Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 643 | Cật nhập lần cuối: 5/12/2021 6:42:49 AM | RSS

CHƯƠNG III - NHÌN NGẮM ĐỨC GIÊSU: ƠN GỌI GIA ĐÌNH

Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm Vui Của Tình Yêu (3)58. Trước và ngay giữa các gia đình, lời loan báo tiên khởi (kerygma) phải luôn được vang lên cách mới mẻ; đó là lời “đẹp nhất, trổi vượt nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất” (50), và “phải chiếm vị trí trung tâm của toàn bộ hoạt động loan báo Tin mừng”. (51) Đây là lời loan báo chính yếu, “mà chúng ta phải nghe đi nghe lại bằng nhiều cách khác nhau, và phải luôn loan báo trong khi dạy giáo lí bằng hình thức này hay hình thức khác”. (52) Bởi vì, “không có gì vững chắc, thâm sâu, bảo đảm, súc tích và khôn ngoan hơn lời loan báo ấy” và “toàn bộ công cuộc huấn luyện đức tin trước hết là đi sâu hơn vào trong lời rao giảng tiên khởi này”. (53)

59. Giáo huấn của chúng ta về hôn nhân và gia đình nhất thiết phải được gợi hứng và biến đổi dưới ánh sáng của lời loan báo yêu thương và dịu dàng này; nếu không, giáo huấn ấy sẽ trở thành sự bảo vệ đơn thuần cho một giáo điều lạnh lùng và thiếu sinh khí. Quả thật, người ta không thể hiểu trọn vẹn mầu nhiệm gia đình Kitô giáo nếu không nhìn trong ánh sáng tình yêu vô hạn của Chúa Cha, được biểu lộ nơi Đức Kitô, Đấng đã tự hiến mình cho đến cùng và vẫn sống giữa chúng ta. Vì thế tôi ước muốn chiêm ngắm Đức Kitô hằng sống, Đấng có mặt trong biết bao câu chuyện tình yêu, và khẩn cầu ngọn lửa Thần Khí xuống trên mọi gia đình của thế giới này.

60. Trong khung cảnh đó, chương này sẽ làm một tổng hợp ngắn gọn giáo huấn của Hội thánh về hôn nhân và gia đình. Tôi cũng sẽ trích dẫn ở đây các ý kiến đóng góp khác nhau được các Nghị phụ Thượng Hội đồng trình bày trong bản nhận xét của các ngài về ánh sáng mà đức tin ban tặng cho chúng ta. Các ngài đã bắt đầu từ ánh nhìn của Đức Giêsu, và chỉ cho chúg ta thấy rằng Người “đã nhìn những người nam và người nữ mà Người gặp gỡ, với tình yêu và sự dịu dàng, đồng hành với những bước đi của họ bằng sự thật, lòng kiên nhẫn và tình thương xót, trong việc loan báo những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa”. (54) Ngày nay, Chúa cũng đồng hành với chúng ta theo cách thức ấy, khi chúng ta dấn thân sống và thông truyền Tin mừng về gia đình.

Đức Giêsu phục hồi và hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa

61. Trước những kẻ ngăn cấm hôn nhân, Tân Ước dạy rằng “mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt và không có gì phải loại bỏ” (1 Tm 4, 4). Hôn nhân là “một quà tặng” của Chúa (cf. 1 Cr 7, 7). Đồng thời, do việc đánh giá tích cực đó mà người ta mạnh mẽ nêu bật sự cần thiết phải nâng niu quà tặng thần linh này: “Ai nấy phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế” (Dt 13, 4). Quà tặng của Thiên Chúa đó cũng bao gồm tính dục: “Đừng từ chối nhau” (1 Cr 7, 5).

62. Các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã nhắc nhớ rằng Đức Giêsu, “khi nói về kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa cho đôi bạn nam nữ của loài người, đã tái khẳng định sự kết hợp bất khả phân li giữa họ, Người còn tuyên bố rằng ‘vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu’ (Mt 19, 8). Tính bất khả phân li của hôn nhân (“Điều Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân li”: Mt 19, 6) không nên hiểu như một ‘cái ách’ áp đặt lên con người, nhưng như một ‘quà tặng’ được ban cho những ai kết hợp với nhau trong hôn nhân. […] Thiên Chúa đoái thương luôn đi theo hành trình cuộc đời chúng ta; Ngài chữa lành và biến đổi con tim chai cứng bằng ân sủng, dẫn chúng ta về lại thuở ban đầu ngang qua con đường thập giá. Các Tin mừng nêu bật mẫu gương của Đức Giêsu, [...] Đấng công bố sứ điệp về ý nghĩa của hôn nhân như sự viên mãn của mạc khải có sức phục hồi kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa (cf. Mt 19, 3)”. (55)

63. “Đức Giêsu, Đấng hòa giải mọi sự nơi chính mình, đã đưa hôn nhân và gia đình trở lại dạng thức nguyên thủy của nó (cf. Mc 10,1-12). Hôn nhân và gia đình đã được cứu chuộc bởi Đức Kitô (cf. Ep 5,21-32), được khôi phục theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, là mầu nhiệm mà từ đó mọi tình yêu đích thực tuôn trào ra. Giao ước hôn nhân, khơi nguồn từ trong tạo thành và được mạc khải trong lịch sử cứu độ, đạt được mạc khải ý nghĩa đầy đủ của nó trong Đức Kitô và Hội thánh của Người. Từ Đức Kitô qua Hội thánh, hôn nhân và gia đình nhận được ân sủng cần thiết để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa và để sống đời sống hiệp thông. Tin mừng về gia đình trải dài suốt dòng lịch sử thế giới, kể từ việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (cf. St 1,26-27), cho tới khi hoàn thành mầu nhiệm Giao ước trong Đức Kitô vào thời cùng tận với hôn lễ của Chiên Con (cf. Kh 19, 9)”. (56)

64. “Mẫu gương của Đức Giêsu là một khuôn mẫu cho Hội thánh . […] Người khởi đầu đời sống công khai của Người với dấu lạ thực hiện tại tiệc cưới Cana (cf. Ga 2,1-11). […] Người chia sẻ những khoảnh khắc tình bạn đời thường với gia đình của Ladarô và các chị của anh ấy (cf. Lc 10, 38), và với gia đình của Phêrô (cf. Mc 8,14). Người đã lắng nghe tiếng các cha mẹ đang than khóc con mình, để rồi trao lại sự sống cho con cái họ (cf. Mc 5, 41; Lc 7,14-15), bằng cách đó Người cho thấy ý nghĩa đích thực của lòng thương xót, từ đó hướng tới việc tái lập giao ước (cf. Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 4). Điều này thật rõ trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samaria (cf. Ga 4,1-30), và với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (cf. Ga 8,1-11), trong đó nhận thức về tội được thức tỉnh trước tình yêu nhưng không của Đức Giêsu”. (57)

65. Cuộc nhập thể của Ngôi Lời trong một gia đình nhân loại, ở Nadarét, bằng chính tính mới mẻ của nó đã chạm tới lịch sử thế giới. Chúng ta cần dìm mình vào trong mầu nhiệm Giáng Sinh của Đức Giêsu, vào trong tiếng “xin vâng” của Đức Maria đáp lời thiên sứ truyền tin, khi Ngôi Lời được tượng thai trong cung lòng Mẹ; cũng như trong tiếng “xin vâng” của thánh Giuse, người đã đặt tên cho Đức Giêsu và chăm sóc Mẹ Maria; trong lễ hội của các mục đồng trước máng cỏ; trong sự bái thờ của các nhà chiêm tinh; trong cuộc trốn chạy sang Ai Cập, nơi đó Đức Giêsu thông chia nỗi đau khổ với dân Người bị lưu đày, bị bắt bớ, và bị làm nhục;trong sự mong đợi thánh thiện của Dacaria và trong niềm vui mừng khi Gioan Tẩy Giả chào đời; trong lời hứa được ứng nghiệm cho ông Simêon và bà Anna trong Đền Thờ; trong thái độ sửng sốt của các kinh sư khi lắng nghe sự khôn ngoan của trẻ Giêsu. Và rồi chúng ta cần nhìn sâu vào ba mươi năm ròng rã, trong đó Đức Giêsu sinh sống bằng chính đôi tay lao động của mình, Người đọc các kinh nguyện và truyền thống đức tin của dân mình, và học hỏi đức tin của cha ông, cho tới khi đức tin ấy sinh hoa kết trái trong mầu nhiệm Nước Trời. Đây chính là mầu nhiệm của Giáng Sinh và bí mật của Nadarét, tỏa ngát hương thơm của gia đình! Đó chính mầu nhiệm đã cuốn hút mạnh mẽ thánh Phanxicô Assisi, Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Charles de Foucauld, và vẫn tiếp tục đổ đầy hi vọng và niềm vui cho các gia đình Kitô hữu.

66. “Giao ước tình yêu và trung thành được Thánh Gia Nadarét thực hiện soi sáng nguyên tắc định hình cho mọi gia đình, và giúp gia đình có thể đương đầu tốt hơn với những thăng trầm của cuộc sống và của lịch sử. Trên nền tảng này, mỗi gia đình, dù trong yếu đuối, có thể trở thành một ánh sáng giữa đêm tối của thế giới. “Nơi đây chúng ta hiểu cách sống trong gia đình. Nadarét nhắc chúng ta về ý nghĩa của gia đình, về sự hiệp thông tình yêu, vẻ đẹp đơn sơ và giản dị, tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình; làm cho chúng ta thấy gia đình là một trường học ngọt ngào và không thể thay thế, dạy cho ta biết thế nào là chức năng tự nhiên của gia đình đối với trật tự xã hội” (Phaolô VI, Diễn từ tại Nadarét, 05.01.1964)”. (58)

Gia đình trong các văn kiện của Giáo Hội

67. Công Đồng Chung Vatican II, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, bày tỏ ưu tư về sự “thăng tiến phẩm giá của hôn nhân và gia đình (cf. các số 47-52)”. Hiến chế này “định nghĩa hôn nhân là một cộng đồng sự sống và tình yêu (cf. 48), đặt tình yêu ở trung tâm gia đình […]. ‘Tình yêu đích thực giữa vợ và chồng (49) hàm chứa sự tự hiến cho nhau, bao gồm và hội nhập các chiều kích tính dục và tình cảm, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa (cf. 48-49). Văn kiện còn nhấn mạnh việc đôi vợ chồng cắm rễ trong Đức Kitô: Chúa Kitô “đến gặp gỡ đôi vợ chồng Kitô hữu trong Bí tích Hôn phối” (48) và ở lại với họ. Trong cuộc nhập thể, Người đảm nhận tình yêu nhân loại, thanh luyện nó và đem nó đến chỗ viên mãn, nhờ Thánh Thần của Người, Người trao cho đôi vợ chồng khả năng sống tình yêu ấy, làm thấm nhuần toàn thể cuộc sống họ bằng đức tin, đức cậy và đức mến. Nhờ đó, đôi vợ chồng như được thánh hiến, và nhờ một ân sủng đặc biệt họ xây dựng Thân Mình Đức Kitô và làm nên Hội thánh tại gia (cf. Lumen Gentium, 11), từ đó Hội thánh, nếu muốn hiểu biết đầy đủ mầu nhiệm của mình, sẽ nhìn ngắm gia đình Kitô hữu, một thể hiện chân thực của Hội thánh”. (59)

68. Tiếp đến, “Chân Phước Phaolô VI, theo hướng Công Đồng Vatican II, đã đào sâu đạo lí về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, với Thông điệp Humanae Vitae, ngài làm sáng tỏ mối liên kết nội tại giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản: “Tình yêu hôn nhân đòi hỏi đôi vợ chồng ý thức đúng đắn về sứ mạng làm cha làm mẹ có trách nhiệm của mình, điều mà ngày nay người ta có lí để nhấn mạnh rất nhiều, nhưng cũng là điều cần phải được hiểu đúng. […] Cho nên việc thực thi làm cha làm mẹ có trách nhiệm đòi hỏi vợ chồng nhận biết các bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, với chính mình, với gia đình mình và với xã hội, phù hợp với một nấc thang giá trị đúng đắn” (số 10). Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh mối tương quan giữa gia đình và Giáo Hội”. (60)

69. “Thánh Gioan Phaolô II dành quan tâm đặc biệt cho gia đình trong những bài giáo lí của ngài về tình yêu nhân loại, trong Thư gửi các gia đình, Gratissimam sane, và nhất là trong Tông huấn Familiaris consortio. Trong những văn kiện này, đức Giáo hoàng đã xác định gia đình là ‘con đường của Hội thánh’; ngài cũng đưa ra một viễn ảnh chung về ơn gọi tình yêu của người nam và người nữ; ngài đề ra những hướng dẫn căn bản cho mục vụ gia đình, cũng như sự hiện diện của gia đình trong xã hội. Cách riêng, khi nói về tình yêu vợ chồng (cf. số 13), ngài mô tả cách mà các đôi vợ chồng, trong tình yêu thương nhau, nhận được ơn huệ của Thánh Thần của Đức Kitô và sống ơn gọi nên thánh dành cho mình”. (61)

70. “Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong Thông điệp Deus Caritas est, đã trở lại với chủ đề về sự thật của tình yêu nam nữ, vốn chỉ được soi sáng đầy đủ trong tình yêu của Đức Kitô chịu đóng đinh (cf. số 2). Ngài nhấn mạnh rằng ‘hôn nhân, dựa trên một tình yêu đơn nhất và mãi mãi, trở thành một biểu tượng của mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài, và ngược lại. Cung cách yêu thương của Thiên Chúa trở thành thước đo cho tình yêu nhân loại’ (11). Hơn nữa, trong Thông điệp Caritas in Veritate, ngài nêu bật tầm quan trọng của tình yêu như một nguyên tắc cho đời sống trong xã hội (cf. 44), nơi đó người ta học kinh nghiệm về công ích”. (62)

Bí tích Hôn Phối

71. “Thánh Kinh và Thánh Truyền mở ra cho chúng ta lối tiếp cận để nhận thức về Thiên Chúa Ba Ngôi, được mạc khải bằng những nét của gia đình. Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng […] là sự hiệp thông của các ngôi vị. Khi Đức Kitô chịu Phép Rửa, tiếng Chúa Cha vang lên, gọi Đức Giêsu là Con yêu dấu, và trong tình yêu này chúng ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần (cf. Mc 1,10-11). Đức Giêsu, Đấng đã hòa giải mọi sự nơi chính mình và đã cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi, không chỉ trả hôn nhân và gia đình về hình thức nguyên thủy của nó, mà còn nâng hôn nhân lên thành dấu chỉ bí tích tình yêu của Người đối với Hội thánh (cf. Mt 19,1-12; Mc 10,1-12; Ep 5,21-32). Trong gia đình nhân loại được qui tụ bởi Đức Kitô, “hình ảnh và là họa ảnh” của Ba Ngôi Chí Thánh (cf. St 1, 26), mầu nhiệm mà từ đó tuôn trào mọi tình yêu đích thực, đã được phục hồi. Từ Đức Kitô, ngang qua Hội thánh, hôn nhân và gia đình đón nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần, để làm chứng cho Tin mừng về tình yêu của Thiên Chúa”. (63)

72. Bí tích Hôn Phối không phải là một qui ước xã hội, một nghi thức trống rỗng, hay chỉ là dấu hiệu bên ngoài của một cam kết. Bí tích này là một ơn ban nhằm thánh hóa và cứu độ đôi vợ chồng, vì “việc họ thuộc về nhau là một hình ảnh thực, qua dấu chỉ bí tích, diễn tả chính mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh. Vì thế đôi hôn phối là một lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội thánh về điều đã xảy ra trên thập giá; họ là chứng nhân của ơn cứu độ cho nhau và cho con cái, một ơn mà họ được dự phần nhờ bí tích này”. (64) Hôn nhân là một ơn gọi, xét như đó là sự đáp trả một tiếng gọi đặc biệt sống tình yêu vợ chồng, như một dấu chỉ không hoàn hảo của tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh. Vì thế, quyết định kết hôn và xây dựng gia đình phải là kết quả của một sự phân định ơn gọi.

73. “Việc trao hiến cho nhau trong Bí tích Hôn Nhân có căn nguyên từ ân sủng của Bí tích Rửa Tội, vốn là Bí tích thiết lập giao ước nền tảng của mỗi người với Đức Kitô, trong Hội thánh. Khi đón nhận nhau, và với ân sủng của Đức Kitô, đôi hôn phối hứa hoàn toàn dâng hiến cho nhau, trung thành với nhau và sẵn sàng đón nhận sự sống mới, họ nhìn nhận những ơn huệ Thiên Chúa ban cho mình như những yếu tố thiết yếu của hôn nhân, và nghiêm túc cam kết thuộc về nhau, nhân danh Thiên Chúa, trước sự hiện diện của Hội thánh. Như vậy, trong đức tin họ có thể đảm nhận những thiện ích của hôn nhân như những cam kết có thể được thực thi tốt hơn nhờ sự trợ giúp của ân sủng bí tích. […] Vì thế, Hội thánh nhìn đôi bạn như trái tim của toàn thể gia đình, phần mình, gia đình cũng hướng nhìn về Đức Giêsu”. (65) Bí tích không phải là một “sự vật” hay một “sức mạnh” nào đó, vì thực ra chính Đức Kitô “đến gặp gỡ các đôi vợ chồng Kitô hữu qua Bí tích Hôn Phối. Người ở lại với họ, ban sức mạnh cho họ để họ nhận lấy thập giá của mình mà bước đi theo Người, chỗi dậy sau khi qụy ngã, tha thứ cho nhau, và vác lấy gánh nặng của nhau”. (66) Hôn nhân Kitô giáo là một dấu chỉ không đơn giản cho thấy Đức Kitô đã yêu Hội thánh của Người biết bao trong Giao ước được đóng ấn trên thập giá, nhưng nó còn làm cho tình yêu ấy hiện diện trong mối hiệp thông của đôi vợ chồng. Khi trở nên một xương một thịt, họ diễn tả sự kết hợp của Con Thiên Chúa với bản tính nhân loại. Vì thế “trong những niềm vui của tình yêu và của đời sống gia đình, Thiên Chúa ban cho họ, được nếm trước tiệc cưới Con Chiên ngay từ đời này”. (67) Mặc dù “sự so sánh loại suy giữa người chồng và người vợ với mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh là một “so sánh loại suy bất toàn”, (68) nó cũng mời gọi chúng ta khẩn cầu Chúa đổ tràn tình yêu của Người vào những giới hạn của các tương quan vợ chồng.

74. Kết hợp tính dục được vợ chồng trải nghiệm một cách nhân bản và được thánh hóa bởi bí tích, đến lượt nó là con đường cho đôi vợ chồng lớn lên trong đời sống ân sủng. Đó là “mầu nhiệm hôn phối”. (69) Giá trị của sự kết hợp thân xác được diễn tả trong những lời ưng thuận, trong đó hai vợ chồng đón nhận và hiến dâng cho nhau, để chia sẻ với nhau trọn cả cuộc sống. Những lời ấy đem đến cho tính dục một ý nghĩa và giải phóng nó khỏi mọi hàm hồ. Nhưng trong thực tế, toàn thể đời sống chung của vợ chồng, toàn thể mạng lưới các mối quan hệ mà họ dệt nên giữa họ, với con cái của họ và với thế giới, sẽ được nhận chìm và củng cố trong ân sủng của bí tích, vốn được phát nguồn từ mầu nhiệm Nhập thể và Vượt Qua, trong đó Thiên Chúa biểu lộ tất cả tình yêu của Ngài dành cho nhân loại và tình yêu đó đã nên một thâm sâu với nhân tính. Họ sẽ không bao giờ đơn độc đối đầu với các thách đố xuất hiện trên đường đời bằng sức riêng của mình. Họ được mời gọi đáp lại ơn huệ của Thiên Chúa bằng một sự dấn thân, sáng tạo, kiên trì, và chiến đấu hằng ngày, nhưng họ luôn có thể khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Đấng đã thánh hiến mối kết hợp của họ, để ân sủng mà họ lãnh nhận được thể hiện một cách mới mẻ trong mỗi hoàn cảnh mới mà họ gặp.

75. Theo truyền thống Hội thánh Latinh, các thừa tác viên của Bí tích Hôn Phối là chính người nam và người nữ đang kết hôn, (70) qua việc bày tỏ sự ưng thuận và diễn tả nó qua việc trao hiến cho nhau, nhờ đó họ nhận được một quà tặng lớn lao. Sự ưng thuận và sự kết hợp thân xác là phương tiện để Thiên Chúa hành động nhờ đó họ trở nên “một xương một thịt”. Trong Phép Rửa Tội, họ được thánh hiến với khả năng kết hôn trong tư cách những thừa tác viên của Chúa đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Vì thế, khi đôi vợ chồng không phải là Kitô hữu lãnh phép Rửa, họ không cần lặp lại lời hứa kết hôn và chỉ cần họ đừng loại bỏ lời hứa ấy, bởi lẽ, do việc lãnh nhận phép Rửa, sự kết hợp của họ đương nhiên trở thành bí tích. Giáo Luật cũng nhìn nhận sự hữu hiệu của một số cuộc kết hôn được cử hành mà không có sự hiện diện của một thừa tác viên chức thánh. (71) Quả thật, trật tự tự nhiên đã được đảm nhận bởi ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô theo cách thế nào đó đến nỗi “không thể có một khế ước hôn nhân thành sự giữa hai người đã được Rửa Tội, nếu khế ước ấy đồng thời không phải là bí tích”. (72) Hội thánh có thể đòi hỏi cuộc kết hôn phải được cử hành công khai, với sự hiện diện của những người làm chứng, và những điều kiện khác, vốn thay đổi theo dòng thời gian của lịch sử, nhưng điều này không hề tước khỏi đôi bạn đặc tính là thừa tác viên của bí tích, nó cũng không làm giảm đi giá trị cốt lõi của sự ưng thuận được diễn tả bởi người nam và người nữ, sự ưng thuận này tự nó thiết lập mối ràng buộc bí tích. Dù sao đi nữa, sau cùng, chúng ta cũng cần suy tư về hành động của Thiên Chúa trong nghi thức hôn phối; điều này được thể hiện rõ ràng trong các Giáo Hội Đông phương với tầm quan trọng đặc biệt của việc chúc lành cho đôi bạn như dấu chỉ của ân huệ Thánh Thần.

Hạt giống của Lời và những hoàn cảnh bất toàn

76. “Tin mừng về gia đình cũng nuôi dưỡng những hạt giống vẫn đang chờ phát triển chín muồi, và phải chăm sóc những cây đang bị khô héo và nhất thiết không được bỏ bê” (73), theo cách, khởi đi từ ơn huệ của Đức Kitô trong bí tích, đôi vợ chồng cần “được kiên trì hướng dẫn hơn nữa, để đạt được một sự hiểu biết phong phú hơn và một sự hội nhập đầy đủ hơn Mầu nhiệm này vào đời sống của họ”. (74)

77. Theo lời dạy của Thánh Kinh mọi sự đã được tạo dựng nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô (cf. Cl 1, 16), các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã nhắc nhở rằng “trật tự cứu chuộc soi sáng và hoàn thành trật tự tạo thành. Vì thế, hôn nhân tự nhiên được hiểu một cách đầy đủ trong ánh sáng sự hoàn thành của nó trong Bí tích Hôn Phối: chỉ bằng cách nhìn chăm chú lên Đức Kitô người ta mới nhận biết sự thật sâu xa nhất về các mối tương quan nhân loại. “Chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể mầu nhiệm về con người mới thật sự được sáng tỏ. […] Chúa Kitô, Ađam mới, chính trong khi mạc khải mầu nhiệm về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quí của mình” (GS, 22). Bởi thế thật thích hợp để hiểu những thuộc tính tự nhiên của hôn nhân, thiện ích của đôi vợ chồng, theo viễn tượng qui Kitô (bonum coniugum)”, (75) những thiện ích ấy bao gồm sự hiệp nhất, sự mở ra đón nhận sự sống, sự chung thủy, tính bất khả phân li, và trong hôn nhân Kitô giáo còn có sự nâng đỡ nhau trên con đường hướng đến tình bạn trọn vẹn với Chúa. “Việc phân định sự hiện diện của ‘các hạt giống Lời’ (semina Verbi) trong các nền văn hóa khác (cf. Ad Gentes 11) cũng có thể áp dụng cho thực tại hôn nhân và gia đình. Bên cạnh hôn nhân tự nhiên đích thực, trong những hình thức hôn nhân trong các truyền thống tôn giáo khác cũng có các yếu tố tích cực”, (76) cho dù cũng không thiếu bóng tối. Chúng ta có thể khẳng định rằng “Người nào muốn xây dựng trong thế giới này một gia đình nơi mà con cái được dạy cho biết vui thích với mọi hành động nhằm thắng vượt sự dữ – một gia đình chứng minh Thánh Thần đang sống và hoạt động – thì sẽ nhận được lòng biết ơn và sự trân trọng, cho dẫu họ thuộc dân tộc, tôn giáo hay vùng miền nào đi nữa” (77).

78. “Ánh nhìn của Đức Kitô, là ánh sáng chiếu soi mọi người (cf. Ga 1,9; GS, 22), sẽ gợi hứng cho Hội thánh trong việc chăm sóc mục vụ cho các tín hữu đang đơn thuần sống chung, hay chỉ kết hôn dân sự hay đã li dị tái hôn. Trong viễn tượng của khoa sư phạm thần linh, Hội thánh yêu thương hướng đến những ai tham dự vào đời sống của Hội thánh một cách không hoàn hảo: Hội thánh cùng với họ cầu xin ơn hoán cải, khích lệ họ làm điều thiện, ân cần yêu thương chăm sóc lẫn nhau và phục vụ cộng đồng nơi họ sống và làm việc. […] Một khi sự kết hợp đạt được một mức ổn định đáng kể xuyên qua một mối ràng buộc công khai – và cho thấy có một tình cảm sâu đậm, trách nhiệm đối với con cái và khả năng vượt qua các thử thách – thì có thể được xem như một cơ hội, để nếu có thể, đồng hành với họ hướng tới Bí tích Hôn Phối”. (78)

79. “Trước những hoàn cảnh khó khăn và những gia đình bị thương tích, luôn luôn cần nhớ lại một nguyên tắc chung: “Các mục tử phải biết rằng, vì lòng yêu mến sự thật, họ buộc phải cẩn thận phân định các hoàn cảnh” (FC, 84). Mức trách nhiệm không ngang nhau trong mọi trường hợp, và có thể tồn tại các yếu tố làm hạn chế khả năng quyết định. Vì thế, trong khi cần nêu rõ ràng đạo lí của Hội thánh, phải tránh những phán đoán thiếu xét đến tính phức tạp của các hoàn cảnh khác nhau, và cần lưu tâm đến cách họ sống nỗi đau khổ mà họ đang chịu do tình trạng của họ”. (79)

Thông truyền sự sống và nuôi dạy con cái

80. Hôn nhân trước hết là một “cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu” (80) vốn là một thiện ích cho chính đôi vợ chồng, (81) và tính dục được “qui hướng tới tình yêu phu phụ giữa người nam và người nữ”. (82) Theo đó thì “những đôi phối ngẫu không được Thiên Chúa ban cho có con cái, vẫn có thể có đời sống hôn nhân đầy ý nghĩa, trên bình diện nhân bản lẫn Kitô giáo”. (83) Tuy nhiên, sự kết hợp này “tự chính bản tính của nó” được qui hướng về sinh sản. (84) Đứa con được sinh ra không phải là một cái gì từ bên ngoài được thêm vào tình yêu hỗ tương của đôi vợ chồng; nó xuất hiện ngay ở trung tâm của việc hai người hiến thân cho nhau, như hoa trái và sự hoàn thành của việc hiến thân cho nhau đó”. (85) Đứa con không xuất hiện ở cuối một tiến trình, nhưng hiện diện ngay từ đầu của tình yêu như một đặc tính thiết yếu không thể bị chối bỏ nếu không muốn làm khuyết dạng chính tình yêu ấy. Ngay từ đầu, tình yêu từ khước mọi thúc ép khép kín mình lại và mở ra cho một khả năng phong nhiêu có sức kéo dài tình yêu vượt trên cuộc sống riêng của mình. Vì thế không một hành vi giao hợp vợ chồng nào có thể khước từ ý nghĩa này, (86) cho dù, vì nhiều lí do, có thể không luôn luôn thực sự đem lại một sự sống mới.

81. Đứa con phải được sinh ra từ một tình yêu như thế, chứ không phải bằng bất cứ phương cách nào khác, vì “đứa con không phải là một của nợ, nhưng là một tặng phẩm”, (87) đứa con là “hoa trái của hành vi đặc thù của tình yêu phu phụ giữa cha mẹ”. (88) Bởi vì “theo trật tự tạo thành, tình yêu phu phụ giữa một người nam và một người nữ và sự thông truyền sự sống được qui hướng về nhau (cf. St 1,27-28). Bằng cách đó Đấng Tạo Hóa đã làm cho người nam và người nữ được tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài và đồng thời làm cho họ thành những dụng cụ diễn tả tình yêu của Ngài, ủy thác cho họ trách nhiệm đối với tương lai của loài người xuyên qua việc thông truyền sự sống con người”. (89)

82. Các Nghị phụ Thượng Hội đồng khẳng định rằng “không khó nhận thấy một não trạng tràn lan muốn giảm trừ việc thông truyền sự sống con người xuống chỉ còn là một dự phóng thất thường của cá nhân hay đôi bạn”. (90) Giáo huấn của Hội thánh “giúp các đôi bạn sống một cách hài hòa và ý thức tình hiệp thông vợ chồng trong mọi chiều kích của nó, cùng với trách nhiệm sinh sản. Cần khám phá lại Thông điệp Humanae Vitae của Đức Phaolô VI, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng phẩm giá của nhân vị khi đánh giá về mặt luân lí những phương pháp điều hòa sinh sản. […] Việc chọn giải pháp nhận con nuôi và nhận ủy thác chăm sóc trẻ cũng biểu lộ một sự phong nhiêu đặc biệt của kinh nghiệm hôn nhân”. (91) Với lòng biết ơn đặc biệt, Hội thánh “ủng hộ các gia đình đón nhận, nuôi dưỡng và bao bọc bằng tình thương những đứa con bị các khuyết tật khác nhau”. (92)

83. Trong bối cảnh này tôi không thể không khẳng định rằng nếu gia đình là cung thánh của sự sống, là nơi mà sự sống được khai sinh và chăm sóc, thì quả là mâu thuẫn khủng khiếp khi nó trở thành một nơi mà sự sống bị loại bỏ và hủy diệt. Giá trị của sự sống một con người cao cả biết bao, và quyền được sống của một trẻ thơ vô tội lớn lên trong cung lòng người mẹ là bất khả nhượng, đến nỗi không ai có thể viện lẽ rằng mình có quyền trên thân thể mình để biện minh cho quyết định chấm dứt sự sống ấy, vốn là một cứu cánh tự thân và không bao giờ được xem như đối tượng cho sự thống trị của một người khác. Gia đình bảo vệ sự sống con người trong mọi giai đoạn của nó, kể cả giai đoạn cuối cùng. Do đó, “những ai làm việc trong các cơ quan y tế được nhắc nhớ về nghĩa vụ luân lí phải biết phản đối theo lương tâm. Cũng thế, Hội thánh không chỉ cảm thấy khẩn thiết phải khẳng định quyền được chết tự nhiên, tránh can thiệp trị liệu thô bạo và gây cái chết êm dịu (eutanasia)”, mà còn “kiên quyết phản đối án tử hình”. (93)

84. Các Nghị phụ Thượng Hội đồng muốn nhấn mạnh rằng “một trong những thách đố nền tảng mà các gia đình ngày nay phải đối mặt chắc hẳn là việc giáo dục con cái, việc này càng khó khăn và phức tạp hơn nữa do thực tế văn hóa thời nay và ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông”. (94) “Hội thánh có một vai trò quí giá là nâng đỡ các gia đình, khởi đi từ việc khai tâm Kitô giáo, xuyên qua các cộng đoàn luôn sẵn sàng đón tiếp”. (95) Thế nhưng tôi cảm thấy thật quan trọng để nhắc lại rằng việc giáo dục toàn diện cho con cái là một “bổn phận hệ trọng nhất” và đồng thời là một “quyền đệ nhất” của cha mẹ. (96) Vấn đề không chỉ là một trách nhiệm hay một gánh nặng, nhưng còn là một quyền thiết yếu và bất khả nhượng mà cha mẹ được mời gọi để bảo vệ và không ai có thể tước nó khỏi cha mẹ. Nhà nước cung ứng các chương trình giáo dục theo cách bổ trợ, nhằm hỗ trợ các cha mẹ trong chức năng không thể ủy thác này; cha mẹ có quyền tự do chọn lựa loại hình giáo dục – có phẩm chất tốt và tiếp cận được – mà họ muốn trao gửi cho con cái mình, theo những xác tín của họ. Trường học không thay thế cha mẹ, nhưng chỉ bổ sung. Đây là một nguyên tắc căn bản: “Bất cứ ai hợp tác vào tiến trình giáo dục phải hành động nhân danh các phụ huynh, với sự đồng thuận của họ và, trong mức độ nào đó, còn với sự ủy quyền của các phụ huynh”. (97) Thế nhưng, “một kẽ nứt đã lộ ra giữa gia đình và xã hội, giữa gia đình và học đường; khế ước giáo dục ngày nay đã bị phá vỡ; và như thế giao ước giáo dục giữa xã hội và gia đình đang lâm vào khủng hoảng”. (98)

85. Hội thánh được mời gọi cộng tác với các bậc cha mẹ qua một hoạt động mục vụ thích hợp, hỗ trợ họ trong việc chu toàn sứ mạng giáo dục con cái. Hội thánh phải luôn luôn làm việc này bằng cách giúp các cha mẹ trân trọng vai trò riêng của mình và nhận ra rằng ai đã nhận lãnh Bí tích Hôn Phối thì trở thành những thừa tác viên giáo dục đích thực, bởi lẽ khi giáo dục con cái là họ đã xây dựng Hội thánh, (99) và khi làm thế, họ chấp nhận một ơn gọi do Thiên Chúa ban. (100)

Gia đình và Hội thánh

86. “Với niềm vui bên trong và niềm an ủi thâm sâu, Hội thánh hướng nhìn đến các gia đình kiên trung sống các giáo huấn của Tin mừng, cám ơn họ và khích lệ họ về chứng từ mà họ trao. Thật vậy, nhờ họ mà vẻ đẹp của hôn nhân bất khả phân li và trung tín, trở nên đáng tin. Trong gia đình, ‘vốn có thể gọi là Hội thánh tại gia’ (Lumen Gentium, 11), ta được dần trưởng thành kinh nghiệm trong Hội thánh về mối hiệp thông giữa các ngôi vị, nơi đó, nhờ ân sủng, phản ánh chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. ‘Ở đó, người ta học được sự kiên nhẫn và niềm vui của lao động, tình yêu thương huynh đệ, sự tha thứ quảng đại, thậm chí tha thứ nhiều lần, và nhất là việc phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và sự hiến dâng cuộc đời mình’ (GLHTCG, 1657)”. (101)

87. Hội thánh là Gia đình của các gia đình, thường xuyên được làm phong phú bởi đời sống của tất cả các Hội thánh tại gia. Bởi thế, “nhờ Bí tích Hôn Phối, mỗi gia đình thực sự trở thành một thiện ích cho Hội thánh. Trong viễn ảnh này, việc xem xét mối tương tác giữa gia đình và Hội thánh chắc chắn sẽ là một ơn ban quí giá cho Hội thánh ngày nay: Hội thánh là một phúc lành cho gia đình, và gia đình là một phúc lành cho Hội thánh. Việc gìn giữ hồng ân Bí tích của Chúa không chỉ liên hệ đến các gia đình riêng lẻ, nhưng còn đến chính cộng đoàn Kitô hữu”. (102)

88. Kinh nghiệm yêu thương trong các gia đình là một sức mạnh thường xuyên cho đời sống của Hội thánh. “Cứu cánh kết hợp của hôn nhân là một lời kêu gọi không ngừng làm triển nở và đào sâu tình yêu này. Khi kết hợp với nhau trong tình yêu, đôi bạn cảm nghiệm vẻ đẹp của thiên chức làm cha làm mẹ; họ chia sẻ cho nhau những dự phóng và nhọc nhằn, những khát vọng và ưu tư; họ học chăm sóc và tha thứ cho nhau. Trong tình yêu này, họ cử hành những thời khắc hạnh phúc của mình và nâng đỡ nhau trong những lúc khó khăn của lịch sử đời sống. […] Vẻ đẹp của sự trao hiến hỗ tương và vô cầu, niềm vui vì một sự sống được sinh ra và sự chăm sóc yêu thương của mọi thành viên trong gia đình – từ trẻ nhỏ cho đến người già – là một vài trong rất nhiều hoa trái làm cho việc đáp trả đối với ơn gọi gia đình trở nên độc đáo và không thể thay thế được”, (103) cho Hội thánh cũng như cho toàn xã hội.

Tại Rôma, Đền thờ Thánh Phêrô, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót,
ngày 19 tháng 3, lễ trọng Thánh Giuse, năm 2016,
năm thứ tư triều Giáo Hoàng của tôi.
PHANXICÔ

Nguồn: hdgmvietnam.com

_________________________

Chú thích:

(50) EG, 35: AAS 105 (2013), 1034.

(51) Ibid., 164: AAS 105 (2013), 1088.

(52) Ibid.

(53) Ibid., 165: AAS 105 (2013), 1089.

(54) RS 2014, 12.

(55) Ibid., 14

(56) Ibid., 16.

(57) RF 2015, 41.

(58) Ibid., 38.

(59) RS 2014, 17.

(60) RF 2015, 43.

(61) RS 2014, 18.

(62) Ibid., 19.

(63) RF 2015, 38.

(64) FC, 13: AAS 74 (1982), 94.

(65) RS 2014, 21.

(66) GLHTCG 1642.

(67) Ibid.

(68) HG (6.5.2015): L’Osservatore Romano (7.5.2015), tr. 8.

(69) Leô CẢ, Epistola Rustico narbonensi episcopo, inquis. IV: PL 54, 1205A; Cf. Incmaro di Reims, Epist. 22: PL 126, 142.

(70) Cf. Piô XII, Thđ. Mystici Corporis Christi ( 29.6.1943): AAS 35 (1943), 202: “Matrimonio enim quo coniuges sibi invicem sunt ministri gratiae”.

(71) Cf. GL, cc. 1116; 1161-1165; GLĐP, 832; 848-852.

(72) Cf. GL, c. 1055 §2.

(73) RS 2014, 23.

(74) FC, 9: AAS 74 (1982), 90.

(75) RF 2015, 47.

(76) Ibid.

(77) Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ bế mạc Đại hội Gia đình lần thứ VIII tại Philadelphia (27.9.2015): L'Osservatore Romano, 28-29/09/2015, tr. 7.

(78) RF 2015, 53-54.

(79) Ibid., 51.

(80) GS, 48.

(81) Cf. GL, c. 1055 §1: “Ad bonum coniugum atque ad prolis generationem et educationem ordinatum”.

(82) GLHTCG, 2360.

(83) Ibid., 1654.

(84) GS, 48.

(85) GLHTCG, 2366.

(86) Cf. HV , 11-12: AAS 60 (1968), 488-489.

(87) GLHTCG, 2378.

(88) BỘ GLĐT, Chỉ thị Donum vitae (22.2.1987), II, 8: AAS 80 (1988), 97.

(89) RF 2015, 63.

(90) RS 2014, 57.

(91) RS 2014, 58.

(92) RS 2014, 57.

(93) RF 2015, 64.

(94) RS 2014, 60.

(95) Ibid., 61.

(96) GL, c. 1136; Cf. GLĐP, 627.

(97) HĐTT VỀ Gia Đình, Sessualità umana: verità e significato (8.12.1995), 23.

(98) HG (20.5. 2015): L’Osservatore Romano, 21.5.2015, tr. 8.

(99) Cf. FC, 38: AAS 74 (1982), 129.

(100) Cf. Phanxicô, Diễn từ tại Đại hội Giáo phận Rôma (14.6.2015): L’Osservatore Romano, 15-16.6.2015, tr. 8.

(101) RS 2014, 23.

(102) RF 2015, 52.

(103) Ibid., 49-50.

* Tin, bài liên quan:

TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA – NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU (1)

TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA – NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU (2)