Tông thư Salvifici Doloris (5) - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4135 | Cật nhập lần cuối: 3/7/2016 10:05:52 AM | RSS

(tiếp theo)

Tông thư Salvifici Doloris (5) - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo17. Kinh Thánh phải được nên trọn. Trong Cựu Ước có khá nhiều bản văn về Đấng Messia, loan báo những đau khổ của Đấng sau này được Thiên Chúa xức dầu. Trong số đó có một bản văn rất đáng lưu ý, đó là bản văn quen gọi là Bài ca thứ tư về Người tôi tớ của Giavê trong sách ngôn sứ Issia. Vị ngôn sứ này thật xứng đáng với danh hiệu là Thánh sứ thứ 5. Trong bài ca, ngôn sứ đã tường thuật những đau khổ của Người tôi tớ một cách rất sống động và sâu sắc, dường như tác giả là người đã chứng kiến tận mắt, mắt xác thịt cũng như mắt tinh thần. Nhờ những câu văn đó, cuộc thương khó của Chúa Kitô đã trở nên sáng tỏ và cảm động hơn lối diễn tả của chính các tác giả Tin Mừng. Này đây con người đau khổ đích thực đã xuất hiện trước mắt chúng ta:

“Không duyên dáng, không oai vệ bắt chúng tôi phải để ý…
Người bị khinh và là đồ phế bỏ của loài người.
Con người đớn đau, ốm o xo bại như một kẻ gặp chúng tôi thì lo giấu mặt bị khinh khi, và chúng tôi chẳng thèm đếm xỉa. Trái lại, chính Người đã mang lấy các bệnh tật của chúng tôi.
Chính Người đã vác lấy những đau khổ của chúng tôi.
Còn chúng tôi, chúng tôi lại kể Người như kẻ bị trời đánh, bị Thiên Chúa trừng phạt và đày đọ.
Nhưng Người đã bị đâm thâu vì những ngỗ nghịch của chúng tôi.
Và vì tội vạ của chúng tôi, Người đã bị nghiền tán.
Đã giáng xuống Người hình phạt đổi lấy an bình cho chúng tôi.
Và nhờ những vết hằn Người phải chịu, chúng tôi có phương được lành.
Chúng tôi hết thảy đã xiêu lạc như chiên cừu mỗi người mỗi ngả.
Nhưng Giavê lại để Người phải lụy vì tội vạc của hết thảy chúng tôi”
(Is 53,2-6)

Có thể nói bài ca về Người Tôi tớ đau khổ chứa đựng một nội dung giống hệt từng chi tiết trong các chặng thương khó của Chúa Kitô: bắt bớ, sỉ nhục, bạt tai, khạc nhổ, phẩm giá của tù nhân bị khinh miệt, bị xử án bất công, bị đánh đòn, đội mão gai, chế nhạo, vác thập giá, đóng đinh, hấp hối.

Trong lời kể của vị ngôn sứ, có một điều khiến chúng ta chấn động hơn cả trình thuật Thương Khó, đó là chiều sâu của hy tế Đức Kitô. Dù vô tội, mà này đây Người gánh lấy những khổ đau của mọi người, bởi vì Người đã vác lấy tội lỗi của mọi người “Thiên Chúa đã để Người phải lụy vì tội vạ hết thảy chúng tôi”. Mọi tội lỗi của con người xét theo chiều rộng cũng như chiều sâu đều trở nên nguyên nhân thật sự cho nỗi đau khổ của Đấng Cứu Chuộc. Nếu đau khổ được đo lường theo sự dữ phải chịu, thì lời Isaia cho phép chúng ta hiểu được tầm mức của sự dữ và của đau khổ mà Chúa Kitô đã phải trải qua.

Có thể nói đó là sự đau khổ thay thế, nhưng nhất là sự đau khổ cứu chuộc. Đấng chịu đau khổ trong lời tiên báo đó quả thật là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29). Nhờ đau khổ của Người, mọi tội lỗi được xóa sạch, vì chỉ mình Người với tư cách là Con Một, mới có thể mang lấy, đảm nhận lấy những tội lỗi ấy bắng tình yêu đối với Chúa Cha, tình yêu thắng vượt sự dữ của mọi tội lỗi, và theo một nghĩa nào đó, Người đã hủy diệt hoàn toàn sự dữ đó trong phạm vi thiêng liêng của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại, và Người đã khỏa lấp khoảng trống ấy bằng sự thiện hảo.

Ở đây ta đụng chạm đến vấn đề hai bản tính của một Ngôi Vị độc nhất mang nỗi đau khổ cứu độ. Qua cuộc thương khó và cái chết trên thập giá, Đấng đã thực hiện việc cứu chuộc, lại chính là Con Một mà Thiên Chúa đã tặng ban. Và đồng thời, Người Con ấy, đồng bản tính với Cha, lại chịu đau khổ với tư cách là con người. Đau khổ của Người có những chiều kích nhân loại; sâu xa và mãnh liệt ở mức độ chưa từng có trong lịch sử nhân loại, tính cách sâu xa và mãnh liệt đó vẫn không thể so sánh được chính ở chổ Đấng chịu đau khổ - là Con Duy Nhất: Thiên Chúa bởi Thiên Chúa. Bởi thế, chỉ mình Người, với tư cách là Người Con Một, mới dập tắt được sức tàn phá của sự dữ hàm chứa trong tội lỗi của con người, trong mọi tội lỗi và trong mọi lãnh vực chịu ảnh hưởng của tội, theo các chiều kích của lịch sử nhân loại trên địa cầu.

18. Bây giờ, có thể nói rằng, những nhận định trên đưa chúng ta thẳng đến vườn Giếtsimani và đồi Golgotha, nơi đã ứng nghiệm bài ca Người Tôi tớ đau khổ trong Isaia. Nhưng trước khi đến đó, ta cùng đọc lại những lời tiếp theo của bài ca, qua đó ta thấy trước cuộc khổ nạn ở Giếtsimani và ở Golgotha. Người Tôi tớ đau khổ - chủ đề này cũng rất cần thiết để phân tích cuộc khổ nạn của Đức Kitô - đã hoàn toàn tự nguyện gánh lấy các nỗi đau khổ mà ta đã nói đến:

“Bị ngược đãi Người cam chịu nhục,
chẳng mở miệng kêu ca.
Như chiên bị đem đi làm thịt,
Như cừu câm nín khi bị xén lông,
Người chẳng mở miệng kêu ca.
Người đã bị bắt, bị lên án, bị thủ tiêu.
Số phận của Người nào có ai màng tới?
Người đã bị khai trừ khỏi chốn dương gian,
Vì tội lỗi của dân,
Người đã bị đánh nhừ tử.
Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn,
Bị mai táng cùng quân trọc phú,
Mặc dù đã không làm chi hung ác bạo tàn,
Cũng chẳng hề nói lời xảo trá gian ngoa”
(Is 53,7-9)

Đức Kitô chịu đau khổ một cách tự nguyện, và Người chịu đau khổ trong tư thế kẻ vô tội. Qua đau khổ, Người đón nhận câu hỏi mà bao lần con người đã đặt ra, câu hỏi đã được sách Gióp đã diễn tả một cách được nói là triệt để. Tuy nhiên, không những Đức Kitô mang nơi mình chính câu hỏi đó (đối với Người, câu hỏi này còn mang một ý nghĩa triệt để hơn nữa, vì Người là con người như ông Gióp, nhưng cũng là Con Thiên Chúa), mà đồng thời Người còn mang lại câu trả lời đầy đủ nhất có thể có được. Có thể nói câu trả lời cũng được hình thành cùng một cách thức như câu hỏi. Đâu là nguyên nhân và ý nghĩa của đau khổ? Câu hỏi đã được Đức Kitô giải đáp không những qua giáo huấn của Người, tức là Tin Mừng, nhưng trên hết, bằng chính sự đau khổ của Người. Đau khổ ấy được bổ túc một cách chặt chẽ và đầy đủ nhờ giáo huấn của Tin Mừng. Đau khổ là tiếng nói cuối cùng, tổng hợp toàn bộ giáo huấn ấy, là ngôn ngữa thập giá, theo kiểu nói của Thánh Phaolô (xc lCr 1, 18)

Ngôn ngữ thập giá đó đã đem lại một thực tại rõ ràng cho hình ảnh trong sách ngôn sứ xưa. Trong giáo huấn công khai của Đức Kitô, có nhiều bản văn, nhiều diễn từ cho thấy Người đã mau mắn chấp nhận đau khổ, theo thánh ý Chúa Cha, để cứu độ trần gian. Nhưng đỉnh cao của sự chấp nhận đó là lời cầu nguyện ở vườn Giếtsimani: “Lạy Cha, nếu được thì xin cho con khỏi uống chén đắng này, nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26, 42). Những lời đó rất có ý nghĩa vì nhiều lý do: chứng thực tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha qua sự vâng phục, đồng thời cũng xác nhận Đức Kitô đã chịu đau khổ thật sự. Lời nguyện của Đức Kitô ở vườn Cây Dầu chứng tỏ một tình yêu chân thành qua đau khổ thật sự. Lời ấy xác nhận một cách hết sức đơn giản nhưng tận căn sự thật nơi con người: đau khổ là chịu đựng một điều ác mà đối diện với nó, con người rùng mình khiếp sợ. Họ nói: “Giả như tôi mà thoát được!” đúng như Đức Kitô đã từng thân thưa ở vườn Cây Dầu.

Lời Đức Kitô đồng thời cũng xác nhận tính cách sâu xa và mãnh liệt độc nhất vô nhị của sự đau khổ mà chỉ có Người là Con Một Thiên Chúa mới có thể cảm nhận được. Lời ấy xác nhận mức độ sâu xa và mãnh liệt mà lời ngôn sứ trên đây phần nào đã giúp ta hiểu, dĩ nhiên là không hoàn toàn (muốn được vậy phải thấu triệt mầu nhiệm Thiên Chúa và con người của Đấng chịu đau khổ đó), nhưng ít là hiểu được sự dị biệt và cả những tương đường giữa những đau khổ mà con người có thể chịu với đau khổ của Thiên-Chúa-làm-người. Chính ở vườn Cây Dầu là nơi mà sự đau khổ đó được tỏ bày hầu như dứt khoát cho tâm hồn Đức Kitô, với trọn vẹn ý nghĩa đã được ngôn sứ Isaia diễn tả về sự dữ mà đau khổ ấy gợi lên.

Tiếp theo là những lời thổn thức của Đức Kitô trên đồi Golgotha. Những lời này chứng tỏ mức độ lớn lao - độc nhất trong lịch sử thế giới - của sự dữ do đau khổ gây nên. Lời than thở: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao Chúa lại bỏ con?” không chỉ diễn tả tình trạng bị bỏ rơi, bị hắt hủi thường thấy trong Cựu Ước, đặc biệt trong các Thánh Vịnh, nhất là Thánh Vịnh 22, 2 vừa trích dẫn. Có thể nói lời than thở đó phát xuất ngay trên bình diện sự kết hợp không thể phân ly giữa Chúa Con và Chúa Cha, và được thốt lên bởi vì Chúa Cha đã “đổ trên đầu Người tội vạ của tất cả chúng ta” (Is 53, 6), như Thánh Phaolô sau này diễn tả: “Đức Kitô là Đấng chẳng hề biết tội là gì, nhưng vì chúng ta, Thiên Chúa đã coi Người như hiện thân của tội lỗi” (2Cr 5, 21). Cùng với sức nặng khủng khiếp đó, bao gồm tất cả sự dữ - chứa đựng trong tội - tức là quay lưng lại với Thiên Chúa, thì Đức Kitô, do sự kết hiệp thần linh sâu xa giữa Chúa Con và Chúa Cha, cũng cảm thấy - một cách không thể diễn tả được bằng ngôn từ loài người - nỗi đau đớn của sự xa cách, bị Chúa Cha ruồng bỏ, bị đoạn tuyệt với Thiên Chúa. Nhưng chính nhờ sự đau khổ đó mà Người thực hiện được công cuộc cứu độ, và Người đã có thể thốt lên khi sắp tắt thở: “mọi việc đã hoàn tất” (Ga 19, 30).

Ta cũng có thể nói Sách Thánh đã hoàn tất, và những lời trong bài ca về Người Tôi tớ đau khổ đã được thực hiện trọn vẹn: “Chúa đã muốn Người phải tan nát vì đau khổ” (Is 53, 10).

Đau khổ của con người đã đạt tới đỉnh cao nơi cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Đồng thời nó mang lấy chiều kích hoàn toàn mới mẻ và đã đi vào một trật tự mới: đau khổ được liên kết với tình yêu, tình yêu mà Chúa Kitô đã nói với Nicôđêmô, tình yêu làm nên điều thiện hảo bằng cách rút tỉa ngay từ sự dữ, ngay từ đau khổ, cũng như sự thiện cao cả nhất - tức là ơn cứu độ thế giới - đã được thực hiện qua thập giá Đức Kitô, và không ngừng khởi đi từ thập giá. Cây thập giá đã trở thành nguồn mạch tuôn trào dòng nước đem lại sự sống (xc Ga 7,37-38). Cũng chính từ thập giá, chúng ta phải đặt lại câu hỏi về ý nghĩa đau khổ và chúng ta tìm được lời giải đáp trọn vẹn về câu hỏi đó.

(còn tiếp)

Ban hành tại Rôma, gần đền thờ Thánh Phêrô.
Ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.2.1984

Năm thứ sáu
Triều đại Giáo Hoàng của tôi
GIOAN PHAOLÔ II

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Trích "Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo", tr. 30-35

---------------------------------

Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo (1)

Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo (2)

Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo (3)

Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo (4)