Về sự phát triển của đạo Islam ở người Chăm thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3427 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)

 

Quan hệ giữa cộng đồng Islam với cộng đồng địa phương

 

Về sự phát triển của đạo Islam ở người Chăm thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (2)Ngoài những tranh chấp vừa nêu, bộ phận dân cư theo Islam sống tách biệt hẳn cộng đồng Bàni trong đời sống tôn giáo và phong tục, do đức tin và sự tôn thờ chỉ một đấng tối cao Allah và do tuân thủ triệt để các tập tục của người Hồi giáo. Họ không tham gia các nghi lễ của cộng đồng khu vực chung cho cả người Bàlamôn và Bàni cũng như lễ như lễ Rija Nưgar của làng, lễ Palau rijasah (tế thần thủy), Katê (tế thần kim loại), Chapkahalau krong (lễ tế thần mộc ở đầu nguồn nước, còn được gọi là lễ chặn nguồn). Họ không thực hiện những nghi lễ nông nghiệp của gia đình như lễ tạ điền, lễ gieo hạt, lễ dựng chòi, lễ mừng lúa ra đòng, lễ cúng lúa trổ bông, lễ cúng thần chuột, cúng cơm mới (Trương Hiến Mai & Sử Văn Ngọc, 2002: 87 - 176). Họ không tham gia các lễ cúng của dòng họ như lễ múa lớn (rija prong), lễ múa ban ngày (rija harey), lễ múa ban đêm (rija dayaup), lễ tạ tổ tiên (rija hiay), lễ cúng cầu tổ tiên phù hộ khi trong dòng họ có nhiều người ốm đau hoặc tai họa rủi ro, lễ tảo mộ… Họ cũng không thực hiện bất kỳ lễ nghi nào liên quan đến ngôi nhà và người chết như lễ tẩy uế đất, lễ dựng nhà, lễ mừng nhà mới, lễ bắc bếp, lễ cúng tuần sau khi chôn cất, v.v…

 

Như vậy, mối liên hệ của người Chăm Islam với cộng đồng Chăm nói chung, với cộng đồng làng xã nơi họ chung sống và có quan hệ máu thịt không còn được duy trì về phương diện tôn giáo và phong tục nữa, có chăng chỉ theo quan hệ tình cảm riêng tư, quan hệ láng giềng và quan hệ hành chính. Ngay với những người quá cố, thân nhân không khóc than vì người chết ra đi do Thượng đế an bài đi nhận nhiệm vụ mới. Sau khi an táng cũng chỉ làm lễ tuần cầu nguyện với lễ vật đơn giản. Ở họ chỉ quan hệ giữa những người cùng cộng đồng Islam và quan hệ giữa cá nhân với Allah là thiêng liêng và cao cả. Điều quan trọng đối với họ là hành đạo theo 5 điều căn bản của đạo Hồi: 


- Nhận tin Thượng đế

- Cầu nguyện

- Ăn chay tháng Ramadan

- Hành hương về La Meque

- Bố thí


Trong hành động phải chú trọng giáo luật với những bổn phận bắt buộc (Wa jib); những điều bị cấm (harăm) như uống rượu, hãm hiếp phụ nữ …; những điều không nên làm (ma krok); việc có thể tuỳ ý (sunat và haros) (Nguyễn Mạnh Cường, 2003: 143 - 145, 284 - 293; Phạm Xuân Biên, 1991: 304 - 307).

 

Những động thái nói trên của Hồi giáo chính thống đã đặt con người chỉ trong quan hệ với Thượng đế, với đạo, tách thoát họ ra khỏi những quan hệ truyền thống với dòng họ, làng xóm, với văn hoá cổ truyền, là những điều rất sâu nặng đối với người Chăm Bàlamôn và Bàni. Có thể vì vậy mà nó khó phát triển trong cộng đồng người Chăm, mặc dù nó có những nghi lễ đơn giản, không tốn kém, tín đồ không bị lệ thuộc vào các chức sắc, giáo luật nghiêm khắc.

 

Về sự phát triển của đạo Islam ở người Chăm thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (2)Tuy nhiên, giữa các tín đồ Islam cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn: Trong lễ Taravel của tháng chay niệm Ramadan các tín đồ của phái 8 raach cúi lạy 8 lần, còn các tín đồ của phái 20 raach cúi lạy 20 lần. Sự khác biệt này vẫn thường gây xung đột giữa họ với nhau. Đặc biệt, ở thánh đường X (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã xảy ra một vụ đổ máu giữa hai phái này vào năm 1988. Cũng ở thánh đường này năm 2003 các tín đồ còn kiện cáo ban hakem không minh bạch về tài chính, đề nghị chính quyền xã phân xử (Nguồn: UBND xã Y, 2005).


Cũng như đạo Bàlamôn và đạo Bàni, sự du nhập của Hồi giáo chính thống vào một bộ phận người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận bắt nguồn từ gốc rễ sâu xa trong chính xã hội Chăm ở địa phương. Tuy vậy, sự du nhập của Hồi giáo chính thống vào chỗ này, nhưng không vào nổi chỗ kia, ngoài đặc thù chung của tộc người còn do những đặc điểm riêng về kinh tế, xã hội trong từng cộng đồng dân cư. Số liệu về tín đồ Islan ở hai xã Phước Nam và Xuân Hải dưới đây sẽ minh chứng cho điều này:

 

Xã:

 

Tổng số tín đồ

Hồi giáo

Số tín đồ Islam

Tỷ lệ tín đồ Hồi giáo mới so tổng số tín đồ Hồi giáo

 

Đ.v: người

Đ.v: người

Đ.v: %

Phước Nam

8051

1200

14,9

Xuân Hải

7524

2134

28,2

Nguồn: UBND hai xã Phước Nam (huyện Ninh Phước) và Xuân Hải (huyện Ninh Hải), tỉnh Ninh Thuận, 2005.

 

Đối chiếu số lượng và tỷ trọng tín đồ Islam trong tổng số tín đồ Hồi giáo (gồm Islam và Bàni) với quá trình phát triển của Islam ở hai xã này có thể thấy: xã Phước Nam (thôn Văn Lâm) đạo Islam du nhập trước và thánh đường 101 được xây dựng sớm hơn (1962). Xã Xuân hải (hai thôn An Nhơn và Phước Nhơn) tiếp nhận Islam chậm hơn và thánh đường 102 và 103 được xây dựng ở đây muộn hơn (1964 và 1968). Số tín đồ Bàni ở xã Phước Nam đông hơn xã Xuân Hải, nhưng cả số lượng và tỉ lệ tín đồ Bàni chuyển sang Islam ở Phước Nam thấp hơn Xuân Hải. Thực tế và lịch sử phát triển của Islam ở hai xã nói trên cho thấy đặc thù địa phương của cư dân cũng ảnh hưởng tới mức độ phát triển của Islam.

 

Kết luận

 

Sự tách biệt của một cộng đồng tôn giáo ra khỏi cộng đồng dân cư - văn hoá kiểu thành thị trong điều kiện nông thôn và xã hội nông nghiệp là một trường hợp ít có ở Việt Nam. Vì vậy, nó vừa là một thử thách đối với người quản lý nhà nước, đòi hỏi phải vận dụng những kinh nghiệm ở các vùng nông thôn có tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo… trong quản lý dân cư. Nhưng những kinh nghiệm quản lý vùng Chăm hỗn hợp Bàni và Islam cũng là những kinh nghiệm quý giá cần được đúc kết và so sánh với những vùng tôn giáo khác nhằm phục vụ cho việc quản lý xã hội tốt hơn.

 

Tạ Long - Ngô Thị Chính

Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần III, ngày 4-7 tháng 12 năm 2008.

Nguồn: vanhoahoc.vn

 

*Tài liệu tham khảo:

1. Phan Xuân Biên (chủ biên) (1991). Văn hóa Chăm. Nxb. Khoa học xã hội, H, 473 tr.

2. Phan Xuân Biên (1993). Văn hoá Chăm - Những yếu tố bản địa và bản địa hoá. T.c. Dân tộc học, No.1.

3. Nguyễn Mạnh Cường (2003). Người Chăm (Những nghiên cứu bước đầu). Nxb. Khoa học xã hội, H, 575 tr.

4. Nguyễn Văn Luận (1974). Người Chàm Hồi giáo ở miền Tây Nam phần. Bộ Văn hóa Giáo dục & Thanh niên xuất bản, Sài Gòn, 351tr.

5. Nacamura, Rie (1999). Cham in Vietnam. Dinamics of ethnicity. Doctoral Dissertation. University of Washington, 310 pages.

6. Nguyễn Khắc Ngữ (1967). Mẫu hệ Chăm. Trình bày, Sài Gòn, 200 tr.

7. Viện Đào tạo Mở rộng (1992). Kinh tế - Văn hoá Chăm. Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Thành phố Hồ Chí Minh, 144 tr:

8. Lê Thanh Nhân. Người chăm Hồi giáo ở khu vực Mubaraic (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh).

9. Bá Trung Phụ. Gia đình người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận

10. Nguyễn Tuấn Triết. Đặc điểm mẫu hệ và phụ quyền trong xã hội người Chăm ở Việt Nam.