Thông điệp Deus Caritas Est - Thiên Chúa là tình yêu (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 321 | Cật nhập lần cuối: 1/7/2023 8:26:54 AM | RSS

THÔNG ĐIỆP DEUS CARITAS EST
(THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI

GỬI CÁC GIÁM MỤC
CÁC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
CÁC TU SĨ NAM NỮ
VÀ TẤT CẢ CÁC TÍN HỮU
VỀ ĐỨC ÁI KITÔ GIÁO

DẪN NHẬP

Thông điệp Deus Caritas Est - Thiên Chúa là tình yêu (1)1. “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Những lời này được trích từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan, diễn tả rõ ràng điều làm nên trọng tâm đức tin Kitô giáo: hình ảnh Thiên Chúa của Kitô giáo, từ hình ảnh này rút ra hình ảnh con người và con đường của họ. Thêm nữa, cũng ngay trong câu đó, Thánh Gioan đưa ra cho chúng ta một công thức tóm tắt đời sống Kitô hữu: “Chúng ta đã nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”.

“Chúng ta đã tin vào tình yêu Thiên Chúa”: Người Kitô hữu có thể diễn tả quyết định căn bản của đời mình như thế. Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát. Trong Phúc Âm, Thánh Gioan nhấn mạnh sự kiện này với những lời như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người… thì được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Khi nhận ra đặc tính trung tâm của tình yêu, niềm tin Kitô giáo đã đón nhận điều cốt lõi của đức tin Israel và đồng thời mang lại cho cốt lõi này một chiều sâu rộng mới. Người Do Thái đạo đức cầu nguyện hằng ngày với lời kinh rút từ sách Đệ nhị luật, trong đó họ nhận ra trọng tâm cuộc sống của mình: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5). Đức Giêsu đã nối kết giới răn mến Chúa với giới răn yêu người rút từ sách Lêvi: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19, 18) thành một mệnh lệnh duy nhất (x. Mc 12,29-31). Vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước (x. lGa 4, l0), nên tình yêu không còn là một “giới luật”, nhưng là lời đáp trả cho hồng ân “tình yêu” qua đó Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta.

Trong một thế giới, nơi danh Thiên Chúa đôi khi bị nối kết với sự trả thù hay cả với nghĩa vụ hận thù và bạo lực, một sứ điệp như trên vừa rất hợp thời, vừa rất có ý nghĩa. Vì thế trong Thông điệp đầu tiên của tôi, tôi muốn nói về tình yêu Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta và chúng ta phải tiếp tục trao ban cho kẻ khác. Như thế đã vạch ra hai phần gắn bó chặt chẽ với nhau của Thông điệp này. Phần đầu mang đặc tính lý thuyết nhiều hơn, vì tôi cố ý - vào lúc khởi đầu triều đại Giáo hoàng của tôi - giải thích một số điểm căn bản về tình yêu Thiên Chúa trao ban cho con người cách mầu nhiệm và hoàn toàn nhưng không, và đồng thời cho thấy sự liên kết nội tại giữa tình yêu này của Thiên Chúa với thực tại của tình yêu con người. Phần hai mang tính cụ thể hơn vì tình bày việc thực hành giới luật yêu người của Hội Thánh. Đề tài quá rộng lớn; một sự trình bày tường tận sẽ vượt quá mục đích của Thông điệp này. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh vài yếu tố căn bản để khơi dậy trong thế giới một năng động mới cho việc con người đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa.

PHẦN THỨ NHẤT:

SỰ THỐNG NHẤT CỦA TÌNH YÊU TRONG SÁNG TẠO VÀ LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Một vấn đề ngôn ngữ

2. Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta là vấn nạn căn bản của cuộc sống và đưa ra những câu hỏi mang tính quyết định: Thiên Chúa là ai và chúng ta là ai? Về vấn đề này, trước tiên, chúng ta gặp một vấn nạn về ngôn ngữ. Ngày nay, thuật ngữ “tình yêu” là những từ được sử dụng nhiều nhất và cũng bị lạm dụng nhiều nhất; với thuật ngữ này, chúng ta có thể gán cho rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Cả khi đề tài của Thông điệp này tập trung vào việc nhận thức và thực hành tình yêu theo Thánh Kinh và Thánh Truyền, chúng ta cũng không được phép bỏ qua việc tìm hiểu xem từ này mang ý nghĩa gì nơi các nền văn hoá khác nhau và trong cách sử dụng ngôn ngữ hiện tại.

Trước tiên, chúng ta nhớ đến sự đa dạng ý nghĩa của thuật ngữ “tình yêu”: chúng ta nói đến tình yêu tổ quốc, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu bạn bè, yêu thích việc làm, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em và thân bằng quyến thuộc, tình yêu tha nhân và tình yêu đối với Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong sự đa dạng ý nghĩa này, có một điều nổi bật lên, đó là tình yêu giữa người nam và người nữ, trong đó hồn xác kết hợp bất khả phân ly và mở ra cho con người một lời hứa hạnh phúc dường như không cưỡng lại được. Tình yêu này có vẻ là kiểu mẫu của tình yêu; bên cạnh tình yêu này, thoạt nhìn mọi hình thức khác của tình yêu hầu như mờ nhạt đi. Do đó, nảy sinh một câu hỏi: có phải mọi hình thức của tình yêu cuối cùng cũng kết hợp lại với nhau, và tình yêu - dù có khác biệt trong mọi hình thức - vẫn là một, hay trái lại chúng ta sử dụng một từ để chỉ nhiều thực tại khác biệt nhau?

“EROS” và “AGAPE” – khác biệt và thống nhất

3. Tình yêu giữa người nam và người nữ không xuất phát từ suy tư và ý chí nhưng thống trị con người trọn vẹn; người Hy Lạp gọi tình yêu đó là eros (tình ái). Phải nhắc lại rằng, Cựu Ước chỉ sử dụng từ eros có 2 lần, trong khi Tân Ước không hề sử dụng: trong 3 thuật ngữ Hy Lạp về eros (tình yêu), philia (tình bạn), agape (bác ái) - các tác phẩm Tân Ước chỉ sử dụng từ cuối cùng, nhưng từ này lại rất ít dược dùng trong ngôn ngữ Hy Lạp. Quan niệm tình bạn (philia) được Phúc Âm Thánh Gioan sử dụng và đào sâu ý nghĩa, để làm nổi bật quan hệ giữa Đức Glêsu với các môn đệ của Người. Việc không sử dụng từ eros và cái nhìn mới về tình yêu nổi bật trong từ agape, chắc chắn cho thấy điếu cơ bản trong cái mới của Kitô giáo về cách hiểu tình yêu. Trong việc phê phán Kitô giáo, được triển khai triệt để từ thời Triết lý Ánh Sáng, điều mới mẻ này bị đánh giá cách tiêu cực. Theo Friedrich Nietzsche, Kitô giáo đã đầu độc eros (tình ái); tình ái nếu không bị triệt tiêu thì cũng trở thành tật xấu (1). Triết gia người Đức này muốn nói lên một quan niệm rất phổ biến: Hội Thánh, với lề luật và giới cấm của mình, đã chẳng ngăn cản chúng ta hưởng thụ điếu tốt đẹp nhất trong cuộc sống đó sao? Hội Thánh đã chẳng dựng bảng cấm ngay tại niềm vui đã được Đấng Sáng tạo trù liệu sẽ đem lại cho ta một niềm hạnh phúc khiến ta được nếm trước hương vị thần linh đó sao?

4. Có thật như thế không? Có phải Kitô giáo thực sự thủ tiêu eros không? Chúng ta hãy nhìn vào thế giới trước khi có Kitô giáo. Cũng tương tự như ở các nền văn hoá khác, người Hy Lạp trước tiên nhìn trong eros một sự say đắm, lý trí bị một sự “điên dại thần bí” thống trị, bứt con người ra khỏi hiện thực hạn hẹp của mình và trong tình trạng bị quyền lực thần linh này thống trị, sẽ đưa họ đến cảm nghiệm sự diễm phúc cao độ nhất. Tất cả các quyền lực khác giữa trời và đất đều trở thành thứ yếu: “Omnia vincit Amor” (tình yêu vượt thắng tất cả), đó là câu nói của thi sĩ Virgile trong tập Bucolica. Và ông còn thêm: “Et nos cedamus amori” (và cả chúng ta hãy khuất phục trước tình yêu) (2). Trong các tôn giáo thái độ này ẩn tàng trong các hình thức phụng thờ sự phong phú về mặt sinh sản; việc “mại dâm thánh” nở rộ trong các đến thờ cũng thuộc về thứ phượng tự này. Eros được cử hành như một sức mạnh thần linh, như một sự kết hợp với thần linh.

Cựu Ước kiên quyết chống lại hình thức tôn giáo này, vì xem đó như một thứ cám dỗ mạnh mẽ chống lại niềm tin độc thần và như một thứ lệch lạc tôn giáo. Dù vậy, Cựu Ước không phủ nhận eros theo đúng ý nghĩa của nó, nhưng chiến đấu chống lại hình thức hủy hoại của nó. Vì sự thần thánh hoá eros cách sai lệch, diễn ra ở đây, làm mất đi phẩm giá của nó và chà đạp con người. Các cô gái điếm trong đền thờ, phải đem lại sự say sưa thần thánh, lại không được đối xử như con người và nhân vị, nhưng phục vụ như các đối tượng để đem lại “cơn điên thần bí”: trong thực tế, họ không phải là các nữ thần, nhưng chỉ là những con người bị lạm dụng. Vì thế eros vô luân và điên đảo không phải là sự vươn lên, “ngất trí đến với thần linh”, nhưng là sự sa đọa của con người. Rõ ràng, eros cần sự thanh luyện, để nó không chỉ đem lại cho con người chút khoái lạc chóng qua, nhưng là một sự nếm trước đỉnh cao của cuộc sống - một thứ diễm phúc mà cuộc đời chúng ta hướng đến.

5. Từ cái nhìn ngắn ngủi về hình ảnh của eros trong lịch sử và trong hiện tại, chúng ta thấy có hai chiều kích rõ rệt. Chiều kích thứ nhất, tình yêu có liên hệ với Thiên linh: tình yêu hứa ban sự vô hạn, vĩnh cửu - sự cao cả và hoàn toàn khác với thực trạng hằng ngày của chúng ta. Đồng thời cũng cho thấy, con đường để đạt đến đó không phải chỉ đơn thuần là tùng phục bản năng. Sự thanh luyện và trưởng thành rất cần thiết, và các điều này phải kinh qua con đường từ bỏ. Đây không phải là phủ nhận, cũng không phải là “đầu độc” eros, nhưng là chữa lành để đạt được sự cao cả thực sự của nó.

Điều này tùy thuộc trước tiên vào quan niệm về bản chất của con người gồm hồn và xác. Con người thực sự là chính mình, khi hồn xác tìm được sự hợp nhất nội tại; thách đố của eros chỉ có thể vượt thắng khi sự hợp nhất này được thành tựu. Nếu con người chỉ muốn mình là tinh thần và hạ giá thân xác như gia sản động vật, thì hồn xác sẽ mất đi phẩm giá của mình. Và nếu như họ phủ nhận tinh thần và nhìn vật chất, thân thể của họ, mới là thực tại duy nhất, họ cũng lại đánh mất sự cao cả của mình. Triết gia Gassendi thuộc trường phái Epicure hưởng lạc chào hỏi Descartes cách hóm hỉnh: “Ô! Hồn ơi!” Và triết gia Descartes đáp lại: “Ô! Xác ơi!” (3) Thế nhưng không phải chi có hồn hay chỉ có xác mới yêu - con người, nhân vị, yêu như một thụ tạo duy nhất và đơn nhất, bao gồm cả hồn lẫn xác. Chỉ khi đó, tình yêu - eros - mới đạt được sự cao cả thực sự của mình.

Kitô giáo trong quá khứ bị kết án là thù ghét thân xác, và ngày nay xu hướng này vẫn còn. Thế nhưng cách tôn vinh thân xác mà chứng ta thấy ngày hôm nay chỉ là dối trá. Eros (tình ái) bị hạ giá xuống thành sex (tình dục), trở thàng hoá, thành “vật phẩm”; người ta có thể mua hay bán nó, thật vậy, chính con người cũng trở thành hàng hoá. Trong thực tế, điều này không phải là tiếng nói đồng ý cao cả của con người đối với thân xác mình. Ngược lại, họ nhìn thân xác và giới tính chỉ là chất liệu đơn thuần nơi bản thân mình mà họ có thể sử dựng và khai thác tuỳ ý. Phần vật chất này không nằm trong bình diện của sự tự do, nhưng là một cái gì mà con người theo cách thức của mình tìm cách để hưởng thụ mà không có hại. Trong thực tế, chúng ta đứng trước một sự hạ giá thân xác con người; thân xác này không còn được hội nhập vào sự trọn vẹn của tự do trong đời sống chúng ta, không còn là dấu chứng sống động của toàn bộ cuộc sống của chúng ta, nhưng bị đẩy lùi vào bình diện sinh lý. Việc tôn vinh giả tạo thân xác có thể mau chóng trở thành thù ghét chính thân xác. Ngược lại, niềm tin Kitô giáo luôn nhìn con người như là một hữu thể gồm cả hồn lẫn xác, nơi họ, tinh thần và vật chất nối kết chặt chế với nhau và cả hai cảm nghiệm được sự cao quý mới. Vâng eros muốn đưa chúng ta đến bầu khí thần linh, vượt lên khỏi chúng ta, vì thế nó đòi buộc một con đường vươn lên, từ bỏ, luyện và chữa trị.

6. Làm thế nào chúng ta trình bày cách cụ thể con đường vươn lên và thanh luyện này? Chúng ta phải sống tình yêu như thế nào, để sự hứa hẹn mang tính nhân bản và thiên linh của nó được thành tựu? Chúng ta tìm gặp hướng dẫn đầu tiên và quan trọng trong sách Diễm Ca, một trong các sách của Cựu Ước, quyển sách mà các nhà thần bí rất quen thuộc. Theo cách giải thích ưu thế nhất ngày hôm nay, thì các bài thơ tạo thành quyển sách này, nguyên thủy là các bài tình ca, có lẽ được dành cho các lễ cưới của người Israel, trong ngày lễ đó các bài thơ muốn tôn vinh tình yêu hôn nhân. Điều đáng nói là trong quyển sách này có hai từ khác biệt để nói về tình yêu. Trước tiên là thuật ngữ dodim - một từ thuộc số nhiều diễn tả một tình yêu còn chưa chắc lắm, còn trong tình trạng tìm hiểu, chưa xác định. Từ này được thay thế bằng từ ahaba, mà trong cách chuyển ngữ ra tiếng Hy Lạp của Cựu Ước được dịch bằng từ agape có âm vang tương tự và - như chúng ta thấy - đã trở thành từ ngữ đặc thù cho cách hiểu theo Thánh Kinh về tình yêu. Ngược lại với tình yêu còn đang tìm hiểu và chưa xác định, từ này diễn tả cảm nghiệm tình yêu, trở thành một khám phá đích thực người khác, qua đó vượt thắng được cái tôi ích kỷ mà trước đó vẫn luôn chế ngự. Tình yêu bấy giờ trở thành sự chăm sóc người khác và cho người khác. Tình yêu không còn tìm cho chính bản thân mình - sự chìm đắm trong say mê hạnh phúc - nhưng chỉ muốn điều tốt lành cho người mình yêu: tình yêu trở thành sự từ bỏ, sẵn sàng trở thành lễ vật, vâng, tình yêu muốn như thế.

Để thăng tiến và thanh luyện chiều sâu, tình yêu cần sự dứt khoát theo một ý nghĩa kép: theo nghĩa dứt khoát – “duy chỉ một người mà thôi” - và theo nghĩa “vĩnh viễn”. Tình yêu bao trùm toàn bộ cuộc sống trong mọi chiều kích của nó, kể cả chiều kích thời gian. Điều này không thể khác đi được vì sự hứa hẹn của nó nhắm vào sự dứt khoát: tình yêu nhắm vào sự vĩnh cửu. Vâng, tình yêu là “xuất thần”, nhưng xuất thần không theo nghĩa một thoáng đam mê, xuất thần như là con đường vững chắc bước ra khỏi cái tôi đóng kín để tự do dâng hiến cái tôi của mình, để cho đi và qua đó để tìm được chính mình, vâng, để tìm được Thiên Chúa. Đức Giêsu nói: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 17, 33) - một lời được nhắc lại nhiều lần trong các sách Phúc Âm (x. Mt 10, 39; 16, 25; Mc 8, 35; Lc 9, 24; Ga 12, 25). Với lời này, Đức Giêsu mô tả chính con đường của mình, qua thập tự để đến Phục sinh - con đường của hạt lúa, rơi vào lòng đất, chết đi để mang lại nhiều hoa trái; nhưng Người cũng diễn tả bản chất của tình yêu và cuộc sống con người nói chung, khởi đi từ trọng tâm hy tế bản thân Người và từ tình yêu viên mãn của Người.

7. Những suy tư triết lý về bản chất của tình yêu đưa chúng ta đến niềm tin theo Thánh Kinh. Khởi đầu là câu hỏi, những ý nghĩa khác biệt, đôi khi đối nghịch nhau của từ “tình yêu” một cách nào đó đều hướng vế một sự thống nhất nội tại, hay là chúng đứng cận kề không liên hệ gì với nhau cả, đặc biệt là câu hỏi: sứ điệp được rao giảng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền của Giáo Hội về tình yêu có liên hệ gì với cảm nghiệm tình yêu của con người cách chung hay chống lại cảm nghiệm đó. Về vấn đế này, chúng ta gặp cả hai từ căn bản, eros như là cách trình bày tình yêu trần thế, và agape như là cách diễn tả tình yêu được đặt nền tảng trên đức tin và được nhào nặn bởi đức tin. Cả hai thường bị đặt đối kháng với nhau như là một thứ tình yêu “đi lên” và một thứ tình yêu “đi xuống”; còn có những cách phân loại khác tương tự, ví dụ như cách phân biệt tình yêu “ham muốn” và tình yêu “ban tặng” (amor concupiscentiae - amor benevolentiae), đôi khi người ta cũng thêm vào thứ tình yêu hưởng thụ.

Trong cuộc trao đổi triết học và thần học, những phân biệt này được đưa lên thành những đối kháng: tình yêu theo quan niệm Kitô giáo là agape, tình yêu đi xuống và dâng hiến; ngược lại, tình yêu eros không thuộc về Kitô giáo, đặc biệt thuộc văn hoá Hy Lạp, là tình yêu đi lên và ham muốn. Nếu như người ta đưa việc đối kháng này đến mức triệt để, thì điểm đặc thù của Kitô giáo sẽ bị tách ra khỏi những liên hệ căn bản của cuộc sống con người và trở thành một thế giới đặc biệt, người ta có thể nhìn ngắm một cách kinh ngạc, nhưng lại bị cắt khỏi sự toàn diện của đời sống con người. Trong thực tế, erosagape - tình yêu đi lên và đi xuống - không bao giờ tách biệt nhau. Khi cả hai càng hợp nhất đúng đắn dưới mọi chiều kích khác biệt trong một thực tại tình yêu duy nhất, thì bản chất chân thật của tình yêu càng tỏ hiện rõ ràng. Cho dù khởi đầu eros còn mang tính chất khả giác và vươn lên - hấp dẫn vì hứa hẹn hạnh phúc – nhưng khi đến với người khác, con người sẽ không luôn hướng về mình, mà luôn ước muốn đem lại hạnh phúc cho người khác, luôn chăm sóc đến họ, tự hiến chính mình và muốn hiện diện cho họ. Đó là lúc agape xen vào trong họ, nếu không như thế, con người sẽ bị hụt hẫng và đánh mất chính bản chất của mình. Ngược lại, con người không còn khả năng sống đơn thuần trong tình yêu ban tặng và đi xuống. Con người không thể cho mãi, họ cũng phải đón nhận. Ai muốn ban tặng tình yêu thì chính họ cũng được lãnh nhận tình yêu. Chắc chắn, con người có thể - như Chúa nói - trở thành nguồn mạch, từ đó tuôn trào nước hằng sống (x. Ga 7,37-38). Nhưng để có thể trở thành nguồn mạch như thế, họ phải luôn được uống nơi nguồn mạch đầu tiên, nguyên thủy, nơi Đức Giêsu Kitô, từ cạnh sườn được khai mở của Người, tình yêu của Thiên Chúa luôn tuôn trào (x. Ga 19, 34).

Các giáo phụ nhìn trình thuật về cái thang của Giacóp như tượng trưng cho liên hệ bất khả phân ly của việc vươn lên và hạ xuống, của eros đi tìm Thiên Chúa và agape trao lại hồng ân nhận được bằng nhiều cách thức. Bản văn Kinh Thánh này tường trình câu chuyện tổ phụ Giacóp khi gối đầu trên một viên đá, đã mộng thấy một cái thang vươn tới trời, trên đó có các thiên thần lên lên xuống xuống (x.St 28,12; Ga 1,51). Đức Giáo hoàng Grêgôriô Cả đã giải thích hình ảnh của giấc mộng này cách đánh động trong tác phẩm Quy tắc Mục vụ của ngài. Ngài nói với chúng ta rằng, vị mục tử chân chính phải sống thâm sâu trong chiêm niệm. Vì chỉ như thế, vị ấy mới có thể đón nhận những nhu cầu của kẻ khác trong chính thâm tâm của mình, đến độ những nhu cầu đó trở nên chính nhu cầu của chính mình: “per pietatis viscera in se infirmitatem caeterorum transferat” (nhờ lòng đạo đức ngài có thể chuyển sự yếu đuối của những người khác vào mình) (4). Đức Giáo hoàng Grêgôriô dẫn chứng Thánh Phaolô, người được đưa lên khỏi bản thân mình để tiến vào các mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa và khi trở xuống, ông đã trở nên tất cả cho mọi người (x. 2Cr 12,2-4 ; 1Cr 9, 22). Đức Giáo hoàng còn đưa thêm mẫu gương của Môsê, vị thường bước vào Lều Thánh để đàm đạo với Thiên Chúa, để từ Thiên Chúa trở về, ông có thể hiện diện cho dân mình: “Trong (Lều Thánh) được ngây ngất trong sự chiêm niệm, (bên ngoài lều Thánh) ông tự để cho gánh nặng của những người khổ đau đổ ụp lên mình - (intus in contemplationem rapitur, foris infirmantium negotiis urgetur)” (5).

8. Như thế, chúng ta đã tìm được một câu trả lời đầu tiên, nhưng vẫn còn chung cho cả hai vấn nạn được nêu bên trên: trên căn bản, tình yêu là một thực tại duy nhất, nhưng lại có nhiều chiều kích khác nhau - tùy trường hợp, có thể chiều kích này nổi trội hơn chiều kích kia. Nhưng nơi nào cả hai chiều kích bị tách biệt nhau, thì sẽ xuất hiện một bức ký hoạ hay có khi một hình thức què quặt của tình yêu. Trên căn bản chúng ta đã thấy, niềm tin theo Thánh Kinh không tạo nên một thế giới bên cạnh hay một thế giới nghịch lại với hiện tượng nguyên thủy của con người là tình yêu, nhưng đón nhận con người trọn vẹn, can thiệp vào sự tìm kiếm tình yêu của họ để thanh luyện và từ đó khai mở cho họ những chiều kích mới. Cái mới của niềm tin theo Thánh Kinh tỏ hiện trước tiên trong hai điểm, xứng đáng dể được làm nổi bật: trong hình ảnh của Thiên Chúa và trong hình ảnh của con người.

Cái mới của niềm tin theo Thánh Kinh

9. Trước tiên là hình ảnh mới mẻ của Thiên Chúa. Trong những nền văn hóa vây quanh thế giới của Thánh Kinh, cuối cùng thì hình ảnh của Thượng đế và của các thần thánh không được rõ ràng và đối chọi nhau. Ngược lại, trên con đường đức tin theo Thánh Kinh thì điều này lại rõ ràng và độc đáo hơn như lời kinh căn bản của Israel, là kinh Schema gồm tóm trong câu: “Nghe đây, hỡi Israel ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6, 4). Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Người là Đấng Sáng Tạo trời đất và là Thiên Chúa của mọi người. Có hai điều trong khẳng định độc đáo này: tất cả các thần thánh khác không phải là Thiên Chúa và tổng thể thực tại, nơi chúng ta đang sống, đều thuộc về Thiên Chúa, do chính Người sáng tạo. Đương nhiên có rất nhiều tư tưởng về sáng tạo ở các nơi, nhưng ở đây điều này rất rõ ràng là không phải bất cứ Thiên Chúa nào, nhưng là Thiên Chúa duy nhất, chân thật, là nguyên ủy của toàn thể thực tại, thực tại này xuất phát từ quyền lực của lời Người sáng tạo. Điều đó có nghĩa là, thụ tạo rất thân thiết với Người, chỉ vì Người đã muốn và đã sáng tạo chúng như thế. Từ đó xuất hiện yếu tố quan trọng thứ hai: Thiên Chúa yêu thương con người. Quyền lực thần linh, mà triết gia Aristote, ở đỉnh cao của triết học Hy Lạp, tìm cách nắm bắt qua suy tư, là đối tượng đáng khao khát và yêu thương của mọi hữu thể - như đối tượng được yêu mến, Thượng Đế này làm chuyển động vũ trụ (6) – nhưng Thượng Đế này không cần gì cả và cũng không yêu, nhưng chỉ được yêu. Thiên Chúa duy nhất mà Israel tin tưởng, chính Người cũng yêu. Tình yêu của Người là một tình yêu tuyển chọn. Từ giữa muôn dân, Người đã chọn Israel và yêu dân này - đương nhiên với mục đích để chữa trị toàn thể nhân loại. Người yêu, và người ta có thể xem tình yêu của Người là eros, nhưng cũng đồng thời là agape (7).

Hai vị ngôn sứ Hôsê và Êdêkien đã đặc biệt diễn tả đam mê của Thiên Chúa đối với dân Người bằng những hình ảnh từ ái táo bạo. Liên hệ giữa Thiên Chúa với Israel được trình bày bằng hình ảnh hôn ước và hôn nhân; vì thế việc thờ tà thần được xem như là ngoại tình và đĩ điếm. Qua đó, như chúng ta đã thấy người ta muốn nhắm đến việc thờ phượng sự phong phú về mặt sinh sản với sự lạm dụng eros, nhưng đồng thời, người ta cũng diễn tả mối liên hệ trung tín giữa Israel và Thiên Chúa của mình. Lịch sử tình yêu của Thiên Chúa với Israel nằm trong chiếu kích sâu thẳm ở chỗ, Người ban cho họ Torah (Lề luật) có nghĩa là mở mắt họ cho thấy rõ bản chất đích thực của con người và vạch cho họ con đường để trở thành con người đúng đắn. Lịch sử này bao gồm sự việc: con người khi sống trung tín với Thiên Chúa duy nhất, sẽ cảm nghiệm mình là người yêu của Thiên Chúa và tìm được niềm vui trong chân lý, trong công bình - niềm vui trong Thiên Chúa, niềm vui đó trở thành hạnh phúc thật của mình: “Con còn ai chốn trời xanh Ban Ngài thế sự thật tình chẳng ham.... Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa” (Tv 72[73], 25.28).

10. Như chúng ta đã nói, eros của Thiên Chúa đối với con người cũng hoàn toàn là agape. Không phải chỉ vì eros được ban tặng cách hoàn toàn nhưng không, không do một công trạng nào trước đó, mà còn vì đó là tình yêu tha thứ. Trước hết, ngôn sứ Hôsê chỉ cho chúng ta thấy chiều kích agape của tình yêu Thiên Chúa đối với con người vượt xa phương diện “nhưng không”. Israel làm gãy đổ cuộc “hôn nhân” - đó là giao ước; đáng lý ra Thiên Chúa phải xử phạt và loại bỏ dân tộc này. Nhưng chính lúc đó con người được thấy Thiên Chúa là Thiên Chúa chứ không phải một con người: “Hỡi Ephraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành… Tim Ta quay lại chống chính Ta, sự thương cảm của Ta ray rứt Ta. Ta không muốn thẳng tay thực hiện cơn giận của Ta và một lần nữa tiêu diệt Ephraim. Vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm, Đấng Thánh ở giữa ngươi” (Hs 11,8-9). Tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với dân Người - đối với nhân loại - cũng đồng thời là tình yêu tha thứ. Tình yêu này cao cả đến độ Thiên Chúa chống lại chính mình, tình yêu của Người chống lại công lý của Người. Người Kitô hữu nhìn thấy mầu nhiệm Thập giá đang ẩn tàng trong đó: Thiên Chúa yêu thương con người đến độ trở thành con người, chạy theo họ cho đến độ đi vào cõi chết và với cách thức này đã giao hoà công lý với tình yêu.

Điều đáng chú ý vế mặt triết học và lịch sử tôn giáo trong cái nhìn của Thánh Kinh nằm ở chỗ, một mặt có thể nói chúng ta có trước mặt mình một hình ảnh Thiên Chúa thuần túy siêu hình: Thiên Chúa là nguồn gốc nguyên thủy của mọi hữu thể; nhưng nguồn gốc sáng tạo vạn vật – Ngôi Lời, lý trí nguyên thủy - cũng đồng thời là một con người yêu với một tình yêu thực sự đam mê. Như thế, eros được nâng lên hàng cao quý tột đỉnh, nhưng đồng thời được thanh luyện, để eros tan biến vào trong agape. Từ đó chúng ta có thể hiểu, tác phẩm Diễm Ca được đón nhận vào Kinh Bộ Sách Thánh, được giải thích như là những bản tình ca, cuối cùng chỉ để diễn tả liên hệ giữa Thiên Chúa với con người và liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Với cách thức đó, sách Diễn Ca trong văn chương Do Thái cũng như Kitô giáo trở thành nguồn cho nhận thức và cảm nghiệm thần bí, trong đó bản chất của niềm tin theo Thánh Kinh được bộc lộ cách rõ ràng: Vâng, có một sự kết hợp của con người với Thiên Chúa - đó là giấc mơ nguyên thủy của con người - nhưng sự kết hợp này không phải là sự tan biến, chìm sâu vào một đại dương vô danh của thần tính, nhưng là sự hợp nhất tạo nên tình yêu, trong đó cả hai - Thiên Chúa và con người - ở lại trong tình yêu và hoàn toàn trở thành một. Thánh Phaolô nói: “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Ngưởi” (1Cr 6, 17).

11. Cái mới đầu tiên của niềm tin theo Thánh Kinh, như chúng ta thấy, nằm ở hình ảnh của Thiên Chúa; cái thứ hai, liên hệ chặt chẽ với điều trên, chúng ta gặp trong hình ảnh của con người. Trình thuật sáng tạo của Thánh Kinh nói về sự cô đơn của Ađam, con người đầu tiên, mà Thiên Chúa muốn ban cho một sự hỗ trợ thật gần gũi. Không có một thụ tạo nào có thể trở thành sự hỗ trợ cần thiết cho ông, dù ông có đặt tên cho tất cả thú vật ngoài đồng và mọi chim trời và như thế đã khiến chúng có liên hệ đến cuộc sống của ông. Từ xương sườn của người đàn ông, Thiên Chúa đã tạo dựng nên người đàn bà. Bấy giờ Ađam mới tìm thấy sự hỗ trợ mà ông cần: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23). Trong câu này, người ta có thể thấy nhiều quan niệm, tỷ dụ như quan niệm được huyền thoại của Platon gợi lên, con người nguyên thủy mang hình dáng một khối tròn, có nghĩa là hoàn toàn đầy đủ cho chính mình, nhưng thần Zeus chặt con người ra làm đôi để phạt vì tội kiêu ngạo, thế nên từ đó con người luôn tìm phân nửa kia của mình, luôn hướng về đó, để tìm lại tính trọn vẹn của mình (8). Trình thuật Thánh Kinh không nói gì đến hình phạt, nhưng vẫn có tư tưởng là con người một cách nào đó vẫn chưa trọn vẹn - từ bản chất của mình vẫn đang đi tìm trong người khác phần bổ sung để đạt được sự trọn vẹn của mình; con người chỉ trọn vẹn khi kết hợp giữa người đàn ông và người đàn bà. Trình thuật Thánh Kinh kết thúc bằng một lời tiên tri về Ađam: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24).

Ở đây có hai điều quan trọng: eros như được cắm rễ sâu trong bản tính của con người. Ađam luôn đi tìm và “lìa cha mẹ”, để tìm người đàn bà; cả hai hợp lại mới nói lên tính trọn vẹn của con người, cả hai trở thành “một xương một thịt”. Điếu thứ hai cũng quan trọng không kém: ngay từ lúc sáng tạo, eros hướng con người đến hôn nhân, đến sự ràng buộc, đến sự duy nhất và dứt khoát. Chỉ như thế định mệnh sâu xa của con người mới được thực hiện. Hôn nhân một vợ một chồng đáp ứng với hình ảnh Thiên Chúa độc thần. Hôn nhân căn cứ trên một tình yêu đơn nhất và dứt khoát, trở thành cách trình bày sự liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Người: cách thức Thiên Chúa yêu trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu của con người. Trong văn chương ngoài Thánh Kinh, người ta không thể nào tìm thấy những suy tư tương tự như việc nối kết chặt chẽ giữa eros và hôn nhân trong Thánh Kinh.

Đức Giêsu Kitô - Tình yêu trở thành xác thể của Thiên Chúa

12. Cho đến bây giờ, chúng ta chủ yếu nói đến Cựu Ước, nhưng việc thẩm thấu nội tại của hai Giao ước cho thấy rõ ràng đó chỉ là một Sách Thánh duy nhất của niềm tin Kitô giáo. Điều mới mẻ thật sự của Tân Ước không phải là các tư tưởng mới, nhưng chính là hình ảnh của Đức Kitô, Đấng ban cho tư tưởng thịt và máu, một hiện thực chưa từng có. Trong Cựu Ước cái mới của Thánh Kinh không nằm trong tư tưởng, nhưng nằm trong hành động đột xuất và độc đáo của Thiên Chúa. Hành động này của Thiên Chúa mang lấy hình thức bi thảm trong sự kiện, chính Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô chạy theo “con chiên bị thất lạc”, chạy theo nhân loại đau khổ và bị tiêu vong. Khi Đức Giêsu trong các dụ ngôn nói về người mục tử chạy theo con chiên bị lạc mất, về người đàn bà đi tìm đồng bạc bị đánh rơi, về người cha chạy đến người con đi hoang và ôm nó vào lòng, thì đấy không những chỉ là những lời nói, nhưng là những cách giải thích bản chất và hành động của chính Người. Trong cái chết thập tự của Người, việc “Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình” đạt đến mức tuyệt đỉnh, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ - đó là tình yêu trong hình thức triệt để nhất. Cái nhìn vào cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giêsu, mà thánh Gioan nói đến (x.Ga 19, 37) giúp chúng ta hiểu khởi điểm của Thông điệp này: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Nơi đó, chân lý này có thể được nhìn ngắm. Và cũng từ đó có thể định nghĩa tình yêu là gì. Từ cái nhìn này, người Kitô hữu tìm được con đường để sống và để yêu.

13. Đức Giêsu làm cho hành động tận hiến này được tồn tại mãi qua việc Người thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc cuối cùng. Người tiền dự cái chết và sự Phục sinh trong giây phút này, khi trao ban chính mình cho môn đệ trong bánh và rượu, trao ban Mình và Máu Người như Manna mới (x.Ga 6,31-33). Thế giới ngày xưa đã thoáng thấy rằng của ăn đích thực của con người - điều nhờ đó mà con người sống đúng là người - xét cho cùng chính là Logos, là Minh Trí vĩnh hằng, chính Logos đó giờ đây thật sự trở thành lương thực cho chúng ta - với tính cách là tình yêu Bí tích Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào hành động tận hiến của Đức Giêsu. Chúng ta không chỉ đón nhận Logos nhập thể, nhưng còn được lôi kéo vào sức năng động của sự tận hiến của Người. Hình ảnh hôn nhân giữa Thiên Chúa và Israel đã trở thành hiện thực trong một cách thức không thể nào tưởng tượng nổi: việc đứng trước tôn nhan Thiên Chúa bây giờ, nhờ thông phần vào hy lễ của Đức Giêsu, thông phần vào Mình Máu Người, trở thành sự kết hợp. Tính “thần bí” của bí tích, căn cứ vào việc Thiên Chúa hạ mình đến với chúng ta. Được thực hiện ở một mức độ hoàn toàn khác biệt, và nâng chúng ta lên những tầm cao vĩ đại, hơn hẳn bất cứ sự vươn cao mang tính thần bí nào khác của con người.

14. Bây giờ chúng ta chú tâm vào một điểm khác: sự “thần bí của bí tích có đặc tính xã hội, vì khi hiệp lễ, tôi được kết hợp với Chúa cũng như với mọi người cùng hiệp lễ: “bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 17). Việc kết hợp với Đức Kitô cũng đồng thời là một sự kết hợp với những kẻ khác, với những người mà Chúa tự hiến cho. Tôi không thể dành riêng Đức Kitô cho một mình tôi, tôi chỉ có thể thuộc về Người trong cộng đoàn cùng với những ai đã thuộc về Người hay sẽ thuộc về Người. Sự hiệp lễ kéo tôi ra khỏi bản thân để đến với Người và đồng thời đi vào sự hợp nhất với tất cả mọi người Kitô hữu. Chúng ta trở thành “một thân thể”, một sự hiện hữu tan biến vào trong nhau. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân đã thực sự kết hợp lại với nhau: Thiên Chúa hoá thành người, lôi kéo tất cả chúng ta về với Người. Từ đó phải hiểu rằng tại sao agape lại trở thành một tên gọi của Bí tích Thánh Thể: trong Thánh Thể, Tình Yêu (agape) của Thiên Chúa mang tính xác phàm đến với chúng ta, để trong chúng ta và qua chúng ta tiếp tục thực hiện công trình của Người. Từ nền tảng Kitô học mang tính bí tích, chúng ta có thể hiểu cách đúng đắn giáo lý tình yêu của Đức Giêsu. Sự hướng dẫn của Người đưa từ lề luật và các ngôn sứ, hướng về giới răn kép “mến Chúa và yêu người”, cơ sở của cả đời sống đức tin xuất phát từ mệnh lệnh này, không chỉ là luân lý có thể hiện diện cách độc lập bên cạnh niềm tin vào Chúa Kitô và sự hiện diện của Người trong bí tích: đức tin, phượng tự và ethos (đạo đức) thấm nhập vào nhau như một thực tại duy nhất tạo thành agape trong sự gặp gỡ với Thiên Chúa. Ở đây, việc đối kháng thông thường giữa phượng tự và đạo đức tan biến đi: sự kiện “được yêu” và lại yêu thương những người khác, nằm ngay trong chính “phượng tự”, trong cộng đoàn Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể, nếu như không đưa đến hành động thực tiễn của tình yêu, sẽ tự nó trở thành vụn vặt, và ngược lại - như chúng ta còn phải đào sâu hơn nữa – “giới luật” yêu thương chỉ có thể trở thành khả thi, khi không chỉ là sự đòi buộc: tình yêu có thể trở thành “bó buộc”, vì trước đó tình yêu đã dược ban tặng.

15. Từ đó chúng ta mới có thể hiểu được các dụ ngôn lớn của Đức Giêsu. Người giàu có ăn chơi (x. Lc 16,19-31) từ nơi bị nguyền rủa, van xin cho anh em ông được biết điều gì sẽ xảy đến cho ai không thèm nhìn đến những kẻ khốn cùng. Có thể nói, Đức Giêsu dùng tiếng kêu cầu giúp đỡ này, để nói với chúng ta, để cảnh cáo và để giúp chúng ta đi vào con đường ngay chính. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,25-37) mang đến cho chúng ta hai giải thích quan trọng. Cho đến nay, quan niệm “người thân cận” trên căn bản chỉ thu hẹp vào những người đồng hương và những kẻ ngoại bang định cư trên đất nước Israel, như thế chỉ căn cứ trên cộng đồng liên đới của đất nước và của dân tộc, bây giờ ranh giới đó bị loại bỏ: bất cứ ai cần đến tôi và tôi có thể giúp họ, đều là người thân cận của tôi. Ý niệm “người thân cận” đã trở nên phổ quát và rất cụ thể. Dù có nới rộng đến tất cả mọi người, từ này không được trở thành cách diễn tả một tình yêu xa vời không có gì ràng buộc, nhưng đòi buộc sự dấn thân của tôi cách cụ thể ngay ở đây và bây giờ. Trách nhiệm của Hội Thánh phải luôn luôn giải thích cách mới mẻ liên hệ từ xa đến gần trong đời sống thực hành của các tín hữu của mình. Cuối cùng, cũng phải đặc biệt nhắc đến dụ ngôn tuyệt vời về cuộc phán xét cuối cùng (x. Mt 25,31-46), trong đó tình yêu trở thành tiêu chuẩn cho quyết định dứt khoát về giá trị và không giá trị của đời sống một con người. Đức Giêsu tự đồng hoá mình với những người khốn cùng: những người đói, những người khát, người xa lạ, người trần truồng, người bệnh và cả những người đang ở trong ngục tù: “Mỗi lẫn các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người loà lẫn vào nhau: trong những người bé mọn nhất chúng ta sẽ gặp gỡ chính Đức Giêsu và trong Đức Giêsu chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa.

Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người.

16. Sau những suy luận về bản chất tình yêu và ý nghĩa của nó trong niềm tin theo Thánh Kinh, vẫn còn một câu hỏi kép liên quan đến thái độ của chúng ta: Chúng ta có thật sự yêu được Thiên Chúa, Đấng là chúng ta không thể thấy và người ta có thể đòi buộc tình yêu hay không? Có một trở ngại kép được nêu lên từ câu hỏi này để chống lại giới luật kép của tình yêu: Không ai có thể thấy Thiên Chúa thì làm thế nào chúng ta có thể yêu Người? Và câu khác: người ta không thể bắt buộc yêu, vì đó là một cảm xúc, hoặc có hoặc không, chứ không thể do ý chí được. Hình như Thánh Kinh cũng xác nhận vấn nạn thứ nhất, khi viết “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20). Nhưng bản văn hoàn toàn không loại bỏ tình yêu đối với Thiên Chúa như là điều không thể - ngược lại, tình yêu này rõ ràng bị đòi buộc trong mạch văn được trích dẫn trong Thư thứ nhất của Thánh Gioan. Điều được nhấn mạnh chính là mối dây liên kết bất khả phân ly của tình mến Chúa yêu người. Cả hai lệ thuộc vào nhau, đến độ lời quả quyết yêu thương Thiên Chúa sẽ trở thành dối trá, khi con người đóng kín tâm hồn mình lại trước tha nhân hay thù ghét họ. Người ta phải giải thích câu văn này của thánh Gioan như sau: yêu người là một con đường dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa, và quay lưng lại với tha nhân sẽ làm cho chúng ta ra mù loà không gặp được Người.

17. Trong thực tế, chưa có ai thấy Thiên Chúa như chính Người thật sự. Nhưng dù vậy, Thiên Chúa không hoàn toàn vô hình đối với chúng ta, và cũng không để cho chúng ta không thể tiếp cận với Người. Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, Thư thứ nhất của thánh Gioan nói với chúng ta như thế (x. 1Ga 4, 10) và tình yêu của Thiên Chúa xuất hiện giữa chúng ta, trở nên hữu hình qua việc Người “đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4, 9). Thiên Chúa tự làm cho mình thành hữu hình: trong Đức Giêsu chúng ta có thể chiêm ngắm được Chúa Cha (x. Ga 14, 9). Thực vậy, sự hữu hình của Thiên Chúa thật đa dạng. Trong lịch sử tình yêu mà Thánh Kinh tường thuật cho chúng ta, Người đi đến với chúng ta, tìm cách chinh phục chúng ta mãi cho đến bữa Tiệc ly, mãi cho đến trái tim bị đâm thâu trên thập giá, mãi cho đến những lần hiện ra của Đấng Phục sinh và những kỳ công của Người, qua đó Người đã hướng dẫn Hội Thánh mới được hình thành nhờ hoạt động của các Tông đồ. Và trong lịch sử tiếp đó của Hội Thánh, Chúa cũng không vắng mặt: Người luôn luôn tìm đến chúng ta - qua những con người mà Người soi sáng; qua Lời của Người, trong các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Trong phụng vụ của Hội Thánh, trong lời cầu nguyện, trong cộng đoàn sống động của các tín hữu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Người và học cho biết nhận ra Người trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Người đã yêu chúng ta trước và tiếp tục yêu chúng ta trước; chính vì thế mà chúng ta có thể đáp trả lại bằng tình yêu. Thiên Chúa không đòi hỏi một tình cảm mà chúng ta không thể khơi lên trong chúng ta. Người yêu chúng ta và cho chúng ta thấy và cảm nhận tình yêu của Người, và từ “bước trước” này của Thiên Chúa, tình yêu nảy sinh trong chúng ta như một lời đáp trả. Trong tiến trình gặp gỡ này, một điều cho chúng ta thấy rõ là tình yêu không phải chỉ là cảm xúc. Cảm xúc đến rồi đi. Cảm xúc có thể là một tia sáng khai mở diệu kỳ, nhưng tổng thể của tình yêu không phải như thế. Ban đầu chúng ta đã nói về tiến trình thanh luyện và trưởng thành, nhờ đó eros đạt được mức trọn vẹn, trở thành tình yêu theo ý nghĩa trọn vẹn của thuật ngữ. Để đạt được mức độ trưởng thành của tình yêu, cần có sự tham gia mọi sức lực của con người, có nghĩa là con người trong tổng thể của mình. Việc gặp gỡ với những biểu lộ hữu hình của tình yêu Thiên Chúa có thể gợi lên trong chúng ta cảm giác hân hoan, đến từ cảm nghiệm rằng mình được yêu. Việc gặp gỡ này đòi hỏi cả ý chí lẫn lý trí của chúng ta. Việc nhận biết Thiên Chúa hằng sống là con đường đi đến tình yêu và tiếng thưa vâng của ý chí chúng ta đối với ý muốn của Người kết hợp sự hiểu biết, ý chí và cảm xúc trở thành một hành động trọn vẹn của tình yêu. Đây rõ ràng là một tiến tình vẫn luôn chuyển động: tình yêu không bao giờ “kết thúc” và trọn vẹn được; tình yêu chuyển đổi trong suốt thời gian sống, chín dần và nhờ đó luôn trung thành với chính mình. Idem velle atque idem nolle (9) (ao ước một điều và không ao ước cũng một điều đó) là điệu cổ nhân định nghĩa nội dung của tình yêu: người này trở nên giống người kia, điều này đưa đến một sự hợp nhất của ý chí và tư tưởng. Lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và con người bao hàm sự kiện: sự hiệp thông ý chí tăng triển trong hiệp thông tư tưởng và tình cảm, như thế ý muốn của chúng ta luôn trùng khớp với ý muốn của Thiên Chúa: ý muốn của Thiên Chúa không phải là ý muốn xa lạ đối với tôi, mà các giới luật áp đặt cho tôi từ bên ngoài, nhưng là ý muốn của chính tôi xuất phát từ kinh nghiệm cho thấy, trong thực tế, Thiên Chúa hiện diện rất thâm sâu trong tôi hơn là tôi đối với tôi (10). Từ đó sự phó thác vào Thiên Chúa càng ngày càng lớn lên và Thiên Chúa thực sự trở thành niềm vui cho chúng ta (x. Tv 73[72], 23-28).

18. Tình yêu đối với tha nhân là khả thi theo ý nghĩa được chính Thánh Kinh xác định và do Đức Giêsu công bố. Tình yêu đó cốt tại chính điều này là, trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận, cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó. Điều này chỉ trở nên khả thể từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bấy giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chi bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Giêsu Kitô. Bạn của Người là bạn của tôi. Vượt qua dáng vẻ bên ngoài, tôi thấy được nơi tha nhân sự chờ đợi một cử chỉ yêu thương, một cử chỉ quan tâm mà tôi cho họ, không chỉ qua những cơ quan được tổ chức vì mục đích ấy, chấp nhận họ như một nhu cầu chính trị. Tôi nhìn với đôi mắt của Đức Kitô và có thể trao ban cho tha nhân nhiều hơn là những vật cần thiết bên ngoài: đó là cái nhìn của tình yêu mà họ cần. Ở đây chúng ta thấy được tác động hỗ tương cần thiết giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người mà Thư thứ nhất của Thánh Gioan nhấn mạnh dường ấy. Nếu cuộc đời tôi hoàn toàn thiếu vắng việc tiếp xúc với Thiên Chúa, lúc ấy tôi sẽ nhìn người khác như một kẻ xa lạ và không thể nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi họ. Nhưng nếu tôi loại bỏ hoàn toàn ra khỏi đời tôi việc hướng đến kẻ khác, để chỉ trở thành “đạo đức”, chỉ để thực hiện những “phận vụ tôn giáo” của tôi, thì liên hệ với Thiên Chúa sẽ khô héo ở nơi tôi. Liên hệ này có thể “đúng đắn”, nhưng không có tình yêu. Chính sự sẵn sàng của tôi đến với người thân cặn, để minh chứng tình yêu đối với họ, sẽ làm cho tôi dễ cảm nghiệm Thiên Chúa. Chỉ có việc phục vụ tha nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Người đã yêu tôi như thế nào. Các vị thánh - chúng ta nhớ đến mẫu gương của chân phước Têrêsa thành Calcutta - múc lấy khả năng yêu thương của họ đối với tha nhân một cách mới mẻ từ việc tiếp xúc với Chúa trong Bí tích Thánh Thể và ngược lại sự tiếp xúc này trở thành hiện thực và sâu xa trong việc phục vụ tha nhân. Mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau được. Đó chỉ là một giới răn. Cả hai sống nhờ vào tình yêu của Thiên Chúa tuôn xuống chúng ta, Đấng luôn yêu thương chúng ta trước. Như thế sẽ không còn là “giới răn” tự bên ngoài, buộc chúng ta làm những gì không thể làm được, nhưng là một cảm nghiệm tình yêu được ban tặng từ bên trong một tình yêu mà tự bản chất phải được tiếp tục chia sẻ Tình yêu lớn lên nhờ tình yêu. Tình yêu mang tính thiên linh, vì từ Thiên Chúa mà đến và giúp chúng ta kết hợp với Thiên Chúa, và trong tiến trình kết hợp này, giúp chúng ta trở thành một “Chúng tôi”, vượt thắng mọi chia rẽ và làm cho chúng ta nên một, để rồi cuối cùng “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15, 28).

THÔNG ĐIỆP “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”
Uỷ ban Giáo lý Đức tin
Văn phòng Thư ký HĐGMVN thực hiện
Bản dịch từ Đức ngữ của Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh
có tham chiếu bản dịch Anh, Ý, Pháp và Việt ngữ,
với sự chuẩn nhận của Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc,
Chủ tịch Uỷ Ban Giáo lý Đức tin.
Nguồn: hdgmvietnam.com (06.01.2023)

_________________________

Chú thích:

(1) x. Jenseits von Gut und Böse, IV, 168.

(2) X. 69. Les Belles Lettres, Paris (1942), tr. 71.

(3) x. R. Descartes, Oeuvres, ấn bản V. Cousirl, q. 12, Paris 1824. tr. 95tt.

(4) ll, 5: SCh 381, tr. 196.

(5) Ibid., tr. 198.

(6) x. Metaphysics, Xll, 7.

(7) x. Ps.-Dionysius the Areopagite, trong tác phẩm The Divine Names, IV, 12-14 : PG 3, 709-713, ông đã gọi Thiên Chúa vừa là eros vừa là agape.

(8) Plato, Symposium, XIV-XV, 189c-192.d.

(9) Sallust, De coniuratione Catilinae, XX, 4.

(10) x. Thánh Augustinô, Tự thuật,III, 6, 11 : CCL 27, 32.