Tông thư Salvifici Doloris (4) - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4360 | Cật nhập lần cuối: 3/7/2016 10:05:33 AM | RSS

(tiếp theo)

IV. Đức Giêsu Kitô: Tình yêu thắng vượt đau khổ

Tông thư Salvifici Doloris (4) - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo14. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Lời Chúa Kitô nói trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô đưa chúng ta vào chính trung tâm hành vi cứu độ của Thiên Chúa. Lời đó cũng diễn tả yếu tính cứu thế luận Kitô Giáo, tức là yếu tính của Thần học về ơn Cứu Độ. Cứu Độ có nghĩa là giải thoát khỏi sự dữ, do đó Cứu Độ có liên quan mật thiết với vấn đề đau khổ. Theo những lời nói với Nicôđêmô, Thiên Chúa đã ban cho thế gian Người Con để giải thoát nhân loại khỏi sự dữ; mà sự dữ vốn bao hàm viễn tượng dứt khoát và tuyệt đối của đau khổ. Đồng thời, từ ngữ “ban” (Người đã ban) có nghĩa là sự giải thoát đó phải được Người Con Một thực hiện qua sự đau khổ của Người. Nhờ đó, tình yêu được tỏ hiện, một tình yêu vô biên của chính Người Con Một cũng như của chính Chúa Cha, Đấng đã ban Con Mình để đem lại ơn Cứu Độ. Tình yêu như vậy đối với con người, đối với thế gian, chính là tình yêu Cứu Độ.

Trong suy tư tổng quát về vấn đề này, chúng ta phải ý thức rõ ràng rằng, chúng ta đang ở trong chiều kích hoàn toàn mới mẻ của đề tài. Đó không phải là chiều kích nhằm xác định việc tìm kiếm ý nghĩa đau khổ, và theo một nghĩa nào đó, được đóng khung trong những giới hạn của sự công minh. Nhưng đây là chiều kích Cứu Độ mà dường như đã được diễn tả qua lời ông Gióp - người công chính - trong Cựu Ước ít là theo bản Phổ thông: “Tôi biết, phải, tôi biết Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống, và trong ngày sau hết, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa của tôi” (G 19,25-26). Tới đây, nếu như ta đã ưu tiên hoặc gần như hoàn toàn tập trung khảo sát sự đau khổ tạm thời và đa dạng (như trường hợp ông Gióp), thì trái lại, lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô trên đây đề cập đến sự đau khổ theo nghĩa cơ bản và tối hậu của nó. Thiên Chúa ban Con Một để con người “khỏi phải chết”, và ý nghĩa “khỏi phải chết” càng sáng tỏ hơn qua những lời “nhưng được sống muôn đời”.

Con người “phải chết” khi “mất sự sống muôn đời”. Bởi vậy đối ngược với ơn Cứu Độ không phải chỉ là đau khổ tạm thời, một đau khổ nào đó, mà là đau khổ chung cục, nghĩa là mất sự sống muôn đời, bị Thiên Chúa ruồng bỏ, bị trầm luân. Người Con Một được ban cho nhân loại trước hết để giữ gìn nhân loại khỏi sự dữ, khỏi đau khổ chung cục đó. Người Con ấy, khi thi hành sứ mạng Cứu Độ, phải tiêu diệt sự dữ tận căn, vì từ gốc rễ này sự dữ đã phát triển trong lịch sử nhân loại. Gốc rễ thâm căn của sự dữ đã ăn sâu vào trong tội lỗi và sự chết, và như thế, nó là nguyên nhân làm mất sự sống muôn đời. Sứ mạng của Người Con Một là vinh thắng tội lỗi và sự chết. Bằng sự tuân phục cho đến chết, Người đã chiến thắng tội lỗi; và bằng sự Phục Sinh, Người đã chiến thắng cái chết.

15. Khi nói Đức Kitô có sứ mạng tiêu diệt sự dữ tận gốc rễ, chúng ta không chỉ nghĩ đến sự dữ và đau khổ tối hậu, có tính cách chung (để con người khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời) mà còn phải nghĩ - ít là một cách gián tiếp - đến sự dữ và đau khổ mang chiều kích nhất thời và có tính cách lịch sử. Quả vậy, sự dữ vẫn liên quan đến tội lỗi và sự chết. Và phải thật khôn ngoan để nhìn nhận đau khổ của con người như là hậu quả của tội lỗi cụ thể (như dẫn chứng rõ ràng trong chuyện ông Gióp, người công chính), nhưng ta không thể tách rời đau khổ của con người ra khỏi tội từ nguyên thủy, khỏi cái mà Thánh Gioan gọi là tội của thế gian (Ga 1, 29), khỏi hậu trường tội lỗi của những hành vi cá nhân và những tiến trình xã hội trong lịch sử nhân loại. Nếu như ở đây không được phép áp dụng tiêu chuẩn hạn hẹp của sự liên hệ trực tiếp giữa tội và hình phạt (như 3 người bạn của ông Gióp đã đưa ra), thì cũng không được loại trừ tiêu chuẩn cho rằng từ nguồn gốc của đau khổ đã có những thỏa hiệp đủ loại với tội lỗi.

Về sự chết cũng vậy. Rất thường khi người ta mong mỏi cái chết như là sự giải thóat khỏi đau khổ ở đời này. Đồng thời, chúng ta không thể không biết rằng, cái chết được coi như cuộc phá hoại tổng hợp cuối cùng của đau khổ, cả trong thân xác lẫn tâm hồn. Nhưng trước hết, cái chết là sự tan rã hoàn toàn căn tính tâm thể lý của con người. Khi lìa khỏi xác, hồn vẫn sống và tồn tại, trong khi xác tan nát dần dần đúng như lời Chúa phán khi con người phạm tội vào buổi đầu lịch sử trần thế: “Bởi ngươi là bụi đất, ngươi sẽ trở về với đất bụi” (St 3, 19). Bởi vậy, dù cái chết không phải là sự đau khổ theo nghĩa thời gian của từ ngữ, hoặc một cách nào đó, cái chết ở bên kia mọi nỗi đau khổ, thì sự dữ mà con người cảm nghiệm được từ cái chết vẫn mang đặc tính chung kết và toàn diện. Nhờ công trình Cứu Độ, Người Con Một đã giải thoát nhân loại khỏi tội và khỏi chết. Người khởi đầu bằng việc xóa bỏ khỏi lịch sử nhân loại ách thống trị của tội lỗi đã đâm rễ sâu do ảnh hưởng của thần dữ ngay từ tội nguyên tổ, rồi Người ban cho con người khả năng sống trong ơn thánh hóa. Khi chiến thắng tội lỗi, Người cũng tước bỏ quyền lực của sự chết; khi phục sinh, Người đã mở cửa cho sự phục sinh mai sau của thân xác. Cả hai đều là những điều kiện thiết yếu của đời sống vĩnh cửu, tức là hạnh phúc cuối cùng của con người được kết hợp với Thiên Chúa. Tóm lại, trong viễn tượng cánh chung, đau khổ đã hoàn toàn bị xóa bỏ đối với những kẻ được cứu thoát.

Nhờ công cuộc cứu độ của Đức Kitô, con người có hy vọng được sống và nên Thánh muôn đời ngay khi còn lưu ký trần gian. Và mặc dù Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết nhờ Thập Giá và sự Phục Sinh, nhưng Người vẫn không loại trừ những đau khổ tạm thời của đời người và không giải thoát đời người trong toàn thể chiều kích lịch sử của nó khỏi sự đau khổ, tuy thế, chiến thắng ấy đã đem lại cho tất cả chiều kích lịch sử đó và cho mọi nỗi đau khổ một ánh sáng mới, ánh sáng Cứu Độ. Đó là ánh sáng Phúc Âm, Ánh sáng Tin Mừng. Ánh sáng này tỏ hiện chân lý được diễn tả trong cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3, 16). Chân lý này đã đảo lộn triệt để để khung cảnh lịch sử và tình cảnh tại thế của con người: bất kể tội lỗi đã bén rễ sâu vào trong lịch sử nhân loại, được coi như di sản nguyên khởi, như tội của thế gian, như tổng số những tội cá nhân, Thiên Chúa đã yêu Người Con, Người vẫn luôn yêu thương, rồi đến thời đến buổi, tình yêu cao cả ấy, Người đã ban Người Con để tiêu diệt tận gối rễ sự dữ của nhân loại, và khi đem ơn Cứu Độ đến, Người đã trở thành gần gũi với toàn thể thế giới những khổ đau của con người.

16. Khi thi hành sứ mạng thiên sai giữa lòng dân tộc Israel, Đức Kitô luôn gần gũi với thế giới những đau khổ của nhân loại. “Đi tới đâu, Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cvsđ 10, 38) và hành động của Người trước hết nhắm đến những kẻ đau khổ và những người cần giúp đỡ. Người chữa lành kẻ bệnh tật, an ủi người sầu khổ, cho kẻ đói ăn, chữa lành kẻ câm điếc, mù lòa, phong cùi, quỷ ám và nhiều tật nguyền, ba lần làm cho kẻ chết sống lại. Người nhạy cảm với mọi đau khổ của nhân loại, cả thể lý lẫn tinh thần. Đồng thời Người còn giảng dạy, và trọng tâm giáo huấn của Người là bài giảng Bát Phúc, qua đó Người ngỏ lời với những kẻ gánh chịu nhiều đau khổ khác nhau nơi trần gian tạm bợ này. Đó là những người có “tâm hồn nghèo khó”, những người “lo phiền sầu khổ”, những người “khao khát sống cuộc đời chính trực”, những người “bị ngược đãi vì chính đạo”, những người “vì Đức Kitô mà bị nhục mạ, hành hạ và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5,3-11). Đó là trình thuật của Thánh Máthêu, Thánh Luca còn nêu rõ những người “bây giờ phải đói” (6, 21).

Đức Kitô luôn gần gũi với thế giới những đau khổ của nhân loại, và nhất là Người còn đón nhận những đau khổ ấy. Trong thời gian hoạt động công khai, không những Người đã chịu đựng vất vả, không chốn nương thân, bị hiểu lầm bởi chính những người thân tín nhất, mà nhất là, cáng ngày Người càng bị bao vây chặt chẽ trong vòng thù nghịch, và những toan tính muốn tiêu diệt mạng sống của Người ngày càng trở nên rõ rệt hơn. Đức Kitô ý thức điều đó, và Người vẫn thường nói với các môn đệ về những đau khổ và cái chết đang chờ đón Người: “Này chúng ta lên Giêsusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, nhổ vào mặt Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người; ba ngày sau Người sẽ sống lại” (Mc 10,33-34). Chúa Kitô đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết, và Người ý thức rõ ràng rằng mình phải chu toàn sứ mạng đúng theo cách ấy. Chính nhờ sự đau khổ đó mà Người đã cứu nhân loại khỏi phải chết, nhưng “được sống đời đời”. Chính nhờ thập giá mà Người đã đi đến tận gốc rễ của sự dữ vốn ăn sâu trong lịch sử nhân loại và trong tâm hồn con người. Chính nhờ thập giá, Người mới hoàn tất được công cuộc cứu độ. Trong ý định của Tình yêu muôn thuở, công cuộc này vốn mang đặc tính cứu độ.

Bởi đó, Đức Kitô đã nghiêm khắc khiển trách Phêrô, khi ông muốn Người từ bỏ ý nghĩa về sự đau khổ và cái chết Thập giá (Mt 16, 23). Và khi ông muốn dùng gươm để bảo vệ Người lúc Người bị bắt tại Giếtsimani, thì Người đã nói với ông: “Xỏ gươm vào bao… Làm thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm được sao?” (Mt 26,52-54). Và Người nói: “Chén đắng Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy không uống?” (Ga 18, 11). Câu nói ấy, cũng như các câu nói khác rải rác trong Tin Mừng, cho thấy Chúa Kitô thực rất thấm nhiễm tư tưởng mà Người đã diễn tả khi gặp ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16). Ý thức được sức mạnh cứu độ của đau khổ, Chúa Kitô đã dấn bước tới đau khổ của mình. Người dấn bước trong sự tuân phục Chúa Cha, nhất là Người đã kết hợp với Chúa Cha trong chính tình yêu mà Chúa Cha đã yêu thế gian và con người nơi thế gian. Chẳng thế mà Thánh Pholô đã viết về Chúa Kitô: “Đấng đã yêu mến tôi và thí mạng vì tôi” (Gl 2, 20).

(còn tiếp)

Ban hành tại Rôma, gần đền thờ Thánh Phêrô.
Ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.2.1984

Năm thứ sáu
Triều đại Giáo Hoàng của tôi
GIOAN PHAOLÔ II

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Trích "Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo", tr. 26-30.