Thư gởi vợ: nhớ về một cái tát tai

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1522 | Cật nhập lần cuối: 4/14/2017 6:59:22 PM | RSS

"Thư gởi vợ: nhớ về một cái tát tai" là bài đoạt giải nhất trong cuộc thi "Viết về người Bạn đời" do Chương trình chuyện đề - Ban MV Gia đình, tổ chức tại TTMV TGP. Giải được trao trong Đêm "Cảm ơn Tình Yêu" tại TTMV, ngày 12.2.2012. Sau đây là nguyên văn bài viết của tác giả Xuân Thái.

* * *

Này em yêu, gần 40 năm trước, khi chúng ta đều trên dưới 30, cái tuổi của ”tam thập nhi lập”, chúng mình đã yêu nhau tha thiết.

Hồi đó, tuy làm chủ một cửa hàng lớn trong vùng, nhưng em vẫn là một cô gái hồn nhiên đơn sơ và rất sùng tín của xứ đạo Thánh Khang Thủ Đức. Còn tôi chỉ là ký giả quèn của vài tờ báo nơi Sàigòn phố chợ, dù ít nhiều từng trải và được tiếng là kẻ đạo gốc nhưng rất kém tin và khô khan.

Một chiều cuối năm 1974, sau khi mệt rã vì đi đó đây giữa Sàigòn nắng gắt, tôi đã đưa em vào khách sạn, sau khi thuyết phục đủ đường. ( KS / Lê Lai nằm trên đường Lê Lai bây giờ, một trong nhiều địa chỉ sang trọng và tiện nghi nhất hồi đó).

Em nhớ không? căn phòng riêng đầy gợi cảm riêng tư lúc ấy đã ghi nhận những mẩu đối đáp quẩn quanh kỳ cục : “cho anh đi, một lần thôi, trước sau mình cũng thuộc về nhau mà”.

- “Không, không thể được, phải chờ lên bàn thánh đã anh”.

Cứ như thế, các đối đáp chỉ là những dằn co giữa CHO và KHÔNG rồi đi vào ngõ cụt bế tắc.

Mất hết kiên nhẫn, tôi đã lao vào em như thú dữ đói mồi. Chợt….“bốp”, trong tình huống quá đỗi bất ngờ, chẳng chút phòng vệ, má tôi đã nhận một cái tát tai rát bỏng. Tôi sững người chết lặng, em giận dữ xô cửa bỏ về.

Lên bàn thánh”, chưa lúc nào ba cái từ này lại nhiều đắng cay và đáng thù ghét đến thế.

Nhưng rất nhanh sau đó, tôi đã bình tâm để nhận ra rằng : “Em đã giữ gìn luật Chúa và luật Chúa đã giữ gìn em”. Khi người con gái biết bảo vệ mình bằng mọi giá lúc này, ắt phải là một giá trị quý hiếm về sự thủy chung son sắt mai đây.

Trời cao đã soi sáng cho tôi biết về điều ấy thật đúng lúc, vì thế, sau khi hết lòng xin lỗi và được em cùng gia đình hai bên chấp thuận, cha xứ đã hoan hỷ chủ sự đám cưới trọng thể của chúng ta, cùng với lời dặn dò nhỏ nhẹ riêng em :

Hãy về dạy bảo chồng thêm nữa nghe con”.

* * *

Lấy chồng, không còn là cô chủ ngày nào, em phải làm may và may rất đẹp, nhưng chưa bao giờ có được bộ quần áo mới may cho riêng mình. Em dạy may, nhiều học trò ra mở tiệm thành công khá giả, nhưng chính gia đình mình vẫn chưa thể thoát nghèo.

Túng nghèo luôn kéo theo nhiều cám dỗ thách đố. Hai con gái xinh xắn lần lượt ra đời chất thêm cái gánh vốn đã nặng lên vai em. Cơn lốc lịch sử 75 đã cuốn trôi và đổi thay nhiều thứ, tôi đi “cải tạo”.

Thách đố càng tăng khi chồng vắng nhà dài hạn, cám dỗ đến ngay từ “cố nhân”, người từng mến mộ em ngày trước. Cám dỗ cũng đến từ những giúp đỡ tưởng như chí tình vô tư, nhưng với linh cảm riêng của người phụ nữ, em đã nhận ra những nguy cơ tiềm ẩn, nên thường khéo léo từ chối, nhận chịu trăm đường khó khăn, chỉ để lòng được bình an thanh thản.

Đường xá xa xôi nơi rừng xanh núi thẳm, xe cộ khó khăn, mỗi lần đi thăm chồng là trăm lần vất vả hiểm nguy, đến nỗi một lần, con mình suýt rơi xuống vực. Mỗi lần đi thăm như thế đều làm những người chứng kiến phải nao lòng xúc động. Gánh của em, một đầu gánh con nhỏ, một đầu mang thực phẩm nuôi chồng, tay còn lại dắt con lớn lũn cũn bước theo, dò đi từng bước trên đường rừng trơn trợt vì bão mưa lầy lội.

Em không có sự lôi cuốn dễ gần khi lần đầu gặp mặt, và nói năng cũng chẳng khôn khéo dễ nghe, nhưng em không biết nói dối bao giờ và luôn rất sợ những đồng tiền không rõ nguồn gốc, ngay cả những lúc đang rất túng nghèo, thiếu thốn.

Trong đời sống tâm linh, em hay bảo rằng : mình không biết cầu nguyện, dù vẫn đọc kinh, nhưng lại rất thường “tâm sự và nói chuyện” với Chúa, Đức mẹ và các thánh. Thật đáng suy nghĩ, vì những nhu cầu của em qua những lần “nói chuyện” ấy, các ngài ít khi từ chối hoặc làm em thất vọng.

Quen “nói chuyện” kiểu như thế, em đã viết một lá thư rất dài kèm với tấm hình gia đình, nhờ chuyển đến Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, để xin với Ngài rằng, khi nào có dịp bay ngang hoặc gần với không phận Việt Nam, xin Ngài hãy dơ tay chúc phúc cho đất nước và Giáo Hội Việt Nam. Cuối cùng, xin Ngài hãy đặt tay lên đầu từng người trong tấm hình gia đình 4 người, để chúc phúc và xin được ơn ĂN MÀY CHẾT LÀNH, coi như một lần gia đình đang thực sự hành hương đất thánh.

Em dấu rất kín chuyện viết thư, tôi chỉ được biết về các điều ấy sau khi gia đình nhận được thư hồi âm từ Điện Vatican đề ngày 04/11/1993, cùng với quà tặng là hình ảnh và chữ ký của Ngài với sự kinh ngạc tột độ.

Chỉ cần nghĩ về em, tôi đã thấy ấm lòng và luôn có sự bình an đến kỳ lạ, chẳng thể nói hết bằng lời.

Ngày 31/5/1999, vài bàn tiệc đơn sơ tại nhà kỷ niệm 25 năm Lễ cưới bạc của mình, khách mời chỉ gồm số ít thân hữu và một vài linh mục gần gũi. Hôm đó, cha Bêđa Ngô Minh Thúy Dòng Biển Đức, dù đang bận vì phải giảng phòng gần như trùng giờ, nhưng Ngài đã đến, dù chỉ 15 phút, vừa đủ thời gian để uống chút nước lọc và chúc phúc cho mọi người. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tặng món quà nhỏ, kèm câu nói ngắn:” Có nhiều người yêu chưa chắc đã hạnh phúc hơn khi chỉ có một người yêu “. Nhà thơ Phạm Thiên Thư thì đùa rằng: “ Này ông, nếu “Đưa em tìm động hoa vàng” thì đừng …ngủ say như tôi nghe cha nội ”.

* * *

Em thương yêu ơi!

Nhắc lại cái tát tai, để nhớ về bộ luật đơn giản chỉ có hai chương. Chúng ta chưa già lắm, dù tóc mình đều đã bạc, nhưng chưa lúc nào tôi thấy mầu trắng nơi tóc em lại lung linh đẹp đẽ như bây giờ, vì tôi biết rõ, mái tóc ấy ngày nào từng đã mướt xanh, nó phải bạc dần theo quy luật đất trời, và nó sẽ còn bạc thêm nhiều nữa, theo mỗi lo toan cho chồng con qua từng ngày chung sống.

Nơi những sợi tóc bạc ấy, chắc chắn đang có một phần đóng góp cùng những cộng hưởng đáng kể của tôi và ngược lại, nơi mầu trắng của tóc tôi cũng thế.

Chúng luôn đẹp lắm, tôi biết ơn chúng thật nhiều, hỡi những sợi tóc bạc của em yêu.

Xuân Thái