ĐGH Phanxicô: Trường học và đại học là không gian hội nhập cho tất cả mọi người

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 80 | Cật nhập lần cuối: 9/30/2022 9:47:42 AM | RSS

ĐGH Phanxicô: Trường học và đại học là không gian hội nhập cho tất cả mọi ngườiTiếp các tham dự viên vừa kết thúc Hội nghị "Các sáng kiến trong việc giáo dục người tị nạn và di cư", được tổ chức trong 3 ngày tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma, Đức Giáo hoàng kêu gọi các tham dự viên làm nhiều hơn nữa trong việc nghiên cứu, giảng dạy và thăng tiến xã hội của người di cư và người tị nạn, đồng thời biến tất cả các cơ sở giáo dục thành nơi chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hội nhập cho tất cả mọi người.

Chào các tham dự viên sáng thứ Năm 29.09.2022, Đức Giáo hoàng nêu bật tầm quan trọng của việc lắng nghe mong muốn được tiếp tục học hành của mọi người - đặc biệt là những người trẻ - những người buộc phải di cư, bị đưa ra khỏi quê hương của họ. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đóng góp của các tham dự viên trong 3 lĩnh vực thuộc năng lực của họ: nghiên cứu, giảng dạy, thăng tiến xã hội.

Nghiên cứu

Đức Giáo hoàng nêu lên nhu cầu nghiên cứu thêm về "quyền không di cư" và nhận định rằng "Điều quan trọng là phải suy nghĩ về nguyên nhân của các luồng di cư và các hình thức bạo lực dẫn đến việc di tản sang các quốc gia khác." Ngài đề cập đến "các cuộc xung đột tàn phá rất nhiều khu vực trên thế giới", và cả "sự lạm dụng ngôi nhà chung của chúng ta" cũng là một "bạo lực" thực sự. Nhắc lại rằng "hành tinh bị suy yếu do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên của nó và bị mài mòn bởi nhiều thập kỷ ô nhiễm" - nơi mà ngày càng nhiều người buộc phải rời khỏi những vùng đất đã trở nên không thể ở được - Đức Giáo hoàng kêu gọi giới học thuật và Công giáo thực hiện vai trò hàng đầu trong việc cung cấp câu trả lời cho các thách đố sinh thái bởi vì họ nắm giữ vị trí giúp hướng dẫn và thông báo các quyết định của các nhà lãnh đạo trong việc chăm sóc ngôi nhà chung.

Giảng dạy

Đức Giáo hoàng lưu ý rằng rong việc giáo dục cho người tị nạn, đã có nhiều việc được làm, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Điều quan trọng là phải tiếp tục ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất. Theo nghĩa này, việc cung cấp các khóa học đáp ứng nhu cầu của họ, tổ chức các khóa đào tạo từ xa, và cấp học bổng cho phép họ chuyển địa điểm có thể có hiệu quả. Đức Giáo hoàng hy vọng rằng các trường đại học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận trình độ giáo dục và tính chuyên nghiệp của người di cư và người tị nạn cũng vì lợi ích của các xã hội chào đón họ.

Thăng tiến xã hội

Trong lĩnh vực thăng tiến xã hội, Đức Giáo hoàng đề cao các trường đại học như những tổ chức tương tác với bối cảnh xã hội mà chúng hoạt động, và có thể giúp xác định nền tảng cho việc xây dựng một xã hội đa văn hóa, trong đó “sự đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo được coi là một nguồn làm cho chúng ta trở nên phong phú và không phải là trở ngại cho tương lai chung." Chúng cũng cung cấp một môi trường ưu tiên để khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia vào công việc tình nguyện với những người tị nạn, những người xin tị nạn và những người di cư dễ bị tổn thương. (CSR_4071_2022)

Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va