Đối thoại liên tôn trong Giáo huấn của Giáo hội từ Công đồng Vatican II
Dẫn nhập
Trong chuyến tông du lần thứ ba tại Cộng hòa Liên bang Đức (22-25/09/2011), bên cạnh cuộc gặp gỡ đại kết với anh em Tin Lành Luther tại Erfurt, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và Hồi giáo. Rồi ngày 27.10.2011, ngài cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo gặp gỡ tại Assisi, như một cuộc hành hương vì hòa bình, nhân kỷ niệm cuộc gặp gỡ liên tôn đã diễn ra cùng ngày này 25 năm trước, theo sáng kiến của chân phước Gioan Phaolô II. Các dấn thân hoạt động và tương quan liên tôn của vị Giáo hoàng đương kim và tiền nhiệm đều là hoa trái của việc áp dụng giáo huấn của công đồng Vatican II.
Một năm trước khi ký tông hiến Venerabilium Nostrorum thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã công bố ý định triệu tập công đồng chung Vatican II, ngày 25.01.1959, lễ thánh Phaolô trở lại. Ý định tưởng chừng như bất chợt mà vị Giáo hoàng của “aggiornamento” (cập nhật hóa) cho là “hoa xuân chợt nở bất ngờ” ấy đã được gợi hứng, tác động và dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, nên công đồng của thế kỷ XX này đã mang lại một luồng gió mới cho Giáo hội Công giáo toàn cầu và mở ra những cánh cửa đối thoại.
I. VATICAN II: CÔNG ĐỒNG CỦA ĐỐI THOẠI
Theo tinh thần của Vatican II, để trung thành với bản chất và sứ mạng của mình trong thế giới hôm nay, Giáo hội không những được mời gọi đối thoại với thế giới, với các Giáo hội Kitô khác mà còn với khoa học, các nền văn hóa và với cả các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Công đồng Vatican II đã khai mở một thái độ mới đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, đặc biệt đối với anh em Do Thái giáo và Hồi giáo. Thái độ cởi mở này được nhấn mạnh trong hai hiến chế, hai tuyên ngôn và một sắc lệnh của công đồng.
1. Hiến chế Lumen Gentium
Số 16 của Hiến chế tín lý về Giáo hội đã xác định "những ai chưa lãnh nhận Phúc Âm cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa". Rồi công đồng đề cập đến dân Do Thái với những lời lẽ trân trọng như: "dân tộc đã nhận lãnh lời hứa và giao ước, mà bởi dân ấy, Chúa Kitô đã sinh ra theo thể xác (x. Rm 9,4-5). Họ là dân rất được yêu quý, bởi đã được tuyển trọn vì cha ông họ: Thiên Chúa không ân hận gì vì đã ban ơn và kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29)".
Ý định cứu độ của Thiên Chúa "còn bao hàm những ai nhận biết Đấng Tạo Hóa", gồm những người Hồi giáo và những ai "đang tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng". Người Hồi giáo "giữ Đức Tin của Abraham", như các Kitô hữu họ cùng "thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Đấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết". Còn đối với nhóm người thứ hai, Thiên Chúa "không xa họ, bởi vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự (x. Cv 17,25-28), và vì là Đấng Cứu Thế, Ngài muốn mọi người đều được cứu rỗi (x. 1 Tm 2, 4)".
Tuy nhiên, công đồng cũng nêu rõ các điều kiện để những người "vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo hội Người" có thể được cứu rỗi: "thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm".
Cái nhìn tích cực của Vatican II đối với các tôn giáo khác là ở chỗ "Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống".
2. Hiến chế Gaudium et Spes
Hiến chế Gaudium et Spes (GS) nêu lên vai trò của Chúa Thánh Thần trong kế hoạch cứu độ là liên kết mọi người với Chúa Kitô Phục Sinh: "…vì Chúa đã chết cho mọi người (Rm 8, 32) và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy, cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi" (GS 22).
3. Sắc lệnh Ad Gentes
Sắc lệnh Ad Gentes về Hoạt động truyền giáo của Giáo hội yêu cầu người Công giáo, khi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các dân tộc, "phải làm quen với những truyền thống và tôn giáo" của nhóm người mình chung sống và "phải lấy làm vui khi khám phá ra hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn nơi họ" (AG 11).
4. Tuyên ngôn Nostra Aetate (NA)
Đây là tài liệu ngắn nhất trong số 16 văn kiện được Công đồng Vatican II công bố, nhưng lại đóng một vai trò quan trọng bước ngoặt cho suy tư thần học Kitô giáo về các tôn giáo cũng như cho thực hành gặp gỡ giữa Giáo hội với các tôn giáo khác. Vì thế, vào ngày 18.11.1964, Đức Hồng y Bea đã nhìn nhận rằng: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, một Công đồng đã long trọng trình bày các nguyên tắc liên hệ đến các tôn giáo ngoài Kitô giáo... Đây là vấn đề của hơn một tỉ người chưa biết hay không nhìn nhận Chúa Kitô và công trình cứu rỗi của Người" (1). Cùng năm 1964 này, Đức Phaolô VI đã cho thành lập Văn phòng về những người ngoài Kitô giáo, tiền thân của Hội đồng Giáo hoàng về đối thoại liên tôn hiện nay.
Các nghị phụ nêu lên giao điểm chung giữa mọi dân tộc không phân biệt tín ngưỡng, đó là mọi người đều phát xuất từ một nguồn gốc và hướng về một cùng đích là Thiên Chúa: "mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn, cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu (Cv 17, 26). Họ lại có cùng một mục đích tối hậu là Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng trải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu và ý định cứu độ cho hết mọi người" (NA 1).
Tuyên ngôn đã trình bày về nguồn gốc của tâm tình tôn giáo, các tôn giáo trong lịch sử và giá trị của các tôn giáo. Vai trò của các tôn giáo là giải đáp "những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người", như nguồn gốc, mục đích và ý nghĩa của đời người, của sự đau khổ, vấn đề thiện và ác, đường dẫn tới hạnh phúc thật sự v.v…
Công đồng đề cập đến khía cạnh tích cực của các tôn giáo, nhìn nhận có những yếu tố chân lý và thánh thiện trong đó.
“Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo hội, nhưng vẫn thường mang lại một tia sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi tất cả mọi người” (NA 2).
Dù ý thức có những dị biệt giữa Kitô giáo với các tôn giáo về luân thường-đạo lý, và xác tín sứ mạng trường kỳ của mình là loan truyền Đức Kitô “Đường, Sự thật và Sự Sống“, Giáo hội luôn cổ võ việc xây dựng một cuộc sống chung hài hòa trong xã hội và mời gọi người Kitô hữu hợp tác với các tín đồ các tôn giáo trong việc thăng tiến các giá trị tinh thần, luân lý cũng như văn hóa xã hội (2).
“Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, gìn giữ và làm tăng triển những giá trị tâm linh, luân lý cũng như các giá trị xã hội-văn hóa của những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, nhờ việc đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ ấy mà vẫn làm chứng cho niềm tin và đời sống Kitô giáo” (NA 2).
5. Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (DH)
Theo Tuyên ngôn về tự do tôn giáo này, tự do là một giá trị phổ quát, thuộc về phẩm giá con người, nên không phải chỉ những người công giáo mới được quyền đòi hỏi, khi họ là thiểu số và bị bách hại. Tự do tôn giáo cũng có giá trị đối với những người thuộc các tôn giáo khác khi họ sống giữa những người công giáo. Tự do tôn giáo đặt nền tảng trên bổn phận đi tìm chân lý và chính bổn phận này đòi phải có tự do tôn giáo. Thật vậy, quyền tự do chấp nhận chân lý theo lương tâm là một trong những quyền thiết thân nhất của con người.
Lý do của sự tôn trọng này là vì chính Thiên Chúa đã ban tặng cùng tôn trọng phẩm giá và tự do của con người:
"Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, phẩm giá ấy phải được hưởng tự do và được hướng dẫn theo phán đoán của chính con người" (DH 11). "Do đó, không ai bị cưỡng bách phải chấp nhận đức tin trái với ý muốn" (DH 10).
Thiên Chúa tôn trọng tự do và phẩm giá của con người, nên cả Giáo hội cũng như xã hội dân sự đều có bổn phận bảo vệ quyền tự do này. Ngoài ra, việc bảo vệ này còn giúp duy trì lợi ích chung của xã hội. Vì thế, công đồng mạnh dạn khẳng định trách nhiệm thiết yếu của nhà cầm quyền dân sự đối với "những quyền lợi bất khả xâm phạm của con người":
"quyền bính dân sự phải bảo vệ cách hữu hiệu quyền tự do tôn giáo của mọi công dân bằng những đạo luật chính đáng và những phương tiện thích hợp khác, phải tạo nên những điều kiện thuận lợi giúp phát triển đời sống tôn giáo" (DH 6).
6. Thông điệp Ecclesiam Suam (ES)
Trước khi bế mạc công đồng một năm, ngày 6 tháng 8 năm 1964, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã công bố Thông điệp về Giáo hội, trong đó ngài dành cả Phần III (từ số 60 đến 120) để bàn đến đối thoại. Ý thức rằng chủ đề đối thoại đang được các nghị phụ công đồng bàn bạc sâu rộng, ngài nêu rõ mục đích của phần trình bày này là “thực hiện trước vài suy nghĩ để làm rõ hơn những động lực thúc đẩy Giáo hội đến việc đối thoại, những phương pháp cần phải theo, những mục đích cần đạt đến. Chúng tôi muốn chuẩn bị tinh thần, chứ không khảo sát các đề tài” (ES 68).
Khởi đi từ suy tư về cuộc “đối thoại cứu độ” do sáng kiến và lòng tốt của Thiên Chúa, Giáo hội, “đến lượt mình phải khởi xướng để mở rộng cuộc đối thoại này đến với con người, mà không đợi chờ được mời gọi [làm việc ấy] (ES 74).
Đó là một cuộc đối thoại mang tính vô vị lợi và vô giới hạn, vì xuất phát từ động lực tình yêu:
“Cuộc đối thoại cứu độ sẽ không được đánh giá theo sự xứng đáng của những người được ngỏ lời, cũng không theo ngay cả những kết quả có thể đạt được hay có thể sai lầm; ‘Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc’ (Lc 5, 31); cuộc đối thoại của chúng ta cũng không được có giới hạn và tính toán.
Cuộc đối thoại cứu độ không ép buộc bất cứ ai đón nhận mình; đó là một đòi hỏi tuyệt vời của tình yêu, một đòi hỏi mà nếu tạo nên trách nhiệm nghiêm trọng đối với những người được ngỏ lời (x. Mc 11, 21), thì cũng để cho họ được hoàn toàn tự do để đáp ứng hay từ chối cuộc đối thoại ấy” (ES 76-77).
Theo Đức Phaolô VI, “đối thoại là một phương thế thực hành sứ mạng tông đồ” và là “một nghệ thuật truyền thông tâm linh”. Về đối tượng của đối thoại, ngài xác định: “Không ai là người xa lạ ở giữa lòng Giáo hội. Không ai là không quan trọng đối với sứ vụ của Giáo hội. Đối với Giáo hội, không ai là kẻ thù, trừ khi họ muốn đứng về phía này” (ES 98) . Do đó, Đức Giáo hoàng chia những người mà Giáo hội đối thoại theo ba vòng tròn từ xa đến gần: (1) nhân loại (2) các người tin vào Thiên Chúa, những tín đồ của các tôn giáo lớn tại Á châu và Phi châu và (3) các anh em Kitô hữu chia cách (đối thoại đại kết) (3).
II. NHỮNG GIÁO HUẤN QUAN TRỌNG SAU VATICAN II
Không thể kể hết những diễn từ, sứ điệp của các Đức Giáo hoàng, những văn kiện của các Thánh bộ cùng những tài liệu của Ủy ban Thần học quốc tế, mà Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại liên tôn đã tập hợp lại trong cuốn Đối thoại liên tôn trong giáo huấn chính thức của Giáo hội Công giáo (4). Ở đây, chúng tôi chỉ lược trích một số văn kiện quan trọng theo dòng thời gian, nhằm làm nổi bật tính liên tục của huấn quyến trong suy tư thần học về các tôn giáo cũng như việc cổ vũ cho công cuộc đối thoại liên tôn trong Giáo hội.
1. Tông huấn Evangelii nuntiandi (08.12.1975)
Việc Loan báo Tin Mừng hướng đến muôn dân, bao hàm anh chị em thuộc các niềm tin khác.
"Việc loan báo đầu tiên cũng được dành cho những thành phần rộng lớn của nhân loại đang theo những tôn giáo khác mà Giáo hội quý trọng vì là biểu hiện sống động cho các tập hợp người đông đảo kia" (EN 53).
Dù trọng tâm của Tông huấn là việc truyền giáo, nhưng Đức Giáo hoàng Phaolô VI cũng đưa ra một cái nhìn tích cực về các tôn giáo khác:
"Các tôn giáo ấy mang theo mình dư âm của hàng ngàn năm tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm chưa đầy đủ nhưng thường là với tấm lòng thành thật và ngay thẳng. Các tôn giáo ấy có một di sản đáng thán phục về các bản kinh đậm đà tính tôn giáo. Các tôn giáo ấy đã dạy cho nhiều thế hệ biết cầu nguyện. Các tôn giáo ấy đều được gieo cấy đó đây bằng vô số những “hạt giống Lời” và có thể thành một "chuẩn bị đích thực cho Tin Mừng…” Giáo hội nghĩ rằng thành phần đông đảo các người này có quyền biết sự phong phú của mầu nhiệm Đức Kitô (Ep 3, 8) trong đó chúng ta tin rằng toàn thể nhân loại có thể tìm thấy, một cách đầy đủ không ngờ được, tất cả những gì họ dò dẫm tìm tòi về Thiên Chúa, về con người và vận mệnh con người, về sự sống và sự chết, về chân lý" (EN 53).
Đàng sau những đánh giá trên, ta nhận ra thần học về sự hoàn tất và thần học về sự hiện diện của Ngôi Lời, đồng thời cũng nhận ra quyền của anh chị em thuộc các tôn giáo khác là được biết đến mầu nhiệm phong phú của Đức Kitô, do đó người Kitô hữu cần đi đến loan báo Đức Kitô cho họ.
2. Thông điệp Redemptor Hominis (04.03.1979)
Khi cảnh tỉnh người Kitô hữu về sự sa đà trong niềm tin, thông điệp đề cập đến hoạt động của Chúa Thánh Thần ở bên ngoài Giáo hội, nơi các tôn giáo khác: "Phải chăng nhiều khi lòng tin vững chắc của các thành phần những tôn giáo ngoài Kitô giáo - vốn cũng là hiệu quả của Thánh Thần chân lý tác động xa hơn những biên giới hữu hình của Thân mình mầu nhiệm - lòng tin ấy đáng làm cho các Kitô hữu hổ thẹn vì quá nhiều khi họ đâm ra nghi ngờ những chân lý do Thiên Chúa mạc khải và Giáo hội rao giảng, vì họ quá dễ dàng buông lỏng các nguyên tắc luân lý và mở rộng cửa cho một thứ luân lý tùy tiện?" (RH 6)
Các tôn giáo được xem như "những phản ánh của một chân lý duy nhất", "những hạt giống Ngôi Lời" đồng quy trong nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa và ý nghĩa đời người (x. RH 11).
3. Thông điệp Dominum et vivificantem (18.05.1986)
Thông điệp bày tỏ mối quan tâm của chân phước Gioan Phaolô II đối với “sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí tác động không những trên các cá nhân, nhưng còn trên xã hội và lịch sử, trên các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo nữa”.
4. Thông điệp Redemptoris Missio (07.12.1990)
Suy tư về hoạt động của Chúa Thánh Thần được tiếp tục triển khai trong Thông điệp về Sứ vụ của Đấng Cứu Thế: “Tất cả những gì Thần Khí khơi dậy nơi tâm hồn con người và giữa lịch sử các dân tộc, nơi các nền văn hóa và các tôn giáo, thì đều nhằm mục đích dọn đường cho Tin Mừng” (Redemptoris Missio 18).
Ngoài ra, Đức Gioan Phaolô II cũng chứng minh cho thấy rằng không hề có sự mâu thuẫn giữa sứ mạng Loan báo Tin Mừng và công cuộc đối thoại liên tôn:
"đối thoại liên tôn là một phần của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Được hiểu như một phương thế và một phương tiện cho sự hiểu biết lẫn nhau và sự phong phú hóa, đối thoại liên tôn không mâu thuẫn với sứ mạng truyền giáo cho muôn dân; trái lại, nó có những liên kết đặc biệt với sứ mạng này và là một trong những biểu hiện của sứ mạng đó" (Redemptoris Missio 55).
5. Tông thư Tertio Millennio Adveniente (10.11.1994)
Tông thư Tiến tới Ngàn năm thứ ba cho thấy điểm đặc thù và phân biệt Kitô giáo với các tôn giáo được xây dựng trên mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, qua đó Thiên Chúa đi bước trước đến tìm kiếm con người.
"Bởi Người không hạn định mình trong việc chỉ phát biểu ‘nhân danh Thiên Chúa’ như các ngôn sứ, nhưng đây chính là Thiên Chúa nói trong Lời vĩnh cửu của Người mặc lấy xác phàm. Ở đây chúng ta gặp thấy điểm căn bản làm cho Kitô giáo khác biệt với các tôn giáo khác; đối với các tôn giáo khác thì đầu tiên là con người đi kiếm tìm Thiên Chúa. Còn theo Kitô giáo thì điểm khởi đầu là cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời. Ở đây ta thấy không còn chỉ là con người kiếm tìm Thiên Chúa, mà là chính Thiên Chúa đích thân đến nói với con người về chính Người và vạch chỉ cho họ con đường qua đó họ đạt tới Người. Đó là điều mà Tin Mừng Gioan đã công bố trong phần mở đầu: ‘Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một Thiên Chúa, Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, tỏ cho ta biết’(1, 18). Vì thế, Lời Nhập Thể là sự lấp đầy khát vọng thường hằng trong tất cả các tôn giáo nhân loại: sự lấp đầy này là công trình của Thiên Chúa và nó vượt quá mọi mong đợi của con người. Đây là một mầu nhiệm của ân sủng.
Trong Đức Kitô, tôn giáo không còn chỉ là một ‘sự dò dẫm kiếm tìm Thiên Chúa’ (cf. Cv 17, 27), nhưng đó là một lời đáp trả của đức tin đối với Thiên Chúa là Đấng tự mạc khải: lời đáp trả mà con người thưa lên với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Cha của họ; lời đáp trả ấy sở dĩ có được là nhờ con Người duy nhất vốn đồng thời là Ngôi Lời đồng bản tính với Chúa Cha; qua Người, Thiên Chúa ngỏ lời với mọi người và mọi người có được khả năng đáp trả Thiên Chúa. Hơn nữa, chính trong con người này, toàn thể tạo vật đáp trả Thiên Chúa" (TMA 6).
6. Tông huấn Ecclesia in Asia (06.11.1999)
Sau khi nêu lên khó khăn và thách đố của việc đối thoại đại kết, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định về trách nhiệm đối thoại liên tôn như di sản kế thừa từ công đồng:
“Tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những người theo các tôn giáo khác là một trách nhiệm mà Công Đồng Vatican II trối lại cho toàn thể Giáo Hội như là một bổn phận và một thách đố” (Ecclesia in Asia 31) .
Tông huấn vừa khẳng định sự cần thiết và ý nghĩa của đối thoại liên tôn tại châu Á, vừa nhìn nhận những giá trị của các tôn giáo:
“…đối thoại liên tôn không phải chỉ là cách thế giúp hiểu biết và phong phú hóa lẫn nhau, mà hơn nữa là một thành phần của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo hội, một biểu hiện của sứ vụ đối với dân ngoại. Qua đối thoại liên tôn, người Kitô hữu trình bày xác tín về sự viên mãn của ơn cứu độ chỉ đến từ Đức Kitô và Giáo hội mà họ là thành viên (...). Mặc dù Giáo hội vui mừng nhìn nhận tất cả những gì là chân thật và thánh thiện trong các truyền thống tôn giáo của Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, như một phản ánh của chân lý soi sáng mọi người, điều đó không giảm thiểu trách nhiệm và bổn phận của Giáo hội đối với việc cương quyết rao giảng Đức Kitô như là “Đường, Sự thật và Sự sống” (ibid.)
Nhưng đồng thời Đức Gioan Phaolô II cũng nhắc lại nhiệm vụ phải minh nhiên Loan báo Tin Mừng cho người dân ở lục địa này, như sứ điệp ngài đã gởi cho Hội nghị khoáng đại lần thứ V của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu:
“Sự kiện tín đồ các tôn giáo khác có thể lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa và được Đức Kitô cứu độ bên ngoài những phương tiện thông thường mà Ngài đã thiết lập, không loại trừ lời mời gọi chấp nhận đức tin và chịu phép rửa mà Thiên Chúa muốn cho mọi dân tộc” (Ecclesia in Asia 31).
7. Tuyên ngôn Dominus Iesus (06.08.2000)
Tuyên ngôn được Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin công bố vào Năm Thánh 2000, với ấn ký của Hồng y Joseph Ratzinger, bấy giờ là tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý và Đức Tin. Tuyên ngôn đã tạo nên nhiều phản ứng trong nội bộ Giáo hội Công giáo, nơi các Giáo hội Kitô khác và nơi một số anh chị em thuộc tôn giáo khác. Có ý kiến cho rằng Dominus Iesus đã hạn chế suy tư của các nhà thần học tôn giáo và gây trở ngại cho công cuộc đối thoại liên tôn và đại kết đang trên đường phát triển. Chúng ta cần tiếp cận bản văn và hiểu biết mục đích, nội dung của văn kiện này để có thể giải tỏa một số ngộ nhận.
Tuyên ngôn gồm 23 số với nội dung chính như sau:
(1) Sự trọn vẹn và dứt khoát nơi mạc khải của Chúa Giêsu Kitô.
(2) Ngôi Lời nhập thể và Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ.
(3) Duy nhất tính và phổ quát tính nơi mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.
(4) Độc nhất tính và duy nhất tính của Giáo hội.
(5) Giáo hội, Vương quốc của Thiên Chúa và Vương quốc của Chúa Kitô.
(6) Giáo hội và các tôn giáo khác trong tương quan với ơn cứu độ.
Tiếp nối suy tư của các văn kiện công đồng, các thông điệp kể trên, đặc biệt Redemptoris Missio, tuyên ngôn “Dominus Iesus” tái khẳng định: sứ vụ rao giảng Chúa Giêsu Kitô, "Đường, Sự Thật và Sự Sống" (Ga 14, 6), được thể hiện hôm nay qua con đường đối thoại liên tôn. Tuy nhiên cuộc đối thoại này chắc chắn không thay thế, mà đúng hơn đồng hành với sứ vụ đến với các dân tộc (missio ad gentes) (...). Cuộc đối thoại liên tôn này, thành phần của sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội, bao hàm thái độ cảm thông, mối tương quan hiểu biết hỗ tương và làm giàu cho nhau, trong sự vâng phục chân lý và tôn trọng tự do” (Dominus Iesus 2).
"… chân lý về Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Chúa và là Đấng Cứu Thế duy nhất, Đấng qua biến cố nhập thể, tử nạn và phục sinh của Người, đã đem lịch sử cứu độ tới chỗ viên mãn, và lịch sử cứu độ được viên mãn trong Người và lấy Người làm trung tâm, chân lý đó phải được tin vững vàng như là một yếu tố kiên định của đức tin Giáo Hội" (DI 13)
Về Kitô học và Giáo hội học, tuyên ngôn nhắc lại những tiêu chí cho suy tư thần học, đồng thời cho thấy mối liên hệ của Giáo hội và các tôn giáo khác với ơn cứu độ:
"Trước hết, cần phải tin vững vàng rằng "Giáo hội, lữ hành trên trần gian này, cần thiết cho ơn cứu rỗi. Thực vậy, chỉ mình Chúa Kitô là Trung Gian và là Con Đường cứu độ. Người hiện diện giữa chúng ta trong Thân Thể Người là Giáo hội; chính Người đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép Thánh Tẩy (Mc 16, 16; Ga 3, 5), đồng thời Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo hội mà mọi người bước vào qua cửa phép Thánh Tẩy". Giáo lý này không được cho là ngược lại ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa (1 Tm 2, 4); "cần phải giữ cho hai chân lý này đi chung với nhau, đó là, toàn thể nhân loại thật sự có thể được cứu độ trong Chúa Kitô và sự cần thiết của Giáo Hội cho việc cứu rỗi này".
Vai trò của Giáo hội luôn gắn liền với Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế trong lịch sử cứu độ nhân loại:
“Giáo hội là ‘bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi’, bởi vì, luôn được liên kết cách mầu nhiệm với Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế, là Đầu của mình, và thần phục Người, nên Giáo hội, trong chương trình của Thiên Chúa, có một quan hệ cần thiết đối với sự cứu rỗi mọi người. Đối với những ai không là thành viên của Giáo Hội cách chính thức và hữu hình, ‘sự cứu rỗi trong Chúa Kitô có thể đạt được nhờ một ân sủng, bao lâu còn có một tương quan mầu nhiệm với Giáo Hội, ân sủng đó không làm cho họ nên thành viên của Giáo Hội cách chính thức, nhưng soi sáng họ trong cách xứng hợp với hoàn cảnh thiêng liêng và vật chất của họ. Ân sủng này đến từ Chúa Kitô và được truyền thông bởi Chúa Thánh Thần’ ân sủng có tương quan với Giáo Hội, vì ‘chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha’" (DI 20).
8. Tông huấn Verbum Domini (30.09.2010)
Tông huấn gần đây của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI được xem như “thần học về Lời Chúa” gồm ba phần chính: (I) Lời Thiên Chúa, (II) Lời Chúa trong Hội Thánh, nơi đặc trưng cho Lời Chúa, (III) Lời Chúa cho thế giới.
Trong phần thứ ba, Đức Giáo hoàng đã nêu lên giá trị của đối thoại liên tôn trong tương quan với việc công bố Lời Chúa:
“Giáo hi coi phần chủ yếu trong việc công bố lời Chúa hệ tại ở việc gặp gỡ, đối thoại và hợp tác với mọi người thiện chí, nhất là với tín hữu thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau của nhân loại” (VD 117).
Các tôn giáo được nhìn trong bối cảnh toàn cầu hóa và thế tục hóa, có “khả năng cổ vũ được một não trạng biết coi Đấng Toàn Năng là nền tảng của mọi điều thiện, là nguồn bất tận của đời sống luân lý, và là thành lũy của cảm thức sâu xa về tình huynh đệ phổ quát” (ibid.).
Đề cập đến cuộc đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi giáo, tông huấn nhấn mạnh đến “sự phân biệt quan trọng cần phải có giữa trật tự xã hội chính trị và trật tự tôn giáo, các tôn giáo khác nhau phải đóng góp đặc biệt vào ích chung” và “yêu cầu các hội đồng giám mục, bất cứ khi nào thích hợp và hữu ích, cần khích lệ những cuộc gặp gỡ nhằm giúp các Kitô hữu và người Hồi giáo đến với nhau để hiểu biết nhau hơn, ngõ hầu cổ vũ các giá trị mà xã hội đương cần cho một cuộc sống chung hòa bình và tích cực” (VD 118).
Đức Giáo hoàng còn nêu ra các giá trị của một số truyền thống tôn giáo Đông phương cụ thể như: “trong Phật giáo, có việc tôn trọng sự sống, việc chiêm niệm, sự thanh tĩnh, sự đơn thành; trong Ấn Độ giáo, có cảm thức về thánh thiêng, về hy lễ và chay tịnh; rồi trong Khổng giáo, có các giá trị gia đình và xã hội. Chúng ta cũng hài lòng tìm thấy nơi các kinh nghiệm tôn giáo khác một quan tâm chân chính đối với sự siêu việt của Thiên Chúa, được họ nhìn nhận là Đấng Hóa Công, cũng như việc tôn trọng sự sống, hôn nhân và gia đình, và một cảm thức mạnh về liên đới” (VD 119).
Đồng thời, tông huấn còn nhắc lại lời của Đức Gioan Phaolô II về sự tôn trọng tự do tôn giáo và tính tương tác trong đối thoại liên tôn:
“sự tôn trọng và đối thoại đòi hỏi sự hỗ tương trong mọi lãnh vực, nhất là trong những gì liên hệ đến các tự do căn bản và đặc biệt hơn, tự do tôn giáo. Chúng cổ võ hòa bình và sự đồng thuận giữa các dân tộc” (VD 120). (5)
***
Hy vọng một thoáng nhìn lại những suy tư nền tảng của các nghị phụ thời Vatican II cũng như việc điểm qua vài dấu nhấn của các văn kiện huấn quyền sau Công đồng, về ý nghĩa thần học của mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo với các tôn giáo khác, sẽ khơi dậy nơi các cộng đoàn Kitô hữu những định hướng cùng sáng kiến mục vụ đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh của Giáo hội tại Việt Nam, để đáp lại lời mời gọi canh tân của Đại hội Dân Chúa năm 2010.
Huệ Tâm
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 67 (Tháng 9 & 10 năm 2011)
Nguồn: hdgmvietnam.com (30.12.2021)
______________________
Chú thích:
(1) Thánh Công đồng chung Vaticanô II. Hiến chế - Sắc lệnh - Tuyên ngôn, bản dịch của Phân khoa Thần học GHHV Thánh Piô X, Đàlạt, 1972, tr. 544.
(2) Xem Thời sự thần học, số 13 (09/1998), tr. 80-81.
(3) X. ES 101-113.
(4) Conseil pontifical pour le dialogue interreligieux, Le dialogue interreligieux dans l’enseignement officiel de l’Eglise catholique – du Concile Vatican II à Jean Paul II 1963-2005, Ed. Solesmes, France, 2006.
(5) Gioan-Phaolô II, Diễn văn cho người trẻ Hồi giáo tại Casablanca - Marốc (19.08.1985), s. 5: AAS 7 (1986), tr. 99; DC s. 1903, tr. 943.