Đường về quê hương các Thánh

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 4158 | Cật nhập lần cuối: 10/31/2018 3:19:36 PM | RSS

LOAN TIN MỪNG CHO DÒNG HỌ - Chia sẻ 13

ĐƯỜNG VỀ QUÊ HƯƠNG CÁC THÁNH

Hằng năm, tới ngày kỷ niệm các vị Tử đạo, tại quê hương của từng vị vẫn có lễ hội của Giáo xứ và Giáo phận. Theo hướng loan Tin mừng cho đồng tộc, ngoài thánh lễ, rước kiệu, nên có thêm những sinh hoạt dành cho người cùng dòng họ với vị Thánh. Với sinh hoạt này, ngày kính vị Tử đạo sẽ sớm thành lễ hội của Dòng họ và có khả năng lôi cuốn người đồng tộc, giáo cũng như lương. Tại những nơi ở xa quê hương vị Thánh, nếu bà con đồng tộc có điều kiện cũng nên xây dựng tượng đài hoặc đền thánh. Những nơi này cũng sẽ có thể thành những điểm hành hương cho Dòng họ.

Ngày về viếng đền thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa tại giáo xứ Thuận Nghĩa, Nghệ An, đứng trước tượng ngài, tôi chợt có cái ao ước gặp gỡ hậu duệ của ngài đang sống quanh đó. Khi biên soạn quyển Về Với Cội Nguồn, tới phần các vị thánh đồng tộc, tôi nghĩ cần cung cấp cho độc giả những thông tin cần thiết để có thể thực hiện những cuộc hành hương lý thú, vừa về thăm quê hương các thánh vừa giao lưu gặp gỡ với hậu duệ các ngài. Rất may, tôi đã gặp được sự giúp đỡ nhiệt thành của ông bà Phanxicô Xaviê Phạm Vũ Hiệp, Hà Nội (sđt: 0949-084-494). Hai vị đã đích thân hành hương đến quê quán sáu vị thánh họ Vũ-Võ, kính viếng các đền thánh, chụp hình và đích thân liên lạc với hậu duệ các vị thánh để có được những số liệu chính xác và sống động. Tôi xin được ghi lại ở đây như một gợi hứng. Ước mong rằng hậu duệ các vị thánh thuộc những dòng họ khác cũng cung cấp cho chúng tôi những thông tin tương tự để, khi có điều kiện, chúng tôi có thể phổ biến lại cho đồng tộc của các ngài ở khắp nơi.

ĐƯỜNG VỀ QUẦN PHƯƠNG – QUÊ HƯƠNG THÁNH BÊNAĐÔ VŨ VĂN DUỆ

Đền Thánh kính thánh tử vì đạo Bênađô Vũ Văn Duệ tọa lạc tại làng Quần Phương, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu, cách Hà nội khoảng 150 km. Yên Định là một thỊ trẤn nhỏ, đẹp, rất gọn gàng, đặc biệt đường quê ngõ xóm rất sạch. Ở đây gần biển nên không khí ấm áp, trong lành dễ chiụ. Người dân sống chủ yếu nhờ nông nghiệp. Bánh nhãn là đặc sản địa phương rất ngon và thơm. Quần Phương là giáo xứ toàn tòng công giáo. Nhà thờ chính xứ ở giữa thị trấn. Giáo xứ này là một trong ba giáo điểm (Quần Phương Đông Cường, Trà Lũ Phú Nhai và Ninh Cường) trên quê hương Việt Nam được đón nhận Tin Mừng sớm nhất, từ năm 1533. Đền Thánh Bênađô nằm sau nhà thờ xứ, cách khoảng 200m, trong một khuôn viên rộng ước khoảng 2000 mét vuông. Ngoài tượng đài Cha Thánh rất lớn dựng ở bên ngoài, bên trong ngôi nhà thờ rất cổ kính, khá bề thế đẹp, rất trang trọng và tôn nghiêm còn có bàn thờ Cha Thánh. Phía trước tượng đài và cũng là trước đền thờ Cha Thánh còn có một ngôi nhà 15m x 8m, cao chừng 5m, mái cong rất cổ, lợp ngói ta vừa được tu sửa, quét mầu ghi sáng rất ấn tượng.

Chi tộc họ Vũ ở Quần Phương khá đông và hiện còn giữ được gia phả lập ngày 15.11.1785. Cha Thánh Bênađô là chi thứ hai, con cụ cố Vũ Hữu Quán. Trưởng tộc hậu duệ hiện nay của Cha Thánh là Ông Vũ Hữu Ninh, 70 tuổi (năm 2010 - sđt: 0350-377-5017). Ông cùng Ông Vũ Văn Đốc, 61 tuổi, trông nom đền Cha Thánh (sđt: 0350-377-5577; 0169-980-188).

Hằng năm, Giáo xứ Quần Phương và hậu duệ Cha Thánh tổ chức giỗ ngài vào ngày 1.8 dương lịch và giỗ chi tộc họ Vũ ở Đông Cường – Quần Anh vào ngày 15.11 âm lịch.

ĐƯỜNG VỀ LÊ XÁ – QUÊ HƯƠNG THÁNH PHAOLÔ VŨ VĂN ĐỔNG

Thánh tử vì đạo Phaolô Vũ Văn Đổng là người làng Lê Xá. Vị thánh này có người con trưởng làm linh mục tên là Dương nên thường gọi theo tên con là Thánh Dương.

Về mặt xã hội, Lê Xá xưa kia cùng với thôn Cao Xá và thôn Bạn Lễ thuộc xã Vực Đường. Vào thời Hậu Lê, để tiện bề cai trị, vua chia xã Vực Đường thành 3 xã có tên là: Lê Xá, Cao Xá và Bạn Lễ.

Về mặt tôn giáo, trước khi vua tách xã, Vực Đường là một họ đạo thuộc xứ Cao Xá (nên hiểu Cao Xá này là tên của một xứ đạo thuộc Hưng Yên, chứ không phải là thôn Cao Xá như mới nói ở trên). Giáo dân của họ Vực Đường hầu hết sống ở thôn Lê Xá, nên sau khi tách xã, họ đạo Vực Đường nằm gọn trong xã Lê Xá, còn lại hai xã kia chủ yếu là người lương. Vì thế nói giáo họ Vực Đường hay giáo họ Lê Xá cũng là một. Vào năm 1915, giáo xứ Cao xá được tách ra thành hai giáo xứ: Cao Xá và Đan Chàng. Lúc đó, họ đạo Lê Xá (Vực Đường) thuộc vào xứ Đan Chàng. Năm 1947, họ đạo Lê Xá được nâng lên là giáo xứ Lê Xá, và kể từ đây tên gọi họ đạo Vực Đường biến mất.

Năm 1954, hầu như toàn bộ giáo xứ Lê Xá di cư vàoNam. Sau đó có những gia đình gốc Lê Xá từ các vùng xung quanh quay về lại. Theo niên giám 2004, hiện nay Lê Xá là một giáo xứ nhỏ, chỉ có 201 tín hữu, thuộc xã Vũ Xá, huyện Kim Động (xưa là huyện Ân Thi), tỉnh Hưng Yên, thuộc giáo phận Thái Bình – do cha xứ Ngọc Đồng quản nhiệm.

Đường về Lê Xá: Từ thành phố Phủ Lý, đi khoảng 10km về phía bắc sẽ tới thị trấn Đồng Văn, lên cầu vượt, vào đường đi Hưng Yên và đi khoảng 8 km tới cầu Yên Lệnh , qua cầu là ngã tư Yên Lệnh, rẽ trái , đi khoảng 7 km, qua cả TP Hưng Yên tới giữa trung tâm thị trấn huyện Kim Động gặp ngã ba cây xăng, rẽ phải (về xã Vũ Xá và Giáo xứ Lê Xá) đi khoảng 5 km, nhìn bên trái sẽ thấy nhà thờ Giáo xứ Lê Xá. Nếu đi xe buýt từ Hà Nội thì đón xe buýt số 209 (Giáp Bát - Hưng Yên).

Khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ không rộng lắm. Nhà thờ trước kia lợp ngói. Cột, dầm và kèo đều được làm bằng gỗ tốt, chạm trổ công phu và mỹ thuật, nhưng qua bao biến cố lịch sử, và không được coi sóc nhiều nên đã xuống cấp trầm trọng và đã được tu sửa 2004, lợp tôn. Người chăm sóc nhà thờ hiện nay là ông Vũ Văn Cường, sđt: 0321-3826-452).

Di cư vào Nam, phần đông giáo dân Lê Xá đến định cư tại Lạc An, tỉnh Bình Dương, lập thành họ đạo Lê Xá thuộc giáo xứ Mỹ Vân (Lạc An), giáo phận Phú Cường. Trên đường từ Hố Nai về Sài Gòn, đến giáo xứ Hà Nội, theo đường Phát Triển, đi 12 km sẽ đến nhà nguyện họ Lê Xa tại ấp 1, xã Lạc An, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Cuối nhà nguyện giáo họ có tượng đài Thánh Phaolô Vũ Văn Đổng. Hằng năm, lễ mừng trọng thể được tổ chức cả ngoài Bắc và trong Nam vào ngày 03-6, quy tụ bà con đồng hương khắp nơi về tham dự mừng kính vị tử đạo này.

Hậu duệ Thánh Phaolô Vũ Văn Đổng:

Ô. Tôma Vũ Đức Tín, hiện ở Xuyên Mộc, sđt: 0643-877-663; 01627-101-314.

Ô. Tôma Vũ Trọng Tế, ở giáo xứ Thánh Tâm, Hố Nai, sđt: 0613-885-590.

Lm Tôma Vũ Khắc Minh, ở giáo phận Kontum, sđt: 01679-984-138, 059-3864-399.

ĐƯỜNG VỀ THUẬN NGHĨA – QUÊ HƯƠNG THÁNH PHÊRÔ VŨ ĐĂNG KHOA

Đền Thánh Khoa: Từ Hà Nội vào, qua khỏi km 405 gặp cầu Giát (thuộc thị trấn Cầu Giát), đi thêm khoảng 500 mét, gặp đường rẽ bê tông phía tây, ranh giới giữa khối phố 7 và khối phố 8, đó đường vào nhà thờ giáo xứ Thuận Nghĩa. Đền Thánh Khoa ở sát cạnh nhà thờ. Đền thờ Thánh Khoa hiện nay được xây cất năm 1992. Hai bên đền thờ là hai khu đất nhỏ, nơi lưu giữ hài cốt và chôn cất các linh mục đã phục vụ giáo xứ. Giữa cổng và Đền Thánh Khoa là những hàng ghế để bà con giáo dân kính viếng Ngài

Lễ giỗ ngày 24.11 hằng năm tại Thuận Nghĩa được tổ chức rất trọng thể, rước và diễu hành đi rất xa vài ba cây số. Tại miền Nam: lễ giỗ được luân phiên tổ chức tại các xứ có đông người gốc Thuận Nghĩa; cứ mười năm một lần bà con xa xứ lại quy tụ về quê hương Thuận Nghĩa một lần (năm 2010 là lần thứ hai).

Ông Vũ Đình Hòe, hậu duệ Cha Thánh năm nay 54 tuổi, hiện đang chăm sóc đền Thánh Khoa. sđt: 038-3770318; 01655403308. Cũng có thể liên hệ với ông Vũ Văn Sâm, sđt: 01638-687-376.

Từ Thuận Nghĩa phát xuất rất đông linh mục và tu sĩ nam nữ. Trong hàng hậu duệ của Thánh Khoa có Lm Vũ Văn Trí, phó xứ Hiệp Đức, giáo phận Phan Thiết, sđt: 0933-163-556; cha Nguyễn Duy Lam ofm (họ ngoại), sđt: 0937-893-885.

ĐƯỜNG VỀ CHUÔN TRUNG VÀ BÚT QUAI – QUÊ HƯƠNG THÁNH LUCA VŨ BÁ LOAN

Thánh Luca Vũ Bá Loan sinh tại giáo họ Bút Quai, giáo xứ Bút Đông và an táng tại thôn Chuôn Trung xã Chuyên Mỹ – Phú xuyên – Hà nội (Hà Tây cũ). Tại đây có Đền và Nhà Thờ kính ngài.

Từ Hà Nội theo Quốc lộ số 1 xuôi về phía nam, tới km 38 hoặc 40, (có ba lối) rẽ phải vào đường liên huyện, đi khoảng 6 km là tới đền Cha Thánh Luca.

Chuyên Mỹ là một xã nông nghiệp trù phú, nhộn nhịp vì có nghề làm đồ gỗ giả cổ, chạm khảm lâu đời, rất uy tín. Dân toàn tòng công giáo, mộ đạo và rất tôn kính Thánh Luca Vũ Bá Loan. Kẻ Chuôn gồm ba thôn Thượng, Trung và Hạ cùng nằm ven sông Nhuệ. Trước khi Cha Luca chết, cả ba thôn đều đòi xin xác cha về an táng. Cha đồng ý để cho Chuôn Trung lo. Họ chở xác Cha từ Cầu Giấy về trên sông Nhuệ phải đi qua Chuôn Thượng. Đoán biết giáo dân Chuôn Thượng sẽ giữ di hài cha lại để chôn, họ tổ chức đi hai thuyền. Con thuyền trống dong cờ mở mang áo quan nhưng bên trong không có di hài Cha Thánh đi trước, bị giữ lại ở Chuôn Thượng. Còn con thuyền nhỏ lặng lẽ đi sau đã đưa di hài Cha Luca về tới Chuôn Trung an toàn. Chuôn Trung ở giữa nên cả hai thôn Thượng và Hạ đều có thể đến mộ, không xa.

Đền và Nhà thờ kính thánh Luca Vũ Bá Loan ở Chuôn Trung rất đẹp. Bàn thờ bằng gỗ quý, được chạm trổ và gắn ngọc trai hồng, trang trọng và mỹ thuật. Sau nhà thờ, trên tháp cao có tượng vị thánh tử đạo nhìn về hướng ngôi Đền kính ngài. Đền được dựng giữa một hồ nước đường kính khoảng 60m, với cây cầu nối xinh xắn. Đền xây hình lục giác, hai tầng mái cong, ở mỗi cạnh được mở bằng 04 cánh cửa gỗ. Tượng Thánh Luca Vũ Bá Loan được tạc bằng đá quý.

Sinh quán cha thánh Luca Vũ Bá Loan là thôn Bút Quai – Duy Tiên – Hà Nam (thuộc Giáo xứ Bút Đông), cách Chuôn Trung 20 km về phía tây nam. Ta trở lại Quốc lộ 1A, đi tiếp về phía nam, đến thị trấn Đồng Văn, lên cầu vượt, rẽ trái vào đường sang Hưng Yên, khoảng 4km đến chợ Lương (chợ mở bên vệ đường) qua cầu Lương, là Giáo họ Bút Quai, nhà thờ cách đó khoảng 800m.

Theo bà con ở Bút Quai, con cháu trực hệ Thánh Luca Vũ Bá Loan nay không còn ai ở làng, chỉ vài người bà con họ ngoại rất xa của Cha Thánh như vợ ông Trần văn Chiến, người đang coi sóc Nhà Thờ và Đền Thánh ở đây. Ông đã 77 tuổi (2011 - sđt: 01696281890).

Bút Quai là một giáo họ nghèo. Đền Thờ Cha Thánh vừa được xây xong tháng 6-2010 do giáo dân tại đây, giáo dân Chuôn Trung, khách hành hương, và một số linh mục có liên hệ xa gần cùng góp sức xây dựng. Hàng năm, giáo họ Bút Quai cũng như giáo dân Chuôn Trung cùng làm lễ giỗ Thánh Luca Vũ Bá Loan vào ngày 5-6 dương lịch.

ĐƯỜNG VỀ TRUNG LAO – QUÊ HƯƠNG THÁNH ĐA MINH VŨ ĐÌNH TƯỚC

Từ Hà Nội muốn về Trung Lao, ta theo Quốc lộ 1, xuôi nam, qua Phủ Lý, tới Nam Định, đi vào trung tâm thành phố, lên cầu Đò Quan, và từ Cầu này đến thị trấn Cổ Lễ khoảng 20 km. Khi đến gần giữa thị trấn có một cây cầu nhỏ bên phải, rộng và dài chừng vài ba mét gọi là cầu Điên Biên. Qua cầu này, là vào phố Trung Đông – Trung Lao. Sau khoảng 1 km tới cây cầu thứ tư kể từ cầu Điên Biên, rẽ trái là đền Cha Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước. Đứng ở trên cầu hay trên đường cũng nhin thấy được rất rõ.

Trung Lao là một giáo xứ lớn, có trên 8000 tín hữu với 10 Họ Đạo và 18 Xóm Giáo (trong đó có xóm Tây Phong là nơi Thánh Tước Chào Đời và có xây Nhà Nguyện kính Ngài). Nhà thờ xứ bằng gỗ, Bàn thờ sơn son thiếp vàng cổ nhất Địa phận Bùi Chu, khởi công xây dựng cách đây 123 năm (1888-2011) ngày nay vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt. Ngày 1.1.2010 Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm đã về xứ đạo nâng Nhà thờ Lên Đền Thánh với Tước Hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa. tại toà vàng trong Thánh Đuờng có Tương Thánh Tước bằng gỗ qúy to cao 2m50 được thực hiện cách nay cả 100 năm, Đế tượng có hộp dựng xương của Ngài. Ngoài ra trong khuôn viên khu vực nhà thờ còn có Đài Tưởng niệm với tượng Thánh Tước đúc bằng đồng, uy nghi đứng bên cạnh Nhà Truyền thống của Giáo Xứ. Tại Trung Lao có rất đông người họ Vũ, rất mộ đạo và cũng rất sùng kính các Thánh tử đạo, trong đó có Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước. Người đang coi sóc đền Thánh Tước là ông Vũ Đình Hàm (sđt: 0165232176), Theo ông Hàm, ở Trung Lao hiện có hơn 200 người theo đuổi ơn gọi tại các chủng viện và dòng tu trên toàn quốc.

Hằng năm, bà con Trung Lao tổ chức lễ giỗ Cha Thánh Đa Minh vào ngày 19/6 dương lịch, tổ chức rất trang trọng. Khách hành hương và khách mời rất đông. Đây là ngày lễ đông vui nhất trong năm ở Trung Lao.

Trung Lao là một giáo xứ sầm uất, nhôn nhịp và trù phú. Đa số dân làm nông, một số người đóng đồ gỗ, khắc và chạm khảm tinh vi. Tại quê nhà cũng như khi đi làm ăn xa, giáo dân Trung Lao sống có tổ chức, đoàn kết, biết chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.

Còn về dòng tộc của Cha Thánh Đa Minh tại Trung Lao hiện có các ông Vinh Sơn Vũ Đình Sơn và Vinh Sơn Vũ Đình Sản, sđt: 01697149155. Cha Giuse Vũ Thanh Cảnh - Chính xứ NamĐịnh. TP Nam Định, sđt: 090 326 3902.

Muốn tìm hiểu rõ hơn, xin mời vào trang Giới trẻ Đồng Hương Trung Lao:

http://gioitretrunglao.webnode.com.

ĐƯỜNG VỀ HÀ THẠCH – QUÊ HƯƠNG THÁNH PHÊRÔ VŨ TRUẬT

Thầy giảng Phêrô Vũ Truật là vị Thánh tử đạo duy nhất của Giáo phận Hưng Hóa, quê tại giáo xứ Hà Thạch. Giáo phận Hưng hóa nằm phần lớn ở trung du, miền núi Bắc bộ đất đỏ. Giáo xứ Hà Thạch thuộc góc đông nam Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ; sát đường tỉnh lộ 320, ven bờ sông Hồng. Hiện tại giáo xứ này có đền kính thánh Phêrô Vũ Truật. Tượng đài và đền thánh tọa lạc trên một khu đất rộng. Đền thánh được khởi công xây dựng ngày 18.12.1997, do linh mục Phêrô Phùng Văn Tôn, và được Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng cắt băng khánh thành, dâng lễ làm phép đền và tượng, ngày 18.12.1998.

Hậu duệ của Thầy Thánh Phêrô Vũ Truật hiện còn hai chi. Chi gần nhất là Ô Giuse Vũ Hữu Dụng, sinh năm 1947 (sđt: 0121-3714-358). Ông là hậu duệ 6 đời của Thầy Thánh Truật. Còn 01 chi nữa ở cách Đền Thánh 6km, vì lý do kinh tế nên chi này đã bỏ họ Vũ sang họ Nguyễn nhưng vẫn tụ họp ngày giỗ Thầy Thánh Truật vào 18-12 hàng năm. Trước kia bà con ở đây còn giữ được ảnh chân dung Thánh Truật, có hai dòng chữ nho chạy dọc hai bên. Hiện nay bà con đồng hương Hà Thạch, trong nước và hải ngoại, một số nơi còn giữ được di ảnh.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

Loan Tin Mừng cho dòng họ

-----------------------------------------------------------------------------

* Bài liên quan:

Một vài kinh nghiệm loan Tin Mừng qua con đường Đạo Hiếu

Vấn đề thờ cúng ông bà trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam

Một số thực hành gây ái ngại

Quan điểm mới của Tòa Thánh

Dưới mái từ đường của trăm họ

Gia phả, chìa khóa mở lòng anh em

Gia phả Chúa Giêsu Kitô

Thiên Chúa Cha mạc khải qua Kinh Thánh

Đạo hiếu trong lời nguyện phụng vụ

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa

Tránh bị ngộ nhận một lần nữa (2)

Các Thánh tử đạo người Việt xếp theo dòng họ

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...