Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (9) - Gioan Phaolô II

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 593 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


VII. LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA  TRONG SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI.

 

Trong tương quan với hình ảnh thế hệ chúng ta như trên, hình ảnh chỉ có thể khơi dậy một nỗi lo lắng sâu xa, tâm trí chúng ta lại nhớ tới những lời đã vang lên trong kinh Magnificat của Đức Maria để ca tụng việc nhập thể của Con Thiên Chúa và hát lên “lòng thương xót… suốt đời nọ đến đời kia”. Khi luôn giữ trong lòng mình những lời thần hứng hùng hồn ấy và cảm nhận chúng qua các kinh nghiệm, các khổ đau của gia đình nhân loại, Giáo Hội  cần có được một ý thức sâu sắc hơn và mạnh mẽ hơn về sự cần thiết phải làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa trong toàn thể sứ vụ của mình, phù hợp với truyền thống Giao ước Cũ và Mới, và nhất là theo chân chính Đức Kitô và các Tông đồ của Người. Giáo Hội phải làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa đã được mạc khải nơi Đức Kitô trong tất cả sứ vụ của Người, bằng việc tuyên xưng trước tiên lòng thương xót ấy như chân lý cứu độ của đức tin, cần thiết cho một đời sống hòa hợp với đức tin, rồi bằng việc tìm cách làm sao cho lòng thương xót ấy đi vào và nhập thể trong đời sống các tín hữu, và trong mức độ có thể được trong đời sống của những ai thiện chí. Sau cùng, khi tuyên xưng lòng thương xót và luôn trung thành với lòng thương xót, Giáo Hội có quyền và nghĩa vụ kêu nài tới lòng thương xót của Thiên Chúa, khẩn cầu lòng thương xót này khi gặp phải những sự dữ thể lý và tinh thần, khi biết bao nguy cơ đang bủa vây nơi chân trời cuộc sống loài người ngày nay.

 

13. Giáo Hội tuyên xưng và công bố lòng thương xót của Thiên Chúa

 

Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (9) - Gioan Phaolô IIGiáo Hội  phải tuyên xưng và công bố tất cả chân lý về lòng Thiên Chúa thương xót, y như mạc khải đã chứng thực với chúng ta. Trong những trang trước, chúng ta đã tìm cách vẽ lên ít nữa các nét lớn của chân lý đó, chân lý được bày tỏ một cách phong phú biết bao trong toàn thể Thánh Kinh và Thánh Truyền. Trong đời sống hằng ngày của Giáo Hội, chân lý về lòng thương xót của Thiên Chúa được trình bày trong Thánh kinh, vẫn luôn vang dội trong nhiều bài đọc của phụng vụ thánh. Và dân chúng, trong cảm thức đích thực theo đức tin, họ cảm nhận rõ tiếng vang đó, như nhiều biểu lộ của lòng đạo cá nhân và cộng đồng đã chứng tỏ. Chắc chắn khó mà kể ra và tóm tắt được tất cả những biểu lộ này, bởi vì phần lớn được ghi tạc tận nơi thâm sâu nhất trong các tâm hồn và các ý thức. Nhiều nhà thần học quả quyết rằng lòng thương xót là ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa, sự hoàn hảo cao cả nhất của Ngài; Thánh Kinh, Thánh Truyền và tất cả đời sống đức tin của Dân Chúa đều đem lại những chứng cứ vô tận cho quả quyết này. Ở đây không nhằm sự hoàn hảo của yếu tính khôn dò của Thiên Chúa trong chính mầu nhiệm Thiên tính Ngài, nhưng nhằm sự hoàn hảo và ưu phẩm mà nhờ đó con người, trong tận nội tâm, được kết hợp cách thâm sâu nhất và thường xuyên nhất với Thiên Chúa hằng sống. Đúng theo những lời Đức Kitô đã nói với Philípphê, việc “thấy Chúa Cha” - việc thấy Thiên Chúa trong đức tin - đạt được trong sự gặp gỡ lòng thương xót của Ngài một cấp độ đơn sơ và chân thật nội tâm giống như cấp độ chúng ta nhận ra trong dụ ngôn người con hoang đàng.

 

“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Giáo Hội  tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội  sống bằng lòng thương xót ấy, trong kinh nghiệm đức tin rộng lớn và cả trong việc giảng dạy của mình, nhờ không ngừng chiêm ngưỡng Đức Kitô, nhờ tập trung vào Người, vào cuộc đời và Tin Mừng của Người, vào Thập giá  và sự sống lại của Người, vào trọn cả mầu nhiệm nơi Người. Tất cả những gì làm thành việc “thấy” Đức Kitô trong đức tin sống động và trong lời giảng dạy của Giáo Hội  đều đưa chúng ta lại gần việc “thấy Chúa Cha” trong sự thánh thiện của lòng Ngài thương xót. Giáo Hội dường như tuyên xưng và tôn sùng một cách đặc biệt lòng thương xót của Thiên Chúa khi Giáo Hội  đến với Thánh Tâm Đức Kitô. Quả thế, chúng ta lại gần Đức Kitô trong mầu nhiệm Thánh Tâm là chúng ta có thể chú ý đến điểm này - điểm trung tâm theo một nghĩa nào đó và đồng thời điểm dễ gần gũi hơn cả trên bình diện con người - là mạc khải về lòng thương xót của Chúa Cha, mạc khải đã làm thành nội dung trung tâm của sứ vụ cứu thế của Con người (Fils de l’homme).

 

Giáo Hội  sống một đời sống đích thực khi tuyên xưng và công bố lòng thương xót, ưu phẩm đáng kính phục nhất của Đấng Tạo Hóa và của Đấng Cứu Chuộc, và khi dẫn đưa con người tới các nguồn mạch lòng thương xót của Đấng Cứu Chuộc, các nguồn mạch được giao cho Giáo Hội giữ gìn và phân phối. Trong khuôn khổ ấy, việc suy niệm liên tục Lời Chúa, và nhất là việc tham dự có ý thức và có suy nghĩ vào Thánh Thể và bí tích thống hối hay hòa giải, mang một ý nghĩa lớn lao. Thánh thể luôn đưa chúng ta lại gần tình thương mạnh hơn sự chết này: “Vì mỗi lần chúng ta ăn bánh và uống chén ấy”, không những chúng ta loan báo sự chết của Đấng Cứu Chuộc, mà chúng ta còn công bố Người đã sống lại, “trong khi đợi chờ Người đến” trong vinh quang. Phụng vụ thánh thể, được cử hành để tưởng niệm Đấng đã mạc khải Chúa Cha cho chúng ta trong sứ vụ Cứu thế, bằng Lời nói và Thập giá của Người, phụng vụ đó chứng thực tình thương vô tận mà căn cứ vào đó Người luôn mong muốn kết hợp và chỉ làm một với chúng ta, trong khi đi đón gặp mọi lòng người. Chính bí tích sám hối hay hòa giải san bằng đường đi của mỗi người, ngay cả khi người ta vướng mắc những lỗi nặng. Trong bí tích này, ai cũng có thể cảm nghiệm được một cách thâm sâu về lòng thương xót, tức là về tình thương mạnh hơn tội lỗi. Thông điệp Redemptor Hominis đã từng đề cập tới điểm này, tuy nhiên cũng nên trở lại một lần nữa đề tài căn bản này.

 

Vì tội lỗi có trong thế gian này, thế gian được “Thiên Chúa yêu thế gian đến đỗi đã ban Con Một”, cho nên Thiên Chúa “là tình yêu” chỉ có thể tự mạc khải là lòng thương xót mà thôi. Đó là điều thích hợp chẳng những với chân lý sâu xa nhất của tình thương là Thiên Chúa, mà còn với cả chân lý bên trong của con người và của thế gian vốn là quê hương tạm của con người.

 

Xét như sự hoàn hảo của Thiên Chúa là vô cùng, chính lòng thương xót của Người cũng là vô tận. Như vậy sự mau mắn của Chúa Cha là vô cùng và bất tận để đón nhận những người con hoang đàng trở về nhà. Sự mau mắn và dồi dào của ơn tha thứ không ngừng tuôn ra từ giá trị đáng khâm phục của lễ hy sinh của Chúa Con cũng vô cùng. Không một tội lỗi nào của con người có thể đáng kể hơn hay giới hạn lại sức mạnh đó. Phía con người, chỉ có thể giới hạn lại sức mạnh đó là sự thiếu thiện chí, thiếu mau mắn trong việc trở lại và sám hối, tức là sự ngoan cố thường xuyên chống lại ân sủng và chân lý, đặc biệt khi đứng trước chứng tá Thập giá  và sự Phục sinh  của Đức Kitô.

 

Chính vì thế Giáo Hội loan báo và kêu gọi trở lại. Việc trở lại với Thiên Chúa luôn luôn hệ tại ở chỗ khám phá được lòng thương xót của Ngài, tức là khám phá tình thương kiên nhẫn và hiền từ  được Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa và Cha, thực hiện: với tình thương ấy, “Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” trung thành đến độ đón nhận những hậu quả tột cùng trong giao ước với con người, trung thành đi đến thập giá, sự chết và Phục sinh. Việc trở lại với Thiên Chúa luôn luôn là kết quả của sự trở về với Chúa Cha giàu lòng thương xót.

 

Sự nhận biết đích thực về Thiên Chúa có lòng thương xót, Thiên Chúa có tình thương nhân hậu, là một sức trở lại không ngừng và vô tận, chẳng những như hành động nội tâm trong giây lát, mà còn như khuynh hướng thường xuyên, như trạng thái tâm hồn. Những ai được biết Thiên Chúa như thế, những ai “thấy” Ngài như thế thì không thể sống cách nào khác ngoài cách không ngừng trở lại với Ngài. Như vậy thì họ sống “in statu conversionis”, trong trạng thái trở lại; và chính trạng thái này lập thành yếu tố sâu xa nhất của cuộc hành hương của mọi người trên trái đất “in statu viatoris”, trong tình trạng lữ hành. Hiển nhiên Giáo Hội tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa, đã được mạc khải trong Đức Kitô bị đóng đinh vào Thập giá và đã sống lại, chẳng những bằng những lời mình giảng dạy, mà nhất là còn bằng nhịp sống mãnh liệt nhất của toàn thể Dân Chúa. Nhờ cuộc sống chứng tá này, Giáo Hội làm tròn sứ mệnh riêng của mình là Dân Thiên Chúa, là tham dự vào sứ mệnh cứu thế của chính Đức Kitô và theo một nghĩa nào đó, tiếp tục sứ mệnh này.

 

Giáo Hội  ngày nay rất ý thức rằng chỉ khi nào dựa trên căn bản là lòng thương xót của Thiên Chúa thì mới có thể thực hiện được những tiêu chí từ giáo huấn Công đồng Vatican II, và trước tiên là tiến trình Đại kết, nhằm hiệp nhất tất cả những ai tin vào Đức Kitô. Khi nỗ lực theo tiến trình này, Giáo Hội  khiêm tốn nhìn nhận rằng chỉ có tình thương đó, mạnh hơn sự yếu hèn của những chia rẽ, mới có thể thực hiện được cách dứt khoát sự hiệp nhất mà Đức Kitô đã khẩn cầu Cha Người ban và Thần Khí không ngừng khẩn cầu cho chúng ta “bằng những tiếng rên siết khôn tả”.


(còn tiếp)


Gioan Phaolô II 

Chuyển ngữ: UBGLĐT/HĐGMVN


= = = = = = = = = =

Bài liên quan:


Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (1)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (2)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (3)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (4)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (5)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (6)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (7)

Thông điệp "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (8)