Công đồng Vaticanô II - Sắc lệnh về Đại kết (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1777 | Cật nhập lần cuối: 3/22/2017 9:34:16 AM | RSS

(tiếp theo)

I. NHẬN ĐỊNH ĐẶC BIỆT VỀ CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG

14. Trong nhiều thế kỷ, các Giáo Hội Đông và Tây phương đã đi theo con đường riêng của mình, nhưng vẫn liên kết với nhau nhờ tình hiệp thông huynh đệ trong đức tin và đời sống bí tích; qua những thỏa thuận chung, Toà Thánh Rôma can thiệp mỗi khi các Giáo Hội ấy bất đồng quan điểm với nhau về đức tin hay về kỷ luật. Thánh Công Đồng vui mừng nhắc lại cho mọi người một trong những nhận định quan trọng là có nhiều Giáo Hội riêng biệt hay địa phương đang phát triển ở Đông phương, đứng đầu là các Giáo Hội có Toà Thượng phụ, trong đó không ít Giáo Hội vẫn đáng hãnh diện vì được chính các Tông đồ thiết lập. Vì thế, nơi các tín hữu Đông phương, như đã từng thực hiện, và đến nay vẫn luôn phải dành mối quan tâm chăm lo đặc biệt cho việc duy trì, trong tình hiệp thông đức tin và đức ái, những mối liên lạc thân tình cần phải có giữa các Giáo Hội địa phương như là giữa những chị em với nhau.

Cũng đừng quên rằng, các Giáo Hội Đông phương ngay từ khởi đầu đã có được một kho tàng, trong đó Giáo Hội Tây phương đã kín múc được nhiều yếu tố về phụng vụ, truyền thống tu đức và luật pháp. Một sự kiện khác cũng đáng chú ý là những tín điều căn bản trong đức tin Kitô giáo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria đã được định tín trong các Công Đồng Chung khai diễn tại Đông phương. Các Giáo Hội ấy đã và đang còn phải chịu nhiều khổ đau để giữ gìn đức tin ấy.

Di sản do các Tông đồ truyền lại đã được đón nhận qua nhiều hình thức và cách thế khác nhau, và ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, di sản ấy đã được giải thích nhiều cách khác nhau do những dị biệt về hướng tư duy và điều kiện sinh hoạt. Đó là những yếu tố, cộng với các nguyên nhân bên ngoài, lại thêm vào thái độ thiếu bác ái và thông cảm lẫn nhau, đã tạo nên cơ hội đưa đến chia rẽ.

Công đồng Vaticanô II - Sắc lệnh về Đại kết (3)

Vì vậy, Thánh Công Đồng khuyến khích mọi người, đặc biệt là những ai muốn góp phần tái lập sự hiệp thông trọn vẹn đang được kỳ vọng giữa các Giáo Hội Đông phương và Giáo Hội Công giáo, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng về hoàn cảnh cá biệt đã khai sinh và phát triển các Giáo Hội Đông phương, cũng như về bản chất của những mối liên hệ đã từng có với Toà Thánh Rôma trước thời ly khai, đồng thời cũng hãy nêu lên những nhận định chính xác về tất cả những sự kiện ấy. Thực hiện những điều đó là đã đóng góp rất nhiều cho cuộc đối thoại đang được mọi người mong đợi.

15. Ai cũng đều biết các Kitô hữu đông phương rất mộ mến việc cử hành Phụng vụ thánh, nhất là bí tích Thánh Thể, nguồn sống của Giáo Hội và bảo chứng cho vinh quang đời sau, nhờ đó, khi hợp nhất với Giám mục, được đến gần Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng đã chịu khổ nạn và được tôn vinh, được đầy Chúa Thánh Thần, các tín hữu thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh, được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1, 4). Như vậy, nhờ việc cử hành Thánh Thể trong từng Giáo Hội địa phương, Giáo Hội Thiên Chúa được xây dựng và tăng trưởng (1), đồng thời qua việc đồng tế, tình hiệp thông giữa các Giáo Hội được thể hiện thật rõ ràng.

Trong nghi lễ phụng vụ này, các tín hữu đông phương đã dùng những bài thánh thi tuyệt diệu để ca ngợi Đức Maria trọn đời đồng trinh, Đấng đã được Công Đồng Chung Êphêsô long trọng tuyên xưng là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, để Đức Kitô được thực sự nhận biết cách đích xác là Con Thiên Chúa và là Con Người theo Thánh Kinh, cùng lúc, họ cũng tôn kính nhiều vị thánh, trong số đó có các thánh Giáo phụ của toàn thể Giáo Hội.

Mặc dù ly khai, các Giáo Hội ấy vẫn có những bí tích đích thực, đặc biệt là bí tích Truyền Chức Linh Mục và bí tích Thánh Thể do sự kế vị tông truyền, nên vẫn liên kết chặt chẽ với chúng ta, vì thế, trong những trường hợp thuận lợi và với sự chuẩn nhận của giáo quyền, việc thông dự vào phụng tự thánh chẳng những có thể thực hiện mà còn đáng được khuyến khích.

Đông phương cũng có nhiều truyền thống tu đức phong phú, tiêu biểu nhất là đời sống đan tu. Thật vậy, tại đây, ngay từ thời vàng son của các thánh Giáo phụ, nền tu đức đan viện đã phát triển, sau đó mới lan truyền sang Tây phương, nên như mạch suối khởi phát nếp sống tu trì và từ đó mang lại nguồn sinh lực mới cho các dòng tu trong Giáo Hội latinh. Vì thế, người công giáo được tha thiết mời gọi hãy năng tìm đến kho tàng tu đức của các thánh Giáo phụ Đông phương với nguồn ơn phúc dồi dào giúp nâng cao con người toàn diện để chiêm ngưỡng những mầu nhiệm thánh thiêng.

Mọi người phải biết rằng, thông hiểu, kính trọng, giữ gìn và phát triển di sản phụng vụ và tu đức vô cùng phong phú của các tín hữu đông phương, là việc rất quan trọng để trung thành bảo toàn nguyên vẹn truyền thống Kitô giáo và để thực hiện sự hoà giải các Kitô hữu Đông phương với Tây phương.

16. Ngoài ra, ngay từ buổi đầu, các Giáo Hội Đông phương đã có những kỷ luật riêng, được các thánh Giáo phụ và các Công Nghị, kể cả các Công Đồng Chung phê chuẩn. Như đã nói ở đoạn trên, những khác biệt về phong tục và tập quán không hề cản trở sự hợp nhất, nhưng đúng hơn lại làm tăng thêm vẻ đẹp của Giáo Hội và mang lại những hỗ trợ quý báu giúp Giáo Hội chu toàn sứ mệnh của mình, vì thế, để đánh tan mọi nghi ngờ, Thánh Công Đồng tuyên bố: các Giáo Hội Đông phương, trong khi luôn ý thức về sự hợp nhất cần phải xây dựng nơi toàn thể Giáo Hội, vẫn có quyền tự trị theo những kỷ luật riêng, vốn thích hợp hơn với tính cách của các tín hữu và có thể mưu ích cho các linh hồn nhiều hơn. Việc tuân giữ trọn vẹn nguyên tắc truyền thống này, điều không phải lúc nào cũng được thi hành, chính là một trong những điều kiện tiên quyết vô cùng cần thiết để tái lập sự hợp nhất.

17. Những gì đã nói trên đây về sự khác biệt chính đáng, cũng được áp dụng cho sự đa dạng trong cách trình bày về thần học liên quan đến giáo lý. Thật vậy, Đông phương cũng như Tây phương đã sử dụng những phương pháp và cách thức khác nhau trong việc tìm hiểu chân lý mặc khải, để nhận biết và tuyên xưng những điều thuộc về Thiên Chúa. Do đó, không lạ gì khi thấy có một vài khía cạnh của mầu nhiệm mặc khải đôi lúc được một bên hiểu đúng và trình bày rõ ràng hơn bên kia, vì thế, những công thức thần học khác nhau ấy phải được coi là bổ túc cho nhau hơn là đối lập nhau. Điều phải công nhận là những truyền thống thần học chính thức của Giáo Hội Đông phương đã bám rễ cách tuyệt hảo trong Thánh Kinh, được khai triển và biểu lộ trong đời sống phụng vụ, được nuôi dưỡng bằng Truyền thống Tông đồ sống động và bằng những tác phẩm của các thánh Giáo phụ Đông phương cũng như của các tác giả tu đức, góp phần xây dựng một nếp sống chính trực, và nhất là giúp chiêm ngưỡng trọn vẹn chân lý Kitô giáo.

Trong tâm tình tạ ơn Chúa vì nhiều tín hữu Đông phương là con cái thuộc Giáo Hội Công giáo, những người đang giữ gìn và mong muốn hưởng dùng phần gia sản ấy cách tinh ròng và sung mãn hơn, vẫn sống hoàn toàn hiệp thông với các anh em thuộc truyền thống Tây phương, Thánh Công Đồng tuyên bố rằng, toàn bộ di sản tu đức và phụng vụ, kỷ luật và thần học trong các truyền thống khác biệt, đều gắn liền với đặc tính công giáo và tông truyền trọn vẹn của Giáo Hội.

18. Với tất cả các nhận định trên, Thánh Công Đồng này lập lại điều đã được các Thánh Công Đồng trước cũng như các Đức Giáo hoàng Rôma tuyên bố: để tái lập và duy trì sự thông hảo và hợp nhất, “đừng đặt thêm những gánh nặng không cần thiết” (Cv 15, 28). Công Đồng cũng tha thiết ước mong rằng từ nay, mọi nỗ lực đều tập trung vào việc thực hiện dần dần sự hợp nhất trong những định chế và hình thức khác nhau của đời sống Giáo Hội, nhất là trong kinh nguyện và đối thoại huynh đệ về giáo lý, cũng như về các nhu cầu mục vụ khẩn thiết của thời đại chúng ta. Cũng thế Công Đồng khuyến khích các chủ chăn và tín hữu của Giáo Hội Công giáo hãy thiết lập mối giao hảo với những người không còn ở Đông phương, nhưng sống xa quê nhà, để gia tăng sự cộng tác huynh đệ trong tinh thần bác ái, và loại trừ những hình thức ganh đua, tranh tụng. Nếu mọi người thành tâm xúc tiến công cuộc này, Thánh Công Đồng hy vọng rằng, sau khi bức tường ngăn cách Giáo Hội Đông Tây bị phá đổ, sẽ chỉ còn ngôi nhà duy nhất được củng cố trên tảng đá góc là Chúa Giêsu Kitô, Đấng sẽ liên kết cả hai nên một (2).

(còn tiếp)

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

Ủy ban Giáo lý Đức tin
Nguồn: giaolyductin.net

__________________________
Chú thích:

(1) x. T. GIOAN KIM KHẨU, In Ioannem Homelia, XLVI: PG 59, 260-262.

(2) x. CĐ FIRENZÊ, Khoá 6 (1439), Định tín L„tentur C„li: Mansi 31, 1026E.

* CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II - SẮC LỆNH VỀ ĐẠI KẾT (1)

* CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II - SẮC LỆNH VỀ ĐẠI KẾT (2)