn Phật Tử một lễ Vesakh /Hanamatsuri hạnh phúc.


2. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội của Tòa Thánh họp bàn về tự do tôn giáo (29.04.2011)

Từ ngày 29.04 đến 03.05.2011, tại Rôma, đã diễn ra cuộc họp khoáng đại lần thứ XVII của Viện Hàn lâm Tòa Thánh về Khoa học xã hội, với chủ đề “Những quyền phổ quát trong thế giới đa nguyên và Quyền tự do tôn giáo”. Ngày 04.05, Tòa Thánh công bố Thư của ĐGH Bênêđictô XVI gửi Bà Mary Ann Glendon, Chủ tịch Hàn lâm viện Khoa học xã hội của Tòa Thánh, và các thành viên trong Viện Hàn lâm, nhân bế mạc cuộc họp của Viện. Đức Thánh Cha nhắc lại, quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng đã bị các chế độ vô thần trong thế kỷ trước phủ nhận một cách có hệ thống, đồng thời ngài nhấn mạnh: “Con người được tự do chọn chân lý, Thiên Chúa chờ đợi con người tự do đáp lại tiếng gọi của Ngài. Quyền tự do tôn giáo phải được coi là gắn liền với phẩm giá cơ bản của con người, đi đôi với khuynh hướng tự nhiên của con người mở ra đón nhận Thiên Chúa. Trong thực tế, tự do tôn giáo đích thực giúp con người tự hoàn thiện, và sẽ góp phần vào ích lợi chung của xã hội”.


Buổi chiều cùng ngày, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, Bà Mary Ann Glendon, Chủ tịch Hàn lâm viện Khoa học xã hội của Tòa Thánh, đã tổng kết nội dung nghị sự cuộc họp khoáng đại của Viện, tập trung vào bốn vấn đề then chốt:


– Sự đàn áp và bách hại của Nhà nước đối với các tín hữu.
– Những hạn chế Nhà nước đặt ra đối với các nhóm tôn giáo thiểu số.
– Áp lực của xã hội đối với các tôn giáo thiểu số, dù bị hay không bị trừng phạt nhưng cũng đã tước đoạt quyền được tự do tôn giáo của các nhóm thiểu số này.
– Sự bành trướng của chủ nghĩa giáo điều tại các quốc gia phương Tây đã coi tín đồ các tôn giáo như một mối đe dọa đối với nền chính trị tự do, dân chủ và thế tục.


3. Đối thoại liên tôn và đại kết tại Bangladesh (24.7.2011)

Chính phủ noi gương Giáo hội Công giáo theo đuổi đối thoại liên tôn để chống lại chủ nghĩa cực đoan, đồng thời thúc đẩy hòa bình và liên đới giữa các cộng đồng tôn giáo. Trong nỗ lực đẩy mạnh đối thoại liên tôn đầu tiên của chính phủ, Quỹ Hồi giáo tổ chức một cuộc thảo luận đặc biệt cho 91 lãnh đạo tôn giáo và giới trí thức ở thị xã Dinajpur, thuộc miền tây bắc nước Bangladesh hôm 24-7. Nhà nước công nhận rằng tất cả tôn giáo bình đẳng với nhau, và nhấn mạnh nhu cầu tăng cường các quan hệ liên tôn trước tình trạng bạo lực gia tăng do trào lưu chính thống phát triển gây ra.


4. Sứ điệp gửi các tín hữu Hồi giáo nhân dịp kết thúc tháng Ramadan (21.08.2011)

Nhân dịp kết thúc tháng Ramadan của Islam, vị đứng đầu Hội đồng Đối thoại liên tôn của Tòa thánh nói rằng Kitô hữu và người Hồi giáo phải lên án mọi hình thức cuồng tín, đe dọa, và phân biệt đối xử mà các tín hữu của cả hai tôn giáo đôi khi phải gánh chịu. Sứ điệp tập trung vào lĩnh vực tinh thần của cuộc sống, nhấn mạnh tầm quan trọng về việc giảng dạy các giá trị đạo đức cho thế hệ trẻ đối với cả hai tôn giáo. Hồng Y Jean-Louis Tauran đã gởi lời chúc mừng thân ái nhất, và hy vọng rằng những nỗ lực các bạn Hồi giáo đã quảng đại thực hiện trong tháng này mang lại hoa trái tinh thần mong ước.


5. Gặp gỡ liên tôn liên Triều tại Bán đảo Triều Tiên (21.09.2011)

Từ ngày 21 đến 24 tháng Chín vừa qua, Đức Tổng giám mục Hyginus Kim Hee-jong – Tổng giám mục Tổng giáo phận Quang Châu kiêm Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Đối thoại Liên tôn – đã dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo tôn giáo của Nam Triều Tiên (gồm Công giáo, Phật giáo và Tin Lành) đến Bình Nhưỡng. Đây là lần đầu tiên có một giám mục Hàn Quốc đến Bắc Triều Tiên, một trong những quốc gia khép kín nhất trên thế giới.


Đức TGM Kim nói: “Để mang lại hòa bình giữa Bắc và Nam Triều Tiên, trước hết phải khôi phục lòng tin tưởng. Các quan hệ tại vùng biên giới đã xấu đi rất nhiều, và đó là lý do tại sao chúng tôi thực hiện chuyến đi này: phải nối lại các mối quan hệ”. Trong chuyến viếng thăm bốn ngày, phái đoàn đã gặp vị chủ tịch Hiệp hội các tôn giáo miền Bắc – tự nhận là Công giáo, và Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bắc Triều Tiên. Phái đoàn hai bên đã đồng ý công bố một tuyên bố chung. Bản tuyên bố có sự nhất trí rất cao này đưa ra lời kêu gọi hòa bình, hòa giải, đối thoại và chung sống hoà bình. Vấn đề nhạy cảm về tự do tôn giáo ở Bắc Triều Tiên đã không có trong nghị trình…


Các thành viên Công giáo của phái đoàn đã được phép đến thăm ngôi nhà thờ Công giáo “chính thức” duy nhất ở Bình Nhưỡng: nhà thờ Jangchung, do chế độ xây dựng năm 1988. Nhà thờ không có linh mục, Tòa Thánh đã từ chối phong chức cho một ứng cử viên được Bình Nhưỡng gửi đến. Đoàn đại biểu liên tôn rất muốn tiếp tục con đường đối thoại đang khai mở. Đức TGM Kim cho biết: “Chúng tôi sẽ mời các đại diện tôn giáo miền Bắc đến miền Nam, có thể vào dịp lễ Giáng sinh, hoặc mùa xuân năm sau, nhân lễ Phật đản”.


6. Sứ điệp của Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn nhân ngày Lễ Diwali của Ấn giáo (21.10.2011)

Với tựa đề là “Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo: Cùng nhau cổ vũ cho tự do tôn giáo”, Sứ điệp của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn được gửi đến các bạn Ấn giáo những lời cầu chúc chân thành nhân ngày lễ Deepavali, được tổ chức vào ngày 26-10-2011. Sứ điệp mời gọi cổ vũ và tôn trọng tự do tôn giáo, vì quyền lợi này sẽ cho phép các tín hữu nhiệt tình nhiều hơn nữa trong việc hợp tác với đồng bào của mình để xây dựng một trật tự xã hội công bình và nhân đạo.


Sứ điệp cũng nói rằng “Năm nay, sau ngày các bạn cử hành lễ Deepavali, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới về gặp gỡ Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhân một chuyến hành hương tại Assisi, để lặp lại lời cam kết cách đây 25 năm, bên cạnh Đức Chân phước Gioan Phaolô II, để giúp cho các tôn giáo có thể phục vụ hoà bình và hoà hợp. Chúng ta sẽ kết hiệp với họ một cách thiêng liêng, tin tưởng rằng các tín đồ sẽ luôn là một ơn phúc lành cho toàn thể thế giới.”


7. Ngày Gặp gỡ liên tôn vì Hòa bình tại Assisi (27.10.2011)

Chương trình Ngày Gặp gỡ liên tôn vì Hòa bình được tổ chức nhằm đánh dấu chặng đường 25 năm từ cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Assissi ngày 27.10.1986 và đồng thời, hướng đến tương lai trong ước muốn tiếp nối con đường đối thoại và tình huynh đệ với tất cả mọi người nam nữ thiện chí trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. ĐGH Bênêđictô XVI chủ tọa buổi Canh thức cầu nguyện tại Đền thờ Thánh Phêrô Chiều 26.10.2011. Sáng 27/10, các đại diện tôn giáo đến Vương cung Thánh đường Đức Mẹ các Thiên Thần Assisi dành thời gian tưởng nhớ những cuộc gặp gỡ vừa qua và đào sâu chủ đề của Ngày Gặp gỡ. Chiều 27/10, các đại biểu với đoàn khách hành hương tập họp tại Đền thờ Thánh Phanxicô “để biểu trưng con đường mà mỗi người phải tiến bước trong cuộc tìm kiếm không ngừng chân lý và việc xây dựng cách hữu hiệu công lý và hòa bình”.


Đỉnh cao của cuộc Gặp gỡ diễn ra trong thinh lặng để mỗi người cầu nguyện và suy niệm. Tại Đền thờ Thánh Phanxicô, nơi kết thúc của những cuộc hội ngộ trước, các đại biểu long trong lập lại quyết tâm chung về việc xây dựng hòa bình. Được mời tham dự cuộc gặp gỡ này không chỉ có những đại biểu của các Giáo Hội Kitô khác, các tôn giáo trên thế giới, mà còn có sự tham dự của những người đang thành tâm tìm kiếm chân lý, kể cả những người không tin có Thiên Chúa, Đấng Tối cao. Mọi giáo phận trên thế giới và các cộng đoàn địa phương cũng được mời gọi tổ chức những thời điểm cầu nguyện giống như trên. ĐGH Bênêđictô xin mọi Kitô hữu Công giáo hiệp thông cử hành biến cố trọng đại này và cám ơn mọi người ước muốn hiện diện tại Assisi, để chia sẻ cuộc hành hương này.


8. Gặp gỡ giữa Hội đồng Tòa thánh về Đối thoại liên tôn với các nhà lãnh đạo tôn giáo Ấn Độ (06.11.2011)

Chúa nhật 06.11.2011, Đức hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Đối thoại liên tôn đã dẫn đầu một phái đoàn Công giáo gồm 30 thành viên đến thành phố Pune, phía tây Ấn Độ, tham dự một cuộc gặp gỡ Công giáo-Ấn giáo kéo dài 4 ngày, tiếp theo sau cuộc gặp gỡ liên tôn của ĐGH Bênêđictô XVI ngày 27 tháng Mười vừa qua ở Assisi, Italy. Trong thời gian đó, phái đoàn Tòa Thánh sẽ có những cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo tôn giáo Ấn giáo, Hồi giáo, Jains và Sihks ở những thành phố khác nhau của Ấn Độ. Cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo và Ấn giáo diễn ra ở Jnana Deepa Vidyapeeth tại thành phố Pune ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 nhằm “Cải thiện quan hệ giữa Kitô giáo và Ấn giáo, đồng thời tăng cường hợp tác giữa hai tôn giáo trong công cuộc phục vụ công lý, hòa bình và hòa hợp.”


9. ĐGH Bênêđictô XVI gặp gỡ Hội đồng tôn giáo Do Thái (10.11.2011)

“Chính Thiên Chúa là hoà bình của chúng ta và là sự an ủi của chúng ta, nên chúng ta đừng bao giờ ngưng cầu nguyện cho hoà bình tại Thánh Địa” - Đức Bênêđictô XVI đã tuyên bố như thế với các nhà lãnh đạo tôn giáo của Israel. ĐGH đã cho họ biết nội dung lời cầu nguyện mà ngài đã đặt vào trong khe đá của Bức tường phía Tây, bức “Tường Than Khóc”, dưới chân tường Đền thờ Giêrusalem. ĐGH biện hộ cho sự cảm thông và tin tưởng lẫn nhau giữa các tôn giáo, và bác bỏ bạo lực được sử dụng nhân danh tôn giáo.


Sáng thứ năm, 10-11-2011, Đức Bênêđictô XVI đã tiếp kiến một phái đoàn của “Hội đồng Tôn giáo Israel”, gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo của Israel, tại khán phòng các Giáo hoàng trong Điện Vatican. ĐGH hết sức vui mừng được đón tiếp những thành viên trong “Hội đồng Tôn giáo của Israel”, đại diện cho các cộng đoàn tôn giáo tại Thánh Địa, và cám ơn các nhà lãnh đạo về những lời tốt đẹp mà quý vị đã dành cho Ngài nhân danh những người đang hiện diện. Ngài nói: “Chúng ta chia sẻ trách nhiệm lớn lao là giáo dục các thành viên trong các cộng đoàn tôn giáo riêng của chúng ta, trong ý tưởng là nuôi dưỡng một sự thông cảm hỗ tương lớn mạnh hơn, là phát triển một sự cởi mở để hợp tác với các dân tộc thuộc các truyền thống tôn giáo khác với truyền thống của chúng ta.” Ngài hết lòng cầu xin Chúa ban niềm vui và hoà bình trên tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo.


10. Gặp gỡ Kitô giáo-Hồi giáo bàn về tương lai Palestine (01.12.2011)

Nhiều chức sắc Kitô giáo và Hồi giáo đã tham dự một Hội nghị ở Beit Sahour ngày 1.12.2011 với chủ đề “Làm thế nào để sống chung trong một quốc gia Palestine tương lai?”. Hội nghị có một trăm tham dự viên gồm 40 người Hồi giáo từ Nablus, các linh mục Công giáo và Chính thống giáo, và các đại diện Anh giáo. Đặc biệt có Đức Michel Sabbah, nguyên Thượng phụ Jerusalem; ngài Sheikh Ahmad Muhammad Hussein, Đại mufti Jerusalem, và ngài Sheikh Abdel Majid Ata, mufti Bethlehem. Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Al-Liqa, Trung tâm đối thoại đại kết ở Bethlehem, hợp tác với Trung tâm đối thoại đại kết Sabeel có trụ sở tại Jerusalem. Al-Liqa là một trung tâm được thành lập năm 1982 để thúc đẩy cuộc gặp gỡ giữa người Hồi giáo và Kitô hữu và để chống lại sự cuồng tín tôn giáo. Đây là nơi “nghiên cứu, học hỏi và đối thoại về các truyền thống văn hóa và tôn giáo và cuộc sống hằng ngày của các cư dân của Thánh Địa”.


11. ĐGH Bênêđictô XVI lên án bạo lực chống các Kitô hữu (28.12.2011)

ĐGH đã lên án bạo lực chống các Kitô hữu tại Nigeria ngày 25.12.2011 vừa qua, và kêu gọi thực thi sự tôn trọng, hòa giải và yêu thương để đạt tới hòa bình. Hơn 40 người đã bị thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ khủng bố bằng xe bom tại Nhà thờ thánh nữ Têrêsa của Công Giáo tại thị trấn Madalla gần thủ đô Abuja của Nigeria và một tại số nơi khác tại nước này ngay hôm lễ Giáng Sinh.


Ngỏ lời với gần 10 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô vào trưa ngày 26.12.2011, ĐGH nói: "Lễ Giáng Sinh gợi lên trong chúng ta, một cách mạnh mẽ hơn, kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa xin Chúa chặn đứng những bàn tay bạo lực gieo rắc chết chóc và để công lý và hòa bình có thể hiển trị trên thế giới. Trái đất chúng ta tiếp tục bị đẫm máu người vô tội. Tôi rất đau buồn khi hay tin về những vụ khủng bố, xảy ra năm nay, cả trong Ngày Giáng Sinh của Chúa Giêsu, gây đau thương và tang tóc tại một số thánh đường ở Nigeria. Tôi muốn biểu lộ sự gần gũi chân thành và thương mến đối với cộng đoàn Kitô và tất cả những người bị thương tổn vì cử chỉ vô nghĩa lý này, và tôi mời gọi hãy cầu xin Chúa cho đông đảo các nạn nhân. Tôi kêu gọi để an ninh và thanh thản được phục hồi, với sự cộng tác của các thành phần khác của xã hội. Trong lúc này đây, tôi muốn mạnh mẽ lập lại một lần nữa rằng: bạo lực là con đường chỉ dẫn tới đau thương, tàn phá và chết chóc; sự tôn trọng, hòa giải và yêu thương là con đường dẫn đến hòa bình".


Vụ nổ ở nhà thờ thánh Teresa tại Nigeria đã xảy ra khi thánh lễ Giáng Sinh hôm 25.12.2011 gần chấm dứt. Giáo phái Boko Haram tự nhận là tác giả vụ khủng bố này. Nhóm này đã thực hiện nhiều cuộc khủng bố đẫm máu tại nước này, nhất là trong năm 2011. Tại thành phố Jos, dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, cũng có một vụ tấn công thánh đường tên là "Núi Lửa", làm cho một cảnh sát canh gác bị thiệt mạng và 3 xe bị thiêu hủy, một tường của thánh đường bị sập. Tại Damaratu, có 4 người bị thiệt mạng trong một vụ khủng bố tự sát. Hôm 28.12.2011, nhà chức trách Giáo hội ở Mangalore Ấn Độ cũng báo cáo hai vụ tấn công riêng lẻ vào các cơ sở của Kitô giáo làm hư hại một nhà nguyện và đốt cháy một máng cỏ.


Nt Ngọc Lan

Nguồn: tgpsaigon.net