Viễn cảnh và nỗi bức xúc của tín đồ đạo Islam tại Indonesia

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 802 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Viễn cảnh và nỗi bức xúc của tín đồ đạo Islam tại IndonesiaNhân dịp đầu năm mới theo niên lịch Hồi giáo (1 Muharram 1432 / 7.12.2010), Ban MVĐTLT TGP xin gởi lời chúc mừng thân hữu đến tất cả tín đồ Hồi giáo tại Tp. HCM. Đây cũng là một cơ hội để người Kitô hữu hiệp thông và lắng nghe tiếng nói của một người anh em Islam, trong Đại hội SEAMS tại Indonesia vừa qua. Bản chuyển ngữ bài phát biểu của Giáo sư Azyumardi Azra do nữ tu Anna Nguyễn thị Phượng, thành viên của BMVĐTLT, người đã tham dự ĐH Các Bề trên Thượng cấp Đông Nam Á vào tháng 11/2010 vừa qua.


Phát biểu của ông Azyumardi Azra (*)

ở Đại hội SEAMS XIV (16-22/11/2010) tại Palm Beach, Kuta, Bali, Indonesia


Viễn cảnh và nỗi bức xúc của tín đồ đạo Islam tại Indonesia1. Từ thế kỷ 13 đến nay anh em đạo Islam và Kitô hữu trong quần đảo Nusantara vốn chung sống trong hòa bình. Tuy nhiên, tại một số đảo nhất là vùng đảo phía đông, các tín đồ đạo Islam đã tham gia các cuộc đấu tranh kịch liệt chống lại người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì họ muốn đem Tin mừng vào vùng đất này. Sau đó, khi người Hòa Lan đến thuộc địa hóa nhiều vùng đất của quần đảo, đạo Islam thực sự đã phát triển, bởi vì người Islam ở Indonesia nói chung đã nhận ra sự hiện diện của người Hòa Lan là sự bành trướng của ‘những kẻ ngoại đạo, tức những người không theo đạo Islam’ chiếu theo lời dạy của đạo Islam nên họ phải đứng lên chống lại. Thật quá rõ khi nói rằng sự bành trướng của Kitô giáo đã phát triển trong suốt thời gian đô hộ của người Hòa Lan. Cho dù mọi đố kỵ hoặc ‘cuộc chạy đua tôn giáo’ theo ngôn từ của BJO Schrieke, nhà xã hội học Hà-lan, nói chung tương quan giữa người Hồi giáo và Kitô hữu là hòa bình, vì người Hà-lan không nhân nhượng bất cứ hình thức xung đột nào. Mãi đến ngày 17 tháng 8 năm 1945 khi nước Indonesia được tuyên bố độc lập, các nhóm - phái tôn giáo mới thực sự tham gia vào các cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của Hòa Lan và Nhật bản.


2. Tại Indonesia, tôn giáo là một phần của văn hóa và đời sống cộng đồng; và tính đa dạng cũng phản ánh rất rõ trong đời sống tôn giáo. Đó là lý do tại sao các mối tương quan tốt lành và hài hòa giữa các tôn giáo là rất quan trọng trong nhà nước Indonesia. Theo ước tính gần đây, dân số của Indonesia khoảng 236 triệu, 88,2% là Hồi giáo, 5.87 % Tin lành, 3.05 % Công giáo, 1.81 % Ấn độ giáo, 0.84 % Phật giáo và 0.20 thuộc những nhóm phái - tôn giáo khác. Nhà nước Indonesia chính thức công nhận sáu tôn giáo lớn là Hồi giáo, Tin lành, Công giáo, Ấn độ giáo, Phật giáo và Khổng giáo. Điểm cần lưu ý là mặc dù dân số trong quần đảo này hầu hết đã cải đạo theo Hồi giáo, nhưng lại là một đất nước được xem là một trong những vùng được Ả-rập hóa ít nhất trong thế giới Hồi giáo. Về mặt địa lý, nó cũng là vùng đất xa nhất đối với Bán đảo Ả-rập, nói chính xác hơn xa nhất đối với Mecca và Medina, nơi Đạo Islam được bắt nguồn và phát triển. Đó là lý do tại sao, về cơ bản đạo Islam ở Indonesia thì ôn hòa và khoan dung.


3. Mặc dù có sự phân biệt này, nhưng vẫn còn đó những vấn đề ảnh hưởng đến tín đồ Hồi giáo và Kitô hữu cho đến ngày nay: một trong những sự khác biệt giữa họ dựa trên nền tảng của nhà nước Indonesia được nêu lên trong Lời mở đấu của Hiến Pháp 1945. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo phải tham gia và đấu tranh để đạo Islam phải trở thành nền tảng trong Hiến Pháp Nhà nước. Nhưng cuối cùng ngày 17 tháng 8 năm 1945, Pancasila (Năm Nguyên Tắc) đã được chấp thuận là nền tảng của Nhà nước; và cột trụ thứ nhất là “Niềm tin vào Một Thiên Chúa Tối Cao” với một câu được thêm vào “đối với người theo đạo Islam, họ bắt buộc phải thực hành luật của đạo Islam,” thường được biết đến dưới tên ‘Hiến Chương Jakarta’. Các Kitô hữu cảm thấy khó chịu vì câu này; và họ đã đến gặp Phó Chủ tịch Muhammad Hatta đề nghị gạt bỏ câu này vì các Kitô hữu cũng là thành viên của nước Indonesia độc lập. Được báo trước Hatta liền triệu tập các nhà lãnh đạo Hồi giáo và cắt nghĩa trường hợp này. Cuối cùng người Hồi giáo chấp thuận bỏ đi phần sau của cột trụ thứ nhất vì sự thống nhất của Nhà nước Indonesia


4. Dường như liền sau đó, vấn đề này tiếp tục tô vẽ lên các mối tương quan giữa Hồi giáo và Kitô giáo trong nước; những mối nghi kỵ lẫn nhau giữa hai tôn giáo vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhiều Kitô hữu vẫn còn nghi ngờ và lo lắng rằng đạo Islam sẽ được thay thế và trở thành nền tảng của Nhà nước; hoặc Indonesia sẽ biến đổi thành một Nước Hồi giáo. Sự nghi kỵ này cần phải được loại bỏ, vì phần đông người Hồi giáo Indonesia vẫn cam kết với Hiến Chương Pancasila, Nhà Nước Thống Nhất của Indonesia (NKRI), Hiến Chương 1945, và Nguyên tắc ‘bhinneka tunggal ika’ (sự khác biệt trong sự thống nhất). Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn gây căng thẳng trong mối tương quan giữa người đạo Hồi và Kitô hữu. Nói chung các Kitô hữu vẫn tiếp tục nghi sợ rằng người Hồi giáo nói chung vẫn còn nỗ lực biến Indonesia thành một Nhà Nước Hồi giáo hoặc ít là bắt buộc nhà nước chấp thuận luật Shari’a . Tất nhiên vẫn có những cuộc nổi loạn của một số nhóm Hồi giáo, như Darul Islam (DI) và Negara Islam Indonesia (NII), nhưng vì số đông người Hồi giáo không ủng hộ họ và quân đội Indonesia đã thường dứt khoát phản kháng họ. Thỉnh thoảng các nhà lãnh đạo Islam nổi tiếng như Muhammad Natsir và những người khác đã duy trì và xác nhận rằng Pancasila cũng đủ để là Hồi giáo rồi, bởi lẽ cả năm cột trụ của Pancasila cũng tương hợp với một số lời dạy cơ bản của đạo Islam. Hơn nữa nhà lãnh đạo Hồi giáo như K.H. Ahmad Shiddiq đã làm sáng tỏ rằng Pancasila là hình thức ‘cuối cùng’ của nền tảng ý thức hệ và cương lĩnh phổ thông cho một Indonesia có tính đa nguyên.


Viễn cảnh và nỗi bức xúc của tín đồ đạo Islam tại Indonesia


5. Vì cuộc cách mạng của dân Indonesia nhằm duy trì nền độc lập đã kéo theo nhiều chao đảo về mặt chính trị, trong suốt thời kỳ của chủ tịch Soekarmo không có các cuộc đối thoại liên tôn nào đáng kể diễn ra trong đất nước này. Xung lực để đối thoại liên tôn được Chủ tịch Soeharto đề xướng vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 sau biến cố đảo chánh của người CS bị thất bại đã dẫn đến một loạt những mâu thuẫn giữa tín đồ đạo Hồi và Kitô hữu. Điều này có phần liên quan đến một số ‘tin đồn’ cho rằng khoảng 6 triệu người bị nghi là CS hầu hết là người theo đạo Hồi đã cải đạo theo Kitô giáo. Và điều này gây nên căng thẳng giữa tín đồ Hồi giáo và Kitô hữu ở một vài nơi như Makassar phía nam vùng Sulawesi, dẫn đến việc đốt phá các nhà thờ của Kitô giáo.


6. Đó là lý do tại sao Chủ tịch Soeharto khởi xướng cuộc đối thoại liên tôn do Nhà nước tổ chức. Vì mục đích của những cuộc đối thoại tôn giáo này, ông cho phép các hội đồng đại diện các tín đồ tổ chức những cuộc đối thoại đều đặn. Đó là Hội Đồng Ulama (MUI – Hội đồng những học giả chuyên nghiên cứu về luật đạo Islam); Hội đồng các Giáo Hội Thệ Phản Indonesia (DGI-Protestant); Hội đồng tối cao của các Giáo Hội Công giáo (MAWI, Catholic), Hội đồng Parisadha Hindu Dharma Indonesia của Ấn giáo, và Walubi của Phật giáo. Sau đó vào thập niên 90 với sự ban hành sắc lệnh về luật Pancasila được coi là nền tảng ý thức hệ duy nhất của mọi tổ chức tại Indonesia, như tổ chức DGI trở thành Hội đồng PGI, và tổ chức MAWI đổi thành Hội đồng KWI cho đến ngày nay. Tất cả những tổ chức này hợp với các cơ quan tổ chức khác, đặc biệt là nhóm Hồi giáo truyền thống Sunni - Nahdlatul Ulama (NU) và Muhammadiyah là những thành viên tích cực của đối thoại liên tôn.


7. Mặc dù có đối thoại liên tôn, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn mối căng thẳng giữa anh em Hồi giáo và Kitô giáo. Trong bối cảnh này, tôi cho rằng mối quan hệ liên tôn được yêu cầu không chỉ do các lời giáo huấn tôn giáo, nhưng còn là những nhân tố quan trọng của cuộc sống ảnh hưởng đến toàn thể mọi người không phân biệt tôn giáo, giai cấp, trình độ giáo dục và địa vị xã hội, địa dư, chủng tộc,mội trường văn hóa, quốc gia và lịch sử. Vì thế, việc cho rằng những giáo huấn của các tôn giáo gây nên mối căng thẳng và xung đột khiến họ phải hành xử - ngoài những nhân tố hình thành cuộc sống của họ ra - không chỉ là ngây ngô nhưng còn vô lý và ngu xuẩn nữa. Nhiều xung đột-nếu không phải là hầu hết các ‘xung đột tôn giáo’ có căn nguyên do bởi những nhân tố đó và chẳng có liên quan gì tới tôn giáo cả. Vì thế quả là một sai lầm lớn khi nhanh chóng gọi cuộc xung đột giữa các tín hữu xuất phát từ những lời giảng dạy và thái độ của các tôn giáo.


8. Nhiệm vụ cần khắc phục của các nhà lãnh đạo Indonesia bây giờ là khôi phụ lại Hiến chương Pancasila đã bị dùng sai danh nghĩa dưới chế độ của Soeharto từ năm 1985 và sau đó như là một phương thế để duy trì tình trạng chính trị của chế độ. Chế độ này không chỉ áp đặt cách giải thích Pancasila, nhưng còn tệ hại hơn nữa, đã đưa đến sự truyền bá cưỡng ép được gọi là P4 cho tất cả mọi thành phần trong xã hội. Thật là đáng tiếc cho tất cả các nhà lãnh đạo (Habibie, Abdurrahman Wahid, Megawati Soekarnoputri, and Susilo Bambang Yudhoyono) đã không phục hồi lại tinh thần của Pancasila và công bố hiến chương cách công khai. Tôi muốn chứng tỏ rằng không có gì sai trái trong Hiến chương Pancasila; quả vậy “kalimatun sawa” - cương lĩnh phổ thông này đã tự chứng minh là nền tảng ý thức hệ có khả năng hợp nhất, khả thi và đứng vững cho một Indonesia có tính đa nguyên.


9. Từ nhãn quan của đạo Islam, những mối tương quan liên tôn thường bị những chương trình và sinh hoạt Kitô hóa hoặc truyền đạo gây xáo trộn và nhắm đến tín đồ Hồi giáo. Nói chung, người Hồi giáo rất đố kỵ cho rằng các Kitô hữu hằng nỗ lực cải đạo tín đồ Hồi giáo theo Kitô giáo, bằng những phương thế bất công, như bóc lột tín đồ Hồi giáo do sự yếu kém về mặt kinh tế, sức khỏe, giáo dục của họ và vân vân. Mặt khác các nhà truyền giáo và giảng đạo Kitô giáo cho rằng có nhiều hạn chế áp đặt trên các Kitô hữu làm cho họ không những khó khăn trong việc rao giảng, xây cất nhà thờ, nhưng còn trong việc giữ đạo nữa. Tuy rằng có những trường hợp cho thấy các khó khăn trong việc xây dựng những nhà thờ trong các làng mạc và vùng đất phần đông theo Hồi giáo. Đây cũng là trường hợp mà những tín đồ Hồi giáo cũng gặp rất khó khăn khi xây dựng đền thờ của họ ở in Bali, Papua, Minahasa, or Tarutung, nơi mà tín đồ Hồi giáo là thiểu số. Vì thế, cần phải có một khoản luật dựa trên sự đồng tình của tất cả mọi nhóm tôn giáo hầu thiếp lập một giải pháp cho vấn đề này.


10. Việc xây dựng các mối tương quan liên tôn lành mạnh và hòa bình tại Indonesia sẽ tùy thuộc rất nhiều vào khả năng của mỗi nhóm tôn giáo, trước tiên là đào sâu sự hiểu biết các tín điều và thực hành sống đạo của các tôn giáo. Sự hiểu biết sâu sắc này bao gồm sự nhìn nhận tính đa diện giữa các tín đồ của mỗi tôn giáo trong các giải thích các chiều kích khác nhau của lời giáo huấn nơi các tôn giáo. Nhờ sự hiểu biết sâu xa về các tôn giáo, chúng ta hy vọng có khả năng tháo gỡ, hoặc ít là, làm giảm bớt cái nhìn chủ quan-in đúc, thiếu chính xác và thiên kiến. Và cuối cùng thành quả đem lại sẽ là sự tôn trọng lẫn nhau và lòng bao dung trong một cuộc sống an bình.


11. Đồng thời cũng cần nỗ lực nhắm đến mọi nhân tố tự tại ảnh hưởng đến các tương quan giữa các tôn giáo. Điều này gồm việc thiết lập những điều kiện công bằng và hợp lý hơn về kinh tế, chính trị và giáo dục giữa các tôn giáo. Những sự bất cân bằng và phân cách giữa các tôn giáo chỉ làm xấu đi mối quan hệ liên tôn. Các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm tôn giáo có thể cùng nhau sát cánh tạo dựng những tương quan liên tôn tốt đẹp và lành mạnh hơn.


Chuyển ngữ: Nữ tu Anna Nguyễn thị Phượng-SPC

---------------------------

(*) Azyumardi Azra là Giáo sư môn sử học, nguyên Viện trưởng Đại học Islam ‘Syarif Hidayatullah’ tại Jakarta, Indonesia (1998-2002; 2002-2006).