Tông huấn “Christus Vivit” (6)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 693 | Cật nhập lần cuối: 11/27/2019 9:20:10 AM | RSS

CHƯƠNG NĂM

Những nẻo đường của tuổi trẻ

Tông huấn “Christus Vivit” (6)134. Người ta sống trẻ trung như thế nào khi để lời loan báo tuyệt vời của Phúc-âm khai sáng và biến đổi chúng ta? Đặt câu hỏi như thế rất quan trọng, vì tuổi trẻ, còn gì tự hào hơn, là một hồng ân của Thiên Chúa: “Tuổi trẻ là một ân sủng, một gia tài”. (71) Đó là một quà tặng mà có thể chúng ta lãng phí một cách vô ích, hoặc có thể đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn.

135. Thiên Chúa là tác giả của tuổi trẻ và Ngài hoạt động trong mỗi người trẻ. Đối với người trẻ, tuổi trẻ là một thời gian được chúc phúc và là một phúc lành cho Hội Thánh và thế giới. Đó là một niềm vui, một bài ca của hy vọng và một phúc lành. Trân quý tuổi trẻ nghĩa là xem giai đoạn sống này như một khoảng thời gian quý giá chứ không như một quãng chuyển tiếp mà người trẻ cảm thấy bị bị đẩy đến tuổi trưởng thành.

Thời mộng mơ và chọn lựa

136. Vào thời Chúa Giêsu, việc từ giã tuổi ấu thơ là một bước chuyển tiếp đáng được mong đợi trong cuộc sống, đáng được tổ chức ăn mừng. Vì thế, khi Chúa Giêsu cho một “bé gái” sống lại (Mc 5, 39), Người đã để em bước thêm một bước, làm cho em lớn lên và trở thành “thiếu nữ” (Mc 5, 41). Khi Người nói với em: “Này cô bé, hãy trỗi dậy!” (Talità kum), cũng chính là lúc Người làm cho em có trách nhiệm hơn với cuộc đời của em, mở ra cho em những cánh cửa của tuổi trẻ.

137. “Tuổi trẻ, thời kỳ phát triển nhân cách, mang dấu ấn của những ước mơ đang dần dần hình thành, nhờ những tương quan ngày càng vững chắc và quân bình hơn, nhờ những nỗ lực và thử nghiệm, nhờ những chọn lựa để từng bước lập kế hoạch cho cuộc đời mình. Vào giai đoạn này trong đời, người trẻ được kêu gọi phóng mình đến tương lai, mà không cắt đứt với nguồn cội của mình, được kêu gọi trở nên tự lập, nhưng không cô độc”. (72)

138. Tình yêu của Thiên Chúa và mối tương quan của chúng ta với Đức Kitô hằng sống không ngăn cản chúng ta mơ ước, không đòi chúng ta phải thu hẹp chân trời của mình. Trái lại, tình yêu này thôi thúc chúng ta, khuyến khích chúng ta, và hướng chúng ta đến một cuộc sống tốt hơn và đẹp hơn. Phần nhiều khát vọng nơi con tim của người trẻ có thể được đúc kết nơi chữ “khắc khoải”. Như Thánh Phaolô VI đã nói, “chính trong cảm giác không thoả mãn mà các con kinh nghiệm [...] có một yếu tố ánh sáng”. (73) Sự khắc khoải không được thoả mãn, cùng với sự kinh ngạc về những điều mới lạ xuất hiện ở chân trời, mở lối thúc đẩy họ bạo dạn đảm nhận cuộc đời mình và mang trách nhiệm thực hiện một sứ vụ. Sự khắc khoải lành mạnh này, trước hết thức dậy trong tuổi thanh xuân, vẫn là đặc trưng của mọi tâm hồn trẻ trung, sẵn sàng cống hiến và cởi mở. Sự bình an nội tâm đích thực cùng tồn tại với cảm giác không thoả mãn sâu xa này. Thánh Augustinô nói: “Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên chúng con cho Chúa và tâm hồn chúng con còn khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa mà thôi”. (74)

139. Cách nay không lâu một người bạn hỏi tôi nhìn thấy gì khi nghĩ đến một người trẻ. Câu trả lời của tôi là: “Tôi thấy một cậu bé hoặc một cô bé đang tìm lối bước riêng của mình, cô cậu đó muốn đi bằng đôi chân của mình, đối diện với thế giới và nhìn về chân trời với cặp mắt chan chứa hy vọng, tràn đầy tương lai và cả ảo tưởng nữa. Người trẻ đi bằng đôi chân của mình như người lớn, nhưng khác người lớn, người lớn giữ hai chân song song, nhưng người trẻ luôn đặt một chân trước một chân sau, sẵn sàng để bước tới, để nhảy. Người trẻ luôn lao về phía trước. Nói về những người trẻ nghĩa là nói về lời hứa, về niềm vui. Những người trẻ thì dồi dào sinh lực, họ có khả năng nhìn với niềm hy vọng. Một người trẻ là một lời hứa hẹn của sự sống, bởi họ có một khả năng kiên cường nhất định; đủ điên rồ để có thể tự lừa dối mình, đồng thời cũng có khả năng chữa lành sự vỡ mộng có thể xảy ra”. (75)

140. Một số người trẻ có lẽ chối từ giai đoạn này của cuộc đời vì họ muốn tiếp tục là trẻ con, hoặc muốn “kéo dài vô thời hạn tuổi niên thiếu và trì hoãn việc phải quyết định; như thế nỗi lo sợ trước những gì là dứt khoát và vĩnh viễn đã tạo ra một tình trạng tê liệt khiến họ không thể quyết định. Tuy nhiên, giới trẻ không thể sống lơ lửng lâu được: đây là tuổi phải lựa chọn và chính điều này làm nên sự hấp dẫn và cũng là nhiệm vụ lớn nhất của giới trẻ. Giới trẻ phải lấy quyết định trong các lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội, chính trị, nhưng họ cũng phải lấy những quyết định khác, triệt để hơn, những quyết định mà sẽ định đoạt hướng đi dứt khoát cho cuộc đời họ”. (76) Họ cũng đưa ra những quyết định liên quan đến tình yêu, việc lựa chọn người bạn đời hoặc quyết định về việc có những đứa con đầu tiên. Chúng ta sẽ đào sâu các chủ đề này trong những chương cuối, dành riêng cho ơn gọi cá nhân và sự phân định.

141. Nhưng ngược lại với những ước mơ thôi thúc các quyết định này, luôn “có những kêu than, chực bỏ cuộc đe doạ. Chúng ta hãy để các điều ấy lại cho những môn đệ của ‘nữ thần kêu than’! [...] đó là một thần lừa dối, dẫn dụ con đi lầm đường lạc lối. Khi mọi sự dường như khựng lại và trì trệ, khi những vấn đề cá nhân làm chúng ta bất an, khi các vấn đề xã hội không tìm được câu trả lời thích đáng, thì bỏ cuộc không phải là điều tốt. Đức Giêsu là con đường: hãy để Người lên ‘thuyền’ của chúng ta và cùng ra khơi với Người! Người là Chúa! Người thay đổi cái nhìn cuộc sống của chúng ta. Niềm tin vào Đức Giêsu dẫn đến một niềm hy vọng vượt xa hơn, một bảo đảm chắc chắn không chỉ dựa trên các phẩm chất và tài năng của chúng ta, mà dựa trên Lời Chúa, trên lời Người mời gọi. Đừng quá tính toán theo kiểu phàm nhân và đừng lo lắng xem xét thực tế quanh các con có an toàn hay không. Hãy ra khơi, hãy ra khỏi chính mình”. (77)

142. Chúng ta phải kiên trì theo đuổi con đường thực hiện những giấc mơ của mình. Để được như thế, chúng ta phải cẩn thận với một cám dỗ thường xuyên trêu ngươi, là sự lo âu. Lo âu có thể trở thành một kẻ đại thù khi nó làm cho chúng ta đầu hàng vì không thấy kết quả ngay tức khắc. Người ta chỉ đạt được những ước mơ đẹp nhất nhờ hy vọng, kiên nhẫn và dấn thân, mà không nóng vội. Đồng thời, cũng không nên tự giam hãm trong sự lưỡng lự, sợ rủi ro và phạm sai lầm. Đúng hơn chúng ta phải sợ mình sống mà như đã chết vì tê liệt, thu mình trong vỏ ốc không muốn mạo hiểm, bởi vì chúng ta không dấn thân hoặc sợ phạm sai lầm. Ngay cả khi sai lầm, con vẫn luôn có thể trỗi dậy ngẩng cao đầu và bắt đầu lại, vì không ai có quyền cướp đi niềm hy vọng của con.

143. Các bạn trẻ thân mến, tốt hơn hết các con đừng đánh mất tuổi thanh xuân của mình, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Các con đừng lẫn lộn hạnh phúc với chiếc ghế bành và đừng sống cả cuộc đời mình trước cái màn hình. Đừng để mình rơi vào cảnh tượng thê thảm như của một chiếc ôtô phế thải. Đừng như những chiếc xe nằm trong bãi đậu xe, nhưng hãy ước mơ thoả chí và hãy đưa ra những quyết định. Các con hãy mạo hiểm, dù có thất bại. Đừng tiếp tục sống với tâm hồn đã tê dại và đừng nhìn thế giới như những khách du lịch. Hãy lên tiếng! Hãy xua tan những nỗi sợ khiến các con tê liệt, để không trở thành những người trẻ như xác ướp. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở các cánh cửa lồng ra và bay đi! Làm ơn, đừng về hưu non các con nhé.

Khát khao sống và trải nghiệm

144. Hướng về dự phóng tương lai mơ ước này không có nghĩa là người trẻ hoàn toàn phóng mình về phía trước, bởi lẽ, cùng lúc đó trong họ cũng có một ước muốn mãnh liệt sống cuộc sống hiện tại, muốn tận dụng tối đa những cơ hội mà cuộc sống này đem lại. Thế giới này tràn ngập vẻ đẹp! Làm sao chúng ta có thể coi thường những tặng phẩm của Thiên Chúa?

145. Ngược lại với những điều nhiều người thường nghĩ, Chúa không muốn làm suy yếu ước muốn sống này. Nên nhắc lại những gì mà một hiền nhân trong Cựu Ước đã dạy: “Con ơi, nếu có của, hãy làm cho đời con được tốt đẹp [...]. Con đừng từ chối không hưởng một ngày vui” (Hc 14,11.14). Thiên Chúa thật là Đấng yêu thương con, Ngài muốn con hạnh phúc. Đó là lý do trong Thánh Kinh cũng có lời khuyên này cho người trẻ: “Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ. [...] Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn” (Gv 11,9-10). Bởi vì Thiên Chúa “cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1 Tm 6, 17).

146. Làm sao người ta có thể biết ơn Thiên Chúa nếu không biết tận hưởng những món quà nho nhỏ hằng ngày của Ngài, nếu không biết dừng lại trước những điều đơn sơ và dễ thương mà họ gặp trên mỗi bước đi? Bởi vì “không ai tệ hơn kẻ làm hại chính mình” (Hc 14, 6). Điều quan trọng không phải là hưởng thụ vô độ, vui thú bất tận, ngược lại, bởi vì điều này sẽ ngăn cản con sống cuộc sống hiện tại. Điều quan trọng là biết mở mắt ra nhìn và dừng lại chốc lát để cảm nhận trọn vẹn mọi món quà bé nhỏ của cuộc sống với lòng biết ơn.

147. Rõ ràng Lời Chúa mời con sống hiện tại, chứ không chỉ chuẩn bị cho ngày mai: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34). Nhưng điều này không có nghĩa là lao mình vào một cuộc sống phóng đãng vô trách nhiệm, vốn chỉ đưa tới sự trống rỗng và luôn bất mãn; nhưng là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, nhờ dùng các năng lực của mình cho những điều tốt đẹp, nhờ biết vun đắp tình huynh đệ, nhờ học theo Đức Giêsu và quý trọng những niềm vui bé nhỏ của cuộc sống như một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa.

148. Về vấn đề này, tôi muốn nhắc lại rằng Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, khi bị giam cầm trong một trại tập trung, đã không muốn những ngày sống của ngài chỉ là sự chờ đợi và mong mỏi một tương lai được tự do. Ngài đã chọn “sống giây phút hiện tại, lấp đầy nó bằng tình yêu”; và cách mà Ngài thực hiện đó là: “Tôi nắm lấy những cơ hội có được mỗi ngày, để chu toàn những việc bình thường một cách phi thường”. (78) Trong khi đấu tranh để thực hiện những ước mơ của mình, con hãy sống cách tròn đầy ngày hôm nay, cho đi tất cả và lấp đầy tình yêu từng giây phút. Bởi vì thật sự ngày hôm nay của tuổi trẻ của con có thể là ngày cuối cùng, và như thế rất đáng nỗ lực để sống tuổi trẻ ấy với tất cả lòng khát khao và chiều sâu nhất có thể.

149. Điều này cũng có giá trị đối với những lúc khó khăn, là những hoàn cảnh phải được sống đến tận cùng để có thể học được thông điệp của chúng. Như các Giám mục Thụy Sĩ đã dạy: “Ngài ở đó, nơi chúng ta nghĩ rằng Ngài đã bỏ rơi chúng ta, và chúng ta không hy vọng được cứu độ nữa. Đó là một nghịch lý, nhưng đối với nhiều Kitô hữu, đau khổ và bóng tối, [...] lại trở thành những nơi gặp gỡ Thiên Chúa”. (79) Hơn nữa, khát vọng sống và kinh nghiệm những điều mới mẻ đặc biệt liên quan đến nhiều người trẻ trong hoàn cảnh khuyết tật về thể lý, tâm lý và giác quan. Mặc dù các bạn ấy không thể luôn có những kinh nghiệm giống như các bạn cùng trang lứa, nhưng các bạn ấy vẫn có những nguồn lực kỳ diệu, không thể tưởng, đôi khi phi thường. Đức Giêsu lấp đầy các bạn ấy bằng những quà tặng khác, mà cộng đồng được mời gọi hãy biết quý trọng, để các bạn ấy có thể khám phá kế hoạch yêu thương của Người dành cho mỗi người trong họ.

Trong tình bạn với Đức Kitô

150. Dù con có sống và trải nghiệm đến đâu chăng nữa, con cũng sẽ không bao giờ chạm đến ý nghĩa sâu xa nhất của tuổi trẻ, con sẽ không nhận biết được tuổi trẻ đầy đủ nhất, nếu con không gặp Người Bạn lớn mỗi ngày, nếu con không sống trong tình bạn với Đức Giêsu.

151. Tình bạn là một quà tặng của cuộc sống và là một hồng ân của Thiên Chúa. Qua bạn bè, Chúa tinh luyện chúng ta và làm cho chúng ta trưởng thành. Đồng thời, những người bạn trung thành, những người ở bên ta trong những thời buổi khó khăn, đó cũng là phản ảnh tình thương của Chúa, phản ảnh niềm an ủi và sự hiện diện yêu thương của Ngài. Có bạn bè chúng ta sẽ học được biết cởi mở, hiểu biết, quan tâm đến người khác, đi ra khỏi cuộc sống thoải mái tiện nghi và cô lập của chính mình, chia sẻ đời sống mình với người khác. Bởi đó “không có gì đổi lấy được một người bạn trung thành” (Hc 6, 15).

152. Tình bạn không phải là một mối quan hệ nhất thời, tạm bợ, nhưng ổn định, bền vững, trung thành, chín muồi theo thời gian. Đó là một mối tương quan cảm mến nối kết chúng ta lại với nhau, và đồng thời đó cũng là một tình yêu quảng đại dẫn chúng ta đến việc tìm kiếm điều tốt đẹp cho bạn bè. Mặc dù bạn hữu có thể rất khác nhau, nhưng luôn có một số điểm chung khiến chúng ta cảm thấy gần gũi, thân tình để chia sẻ với lòng chân thành và tin tưởng.

153. Tình bạn quan trọng đến nỗi chính Đức Giêsu tự giới thiệu như một người bạn: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 15). Nhờ ân sủng Người ban cho chúng ta, mà chúng ta được nâng lên đến mức chúng ta thật sự là bạn hữu của Người. Với cùng một tình yêu mà Người dành cho chúng ta, chúng ta có thể yêu Người, lan toả tình yêu của Người cho những người khác, với hy vọng là họ cũng sẽ tìm thấy chỗ đứng của họ trong cộng đồng bạn hữu đã được Đức Giêsu Kitô thiết lập. (80) Và dù cho Người đã phục sinh đang sống trong vinh phúc viên mãn, chúng ta cũng có thể cùng với Người, quảng đại giúp xây dựng Vương quốc của Người trên trần gian này, trở nên những công cụ của Người để mang sứ điệp, ánh sáng và nhất là tình yêu của Người đến cho những người khác (x. Ga 15, 16). Các môn đệ đã lắng nghe lời mời gọi của Đức Giêsu để trở nên bạn hữu của Người. Đây là lời mời gọi không hề áp chế họ, nhưng tế nhị mời gọi trong sự tự do: “Hãy đến mà xem”, Người đã nói với họ, và họ “đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1, 39). Sau cuộc gặp gỡ thân mật và bất ngờ đó, họ để lại tất cả mọi sự và đi với Người.

154. Tình bạn với Đức Giêsu thì bất khả phân ly. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, mặc dù đôi khi có vẻ như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần đến Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta (x. Gr 29, 14) và Người ở bên chúng ta trong bất cứ nơi nào (x. Gs 1, 9). Vì Người không bao giờ phá vỡ giao ước [nên] Người yêu cầu chúng ta đừng bỏ Người: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15, 4). Nhưng nếu chúng ta xa lánh Người, “Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2, 13).

155. Với một người bạn, chúng ta có thể trò chuyện và chia sẻ những điều sâu kín nhất. Cũng thế, với Đức Giêsu chúng ta có thể đàm đạo với Người. Cầu nguyện là một thách đố và cũng là một cuộc phiêu lưu. Và cuộc phiêu lưu thật là thú vị biết bao! Nó cho phép chúng ta biết Người mỗi ngày một hơn, cho chúng ta đi vào tương giao sâu xa với Người và càng ngày càng kết hợp bền chặt hơn với Người. Cầu nguyện cho phép chúng ta chia sẻ với Người mọi điều xảy đến với mình và tín thác trong vòng tay của Người, đồng thời cầu nguyện cũng cho chúng ta những giây phút thân tình quý giá, trong đó Đức Giêsu trao ban sự sống của Người cho chúng ta. Khi cầu nguyện “chúng ta cởi mở tất cả với Người”, chúng ta dành chỗ cho Người “để Người có thể hành động và có thể bước vào và có thể chiến thắng”. (81)

156. Như vậy ta có thể đạt đến kinh nghiệm kết hợp thường xuyên với Người, vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể sống với những người khác: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Đừng tước mất khỏi tuổi trẻ của con tình bạn này. Có thể con sẽ cảm thấy Người ở bên cạnh không chỉ khi cầu nguyện. Con sẽ nhận ra Người đồng hành với con trong mọi lúc. Hãy thử khám phá Người và con sẽ có kinh nghiệm tuyệt vời là nhận ra rằng Người luôn đồng hành với con. Đây là kinh nghiệm của các môn đệ đi Emmau đã trải qua đang lúc họ hoang mang bước đi và trò chuyện, thì Chúa Giêsu hiện ra và “cùng đi với họ” (Lc 24, 15). Một vị thánh nói rằng “Kitô giáo không phải là một tập hợp các chân lý phải tin, các luật lệ phải giữ, các điều cấm đoán. Nhìn như thế làm ta chán ghét. Kitô giáo là một Con Người, Người đã yêu tôi nhiều đến nỗi tôi phải yêu lại Người. Kitô giáo là Đức Kitô”. (82)

157. Đức Giêsu có thể liên kết tất cả mọi người trẻ của Hội Thánh lại với nhau trong một giấc mơ duy nhất, “một giấc mơ vĩ đại và một giấc mơ có chỗ cho tất cả mọi người. Vì giấc mơ ấy mà Đức Giêsu đã hiến mình trên thập giá và Thánh Thần đã được đổ tràn như hình lưỡi lửa ngày lễ Ngũ Tuần nơi tâm hồn của những người nam và nữ, trong con tim mỗi người, [...] Ngài đã mang lửa ấy trong hy vọng tìm được chỗ trong các tâm hồn, để từ đó lớn lên và triển nở. Một giấc mơ, một giấc mơ mang tên Giêsu, được gieo vãi từ Chúa Cha: Người là Thiên Chúa giống như Chúa Cha, được Chúa Cha sai đến với niềm tin tưởng rằng Người sẽ lớn lên sẽ và sống trong mọi tâm hồn. Một giấc mơ cụ thể, chính là một Ngôi vị, chảy tràn trong huyết quản của chúng ta, làm cho lòng ta rộn rã nhảy mừng”. (83)

Lớn lên và trưởng thành

158. Nhiều người trẻ quan tâm đến thân thể mình, tìm cách phát triển sức mạnh thể lý hoặc ngoại hình. Những người trẻ khác thì cố gắng phát huy tài năng và kiến ​​thức của mình, và bằng cách đó họ cảm thấy tự tin hơn. Một số người trẻ khác nhắm cao hơn, cố gắng dấn thân hơn và tìm kiếm một sự phát triển tâm linh. Thánh Gioan nói: “Hỡi các bạn trẻ, tôi đã viết cho anh em, vì anh em là những người mạnh mẽ, và Lời Thiên Chúa ở lại trong anh em” (1 Ga 2, 14). Tìm kiếm Chúa, giữ Lời Người, tìm cách đáp Lời Người bằng chính đời sống của mình, lớn lên trong các nhân đức, điều này làm cho tâm hồn của những người trẻ trở nên mạnh mẽ. Vì vậy, cần phải giữ “kết nối” với Đức Giêsu, để được “kết hợp trực tuyến” với Người, vì con sẽ không lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện chỉ với sức mạnh và sự thông minh của mình. Giống như con lo lắng để không mất kết nối Internet, hãy bảo đảm rằng con luôn kết nối với Chúa. Điều này có nghĩa là không ngắt cuộc đối thoại với Chúa, nhưng lắng nghe Người, chia sẻ cho Người nghe mọi chuyện của con, và khi con không biết rõ ràng con nên làm thì hãy hỏi Người: “Lạy Chúa Giêsu, ở địa vị con, Người sẽ làm gì?” (84)

159. Cha hy vọng con quý trọng bản thân mình, thật nghiêm túc với chính mình đến mức cố gắng phát triển bản thân về đời sống thiêng liêng. Ngoài nhiệt huyết đặc trưng của tuổi trẻ, còn có vẻ đẹp của việc tìm kiếm “sự công chính, đức tin, đức ái, bình an” (2 Tm 2, 22). Điều này không có nghĩa là phải đánh mất đi tính hồn nhiên, tươi trẻ, nhiệt thành, dịu dàng. Bởi lẽ trở nên người trưởng thành không có nghĩa là phải từ bỏ các giá trị tốt đẹp nhất của giai đoạn này trong đời sống. Nếu không, một ngày nào đó, Chúa có thể quở trách con: “Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc” (Gr 2, 2).

160. Mặt khác, ngay cả một người trưởng thành cũng phải chín chắn hơn mà không đánh mất các giá trị của tuổi trẻ. Bởi vì thật ra, mỗi giai đoạn của cuộc đời là một ân sủng thường hằng, chất chứa một giá trị vững bền của nó. Một trải nghiệm tuổi trẻ được sống tốt đẹp luôn còn đó như một kinh nghiệm nội tâm. Và trong đời sống trưởng thành, kinh nghiệm ấy thấm nhập sâu sắc hơn và tiếp tục trổ sinh hoa trái. Nếu đặc trưng của người trẻ là họ cảm thấy bị lôi cuốn bởi chân trời vô hạn mở ra và bắt đầu, (85) thì nơi người trưởng thành có thể có nguy cơ là, với những sự an toàn và các tiện nghi của mình, ngày càng kéo lùi xa chân trời này và đánh mất giá trị của tuổi trẻ mình. Thay vào đó, lẽ ra phải có điều ngược lại. Tức là, khi trưởng thành, càng già đi và đời sống của mình càng được quy củ, chúng ta vẫn không mất đi sự hấp dẫn, càng mở rộng hơn nữa trước thực tại khôn cùng. Trong mọi giây phút của đời sống, chúng ta có thể làm mới lại và gia tăng sức trẻ của mình. Khi tôi bắt đầu sứ vụ Giáo hoàng của mình, Chúa đã mở rộng tầm nhìn của tôi và ban cho tôi một nét trẻ trung mới. Điều tương tự có thể xảy ra với một cặp vợ chồng đã kết hôn nhiều năm, hoặc với một đan sĩ trong đan viện của mình. Có những điều cần “ổn định” theo thời gian, nhưng chúng ta có thể trưởng thành hơn mỗi ngày cùng với một ngọn lửa luôn được thắp mới, với một con tim luôn trẻ trung.

161. Già đi hơn có nghĩa là giữ gìn và nâng niu những gì quý giá nhất mà tuổi trẻ mang lại cho con, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là mở ra để thanh luyện điều không tốt và đón nhận những hồng ân mới của Thiên Chúa, để phát triển những gì có giá trị. Đôi khi, những mặc cảm tự ti có thể làm con không muốn nhìn thấy khuyết điểm và những yếu nhược của mình, và như thế là con bị cản trở, không tăng trưởng và trưởng thành. Tốt hơn hết, con hãy để cho Chúa yêu thương mình, Ngài yêu con đúng với con người thật của con, Ngài quý mến con và tôn trọng con, nhưng Ngài cũng không ngừng ban thêm nhiều hơn nữa cho con. Chẳng hạn như tương quan tình bạn với Ngài sâu đậm hơn, nhiệt thành hơn trong cầu nguyện, đói khát Lời Chúa nhiều hơn, khao khát lãnh nhận Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể nhiều hơn, ước muốn sống Tin Mừng của Người hơn, có nhiều sức mạnh nội tâm hơn, nhiều bình an và niềm vui thiêng liêng hơn.

162. Nhưng cha nhắc con nhớ rằng con sẽ không nên thánh và trở nên viên mãn bằng cách trở thành bản sao của người khác. Noi gương các thánh không có nghĩa là sao chép cách thức sống thánh của các ngài: “Có một số chứng tá có thể hữu ích và gợi hứng, nhưng không phải để chúng ta sao chép lại, vì điều đó có thể đưa ta đi lạc khỏi nẻo đường riêng mà Thiên Chúa có ý dành cho ta”. (86) Con phải khám phá ra mình là ai và phát triển nẻo đường nên thánh của riêng của mình, khác với những gì người khác nói và nghĩ. Nên thánh có nghĩa là trở nên chính mình cách đầy đủ nhất, là trở nên điều mà Thiên Chúa đã muốn mơ ước và tạo dựng, chứ không phải một bản sao. Đời sống của con phải là một thúc đẩy mang tính tiên tri, gợi hứng cho những người khác, ghi dấu ấn nơi thế giới này, đó là dấu ấn độc đáo mà chỉ một mình con mới có thể để lại. Ngược lại, nếu con chỉ sao chép người khác, con sẽ tước mất khỏi trái đất và cả bầu trời này một điều mà không ai khác có thể thay thế con cống hiến được. Cha nhớ Thánh Gioan Thánh Giá, trong tác phẩm Khúc Linh Ca của ngài, đã viết rằng mỗi người phải rút ra những lợi ích từ lời khuyên nhủ thiêng liêng của ngài “theo cách riêng của mình”, (87) vì chính Thiên Chúa muốn bày tỏ ân sủng của Ngài “cho mỗi người mỗi cách”. (88)

Những nẻo đường huynh đệ

163. Sự trưởng thành tâm linh của con được thể hiện trước hết trong tình huynh đệ, quảng đại và tình yêu thương xót. Thánh Phaolô đã nói: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy” (1 Tx 3, 12). Cầu mong con sẽ sống mỗi ngày một hơn “sự xuất thần” ngây ngất khi đi ra khỏi chính mình để tìm kiếm điều tốt đẹp cho những người khác, ngay cả dù phải hy sinh mạng sống mình.

164. Một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa được gọi là “xuất thần”, vì nó kéo chúng ta ra khỏi chính mình và nâng chúng ta lên, đưa chúng ta vào tình yêu và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng có thể “xuất thần” khi ra khỏi chính mình để nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người, phẩm giá của họ, sự vĩ đại của họ trong tư cách như là hình ảnh của Thiên Chúa và người con của Cha trên trời. Chúa Thánh Thần muốn thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình, đón nhận những người khác trong yêu thương và tìm kiếm điều tốt đẹp cho họ. Vì vậy, tốt nhất là cùng nhau sống đức tin và diễn tả tình yêu của chúng ta trong đời sống cộng đoàn, qua việc chia sẻ yêu thương với các bạn trẻ khác, chia sẻ thời giờ, đức tin và các lo âu của mình. Hội Thánh cung cấp nhiều không gian khác nhau để sống đức tin trong cộng đoàn, vì khi cùng làm với nhau mọi sự sẽ dễ dàng hơn.

165. Những vết thương mà các con nhận được có thể cám dỗ các con rút lui sống cô lập, co cụm lại với chính mình, nuôi những oán hờn, nhưng đừng bao giờ ngừng lắng nghe lời mời gọi tha thứ của Chúa. Như các Giám mục Rwanda đã dạy rất hay, “để hoà giải với người khác trước hết đòi hỏi bạn phải khám phá người ấy là hình ảnh rạng ngời của Thiên Chúa. [...] Trong cái nhìn ấy, điều quan trọng là phải phân biệt tội nhân với tội lỗi của họ, và với hành vi phạm tội của họ, để đi đến hoà giải đích thực. Điều này có nghĩa là bạn ghét sự xấu xa mà người khác gây ra cho bạn, nhưng bạn vẫn tiếp tục yêu thương họ bởi vì bạn nhận ra sự yếu đuối của họ và nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa trong họ”. (89)

166. Đôi khi tất cả năng lực, ước mơ và nhiệt huyết của tuổi trẻ bị tan biến vì chúng ta bị cám dỗ khép lại trong chính mình, trong những vấn đề của mình, trong những cảm giác bị tổn thương, trong những lời phàn nàn và trong cuộc sống tiện nghi. Đừng để điều này xảy ra với con, bởi vì con sẽ già đi trước tuổi. Mỗi lứa tuổi đều có vẻ đẹp riêng của nó, và tuổi trẻ không thể thiếu hoài bão chung, có thể cùng nhau chia sẻ mơ ước, những chân trời bao la mà chúng ta có thể cùng nhau chiêm nghiệm.

167. Thiên Chúa yêu thích niềm vui của người trẻ và Ngài mời họ trước hết hướng đến niềm vui sống tình hiệp thông huynh đệ, hướng đến cảm nhận niềm vui cao vời của người biết chia sẻ, vì “cho đi thì vui hơn là nhận lại” (Cv 20, 35 ) và “Thiên Chúa yêu thích những ai vui vẻ dâng hiến” (2 Cr 9, 7). Tình huynh đệ gia tăng gấp bội khả năng của chúng ta kinh nghiệm niềm vui, bởi vì nó làm cho chúng ta vui vì điều tốt đẹp của người khác. “Hãy vui với người vui” (Rm 12, 15). Ước gì sự hồn nhiên và những xung năng của tuổi trẻ chúng con ngày càng được biến đổi hơn nữa thành tình yêu thương huynh đệ, tươi trẻ, luôn sẵn sàng tha thứ, quảng đại, khao khát xây dựng cộng đồng. Một câu ngạn ngữ châu Phi nói: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những người khác”. Chúng ta đừng để mình bị đánh cắp mất tình huynh đệ.

Những người trẻ dấn thân

168. Trong thực tế, trước một thế giới đầy bạo lực và ích kỷ, người trẻ đôi khi có nguy cơ khép kín mình vào các nhóm nhỏ, và như thế họ tránh xa những thách đố của đời sống trong xã hội, và thế giới rộng lớn, vốn khiêu khích và nhiều nhu cầu. Họ có cảm tưởng mình đang sống tình huynh đệ, nhưng có thể nhóm của họ chỉ là một sự nối dài chính cái tôi của họ. Càng nghiêm trọng hơn nếu họ nghĩ ơn gọi giáo dân chỉ như là một việc phục vụ bên trong Hội Thánh (đọc sách, giúp lễ, giáo lý viên...), mà quên rằng ơn gọi giáo dân trước hết là đức ái trong gia đình và đức ái trong khung cảnh xã hội hoặc chính trị. Đó là một dấn thân cụ thể khởi đi từ đức tin để xây dựng một xã hội mới, là sống giữa thế giới và xã hội để Phúc âm hoá những hoàn cảnh khác nhau, để phát triển hoà bình, sự chung sống, công lý, nhân quyền, lòng nhân từ, và như thế mở rộng Nước Chúa trên trần gian.

169. Cha đề nghị các bạn trẻ hãy vượt ra ngoài các nhóm thân hữu và xây dựng “tình bằng hữu trong xã hội, tìm kiếm thiện ích chung. Hiềm thù xã hội thì dẫn tới hủy diệt. Các gia đình bị hủy diệt bởi hiềm thù. Các quốc gia bị hủy diệt bởi hiềm thù. Thế giới bị hủy diệt bởi hiềm thù. Và sự hiềm thù lớn nhất chính là chiến tranh. Ngày nay chúng ta thấy thế giới đang tự tàn phá bằng chiến tranh. Bởi vì họ không thể ngồi lại để đàm phán. [...] Các con phải là những người có khả năng tạo ra tình bằng hữu trong xã hội”. (90) Đó là điều không dễ dàng, cần phải luôn từ bỏ một điều gì đó, cần phải thương lượng, nhưng nếu chúng ta làm thế vì nghĩ tới lợi ích của mọi người, có thể chúng ta sẽ thực hiện được kinh nghiệm tuyệt vời về việc bỏ qua một bên những khác biệt để cùng nhau đấu tranh cho một mục đích chung. Nếu chúng ta tìm được những điểm tương đồng giữa rất nhiều khác biệt, trong nỗ lực dấn thân và đôi khi vất vả để bắc những nhịp cầu, để kiến tạo một nền hoà bình tốt đẹp cho mọi người, thì đây là phép lạ của nền văn hoá gặp gỡ mà những người trẻ có thể mạnh dạn và say mê sống cho nó.

170. Thượng Hội đồng nhìn nhận rằng “Dấn thân xã hội là một nét đặc thù của giới trẻ hôm nay, dù với những cách thức khác so với các thế hệ trước đây. Tuy có một số sống dửng dưng, nhưng vẫn có nhiều người trẻ sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi hoạt động thiện nguyện, trở nên công dân tích cực và sống tình liên đới trong xã hội: điều quan trọng là chúng ta phải đồng hành và khuyến khích người trẻ phát triển tài năng, năng lực và óc sáng tạo và thúc đẩy họ gánh vác trách nhiệm. Dấn thân xã hội và tiếp xúc trực tiếp với người nghèo là một cơ hội quan trọng để người trẻ khám phá hay đào sâu đức tin và để họ phân định ơn gọi của mình. [...] Cũng có người đã ghi nhận thái độ sẵn sàng dấn thân vào lĩnh vực chính trị vì lợi ích chung nơi người trẻ”. (91)

171. Ngày nay, tạ ơn Chúa, nhiều nhóm trẻ của các giáo xứ, các trường học, các phong trào hoặc các nhóm sinh viên đại học thường đi ra ngoài gặp gỡ thăm viếng những người già và những người bệnh, hoặc thăm viếng các khu xóm nghèo, hay là cùng nhau giúp đỡ những người túng thiếu trong những “buổi tối từ thiện”. Qua những hoạt động này, họ thường nhận ra mình nhận nhiều hơn là cho, bởi vì ta học được khôn ngoan và được trưởng thành rất nhiều khi ta dám tiếp chạm đến nỗi đau của người khác. Hơn thế nữa, nơi những người nghèo có một sự khôn ngoan ẩn giấu, và họ chỉ bằng vài lời nói đơn sơ có thể giúp chúng ta khám phá những giá trị bất ngờ.

172. Những người trẻ khác tham gia vào các chương trình xã hội xây dựng nhà cho người vô gia cư, hoặc cải tạo các khu vực bị ô nhiễm hay quyên góp giúp đỡ những người túng quẫn. Sẽ tốt hơn nếu những góp sức chung này không hoạt động rời rạc nhưng được tổ chức ổn định, với các mục tiêu rõ ràng hướng tới một hoạt động liên tục và càng ngày có hiệu quả hơn. Các sinh viên đại học có thể kết hợp với nhau theo liên ngành để ứng dụng những kiến thức của họ vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, và trong nhiệm vụ này, họ có thể làm việc sát cánh với những người trẻ của các Hội Thánh hoặc tôn giáo khác.

173. Như trong phép lạ của Chúa Giêsu, những chiếc bánh và những con cá của người trẻ có thể được hoá ra nhiều (x. Ga 6,4-13). Như trong dụ ngôn, các hạt giống bé nhỏ của những người trẻ có thể biến thành cây to sinh hoa kết quả cho mùa bội thu (x. Mt 13,23.31-32). Tất cả những điều này được phát khởi từ nguồn mạch sống động của Thánh Thể, trong đó bánh và rượu của chúng ta được biến đổi cho ta sự sống đời đời. Người trẻ được trao phó một nhiệm vụ lớn lao và khó khăn. Với niềm tin vào Đấng Phục Sinh, các bạn có thể đương đầu với thách đố ấy trong sáng tạo và trong hy vọng, luôn sẵn sàng phục vụ, như những gia nhân trong tiệc cưới kia, là những người cộng tác vào dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu chính họ cũng không ngờ. Họ chỉ làm theo lời Đức Mẹ căn dặn: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5). Lòng thương xót, sự sáng tạo và niềm hy vọng làm đời sống triển nở.

174. Cha muốn khuyến khích con dấn thân vào nhiệm vụ này, bởi vì cha biết rằng “quả tim của các con, quả tim trẻ trung, muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Cha đã theo dõi tin tức thế giới và Cha thấy rằng nhiều người trẻ ở nhiều nơi trên thế giới đã xuống đường để bày tỏ ước muốn có một nền văn minh công bằng và huynh đệ hơn. Những người trẻ xuống đường. Đó là những người trẻ muốn trở thành những tác nhân đem lại sự thay đổi. Xin đừng đùn đẩy cho những người khác làm tác nhân của sự thay đổi! Chính các con là những người nắm giữ tương lai! Qua các con tương lai bước vào thế giới. Cha cũng xin các con hãy trở thành những tác nhân của sự thay đổi này. Hãy tiếp tục vượt qua thái độ thờ ơ, bằng cách đưa ra câu trả lời của Kitô giáo cho các vấn đề chính trị và xã hội, tại các vùng khác nhau trên thế giới. Cha xin các con hãy trở thành những người kiến tạo thế giới, các con hãy làm việc hết mình cho một thế giới tốt đẹp hơn. Các bạn trẻ thân mến, cha xin các con đừng bàng quan nhìn cuộc sống mà hãy nhập cuộc. Đức Giêsu không hề là kẻ bàng quan, Người đã nhập cuộc; đừng bàng quan nhìn cuộc sống từ xa xa, hãy bước vào cuộc sống như Đức Giêsu đã làm”. (92) Nhưng trên hết, bằng cách này hay cách khác, các con hãy đấu tranh cho công ích, hãy phục vụ người nghèo, hãy là những tác nhân chính của cuộc cách mạng bác ái và phục vụ, có khả năng kháng cự lại căn bệnh cá nhân chủ nghĩa tiêu thụ và hời hợt.

Những nhà truyền giáo can đảm

175. Yêu mến Đức Kitô, người trẻ được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng ở mọi nơi bằng chính đời sống của mình. Thánh Alberto Hurtado đã nói rằng “là tông đồ không có nghĩa là đeo một huy hiệu trên ve áo; không có nghĩa là thuyết giảng về chân lý, nhưng là sống chân lý, trở thành hiện thân của chân lý, được biến đổi thành Đức Kitô. Trở thành một tông đồ không có nghĩa là người phải cầm một ngọn đuốc trong tay, sở hữu ánh sáng, nhưng là chính ánh sáng [...]. Tin Mừng, [...] là một gương sáng hơn là một bài học. Sứ điệp biến thành sự sống hiện sinh”. (93)

176. Giá trị của chứng từ không có nghĩa là chúng ta phải câm lặng không nói Lời Chúa. Tại sao lại không nói về Chúa Giêsu chứ, tại sao không kể cho người khác rằng Người ban cho chúng ta sức sống, rằng chúng ta thích thú trò chuyện với Người, rằng chúng ta sống rất tốt với việc suy niệm Lời Người? Hỡi các bạn trẻ, đừng để thế giới lôi kéo chúng con vào việc chỉ chia sẻ những sai lầm và hời hợt. Các con hãy cố lội ngược dòng và hãy biết chia sẻ Đức Giêsu, thông truyền đức tin mà Người đã ban cho các con. Cha cầu chúc các con cảm nhận trong lòng sự thúc đẩy không thể cưỡng lại như đã tác động nơi Thánh Phaolô làm ngài thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9, 16).

177. “Chúa Giêsu sai chúng ta đi đâu? Không có ranh giới, không có giới hạn: Người sai chúng ta đến với mọi người. Tin Mừng dành cho tất cả mọi người và không chỉ dành cho một số người. Tin Mừng không chỉ dành cho những người có vẻ gần gũi hơn, dễ tiếp thu hơn, dễ đón nhận hơn. Tin Mừng dành cho tất cả mọi người. Các con đừng sợ ra đi và mang Đức Kitô vào mọi môi trường, cho đến những cuộc sống ở vùng ngoại vi, ngay cả với người xa xăm nhất, người thờ ơ nhất. Chúa tìm kiếm mọi người, Người muốn tất cả cảm nhận được sự ấm áp của lòng thương xót và tình yêu của Người”. (94) Người mời chúng ta ra đi công bố sứ vụ mà không sợ hãi, ở bất cứ nơi đâu và với bất cứ người nào, nơi khu phố, trong trường học, trong lĩnh vực thể thao, trong khi chúng ta đi chơi với bạn bè, khi làm thiện nguyện hoặc làm việc công sở, tất cả đều luôn là dịp tốt và thuận tiện để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng. Đây là cách Chúa tiếp cận mọi người. Và Người muốn các con, những người trẻ, như những phương tiện để Người chiếu giãi ánh sáng và hy vọng, bởi vì Người tin tưởng vào sự can đảm, sự tươi trẻ và lòng nhiệt thành của các con.

178. Các con đừng mong sứ vụ này dễ dàng và thoải mái. Một số người trẻ đã dâng hiến đời mình theo sự thôi thúc truyền giáo. Các Giám mục Hàn Quốc diễn tả thế này: “Chúng tôi hy vọng có thể trở thành những hạt lúa mì và những khí cụ cho việc cứu rỗi nhân loại, nhờ theo gương các vị tử đạo. Mặc dù đức tin của chúng ta nhỏ bé như hạt cải, Thiên Chúa sẽ làm cho nó lớn lên và sẽ sử dụng nó như một khí cụ cho công trình cứu độ của Ngài”. (95) Các bạn hỡi, đừng đợi đến ngày mai mới đóng góp năng lực, sự gan dạ và sự sáng tạo của các con cho việc biến đổi thế giới này. Tuổi trẻ của các con không phải là một “thời gian chuyển tiếp”. Các con là hiện tại của Thiên Chúa, Ngài muốn các con trổ sinh hoa trái. (96) Vì chính khi “cho đi là lãnh nhận” (97) và cách hay nhất để chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp là sống tốt hiện tại với tinh thần dâng hiến và quảng đại.

ĐGH Phanxicô
Nguồn: vietnamese.rvasia.org

_______________________________

Chú thích:

(71) THÁNH PHAOLÔ VI, Huấn từ nhân Lễ tuyên phong Chân phước Nunzio Sulprizio (01/12/1963): AAS 56 (1964), 28.

(72) VK 65.

(73) Bài giảng trong Thánh lễ cho Giới trẻ tại Sydney (02/12/1970): AAS 63 (1971), 64.

(74) Tự thuật I, 1, 1: PL 32, 661.

(75) Thiên Chúa thì trẻ. Cuộc đối thoại với Thomas Leoncini, New York, Random House, 2018, 4.

(76) VK 68.

(77) Gặp gỡ Giới trẻ tại Cagliari (22/09/2013): AAS 105 (2013), 904-905.

(78) Cinque pani e due pesci. Dalla sofferenza del carcere una gioiosa testimonianza di fede, Milano 2014, 20

(79) HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THỤY SĨ, Prendre le temps: pour toi, pour moi, pour nous, 02/02/2018.

(80) X. THÁNH TÔMA AQUINÔ, Summa Theologiae, II-II, q. 23, art. 1.

(81) Huấn từ cho các Tình nguyện viên của Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV tại Panama (27/01/2019): L’Osservatore Romano, 28-29/01/2019, 11.

(82) THÁNH OSCAR ROMERO, Bài giảng (06/11/1977) trong Su Pensamiento, I-II, San Salvador, 2000, tr. 312.

(83) Diễn văn Khai mạc Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV tại Panama (24/01/2019): L’Osservatore Romano, 26/01/2019, 12.

(84) X. Gặp gỡ Giới trẻ tại Đền thánh quốc gia ở Maipú, Santiago de Chile (17/01/2018): L’Osservatore Romano, 19/01/2018, 7.

(85) X. ROMANO GUARDINI, Die Lebensalter. Ihre ethische und pädagogische Bedeutung, Würzburg 31955, 20.

(86) GE 11.

(87) Khúc Linh ca, Red. B, Prologue, 2.

(88) Ibid., XIV-XV, 2.

(89) HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC RWANDA, Thư Hội đồng Giám mục Rwanda gửi các Kitô hữu trong Năm Ngoại thường về Hoà giải, Kigali (18/01/2018), 17.

(90) Lời chào mừng Giới trẻ của Cha Félix Varela, Trung tâm Văn hoá Havana (20/09/2015): L’Osservatore Romano, 21-22/09/2015, 6.

(91) VK 46.

(92) Huấn từ trong buổi Canh thức, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV (26/01/2019); AAS 105 (2013), 663.

(93) Ustedes son la luz del mundo. Diễn từ tại Cerro San Cristóbal, Chile, 1940.

(94) Bài giảng trong Thánh lễ, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVIII tại Rio de Janeiro (28/06/2013): AAS 105 (2013), 665.

(95) HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC HÀN QUỐC, Thư Mục vụ nhân Kỷ niệm 150 năm các Thánh Tử đạo trong Cuộc Khủng bố Byeong-in (30/03/2016).

(96) X. Bài giảng trong Thánh lễ, Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV tại Panama (27/01/2019): L’Osservatore Romano, 28-29/01/2019, 12.

(97) “Lạy Chúa, xin làm cho con trở thành khí cụ bình an của Chúa”, lời kinh được cho là của thánh Phanxicô Assisi.

* Bài viết liên quan:

TÔNG HUẤN “CHRISTUS VIVIT”

TÔNG HUẤN “CHRISTUS VIVIT” (1)

TÔNG HUẤN “CHRISTUS VIVIT” (2)

TÔNG HUẤN “CHRISTUS VIVIT” (3)

TÔNG HUẤN “CHRISTUS VIVIT” (4)

TÔNG HUẤN “CHRISTUS VIVIT” (5)