Sứ điệp nhân ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn gọi 2012

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1012 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Nhân Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi lần thứ 49, Chúa Nhật IV Phục Sinh, 29.4.2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố một  sứ điệp  mang chủ  đề: “Ơn gọi, quà tặng của Tình Yêu Thiên Chúa”, trong đó ngài  mời  gọi  các  Giáo Hội địa  phương  trở nên  “những  ‘môi trường’  phân định chuyên chăm và thẩm tra kỹ lưỡng các ơn gọi”.

*  *  *

Anh chị em thân mến,


Ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi lần thứ 49 sẽ được cử hành vào ngày 29 tháng 4 năm 2012,  Chúa Nhật thứ  IV Phục Sinh, mời gọi chúng ta suy nghĩ về đề tài: “Ơn gọi, quà tặng của Tình Yêu Thiên Chúa”.


Nguồn mạch của mọi  ân ban tuyệt hảo  là Thiên Chúa  Tình Yêu - Deus Caritas est - : “Ai  ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người đó”  (1 Ga 4, 16). Kinh thánh nói đến lịch sử của mối tương quan cá biệt giữa Thiên Chúa và nhân lọai, vốn đã có trước chính việc sáng tạo. Thánh Phaolô, trong thư gởi cộng đoàn Êphêsô, đã viết nên một thánh thi cảm tạ và ca ngợi Thiên Chúa Cha, do lượng từ bi hải hà của Ngài, qua dòng lịch sử, đã thực hiện công trình cứu độ phổ quát. Trong Con của Ngài là Đức Giêsu, thánh tông đồ Phaolô quả quyết: “Ngài đã chọn ta trước khi tạo thành thế gian, để chúng ta trở nên  tinh tuyền, thánh thiện trước thánh nhan nhờ tình yêu của Ngài.” (Eph 1, 4). Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, cho dù mình chưa hiện hữu. Hoàn toàn do tình yêu nhưng không vô điều kiện,  Ngài “đã dựng nên chúng ta từ hư vô” (x. 2 Mac 7, 28), để chúng ta được kết hiệp trọn vẹn với Ngài.


Kinh ngạc trước kỳ công  quan phòng của Thiên Chúa, tác giả thánh vịnh đã thốt lên: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi mà Chúa phải nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm” (Tv 8, 4-5).  Sự thật sâu xa của hiện hữu nơi chúng ta, được ẩn chứa trong mầu nhiệm đáng kinh ngạc này: mỗi tạo vật, đặc biệt là mỗi một cá vị nhân linh, là kết quả của một tư tưởng, một hành vi do tình yêu nơi Thiên Chúa, tình yêu vô biên, trung thành và vĩnh cửu (x. Gr 31, 3). Khám phá thực tại này làm thay đổi  sâu xa cuộc sống của mỗi chúng ta. Thánh Augustinô, trong một trang sách nổi tiếng của cuốn Tự Thuật (Confessions), mạnh mẽ diễn tả cảm nghiệm việc khám phá Thiên Chúa, Đấng tuyệt mỹ và tình yêu tối cao, một Đấng Thiên Chúa luôn rất gần gũi với mình, và cuối cùng, mình đã mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài để được biến đổi: “Con đã yêu Ngài quá muộn, lạy Đấng tốt đẹp rất cổ kính nhưng cũng rất tân kỳ. Con đã yêu Ngài quá muộn. Này đây, Ngài ở trong con, mà con lại ở ngoài con.  Con lại đã đi tìm Chúa ngoài con. Là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những tạo vật tốt đẹp của Chúa.  Chúa đã ở cùng con, mà con lại  không chịu ở với Chúa. Chính những tạo vật, nếu không hiện hữu trong Chúa thì đã không bao giờ hiện hữu, chúng lại cầm giữ con xa Chúa.   Ngài đã kêu gọi, đã gào thét, đã thắng sự điếc lác của con. Chúa đã soi sáng, đã  chiếu giọi, đã  xua đuổi sự mù lòa của con. Chúa đã tỏa mùi thơm của Chúa ra và con đã hít lấy và đâm ra say mê Chúa. Con đã  nếm Chúa và đâm ra đói khát Ngài, lạy Chúa. Chúa đã đụng đến con và con đã ao ước sự bình an của Chúa đã gieo rắc hương thơm, và con đã thở, đã hít lấy, đã yêu thích Ngài. Và con đã đói, đã khát Ngài;Ngài đã chạm đến con, và con đã cháy lên ngọn lửa ao ước bình an của Ngài” (X, 27.  38). Qua những hình  ảnh này, vị thánh giám mục thành Hippone tìm cách trình bày  mầu nhiệm khôn tả của sự gặp gỡ với  Thiên Chúa, với tình yêu Thiên Chúa vốn có sức biến đổi hiện hữu của mình.


Đây là một tình yêu không dè sẻn, luôn đi trước để nâng đỡ chúng ta, cùng mời gọi chúng ta trong suốt cuộc đời mình, một tình yêu được đâm rễ sâu  trong tình yêu tuyệt đối nhưng không của Thiên Chúa.  Vị tiền nhiệm của tôi là Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, khi đặc biệt bàn đến thừa tác vụ linh mục, đã khẳng định rằng  “mọi hành vi  thừa tác, vừa hướng đến việc yêu mến và phục vụ  Hội Thánh, cũng tiếp tục làm cho triển nở tình yêu và phục vụ Chúa Kitô là Đầu, Mục Tử và Phu Quân của Hội Thánh; tình yêu này luôn được trình bày như một lời đáp trả lại tình yêu  tự do và nhưng không, vốn được phát xuất từ Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu”. (Tông huấn Pastores  dabo vobis, 25).  Thực ra, mỗi một ơn gọi riêng lẻ đều phát sinh ban đầu từ Thiên Chúa, là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa. Chính Ngài “đi bước đầu”, không phải vì gặp thấy tấm lòng nơi chúng ta, nhưng là nhờ  có tình yêu của Ngài “vốn được ban tràn đầy trong tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần” (Rm 3, 5).