Rác thải và sự ô nhiễm: Ngày Môi trường Thế giới 05/06
RÁC THẢI VÀ SỰ Ô NHIỄM
“Chúng ta hãy nhìn vào sự ô nhiễm do rác thải gây nên, gồm cả các chất cặn bả nguy hiểm có mặt trong nhiều vùng khác nhau. Mỗi năm có hằng trăm triệu tấn rác thải được tung ra, mà phần đông không phải do rác sinh học: Rác thải trong gia đình và chợ búa, rác thải do xây dựng, do bệnh viện, điện khí, kỹ nghệ, nhất là những rác thải độc hại và phóng xạ. Ngôi nhà trái đất của chúng ta, càng ngày càng trở nên một bãi rác khổng lồ. Trong nhiều vùng trên trái đất, những người già thường nhớ đến những cách đồng như thuở xưa, nay thì tràn đầy rác rưởi. Cũng như rác thải công nghiệp do những sản phẩm hóa chất được sử dụng trong làng mạc hay nơi đồng áng có thể gây nên hậu quả gia tăng chất hóa học trong cơ thể của người dân chung quanh, cũng như đưa đến những yếu tố độc hại cho một nơi thấp hơn. Thông thường không có phương thế nào được áp dụng cho đến khi sức khỏe của người dân đã bị ảnh hưởng không thể cứu vãn được.” (Laudato Si’ số 21)
RÁC THẢI NHỰA – MỐI NGUY VỚI MÔI TRƯỜNG
Rác thải nhựa hiện là một vấn đề môi trường nghiêm trọng và Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có lượng chất thải nhựa thải ra hàng năm cao. Đáng quan ngại, tại Việt Nam hiện nay rác thải nhựa mới được quy định chung trong nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể nào để quản lý, thu gom và xử lý trong tình trạng ô nhiễm, suy thoái do lượng rác thải nhựa đang ngày càng nghiêm trọng. Rác thải nhựa vẫn luôn là mối lo ngại tới sức khỏe con người lẫn môi trường.
- Theo số liệu thống kê, mỗi năm có 2,5 – 4 tỷ tấn rác được xả ra trên Trái Đất. Các chuyên gia dự báo tới năm 2050, con người sẽ ngập tràn trong 13 tỷ tấn rác thải nhựa, sinh hoạt.
- Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, phần lớn trong số đó là túi nilon.
- Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilon mỗi tháng.
- Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi sử dụng một lần.
TÁC HẠI
- Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy.
- Ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loại động, thực vật…
- Mọi người cần nhận thức vấn đề bảo vệ môi trường đồng nghĩa với việc bảo vệ cuộc sống của chính mình.
- Hành động giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, rất cần ý thức chung tay của cả cộng đồng và trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Liệu rằng chúng ta có thể chống lại với tình trạng hộp xốp, túi nilon đã gây ra rác thải gây ô nhiễm môi trường không?
Các sản phẩm nhựa khó có thể biến mất hoàn toàn trong đời sống bởi tác dụng tiện lợi của nó, do đó song song với việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy thì việc đi tìm một nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sinh học dễ phân hủy sẽ là giải pháp tối ưu trong tương lai.
Chúng ta cần phải có một cách tiếp cận toàn diện về quản lý rác thải nhựa để giảm khối lượng loại bỏ ra môi trường.
GIẢI PHÁP CHO CỘNG ĐỒNG
Muốn làm được việc này, trước hết, chúng ta phải bắt đầu từ việc giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và thay vào đó, tập thói quen dùng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường như:
1/ Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần: Chai ly nhựa, túi nhựa xốp, hộp xốp đựng thức ăn…
2/ Sử dụng túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy hay túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần.
3/ Sử dụng hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa có thể tái sử dụng lại,… và các sản phẩm bằng mây tre, lá…
4/ Sử dụng ly, tách trà trong các sự kiện
5/ Hãy đi chợ với chiếc giỏ tay truyền thống
6/ Hãy phân loại rác tại hộ gia đình: (1) Rác hữu cơ; (2) Rác vô cơ; (3) Rác tái chế; và (4) Rác độc hại
7/ Không tự ý đốt rác tại gia đình, đổ rác đúng nơi qui định
8/ Áp dụng nguyên tắc 3T: Tiết giảm – Tái chế - Tái sử dụng.
Caritas Giáo phận Phú Cường
Nguồn: giaophanphucuong.org (06.06.2023)