Thư của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gởi phụ nữ toàn thế giới (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1317 | Cật nhập lần cuối: 3/8/2016 9:08:59 AM | RSS

(tiếp theo)

Thư của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gởi phụ nữ toàn thế giới (2)8. Sau khi tạo dựng con người, có nam có nữ, Thiên Chúa phán với cả hai: "Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất" (St 1, 28). Thiên Chúa không những ban cho con người quyền năng sinh sản để lưu tồn nhân loại theo thời gian, nhưng Thiên Chúa cũng ban cho con người mặt đất như một nhiệm vụ, khuyến khích con người quản trị những tài nguyên mặt đất một cách có trách nhiệm. Con người, hũu thể có lý trí và tự do, được kêu mời biến đổi mặt đất. trong nhiệm vụ này, chủ yếu là một công trình văn hoá, người nam và người nữ có trách nhiệm ngang nhau từ đầu. Trong tính hỗ tương vợ chồng và phong phú của họ, trong nhiệm vụ chung của họ làm bá chủ và thống trị trái đất, người nữ và người nam không diễn tả một sự ngang hàng cân bằng và san bằng, càng không phải là một sự khác biệt sâu thẳm và xung đột cách khốc liệt: tương quan tự nhiên nhất của họ, đáp ứng với ý định của Thiên Chúa, là "sự hiệp nhất cả hai", nghĩa là một "sự hiệp nhất nhị nguyên" liên hệ, cho phép mỗi người khám phá sự quan hệ liên vị và hỗ tương như là một hồng ân, nguồn mạch sự phong phú và trách nhiệm.

Thiên Chúa trao cho "sự hiệp nhất cả hai" này, không những công trình sinh sản và sự sống gia đình, nhưng cũng trao cho sự xây dựng lịch sử. Nếu, trong Năm Quốc Tế Gia Đình, cử hành năm 1994, người ta chú ý tới người nữ như người mẹ, Hội Nghị Bắc Kinh là một dịp thuận tiện để tái nhận thức nhiều sự đóng góp mà người nữ hiến cho đời sống xã hội và các quốc gia toàn diện. Đó là những sự đóng góp có bản chất thiêng liêng và văn hoá hơn hết, nhưng cũng thuộc bản chất xã hội chính trị và kinh tế. Tầm quan trọng thật sự là to lớn của những gì mà các lãnh vực khác biệt xã hội, các Quốc gia, các nền văn hoá quốc gia và, sau hết, sự thăng tiến của toàn thể nhân loại, có được, nhờ sự đóng góp của những nguời nữ.

9. Nói chung, sự tiến triển được đánh giá tùy theo những ngành khoa học và kỹ thuật, và, dầu về phương diện này, sự đóng góp của người nữ không phải là không đáng kể. Nhưng, đó không phải là chiều kích duy nhất của sự tiếân triển, cũng không phải là chiều kích chính. Chiều kích đạo đức và xã hội, đánh dấu những tương quan nhân bản và những giá trị tinh thần, xem ra quan trọng hơn: trong chiều kích này, thường được phát triển cách âm thầm khởi từ những tương quan hằng ngày giữa những con người, đặc biệt bên trong gia đình, chính ở "thiên tài người nữ" mà xã hội mắc nợ phần lớn.

Về vấn đề ấy, tôi muốn tỏ lòng cảm ơn cách riêng đối với những người nữ dấn thân trong các lãnh vực rất khác biệt của việc giáo dục bên ngoài gia đình: vườn trẻ, trường học, đại học, những phục vụ xã hội, những giáo xứ, những hội họp và những phong trào. Bất cứ nơi nào cần có một công trình đào tạo, người ta có thể chứng nhận sự sẵn sàng vô tận của những người nữ nỗ lực trong những quan hệ nhân bản, cách riêng vì những kẻ yếu kém nhất và những kẻ không được bảo vệ. Trong hành động này, những người nữ hoàn thành một hình thức mẫu tính yêu đương, văn hoá và thiêng liêng, có một giá trị thật vô giá do những hiệu quả trên sự phát triễn con người và tương lai xã hội. và làm sao không nhắc tới ở đây chứng từ của nhiều người nữ công giáo và của nhiều Hội Dòng nữ tu mà, trong nhiều vùng khác biệt, đã lấy việc giáo dục, nhất là giáo dục những thanh niên và thiếu nữ trẻ, làm sinh hoạt chính của mình.

Làm sao lại không có tâm tình biết ơn đối với tất cả những người nữ đã làm việc và tiếp tục làm việc trong lãnh vực y tế, không những trong khuôn khổ những cơ chế y tế được tổ chức chu đáo nhất, nhưng thường trong những hoàn cảnh rất tạm bợ, trong những xứ nghèo nhất thế giới, các chị nêu lên một bằng chứng sẵn sàng thuờng gần như tử đạo ?

10. Thưa chị em yêu quí, tôi ước sao cho người ta chú tâm suy tư một cách đặc biệt về chủ đề "thiên tài người nữ", không những để nhận ra ở đó những nét thuộc chương trình đích thực của Thiên Chúa cần phải được chấp nhận và kính tôn, mà còn phải dành cho chương trình đó một chỗ trong tổng thể của đời sống xã hội, và cả trong đời sống Giáo hội nữa. Trong Tông Thư Mulieris dignitatem phổ biến năm 1988, tôi đã có dịp đề cập rộng rãi vấn đề này, vấn đề đã được bàn đến trong Năm Thánh Mẫu. Rồi năm đó, ngày thứ Năm Tuần Thánh, tôi đã muốn nhắc tới Tông Thư Mulieris Dignitatem trong thơ tôi thường gởi các linh mục, nhắc các ngài suy nghĩ về vai trò đầy ý nghĩa người nữ thi hành trong đời sống của họ, với tư cách làm mẹ, làm chị và làm người cộng tác trong các sinh hoạt tông đồ.

Đó là một chiều kích khác của người "trợ tá"- khác với chiều kích vợ chồng, nhưng cũng quan trọng như vậy - mà người nữ, theo sách Sáng Thế, được kêu mời thi thố cho người nam.

Giáo Hội thấy trong Đức Maria sự diễn tả cao nhất của "thiên tài người nữ" và gặp ở đó một nguồn linh hứng liên tục. Đức Maria đã tự định nghĩa là "tôi tá Chúa" (Lc 1, 38). Chính vì vâng theo Lời Chúa mà Mẹ đã chấp nhận ơn gọi đặc biệt của Mẹ, nhưng không phải thật dễ dàng khi làm vợ và làm mẹ tại gia đình Nadareth. Khi đặt mình phục vụ Chúa, Mẹ cũng đặt mình phục vụ con người: phục vụ tình yêu. Chính việc phục vụ này đã cho phép Mẹ thực hiện trong đời sống, kinh nghiệm một "vương quyền" mầu nhiệm nhưng đích thực. Không phải do ngẫu nhiên mà Mẹ được kêu xin như là "Nữ Vương trời đất". Tất cả cộng đồng tín hữu kêu xin mẹ như thế đó; nhiều dân tộc và quốc gia kêu xin Mẹ như Nữ Vương. "Vương quyền" của Mẹ là một phục vụ! Việc phục vụ của mẹ là một "vương quyền"!

Uy quyền trong gia đình cũng như trong xã hội và Giáo hội, phải được hiểu như vậy. "Vương quyền" là một mặc khải của ơn gọi căn bản thuộc hữu thể nhân bản, với tư cách được sáng tạo giống "hình ảnh" của Đấng là Chúa trời đất, và được kêu gọi làm dưỡng tử Chúa trong Đức Kitô. Con người là tạo vật duy nhất trên mặt đất mà "Chúa đã muốn cho chính nó", như Công đồng Vatican II dạy, Công Đồng nói thêm cách có ý nghĩa rằng con người "chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến thân" (Gaudium et Spes, n. 24).

"Vương quyền" từ mẫu của Đức Maria hệ tại đó. Toàn thân Mẹ đã là một tặng phẩm cho Chúa Con, Mẹ cũng là một tặng phẩm cho các con trai con gái của toàn thể nhân loại, gợi lên niềm tin rất sâu xa của kẻ quay về với Mẹ để được Mẹ dắt đi dọc những con đường khó nhọc sự sống, tới đích cùng cá nhân mình, tới án mạng siêu việt của mình. Qua những giai đoạn ơn gọi riêng của mình, mỗi người đi tới cùng đích này, cùng đích định hướng sự cam kết trong thời gian của người nam cũng như người nữ.

11. Trong viễn ảnh "phục vụ" này - phục vụ diễn tả "vương quyền" thật của hữu thể nhân loại, nếu nó được hoàn thành trong tự do, trong hỗ tương và tình yêu -, cũng có thể chấp nhận một sự khác biệt nào đó về nhiệm vụ, mà không sinh ra những hậu quả bất lợi cho người nữ, theo mức độ sự khác biệt đó không phải là hậu quả của một trật tự độc đoán, nhưng phát xuất từ những đặc tính của hữu thể nam và nữ. Đó là một khẳng định cũng được áp dụng riêng biệt bên trong Giáo hội. Nếu Chúa Kitô - do một sự chọn lựa tự do và tối cao, được chứng nhận rõ rệt trong Tin Mừng và trong truyền thống liên tục của Giáo hội - chỉ giao phó cho người nam nhiệm vụ làm "hình ảnh" gương mặt "mục tử" của Người và "làm phu quân" của Giáo Hội qua việc thực thi chức tư tế thừa tác, thì điều đó không cướp đoạt gì hết đối với vai trò người nữ, cũng như đối với vai trò những phần tử khác trong Giáo hội mà không được trao quyền thừa tác vụ thánh, bởi vì tất cả đều được phú cho phẩm giá riêng biệt "của chức tư tế chung" gốc rễ trong bí tích Rửa Tội. Thật vậy, những phân biệt vai trò không nên giải thích dưới ánh sáng những qui luật hoạt động xứng hợp với các xã hội loài người, nhưng theo những tiêu chuẩn riêng của nhiệm cục bí tích, nghĩa là nhiệm cục của "những dấu" Chúa tự do lựa chọn, để hiện diện giữa loài người.

Hơn nữa, chính trong đường lối của nhiệm cục các dấu này, cho dầu bên ngoài lãnh vực bí tích, "nữ tính", sống theo kiễu mẫu Đức Maria, không được coi thường. Thật vậy, trong "nữ tính" của người nữ tín hữu, và cách riêng của người nữ "thánh hiến", có một thứ "lời ngôn sứ" tự tại (x. Mulieris dignitatem, n. 29), một biểu trưng khơi động mạnh, người ta có thể nói "một đặc tính hình ảnh" có thai, đặc tính thực hiện đầy đủ nơi Đức Maria và diễn tả đúng chính hữu thể của Giáo Hội với tư cách là cộng đồng thánh hiến, trong sự tràn trề của một con tim "đồng trinh", để làm "Hiền Thê" của Chúa Kitô và "Mẹ" của các tín hữu. Trong viễn ảnh bổ sung "hình ảnh" của những vai trò nam và nữ, có hai chiều kích không thể phân ly của Giáo Hội càng hiện ra ánh sáng hơn nữa: nguyên lý "Maria" và nguyên lý "tông đồ và Phêrô" (x. ibid, n.27).

Trong lãnh vực bao la này của việc phục vụ, lịch sử Giáo hội, qua hai ngàn năm, mặc dầu với bao nhiêu qui định, thật sự đã biết "thiên tài người nữ", vì đã thấy xuất hiện trong lòng mình những người nữ hàng đầu, họ đã để lại một dấu tích quan trọng và tốt lành về chính mình, trong những thời đại khác nhau. Tôi nghĩ tới đoàn dài những người nữ tử đạo, những thánh nữ, những dấu hiệu thần bí. Cách riêng tôi nghĩ tới thánh Catarina thành Siênna, thánh Têrêsa Avila, những vị thánh được đức Giáo hoàng Phaolô VI ban cho tước hiệu Tiến sĩ Giáo hội. Và làm sao không nhắc tới vô số người nữ, do đức tin khích động, đã hiến đời mình cho những sáng kiến có ích lạ lùng cho xã hội, cách riêng để phục vụ những kẻ nghèo nhất ?

Tương lai Giáo hội trong ngàn năm thứ ba chắc sẽ thấy xuất hiện những biểu thị mới mẽ và đáng ca ngợi của "thiên tài nữ giới".

12. Thưa chị em quí mến, chị em thấy Giáo hội có nhiều lý do để ước muốn rằng, trong kỳ Hội Nghị sắp tới do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, người ta đưa ra ánh sáng chân lý trọn vẹn về người nữ. Ước gì người ta tán dương thật sự "thiên tài người nữ", lưu ý không những tới các người nữ quan trọng và danh tiếng, đã sống thời quá khứ hay còn đồng thời với chúng ta, nhưng cũng lưu tâm tới các người nữ bình thường, những người phát triển tài năng phụ nữ của mình để phục vụ những kẻ khác trong cái tầm thường hằng ngày !

Thật vậy, chính lúc hiến mình cho kẻ khác trong đời sống mỗi ngày mà người nữ thực hiện ơn gọi sâu xa của sự sống mình, người nữ đó thấy người nam, có lẽ còn hơn người nam, bởi vì người nữ đó thấy người nam với con tim. Người nữ đó thấy người nam mà không quan tâm tới những hệ thống khác biệt ý thức hệ hay chính trị.

Người nữ đó thấy người nam với sự cao cả và những hạn chế của người nam, và người nữ đó tìm đến gặp người nam và làm trợ tá cho họ. Bằng cách đó, trong lịch sử nhân loại, được thực hiện chương trình cơ bản của Đấng Sáng Tạo và xuất hiện không thôi, trong vẻ khác biệt các ơn gọi, sự tốt đẹp - không những thể lý mà còn thiêng liêng - mà Thiên Chúa đã ban phát từ đầu cho tạo vật nhân bản và cách riêng cho người nữ.

Đang khi tôi phó thác cho Thiên Chúa trong kinh nguyện, hậu quả tốt đẹp của cuộc gặp gỡ quan trọng tại Bắc Kinh, tôi kêu mời các cộng đồng Giáo hội lấy năm nay làm thời gian cảm tạ sâu sắc ơn Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Thế, vì tặng phẩm của một tài sản to lớn như là nữ tính; trong những biểu lộ đa dạng của nó, nữ tính thuộc về gia sản cấu tạo của nhân loại và của Giáo hội.

Xin Đức Maria, Nữ Vương tình yêu, chăm sóc các người nữ và sứ mệnh của họ trong việc phục vụ nhân loại, hoà bình, và sự truyền bá Nước Chúa!

Với sự chúc lành của tôi.

Từ Vatican, ngày 29 tháng 6 năm 1995, ngày lễ trọng kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

Ngày 29.6.1995

+ Gioan-Phaolô II

Chuyển ngữ : Lm. Phêrô Nguyễn Quang Sách
Nguồn: VCN (18.3.2001).

Thư của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gởi phụ nữ toàn thế giới (1)