Thư gửi học trò cũ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2611 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

GN - Giáo dục là để vun đắp chiều sâu nhận thức và chiều rộng tâm hồn… Sẽ có ngày xã hội và những  người quản lý thức tỉnh nhìn nhận ra điều ấy. Vấn đề là thời gian và sự  kiên nhẫn của chúng ta.


Xuân Mai thân mến,

 

Vậy đó đã 30 năm từ khi em vào đời làm cô giáo và cũng đã 34 năm kể từ ngày thầy bước chân lên bục giảng ở ngôi trường sư phạm thành phố biển ấy. Thời gian trôi qua nhanh quá đến độ thầy cảm thấy giật mình khi nghe tin một số bạn đồng trang lứa với em đã xin về hưu như Ánh Hồng, Tám, Dung… Có người vì sức khỏe suy giảm, có người vì những điều không tiện nói như cảm thấy chán nản vì môi trường sinh hoạt, vì áp lực công việc hay vì… gì gì nữa.

 

Những năm trước thầy hay nghe em than phiền vì chương trình có nhiều điểm bất cập cả về nội dung và phương pháp. Tại sao ư? Khi cả nền giáo dục không chỉ lạc hậu mà còn… lạc lối, theo nhận định của chính những nhà giáo dục hàng đầu trong nước như các Giáo sư Văn Như Cương, Hoàng Tụy, Hồ Ngọc Đại… Thế nhưng thành tích giáo dục thì vẫn “ngất ngưởng” cao chót vót với những tỷ lệ thi tốt nghiệp xấp xỉ 100%! Sự không trung thực còn đó nằm ngay trong những ý định tốt đẹp nhất để cách tân nền giáo dục.


Em cũng than phiền về các đồng nghiệp trẻ thiếu nhiệt tình trong công việc, chỉ biết dạy và dạy thêm (!). Em cũng phải dạy thêm để chu cấp cho cái gia đình bé nhỏ của mình bao năm qua nhưng em tự hào vì mình dạy với tất cả “lương tâm chức nghiệp”, không nề hà thời gian công sức. Còn có người chỉ biết “lam lũ’ cày cấy trên cánh đồng chữ nghĩa và “đầu tắt mặt tối” với cuộc mưu sinh, không niềm vui, không lý tưởng… nói gì đến những suy tư lãng mạn bay bổng như “khi thầy viết bảng bụi phấn bay bay”…


Thầy nhớ đã có lần thầy viết cho Ánh Hồng giải thích lý do sự xơ cứng tình cảm  ấy. Tại sao ư? Em có biết bản thân sinh viên khi chọn nghề sư phạm không phải ai cũng tự nguyện hay hiểu mình muốn gì khi ngay cả Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng không định hướng rạch ròi cho ngành sư phạm về mục tiêu, chỉ tiêu sinh viên cho các trường sư phạm. Em buồn vì e ngại khi chạy theo dạy thêm học thêm, người thầy sẽ đánh mất đi sự minh bạch, tính công bằng và phải đối diện với những hệ lụy của nó. Từ chuyện học sinh mất đi sự kính trọng khi có thể dùng sức mạnh tiền bạc để mua chuộc thầy cô, các nhà quản lý giáo dục, cho đến dùng thế lực hoặc cả vũ lực trấn áp học đường, bè bạn, thầy cô…


Nhưng em hẳn  biết vì sao họ phải dạy thêm? Và em lại thấy buồn khi  đã sắp đến tuổi về hưu lại chứng kiến Sở hay Phòng Giáo dục “cài cắm” học sinh vào lớp dạy thêm của mình nhằm có bằng chứng tố cáo. Để làm gì? Để thực hiện lý tưởng trong sáng của ngành sư phạm chăng? Hay để nêu cao thiên chức của người “kỹ sư tâm hồn” như chúng ta thường nghe? 


Sáng 8-11, ở TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm “Người thầy - nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức với sự tham dự của hơn 300 đại biểu nhằm tôn vinh sự nghiệp trồng người của các thầy cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, vô tình lại trở thành nơi để nhiều thế hệ nhà giáo chia sẻ tâm tư, nỗi buồn, cả nỗi đau khi danh dự của người thầy ngày càng bị xem nhẹ, thậm chí bị xúc phạm. Người ta đã chứng kiến những giọt nước mắt của nhiều người thầy đã rơi xuống, nghẹn ngào, xót xa mà nói như một tờ báo là tâm trạng “bẽ bàng”! Họ không chỉ buồn vì không được dạy thêm, tăng thu nhập, giải quyết cơm áo gia đình mà còn buồn, buồn hơn là thái độ xem chuyện dạy thêm như “tội phạm” (!). Nghĩ sao đây khi người ta lập biên bản thầy cô dạy thêm trước mặt học sinh, làm hoen ố thanh danh, xúc phạm lòng tự trọng và chạm đến nỗi đau thầm kín: NGHÈO!


Nghề thầy giáo là “nghèo”, TS.Hồ Thiệu Hùng, nguyên Phó ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TP.HCM, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố, chia sẻ: “Nhà giáo lao động với cường độ cao một cách thầm lặng, dù được trả lương thấp nhưng nhà giáo đặc biệt coi trọng danh dự. Nhà giáo không chỉ cố tránh làm sai pháp luật mà còn tránh làm những việc dù rất bình thường với người khác nhưng “khó coi” với nhà giáo để tránh gây điều tiếng cho mình và cho ngành”.


NGND GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, cũng chia sẻ: “Cần phải nhìn nhận nguyên nhân vì sao có việc dạy thêm, học thêm. Nếu học sinh có năng khiếu, đi học thêm để nâng cao khả năng thì đâu có gì là sai. Hết sức sai lầm khi bắt giáo viên dạy thêm như bắt buôn lậu”!


Các đại biểu tham dự đều cho rằng pháp luật không cấm người lao động được làm thêm để có thu nhập và việc có thu nhập thêm từ nghề của mình là chính đáng. Việc giáo viên dạy thêm “tràn lan”, không chỉ vì lý do chương trình ôm đồm, thi cử nặng nề… mà còn do cha mẹ các em chỉ còn mỗi nơi tin cậy nhất là gửi con trong vòng tay các thầy cô giáo khi cạm bẫy giăng đầy trong xã hội. Và họ đặt vấn đề thử hỏi lương nhận được của giáo viên ở đô thị hiện nay có thể sống và nuôi con được bao lâu, một tuần hay nửa tháng?


Ông Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM khẳng định “Xã hội đã tạo ra một nếp nghĩ về một biểu tượng người thầy chỉ nên sống bằng đồng lương, thanh bạch mà cao quý. Nếu đồng lương đủ trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình sẽ rất tốt và cần thiết để người thầy đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội”. Mọi người đều cho rằng cần phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với người làm công tác giáo dục để người thầy thoát khỏi cảnh bươn chải kiếm sống.


Cốt lõi vấn đề là cải cách tiền lương. Tiền lương phải được sử dụng như công cụ kích cầu trực tiếp, có hiệu lực nhanh nhất. Tất cả đều nhất trí cho rằng cần có cách tính lương cao nhất dành cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, bởi mức lương như vậy mới thể hiện sự tôn vinh của xã hội với lĩnh vực luôn được xem là quốc sách hàng đầu của đất nước (Thế nhưng chúng ta biết là để tăng dẫu chỉ 100.000 đồng/ tháng cho CBCNV mà Quốc hội trăn trở, bàn luận để tìm ra nguồn chi, mà lại dự kiến từ tháng 7-2013 thì hy vọng nào cho thầy cô giáo…?) Thế nên , em có lẽ sẽ không ngạc nhiên nếu đồng nghiệp của em chuyển sang nghề khác sau giờ dạy trên lớp.


Trong Hội thảo trên, người ta đã nêu lên những hình ảnh ấy. Có nhiều giáo viên đã nói rằng không dạy thêm nữa thì một buổi đi dạy, một buổi ra chợ để bán hành tỏi. Có người tính buổi tối xin đi làm nghề phục vụ nhà hàng hoặc chạy xe ôm. Có người nhận làm gia sư chuyên dò bài cho học sinh… Rất có thể rồi đây, nhiều nhà giáo cũng sẽ theo cách làm này chăng để khỏi bị xúc phạm danh dự và khi đó trường học vốn đã khó thu hút người giỏi lại càng thiếu giáo viên.

 

Dù khoa học kỹ thuật phát triển đến đâu đi nữa, thậm chí giảng dạy bằng giáo án điện tử, vai trò người thầy thời đại nào cũng cần thiết, vì đó là người hướng dẫn, người hiểu những yêu cầu từ phía học sinh, là người không chỉ truyền thụ kiến thức, mà cả kinh nghiệm và lối sống, những chất liệu không soạn sẵn, mà qua tương tác thực tế… Một bài toán được đặt ra ở đây, là làm thế nào để giữ được cái gọi là “tôn sư trọng đạo”, trong tinh thần “Kính thầy mới được làm thầy”? 

 

Một trong những xương sống phát triển đất nước chính là giáo dục, chưa kể trong bối cảnh đạo đức con người, văn hóa xã hội được cảnh báo xuống cấp trầm trọng như hiện nay. Lòng kiên nhẫn, sự nhường nhịn lẫn nhau trở thành xa xỉ. Thay vào đó có người đang lao vào kiếm tiền bằng mọi cách, mọi giá, bất chấp thủ đoạn. Hơn lúc nào hết, giáo dục phải được đặt đúng vai trò và tầm quan trọng của nó. Và những nhà quản lý đất nước hay ngành giáo dục phải thực tế hơn nữa mới mong có sự chấn hưng nền giáo dục.

 

Xuân Mai thân, hãy vững lòng tin vào chân lý và sự hiểu biết của xã hội. Em sẽ không cô đơn trong hành trình tìm kiếm sự đồng cảm. Trong lá thư gửi 2 năm trước, thầy muốn nhắc lại ý nghĩ  “càng tin tưởng vào con người và cuộc đời thì ta càng có mặt trong con người và cuộc đời bằng những hóa thân của mình. Lúc bấy giờ ta sẽ thấy không gian của cái tôi thật rộng lớn, nhìn đâu cũng là nơi đáng để ta nâng niu và vui sống". (Minh Niệm – Hiểu về trái tim). Hãy thắp lại ngọn đèn của trí tuệ và từ ái vì không một dân tộc nào có thể vững mạnh phát triển mà thiếu đi những phẩm chất ấy. Những phẩm chất mà em và những thầy cô hôm nay đang sở hữu, có điều một số người chưa nhận ra thôi. Giáo dục là để vun đắp chiều sâu nhận thức và chiều rộng tâm hồn… Sẽ có ngày xã hội và những  người quản lý thức tỉnh nhìn nhận ra điều ấy. Vấn đề là thời gian và sự  kiên nhẫn của chúng ta.

 

Em hãy vui cùng học sinh và luôn  giữ niềm tin yêu vào công việc, vào sứ mệnh của một người thầy - “kẻ đưa đò trí thức”, vượt qua khúc quanh nghiệt ngã này, hãy dũng mãnh vượt qua những bất trắc rình rập trên đường, chung quanh và trong chính lòng ta. Hãy đi hết đoạn đường đã chọn, người chiến binh trong hành trình marathon góp sức vào việc dựng ngọn cờ trí tuệ Việt Nam!


Thầy,
Nguyên Cẩn


Nguồn: giacngo.vn