Tông Thư “Lòng Yêu Mến Kinh Thánh” của ĐGH Phanxicô (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 537 | Cật nhập lần cuối: 1/21/2021 8:58:16 AM | RSS

(tiếp theo)

Tông Thư “Lòng Yêu Mến Kinh Thánh” của ĐGH Phanxicô (2)Việc thánh Giêrônimô hết lòng tận tụy với Kinh Thánh được ngài thể hiện cách say mê tương tự như cách thế của các vị ngôn sứ xưa kia. Chính từ nơi các ngài mà vị thánh tiến sĩ của chúng ta đã kín múc ngọn lửa nội tâm để trở nên như một lời hùng biện mạnh mẽ (x. Gr 5, 14; 20, 9; 23,2 9; Ml 3, 2; Hc 48, 1; Mt 3, 11; Lc 12, 49), rất cần thiết để thể hiện lòng nhiệt thành cháy bỏng của người tôi tớ phục vụ cho Thiên Chúa. Cũng như với ngôn sứ Êlia, Gioan Tẩy giả và thánh Phaolô Tông đồ, sự phẫn nộ trước những dối trá, thói đạo đức giả và các giáo huấn sai lạc đã làm bùng phát nơi thánh nhân những lời nói gay gắt và công kích. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn chiều kích luận chiến nơi các tác phẩm của ngài nếu chúng ta đọc chúng dưới ánh sáng của truyền thống các ngôn sứ đích thực nhất. Vì thế, thánh Giêrônimô nổi lên như một hình mẫu của một chứng nhân kiên định cho sự thật, thể hiện qua việc nghiêm khắc khiển trách để thúc đẩy sự hoán cải. Bằng sự mạnh mẽ trong biểu cảm và hình ảnh của mình, thánh nhân cho thấy lòng can đảm của một người tôi tớ không bao giờ muốn làm hài lòng người khác, mà chỉ muốn làm vui lòng một mình Chúa của ngài (Gl 1, 10), là Đấng mà thánh nhân nguyện cháy hết linh lực của mình cho Người.

Nghiên cứu Kinh Thánh

Lòng yêu mến nồng nàn của thánh Giêrônimô đối với Kinh Thánh thấm nhuần trong sự vâng phục. Trước hết, đó là sự vâng phục của ngài đối với Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra bằng lời; mà lời thì đòi hỏi một sự lắng nghe đầy tôn kính; (1) tiếp đến, ngài còn thể hiện sự vâng phục với các đấng bậc trong Hội Thánh, là những người đại diện cho Truyền thống sống động trong việc giải thích sứ điệp mạc khải. Tuy nhiên, “sự vâng phục trong đức tin” (Rm 1, 5; 16, 26) không phải là sự tiếp nhận thụ động đơn thuần những gì đã biết; trái lại, nó đòi hỏi sự tích cực nỗ lực tìm kiếm cá nhân. Chúng ta có thể xem thánh Giêrônimô như một người phục vụ của Lời Chúa, luôn cần cù và tín trung, biết toàn tâm giúp cho những người anh chị em của mình trong đức tin hiểu biết đầy đủ hơn về “kho tàng” thánh thiêng được ký thác cho họ (x. 1 Tm 6, 20; 2 Ti 1, 14). Nếu không hiểu những gì đã được các tác giả linh hứng viết ra, thì Lời Chúa sẽ thiếu hiệu nghiệm (x. Mt 13,19) và tình yêu đối với Thiên Chúa không thể triển nở.

Ngày nay, những trang Kinh Thánh không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được ngay lập tức. Như ngôn sứ Isaia đã nói (29, 11), ngay cả đối với những người biết “đọc” – tức là những người đã được đào tạo đầy đủ về tri thức – thì cuốn sách thánh thiêng dường như bị “niêm phong”, kín lối cho việc giải thích. Vì thế, cần thiết phải có một chứng nhân có khả năng cung cấp chìa khóa là chính Đức Kitô, duy chỉ một mình Người mới có thể phá dỡ niêm phong và mở cuốn sách (x. Kh 5,1-10), và như thế ơn thánh sủng mới tuôn tràn trên chúng ta (Lc 4,17-21). Rất nhiều người, ngay cả trong số các Kitô hữu đang sống đạo, cũng công khai bày tỏ rằng họ không thể đọc được Kinh Thánh (x. Is 29, 12), không phải bởi vì họ mù chữ, mà bởi vì họ không được trang bị khả năng tiếp cận ngôn ngữ Kinh Thánh, những lối diễn đạt và các truyền thống văn hóa cổ xưa. Kết quả là bản văn Kinh Thánh trở nên không thể giải mã được, như thể Kinh Thánh được viết bằng một bảng chữ cái vô danh và một ngôn ngữ bí truyền.

Do đó, cần phải có trung gian của một vị thông dịch, là người có thể thực hiện chức năng “trợ tá/phục vụ” (diaconal) để hỗ trợ cho những người không thể hiểu được ý nghĩa của lời được viết ra theo lối tiên tri. Ở đây chúng ta có thể nhớ đến thầy phó tế Philípphê trong sách Công vụ Tông đồ, được Chúa sai đến gặp vị quan thái giám trên đường đi xe ngựa và đang đọc một đoạn trong sách ngôn sứ Isaia (53,7-8), nhưng ông không thể hiểu được ý nghĩa của nó. Thầy hỏi ông: “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” và viên thái giám trả lời: “Làm sao tôi có thể hiểu được nếu không có người hướng dẫn tôi?” (Cv 8,30-31). (2)

Thánh Giêrônimô là người hướng dẫn chúng ta bởi lẽ, ngài không những dẫn dắt mọi độc giả đến với mầu nhiệm Đức Giêsu như thầy phó tế Philípphê đã làm (Cv 8, 35), mà thánh nhân còn đảm nhận một cách có trách nhiệm và hệ thống vai trò trung gian trong lãnh vực văn hóa và chú giải, là điều rất cần thiết cho việc đọc hiểu Kinh Thánh một cách chính xác và hiệu nghiệm. (3) Khả năng tinh thông các ngôn ngữ mà Lời Chúa được truyền tải, cùng với việc phân tích và đánh giá cách chính xác các bản thảo nhờ kiến thức nghiên cứu khảo cổ uyên thâm, bên cạnh những kiến thức về lịch sử chú giải, tất cả các phương thế nói chung về phương pháp luận sẵn có lúc bấy giờ, đã được thánh Giêrônimô vận dụng cách khôn khéo và phù hợp, hướng tới một sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh được linh hứng.

Khía cạnh nổi bật này trong hoạt động của thánh Giêrônimô còn có tầm quan trọng to lớn đối với Hội Thánh trong thời đại hôm nay của chúng ta. Như Hiến chế Mạc khải Dei Verbum dạy, nếu Kinh Thánh cấu thành như là “linh hồn của khoa thần học (4) và là cột sống thiêng liêng trong đời sống đạo của người Kitô hữu, (5) thì việc giải thích Kinh Thánh nhất thiết phải được hỗ trợ bởi những kỹ năng chuyên biệt.

Vì mục đích này, chắc chắn cần phải có các trung tâm học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh chuyên sâu (như Viện Kinh Thánh – Pontificum Institutum Biblicum tại Rôma; Trường École Biblique và Studium Biblicum Franciscanum ở Giêrusalem) và về khoa giáo phụ (như Viện Giáo phụ học Augustinianum tại Rôma), và ngay cả mọi phân khoa thần học ngày nay cũng cần phải cố gắng đảm bảo rằng việc giảng dạy Kinh Thánh được thực hiện sao cho các sinh viên được đào tạo cần thiết về các kỹ năng giải thích, cả trong khả năng chú giải bản văn, và cả trong khả năng tổng hợp thần học Kinh Thánh. Tiếc thay, sự phong phú của Kinh Thánh bị nhiều người bỏ qua hoặc giảm thiểu vì họ không được trang bị những nền tảng vững chắc trong lĩnh vực này. Cùng với việc chú trọng nhiều hơn đến việc học hỏi và nghiên cứu Kinh Thánh trong các chương trình đào tạo linh mục và giáo lý viên, thì cũng cần nỗ lực cung cấp cho tất cả các tín hữu những phương thế cần thiết để họ có thể mở được cuốn Kinh Thánh và kín múc từ đó những hoa trái vô giá là sự khôn ngoan, niềm hy vọng và sự sống. (6)

Ở đây, tôi muốn nhắc lại điều mà vị Tiền nhiệm của tôi đã bày tỏ trong Tông huấn Verbum Domini: “Tính bí tích của Lời có thể hiểu cách tương tự như sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu được truyền phép. […] Về thái độ phải có đối với Thánh Thể cũng như đối với Lời Chúa, thánh Giêrônimô xác quyết: “Chúng ta đọc Kinh Thánh. Tôi nghĩ rằng Tin Mừng là Mình Thánh Chúa Kitô; tôi nghĩ rằng Kinh Thánh là giáo huấn của Chúa. Và khi Chúa nói: nếu các ngươi không ăn thịt Con Người, và nếu các ngươi không uống Máu Người (Ga 6, 53), thì các lời đó của Người nói đến Mầu nhiệm [Thánh Thể], tuy nhiên, Mình và Máu Chúa Kitô đích thực là Lời của Kinh Thánh, đó là giáo huấn của Thiên Chúa”. (7)

Tiếc thay, nhiều gia đình Kitô hữu dường như không có khả năng thực hiện như điều mà sách Luật Tôra dạy (x. Đnl 6,6), đó là giới thiệu Lời Chúa cho con cái họ bằng tất cả vẻ đẹp và sức mạnh thánh thiêng của Lời. Điều này đã khiến tôi lập ra ngày Chúa Nhật Lời Chúa (8) như một phương thế để khuyến khích việc đọc Kinh Thánh trong tâm thế cầu nguyện và một cách tiếp cận gần gũi hơn với Lời Chúa. (9) Như thế, mọi biểu hiện lòng đạo đức khác của người tín hữu sẽ được thêm phong phú ý nghĩa, được định hướng trong bậc thang giá trị, và sẽ nhắm tới những gì là căn cốt của đức tin, đó là toàn tâm theo sát mầu nhiệm Chúa Kitô.

Bản Vulgata (Phổ thông)

“Quả ngọt nhất của quá trình gieo trồng gian khổ” (10) trong việc học tiếng Hy Lạp và tiếng Hípri của thánh Giêrônimô là bản dịch Cựu ước sang tiếng Latinh từ bản gốc tiếng Hípri. Cho đến thời điểm đó, các Kitô hữu trên toàn đế quốc Rôma chỉ có thể đọc toàn bộ Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp. Đang khi các sách Tân ước đã được viết bằng tiếng Hy Lạp, thì với Cựu ước cũng đã tồn tại một bản tiếng Hy Lạp hoàn chỉnh, được gọi là bản Septuagint [LXX, Bảy Mươi], là bản dịch do cộng đồng người Do Thái ở Alessandria thực hiện vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Tuy nhiên, đối với người đọc tiếng Latinh, thì không có bản dịch Kinh Thánh hoàn chỉnh nào bằng ngôn ngữ của họ; chỉ có một số bản dịch từng phần nhỏ và không đầy đủ từ tiếng Hy Lạp. Chính thánh Giêrônimô, và những người tiếp tục công việc của ngài sau này, đã có công trong việc hiệu đính và dịch mới lại toàn bộ bản văn Kinh Thánh. Sau khi khởi sự công việc hiệu đính các sách Tin Mừng và các Thánh vịnh tại Rôma với sự khuyến khích của Đức Giáo hoàng Đamasô, thánh Giêrônimô đã tìm đến Bêlem trong đời sống ẩn dật và bắt đầu công việc dịch thuật trực tiếp tất cả các sách Cựu ước từ tiếng Hípri. Công việc này kéo dài trong nhiều năm.

Để hoàn thành công việc dịch thuật này, thánh Giêrônimô đã sử dụng hiệu quả kiến thức về tiếng Hy Lạp và Hípri của mình, cũng như vốn học tiếng Latinh vững chắc mà ngài đã thủ đắc, và sử dụng các công cụ ngữ văn mà ngài có sẵn, đặc biệt là bản Hexapla của giáo phụ Ôrigen. Bản văn cuối cùng đã kết hợp tính liên tục trong các nguyên tắc đang được sử dụng phổ biến, cùng với việc tuân thủ chặt chẽ hơn với ngữ pháp tiếng Hípri, mà không làm mất đi nét sang trọng của ngôn ngữ Latinh. Kết quả là một công trình vĩ đại thực sự đã hoàn thành, tạo nên dấu ấn trong lịch sử văn hóa phương Tây, góp phần định hình ngôn ngữ thần học trong chính nền văn hóa này. Bản dịch của thánh Giêrônimô, sau khi vượt qua một số từ chối ban đầu, ngay lập tức đã trở thành di sản chung cho cả giới học giả uyên bác và cả lớp người tín hữu bình dân; vì lý do này mà bản dịch có tên là “Vulgata” [Bản Phổ thông]. (11) Châu Âu thời Trung cổ đã học cách đọc, cầu nguyện và suy tư trên các trang Kinh Thánh do thánh Giêrônimô phiên dịch. Vì thế mà “Kinh Thánh đã trở nên như một loại “từ điển rộng lớn” (Paul Claudel) và “bộ sưu tập ảnh tượng” (Marc Chagall), mà từ đó nền văn hóa nghệ thuật Kitô giáo đã kín múc”. (12) Văn học, nghệ thuật và thậm chí cả ngôn ngữ bình dân đã liên tục được định hình bởi bản dịch Kinh Thánh của thánh Giêrônimô, và chúng đã để lại cho chúng ta những kho tàng vô giá về mỹ thuật và lòng sùng mộ.

Chính vì sự thật không thể chối cãi này mà Công đồng Trentô, trong sắc lệnh Insuper, đã xác định bản Vulgata là bản “chính thực” (authentic), và do đó, được sử dụng rộng rãi trong Hội Thánh qua nhiều thế kỷ, và được chứng thực giá trị như là công cụ cho mục đích nghiên cứu, giảng dạy và tranh luận công khai. (13) Tuy nhiên, Công đồng đã không tìm cách giảm thiểu tầm quan trọng của các bản văn gốc, như thánh Giêrônimô đã không ngừng nhấn mạnh, đó là phải giảm thiểu trong tương lai sự cấm đoán việc phiên dịch toàn bộ Kinh Thánh. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, theo sự ủy thác của các nghị phụ Công đồng Vaticanô II, đã mong muốn rằng công việc hiệu đính bản Vulgata được mau hoàn thành để phục vụ cho toàn thể Hội Thánh. Vì thế, năm 1979, trong Tông hiến Scripturarum Thesaurus, (14) thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã ban hành ấn bản chuẩn được gọi là bản “NeoVulgata” (Phổ thông Mới).

Phiên dịch như là hội nhập văn hoá

Qua bản dịch, thánh Giêrônimô đã thành công trong việc “hội nhập” Kinh Thánh vào trong ngôn ngữ và văn hoá Latinh. Công trình của ngài trở thành khuôn mẫu lâu dài cho hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Thật vậy, “khi một cộng đồng đón nhân sứ điệp cứu độ, Thánh Thần làm cho nền văn hoá của họ nên phong phú nhờ sức mạnh biến đổi của Tin Mừng”. (15) Ở đây hình thành một vòng tuần hoàn: bản dịch của Thánh Giêrônimô thì chịu lệ thuộc ngôn ngữ và văn hoá Latinh cổ đại, mà ảnh hưởng của nó rất rõ ràng, còn bản dịch của ngài, bằng ngôn ngữ và nội dung mang tính biểu tượng và giàu sức tưởng tượng, đến lượt nó, lại trở thành động lực thúc đẩy việc tạo ra một nền văn hóa mới.

Công trình dịch thuật của thánh Giêrônimô dạy cho chúng ta rằng những giá trị và hình thức tích cực của mọi nền văn hóa làm phong phú cho toàn thể Hội Thánh. Những cách thức khác nhau trong đó Lời Chúa được loan báo, hiểu biết và cảm nghiệm qua từng bản dịch, làm phong phú cho chính Kinh Thánh, bởi vì, theo một câu nói nổi tiếng của thánh Grêgôriô Cả, Kinh Thánh phát triển cùng với người đọc, (16) khi trải qua hàng thế kỷ, đón nhận thêm những điểm nhấn và âm hưởng mới. Kinh Thánh và Tin Mừng đi vào trong các nền văn hoá khác nhau làm cho Hội Thánh càng nên giống “cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61, 10). Đồng thời, điều này minh chứng cho một thực tế rằng Kinh Thánh cần được tiếp tục dịch ra các loại ngôn ngữ và theo não trạng của từng nền văn hoá và thế hệ, kể cả trong thế giới tục hoá toàn cầu của thời đại chúng ta. (17)

Người ta đã chỉ ra cách đúng đắn rằng có một sự tương đồng giữa việc phiên dịch như là hành động “hiếu khách đối với ngôn ngữ” và những hình thức hiếu khách khác. (18) Đây là lý do tại sao dịch thuật không chỉ liên quan đến ngôn ngữ mà thực sự phản ánh một quyết định đạo đức rộng lớn hơn liên quan đến toàn bộ cách tiếp cận cuộc sống. Nếu không có dịch thuật, các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau sẽ không thể giao tiếp với nhau; chúng ta sẽ đóng cánh cửa lịch sử lại với nhau và phủ nhận khả năng xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ. Trên thực tế, nếu không có bản dịch thì không thể có sự hiếu khách đó; sự thù nghịch sẽ tăng lên. Dịch giả là người bắc nhịp cầu. Bao nhiêu phán xét vội vàng được đưa ra, bao nhiêu lời lên án và xung đột nảy sinh từ việc chúng ta không hiểu ngôn ngữ của người khác và không đặt mình, với hy vọng vững chắc, vào sự thể hiện vô tận của tình yêu mà bản dịch mang lại.

Thánh Giêrônimô cũng phải đi ngược lại với tư tưởng thống trị thời đại của mình. Nếu sự hiểu biết về tiếng Hy Lạp tương đối phổ biến vào buổi bình minh của Đế chế La Mã, thì vào thời của thánh Giêrônimô, nó đã trở nên hiếm hoi. Ngài đã trở thành một trong những chuyên gia giỏi nhất về ngôn ngữ và văn học Hy Lạp – Kitô giáo và ngài đã trải qua một hành trình còn gian khổ và đơn độc hơn là khi ngài học tiếng Hípri. Nếu, như người ta đã nói, “giới hạn ngôn ngữ của tôi là giới hạn thế giới của tôi”, (19) thì chúng ta có thể nói rằng chúng ta mang ơn thánh Giêrônimô về một sự hiểu biết phổ quát hơn về Kitô giáo, cũng như hiểu sâu sắc hơn về các cội nguồn của nó.

Với việc mừng kỷ niệm ngày mất của thánh Giêrônimô, ánh nhìn của chúng ta hướng về sức sống truyền giáo phi thường được thể hiện qua việc lời Chúa đã được dịch ra hơn ba ngàn thứ tiếng. Chúng ta biết ơn bao nhiêu nhà truyền giáo đã có công cho xuất bản các cuốn ngữ pháp, từ điển và các công cụ ngôn ngữ vô giá khác cho phép giao tiếp nhiều hơn và trở thành phương tiện cho “khát vọng truyền giáo đến với mọi người”! (20) Chúng ta cần hỗ trợ công việc này và đầu tư vào nó, giúp vượt qua những giới hạn trong giao tiếp và mất cơ hội gặp gỡ. Còn nhiều việc phải làm. Người ta nói rằng không có bản dịch thì không thể hiểu được: (21) chúng ta sẽ không hiểu chính mình và người khác.

Thánh Giêrônimô và Ngai tòa Thánh Phêrô

Thánh Giêrônimô luôn có một mối liên hệ đặc biệt với thành Rôma: Rôma là nơi ẩn náu tinh thần mà ngài thường xuyên quay trở lại. Tại Rôma, ngài được đào tạo để trở thành nhà nhân bản và được huấn luyện thành một Kitô hữu; thánh Giêrônimô là một homo Romanus – công dân Rôma. Mối liên kết này nảy sinh theo một cách rất đặc biệt từ ngôn ngữ Latinh mà ngài là bậc thầy và là ngôn ngữ mà ngài vô cùng yêu mến, nhưng trên hết là từ Hội Thánh Rôma và đặc biệt là Ngai toà Thánh Phêrô. Tranh hình tượng truyền thống mô tả cách ngược đời hình ảnh ngài mặc áo choàng của một hồng y như một dấu hiệu cho thấy ngài là một linh mục Rôma dưới thời Giáo hoàng Đamasô. Tại Rôma, ngài bắt đầu hiệu đính bản dịch trước đó. Ngay cả khi vì những ghen tị và hiểu lầm buộc ngài phải rời khỏi thành phố, ngài vẫn luôn luôn liên kết chặt chẽ với Ngai tòa Thánh Phêrô.

Đối với thánh Giêrônimô, Hội Thánh Rôma là mảnh đất màu mỡ nơi hạt giống Chúa Kitô sinh hoa kết quả dồi dào. (22) Vào thời hỗn loạn khi mà hình ảnh nguyên vẹn của Hội Thánh thường bị phai mờ do sự chia rẽ giữa các Kitô hữu, thánh Giêrônimô nhìn vào Ngai tòa Thánh Phêrô như một điểm tựa vững chắc. “Vì tôi không đi theo ai khác ngoài Chúa Kitô, nên tôi cũng không liên lạc với ai ngoài Đức Thánh Cha, nghĩa là, với Ngai tòa Thánh Phêrô. Tôi biết đây là đá tảng mà trên đó Hội Thánh được xây dựng”. Vào thời cao điểm của cuộc tranh luận với lạc thuyết Arêô, ngài đã viết thư cho Đức Giáo hoàng Đamasô: “Ai không thu góp là phân tán; ai không thuộc về Chúa Kitô là kẻ phản kitô”. (23) Vì vậy, thánh Giêrônimô cũng có thể nói: “Ai hiệp nhất với Ngai tòa Thánh Phêrô thì nên một với tôi”. (24)

Thánh Giêrônimô thường tham gia vào các cuộc tranh luận gay gắt để bảo vệ đức tin. Lòng yêu mến chân lý và sự nhiệt thành bảo vệ Đức Kitô có lẽ đã khiến ngài tỏ ra bạo lực ngôn từ trong các lá thư và bài viết của mình. Tuy nhiên, ngài đã sống cho hòa bình: “Tôi cũng mong muốn bình an như những người khác; tôi không chỉ ước mong bình an mà tôi còn mưu cầu bình an. Nhưng bình an mà tôi muốn là bình an của Chúa Kitô; bình an thực sự, bình an không thù oán, bình an không chiến tranh, bình an không bằng cách giảm bớt đối thủ mà là bình an đoàn kết bạn bè”. (25)

Ngày nay, hơn bao giờ hết, thế giới chúng ta cần liều thuốc của lòng thương xót và sự hiệp thông. Ở đây tôi muốn nói lại một lần nữa: chúng ta hãy thể hiện một chứng tá rạng rỡ và hấp dẫn về tình hiệp thông huynh đệ. (26) “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Đây là điều mà Chúa Giêsu, với lời cầu nguyện tha thiết, đã cầu xin Chúa Cha: “để tất cả nên một… trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin” (Ga 17, 21).

Mến yêu những gì thánh Giêrônimô yêu mến

Cuối Tông thư này, tôi muốn gửi lời kêu gọi đến mọi người. Trong số rất nhiều sự tôn vinh mà các thế hệ sau này dành cho thánh Giêrônimô, không thể thiếu điều này: ngài không chỉ đơn giản là một trong những học giả vĩ đại nhất của “thư viện” mà từ đó Kitô giáo đã được phong phú hóa theo thời gian, bắt đầu từ kho tàng Kinh Thánh. Chúng ta cũng có thể nói về thánh Giêrônimô như chính ngài đã nói về Nepotianus rằng: “Bằng cách chăm chỉ đọc và suy gẫm liên tục, ông ấy đã biến trái tim mình thành một thư viện của Chúa Kitô”. (27) Thánh Giêrônimô không tiếc công sức trong việc mở rộng thư viện của riêng mình, nơi mà ngài luôn xem như một nguồn học hỏi không thể thiếu để hiểu đức tin và đời sống tâm linh; theo cách này, ngài cũng là một tấm gương tốt cho thời điểm hiện nay. Nhưng ngài không dừng lại ở đó. Đối với ngài, việc học hỏi không chỉ giới hạn trong những năm tháng huấn luyện thời trẻ của mình, mà là một cam kết liên tục, một ưu tiên hàng ngày. Chúng ta có thể nói rằng chính ngài đã trở thành một thư viện và một nguồn kiến thức cho vô số người khác. Postumianus, người đã du hành khắp phương Đông vào thế kỷ thứ tư để khám phá sự phát triển của đời sống đan tu và có dành một vài tháng ở với thánh Giêrônimô, đã tận mắt chứng kiến điều này, khi ông viết: “[Thánh Giêrônimô] luôn bận rộn với việc đọc, luôn có sách kề bên: ngài không ngơi nghỉ dù ngày hay đêm; ngài thường xuyên đọc hoặc viết điều gì đó ”. (28)

Về vấn đề này, tôi thường nghĩ đến trải nghiệm mà một người trẻ có thể có ngày nay khi vào một hiệu sách trong thành phố, hoặc truy cập một trang web trên internet, để tìm kiếm mục sách tôn giáo. Trong hầu hết các trường hợp, phần sách tôn giáo, nếu có, không chỉ ít ỏi mà còn thiếu các tác phẩm chất lượng. Nhìn vào những giá sách hay trang web đó, thật khó cho một người trẻ tuổi hiểu được làm thế nào mà hành trình tìm kiếm chân lý tôn giáo lại có thể là một cuộc phiêu lưu đầy đam mê, kết hợp trái tim và khối óc; làm thế nào mà lòng khao khát Chúa đã tiếp lửa cho những tâm trí vĩ đại trong suốt nhiều thế kỷ cho đến ngày nay; sự phát triển trong đời sống tinh thần đã ảnh hưởng như thế nào đến các nhà thần học và triết học, các nghệ sĩ và nhà thơ, các sử gia và nhà khoa học. Một trong những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt ngày nay, không chỉ trong tôn giáo, là tình trạng mù chữ: chúng ta đang thiếu các kỹ năng thông diễn học vốn giúp chúng ta trở thành những nhà thông dịch và dịch giả đáng tin cậy về truyền thống văn hóa của chúng ta. Tôi muốn đặt ra một thách thức đặc biệt cho những người trẻ: hãy bắt đầu khám phá di sản của bạn. Kitô giáo biến bạn trở thành người thừa kế của một gia sản văn hoá vượt trội mà bạn phải làm chủ. Hãy say mê lịch sử này vì nó là của bạn. Hãy dám nhìn vào chàng thanh niên Giênônimô, người đã, giống như người thương gia trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, bán tất cả những gì mình có để mua “viên ngọc quý” (Mt 13, 46).

Thánh Giêrônimô thực sự có thể được gọi là “thư viện của Đức Kitô”, một thư viện lâu năm mà suốt mười sáu thế kỷ qua, vẫn tiếp tục dạy chúng ta về ý nghĩa của tình yêu Đức Kitô, một tình yêu không thể tách rời khỏi cuộc gặp gỡ với Lời của Người. Đây là lý do tại sao dịp kỷ niệm này có thể được coi như một lời mời gọi mến yêu những gì thánh Giêrônimô yêu mến, tái khám phá các tác phẩm của ngài và để cho sức mạnh tâm linh của ngài chạm vào chúng ta; sức mạnh tâm linh này tự bản chất có thể được mô tả như là một khát khao say mê và không ngừng nghỉ để hiểu biết nhiều hơn về Thiên Chúa, Đấng đã chọn để mặc khải về chính mình. Vào thời của chúng ta, làm sao chúng ta có thể không chú ý đến lời khuyên mà thánh Giêrônimô không ngừng đưa ra cho những người đương thời của ngài: “Hãy đọc Kinh Thánh liên tục; đừng bao giờ để quyển Kinh Thánh rơi khỏi tay bạn”? (29)

Chúng ta có một ví dụ rõ ràng là Đức Trinh Nữ Maria, Đấng trên hết được thánh Giêrônimô gọi là Đức Trinh Nữ và là Mẹ, nhưng cũng là một mẫu mực của việc đọc Kinh Thánh trong tinh thần cầu nguyện. Mẹ Maria đã suy nghĩ trong lòng những điều này (x. Lc 2,19.51): “vì Mẹ là thánh nữ, đã đọc Sách Thánh, biết các ngôn sứ, và nhớ lại rằng sứ thần Gáprien đã nói với Mẹ những điều mà các ngôn sứ đã báo trước… Mẹ nhìn đứa con mới sinh, đứa con trai duy nhất của Mẹ, nằm trong máng cỏ mà khóc. Quả thật, điều Mẹ thấy là Con Thiên Chúa; Mẹ so sánh những gì mình nhìn thấy với tất cả những gì Mẹ đã đọc và đã nghe”. (30) Vậy chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ, Đấng hơn ai hết có thể dạy chúng ta cách đọc, suy gẫm, chiêm ngắm và cầu nguyện với Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện không mệt mỏi trong cuộc đời chúng ta.

Được ban hành tại Rôma, tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô,
Lễ Thánh Giêrônimô, ngày 30 tháng 9 năm 2020, năm thứ tám triều đại Giáo hoàng của tôi.

Phanxicô

Bản dịch của Uỷ Ban Kinh Thánh
Nguồn: kinhthanhvn.net

__________________________

Chú thích:

(1) X. Sách đã dẫn, 7.

(2) X. Thánh Giêrônimô, Thư thứ 53, 5: CSEL 54, 451.

(3) X. Công Đồng Đại Kết Vaticano thứ hai, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa: Lời Thiên Chúa (Dei Verbum), 12.

(4) Sách đã dẫn, 24.

(5) X. Sách đã dẫn, 25.

(6) X. Sách đã dẫn, 21.

(7) Đức Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Verbum Domini (Lời Chúa), 56; x. Thánh Giêrônimô, Chú giải Thánh Vịnh 147 (In Psalmum 147): Bộ Sưu Tập Kitô giáo, Các bản văn Latinh (Corpus Christianorum Series Latina [CCL]) 78, 337-338; A. Capone (biên tập), 59 Bài Giảng về Thánh Vịnh (Omelie sui Salmi) (119-149), từ Tuyển Tập Các Tác Phẩm của thánh Giêrônimô (Opere di Girolamo) IX/2, Roma 2018, 171.

(8) X. Đức Phanxicô, Tông Thư được ban hành dưới dạng Tự Sắc Người Đã Mở Trí Cho Họ (Aperuit Illis), 30.09.2019.

(9) X. Đức Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), 152.175: AAS 105 (2013), 1083-1084.1093.

(10) X. Thánh Giêrônimô, Thư thứ 52, 3: CSEL 54, 417.

(11) X. Đức Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Verbum Domini (Lời Chúa), 72: AAS 102 (2010), 746-747.

(12) Thánh Gioan Phaolô II, Thư gởi cho các nghệ sỹ (04.04.1999), 5: AAS 91 (1999), 1159-1160.

(13) X. Denziger-Schönmetzer, Tuyển Tập Các Tín Biểu (Enchiridion Symbolorum), ed. 43, 1506.

(14) X. Thánh Gioan Phaolô II, Tông Hiến Kho Tàng Kinh Thánh (Scripturam Thesaurus), 25.04.1979: AAS 71 (1979), 557-559.

(15) Đức Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), 116: AAS 105 (2013), 1068.

(16) Thánh Ghêgôriô Cả, Bài giảng về ngôn sứ Edêkien (Homilia in Ezechielem) I, 7: PL 76, 843D.

(17) X. Đức Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), 116: AAS 105 (2013), 1068.

(18) X. P. Ricoeur, Về việc dịch thuật (Sur la traduction), Bayard, Paris 2004.

(19) L. Wittgenstein, Khảo Luận Luận Lý – Triết Học (Tractatus Logico-Philosophicus), 5.6.

(20) X. Đức Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), 24: AAS 105 (2013), 1029-1030.

(21) X. G. Steiner, Đằng sau Babel – Những Khía Cạnh Ngôn Ngữ và Phiên Dịch (After Babel. Aspects of Language and Translation), New York, 1975.

(22) X. Thánh Giêrônimô, Thư thứ 15, 1: CSEL 54, 63.

(23) Thánh Giêrônimô, Thư thứ 15, 1: CSEL 54, 62-64.

(24) Thánh Giêrônimô, Thư thứ 16, 2: CSEL 54, 69.

(25) Thánh Giêrônimô, Thư thứ 82, 2: CSEL 55, 109.

(26) X. Đức Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), 99: AAS 105 (2013), 1061.

(27) Thánh Giêrônimô, Thư thứ 60, 10: CSEL 54, 561.

(28) Sulpicius Severus, Đối Thoại (Dialogus) I, 9, 5: SC 510, 136-138.

(29) Thánh Giêrônimô, Thư thứ 52, 7: CSEL 54, 426.

(30) Thánh Giêrônimô, Bài Giảng về Lễ Sinh Nhật của Chúa (Homilia de Nativitate Domini) IV: PL Suppl. 2, 191.

* Tin, bài liên quan:

TÔNG THƯ “LÒNG YÊU MẾN KINH THÁNH” CỦA ĐGH PHANXICÔ (1)